Phải làm gì khi bạn giỏi hơn sếp?

Một nhà lãnh đạo giỏi là người mà bạn ngưỡng mộ, là tấm gương để học hỏi và hướng tới, đóng vai trò là người cố vấn, đào tạo và giúp bạn phát triển trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình trong sự nghiệp. Nhưng nếu sếp của bạn không phải là nhà lãnh đạo thông thái, càng không phải là người cố vấn và bạn nhận ra mình thực sự giỏi hơn sếp, bạn nên làm gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá về chủ đề này qua bài viết dưới đây.

Phải làm gì khi bạn giỏi hơn sếp được bổ nhiệm ở công ty?

1. Thành thật với chính mình

Trước khi bắt đầu phàn nàn về sự kém cỏi của sếp, hãy dành thời gian để suy ngẫm về kỹ năng và trình độ của chính bạn. Liệu bạn có thực sự giỏi hơn sếp hay bạn có thể xuất sắc ở khía cạnh này trong khi sếp lại vượt trội ở những lĩnh vực khác? Tại sao sếp được cất nhắc lên vị trí? Tất cả đều có lý do, chẳng hạn như đó là kết quả của quá trình làm việc nhiều năm, kinh nghiệm, mạng lưới quan hệ. Về mặt kỹ năng, bạn có thể nhỉnh hơn họ nhưng bạn cũng nên nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác, điều gì họ có thể làm còn bạn thì không?

Do đó, điều cần thiết là phải thành thật với chính mình về điểm mạnh, điểm yếu và nhận ra việc thông minh hay giỏi hơn sếp sẽ không tự động biến bạn trở thành người lãnh đạo. Đồng thời, cũng nên hiểu rằng khái niệm giỏi hơn hay thông minh hơn cũng chỉ mang tính tương đối. Để thành công trong vai trò là người quản lý, bạn không chỉ cần kiến thức, kỹ năng mà còn là kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm sống, mạng lưới quan hệ, khả năng quản lý cảm xúc, chịu được áp lực cao…

giỏi hơn sếp
Một người sếp thiếu năng lực sẽ khiến nhân viên chán nản.

2. Giữ im lặng và tránh nói xấu sếp

Nếu bạn kết luận rằng trên thực tế bạn có trình độ hay giỏi hơn sếp thì đừng vội vàng bàn luận điều này với người khác. Việc phàn nàn về sự yếu kém của sếp sẽ khiến nhiều người có thái độ tiêu cực với bạn và làm tổn hại đến các mối quan hệ đồng nghiệp. Bạn sẽ đánh giá như thế nào về một người luôn oán giận chỉ vì cảm thấy mình xứng đáng làm sếp hơn? Liệu bạn có muốn trở thành một người như thế trong mắt người khác?

Thay vì nói xấu sếp, tốt hơn hết là nên thể hiện sự tôn trọng và có thái độ đúng mực với họ. Việc tâm sự với đồng nghiệp thân thiết có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm tạm thời nhưng hãy thận trọng đừng trở thành “bà tám” đưa câu chuyện đi quá xa. “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, bạn sẽ chẳng thể biết được việc nói xấu sếp này sẽ gây ra hậu quả như thế nào đâu. Vậy nên tốt nhất là biết “giữ mồm giữ miệng”.

3. Đừng kiêu ngạo và tập trung làm tốt công việc

Nên nhớ là bạn được tuyển dụng bởi người sếp mà bạn chê trách. Do đó thay vì bị cuốn vào cảm giác thất vọng, tức giận, hãy tập trung cải thiện hiệu suất công việc. Hoàn thành xuất sắc vai trò của mình cũng như thể hiện giá trị của bản thân đối với tổ chức là bạn đang từng bước tự trải thảm cho con đường thăng tiến trong tương lai. Đồng thời đừng quên mục tiêu chính là đóng góp vào thành công chung, không phải gây ra xung đột giữa sếp và các cá nhân khác.

giỏi hơn sếp
Dù có giỏi hơn sếp thì bạn vẫn cần tập trung hoàn thành nhiệm vụ của mình.

4. Cùng làm việc và hỗ trợ sếp tốt hơn

Thông qua những lần cộng tác trực tiếp với sếp, bạn có thể tìm cách phát huy lợi thế và bù trừ điểm yếu của sếp. Đây là cơ hội tốt để bạn chứng minh năng lực với tư cách là một thành viên trong nhóm và nâng cao giá trị, hình ảnh của mình.

Nếu sếp của bạn thiếu một kỹ năng hoặc kiến thức cụ thể mà bạn lại nổi trội thì hãy đề nghị chia sẻ kiến thức chuyên môn với họ. 

Xem thêm: Sếp muốn bạn thay đổi gì để thăng tiến hơn trong công việc?

5. Đừng bao che cho sếp khi họ mắc lỗi

Mặc dù việc hỗ trợ sếp là quan trọng nhưng cũng không nên che đậy những sai lầm hoặc thiếu sót nghiêm trọng. Nếu sếp của bạn liên tục mắc sai lầm hoặc thể hiện sự kém cỏi, việc tiếp tục dọn dẹp mớ hỗn độn mà họ tạo ra sẽ không mang lại lợi ích tốt nhất cho bạn. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc mang lại giá trị để đạt được mục tiêu của bản thân. Khi những nỗ lực của bạn đang bị lợi dụng để bao che cho những thiếu sót trong quyết định của sếp, có lẽ đã đến lúc bạn nên báo cáo việc này với bộ phận nhân sự hoặc cấp quản lý cao hơn trong tổ chức.

6. Suy nghĩ tích cực về sếp

Ngay cả những ông chủ khó tính nhất cũng có phẩm chất đáng được tôn trọng. Điều quan trọng là phải tìm ra khía cạnh tích cực trong tính cách hoặc phong cách làm việc của họ. Khi tập trung vào khía cạnh tích cực của sếp, bạn có thể dễ dàng duy trì mối quan hệ làm việc lành mạnh và hiệu quả hơn.

Đồng thời bạn cũng có thể học hỏi từ những sai lầm của họ. Bằng cách quan sát phong cách quản lý sẽ giúp bạn định hình những điều không nên làm với tư cách là một nhà lãnh đạo. Từ đó sử dụng kiến thức này để cải thiện kỹ năng và nâng cao triển vọng nghề nghiệp.

Xem thêm: Tư duy tích cực là gì? Bật mí bí quyết giúp bạn tích cực trong mọi hoàn cảnh

giỏi hơn sếp
Thay đổi góc nhìn về sếp cũng là cách giúp bạn giao tiếp và làm việc với họ hiệu quả hơn.

7. Học hỏi từ người khác

Sếp không phải là người duy nhất mà bạn có thể học hỏi. Do đó, nếu họ không cung cấp những điều bạn cần, hãy chủ động tìm kiếm nguồn cố vấn khác. Việc học hỏi của bạn không thể vì gặp một người cố vấn không lý tưởng mà ngừng trệ được. Vì vậy, hãy thôi phàn nàn hay đổ lỗi cho số phận mà bắt tay vào hành động những điều có ích cho sự phát triển của bản thân.

8. Giỏi hơn sếp hãy trở thành người có tư duy cầu tiến

Sẽ rất tốt nếu bạn đặt cái tôi sang một bên và tập trung vào việc hỗ trợ sếp và nhóm của bạn. Hãy nhớ rằng trách nhiệm chính là giúp nhóm thành công hơn chứ không phải chứng tỏ bạn thông minh hay giỏi hơn sếp. Áp dụng cách tiếp cận hợp tác thay vì chiến đấu, bạn sẽ tạo ra môi trường làm việc tích cực.

Xem thêm: Chủ động trong công việc là chìa khóa giúp bạn thăng tiến nhanh chóng

9. Biết khi nào nên dừng lại

Nếu mối quan hệ của bạn với sếp trở nên không bền vững hoặc bạn thấy rằng bạn không thể tôn trọng họ, sự kém cỏi của sếp làm nhân viên mất động lực, đặc biệt là khi toàn bộ nhóm phải chịu đựng và dọn dẹp hậu quả từ sai lầm của sếp, đã đến lúc bạn suy nghĩ lại. 

Tử tế trong hành xử và tận tâm trong công việc là điều nên làm, nhưng mọi thứ đều có giới hạn. Nếu sếp cũng tỏ thái độ khó chịu với bất kỳ điều gì bạn làm, có lẽ đã đến lúc bạn nên cân nhắc tìm công việc mới. Mặc dù điều quan trọng là cố gắng giải quyết vấn đề, nhưng đôi khi cách hành động tốt nhất là rời bỏ và tìm một nơi làm việc phù hợp hơn.

giỏi hơn sếp
Trong nhiều trường hợp, cách giải quyết tốt nhất khi giỏi hơn sếp là chọn rời đi.

Có thể thấy việc giỏi hơn sếp là một trải nghiệm không mấy dễ chịu, đôi khi còn là thử thách khi bạn phải quản lý cảm xúc để hoàn thành tốt công việc và không đánh mất hình ảnh chỉ vì sự tiêu cực dành cho sếp. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều cách để bạn vượt qua, tập trung vào phát triển sự nghiệp và biến tình huống này thành cơ hội để bứt phá hơn. 

Với những chia sẻ trên, hy vọng bạn đọc đã biết cách ứng xử phù hợp nhất khi nhận thấy mình giỏi hơn sếp. Nếu bạn muốn đi tìm một người sếp mới lý tưởng, hãy truy cập Vieclam24h.vn ngay nhé!

Việc làm gợi ý

ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ

Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV thực tập hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.

Xem thêm: Nghệ thuật giao tiếp lôi cuốn khiến sếp muốn lắng nghe bạn chia sẻ nhiều hơn!

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục