Câu hỏi mở không phải là một khái niệm mới mẻ hay xa lạ mà hầu hết chúng ta đều đã nghe qua. Tuy nhiên bạn có biết tại sao nên sử dụng những câu hỏi mở trong giao tiếp và thời điểm nào là phù hợp để hỏi chưa? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Câu hỏi mở là gì?
Câu hỏi mở là những câu hỏi không thể trả lời đơn giản bằng cách nói “có” hoặc “không” mà thay vào đó yêu cầu người trả lời phải trình bày quan điểm. Trong một cuộc giao tiếp, bằng cách sử dụng loại câu hỏi này, bạn mời người đối diện chia sẻ thêm thông tin về bản thân, trải nghiệm, suy nghĩ của họ. Điều này giúp mở đầu cuộc trò chuyện thoải mái hơn.
Ngược lại với câu hỏi mở là câu hỏi đóng, đề cập đến những câu hỏi yêu cầu một câu trả lời cụ thể. Do đó sẽ thu hẹp phạm vi các câu trả lời và có thể khiến bạn không thể tìm hiểu những thông tin quan trọng.
Ví dụ:
– Câu hỏi đóng: Bạn có những ngày cuối tuần vui vẻ không?
– Câu hỏi mở: Cuối tuần của bạn có gì thú vị nào?
Sử dụng các câu hỏi sẽ giúp bạn tìm hiểu về đối phương. Khi được dùng trong bối cảnh kinh doanh, chúng có thể mang đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về khách hàng, công ty, sự thành công của dự án hay quy trình làm việc. Một trong những lời khen ngợi tốt nhất mà bạn dành cho mọi người là lắng nghe họ một cách chăm chú. Và việc đặt câu hỏi mở là tạo cơ hội để mọi người nói cho bạn biết họ nghĩ gì.
Các dạng câu hỏi
Dưới đây là một số dạng câu hỏi phổ biến:
– Câu hỏi mô tả:
- “Bạn có thể miêu tả về trải nghiệm của bạn khi…”
- “Hãy kể về một kỉ niệm đáng nhớ của bạn về…”
– Câu hỏi đánh giá và quan điểm:
- “Bạn nghĩ gì về…”
- “Bạn đánh giá như thế nào về việc…”
– Câu hỏi để thảo luận:
- “Bạn nghĩ sao về ý kiến này…”
- “Hãy nói cho tôi biết suy nghĩ của bạn về vấn đề này…”
– Câu hỏi khám phá:
- “Bạn đã từng gặp phải tình huống nào tương tự chưa? Nếu có, bạn đã xử lý như thế nào?”
- “Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn về những cập nhật gần đây trong lĩnh vực của bạn.”
– Câu hỏi khuyến khích suy luận và phân tích:
- “Bạn nghĩ tại sao…”
- “Bạn có thể liên kết giữa…”
– Câu hỏi định hướng:
- “Bạn dự định thực hiện như thế nào để…”
- “Bạn nghĩ gì về triển vọng của…”
– Câu hỏi về cảm xúc và trải nghiệm cá nhân:
- “Cảm giác của bạn như thế nào khi…”
- “Bạn đã học được điều gì từ trải nghiệm của mình?”
Cách sử dụng
Mặc dù câu hỏi mở rất hữu ích nhưng không có nghĩa là câu hỏi đóng không có đất dụng võ. Điều quan trọng là cần hiểu câu hỏi đóng và câu hỏi mở là gì, sự khác biệt như thế nào để sử dụng hiệu quả hơn, khai thác được thông tin khi cần và xây dựng mối quan hệ tích cực với người khác.
Khi nào nên sử dụng câu hỏi đóng?
Trong nhiều trường hợp chỉ cần câu trả lời ngắn gọn là quá đủ. Nếu bạn đang thực hiện nghiên cứu sơ bộ hoặc thu thập dữ liệu thì việc đặt các câu hỏi khảo sát dưới dạng câu hỏi đóng sẽ giúp tăng tỷ lệ phản hồi hơn. Đa số mọi người bao gồm cả khách hàng, nhân viên không thích trả lời những câu hỏi yêu cầu trả lời quá dài dòng. Do đó nên đặt câu hỏi ngắn gọn và đúng trọng tâm là lựa chọn tối ưu nhất.
Khi nào nên sử dụng câu hỏi mở?
Câu hỏi mở nên được sử dụng trong một số tình huống khi bạn muốn thu thập thông tin chi tiết, khám phá ý kiến, suy nghĩ của người khác, tạo điều kiện trao đổi ý kiến sâu sắc và phát triển các ý tưởng mới. Dưới đây là một số tình huống thích hợp để sử dụng:
– Trong cuộc phỏng vấn.
– Trong các cuộc thảo luận, họp nhóm.
– Khi muốn khám phá giải pháp và ý tưởng mới.
– Trong quá trình nghiên cứu, phân tích.
– Khi muốn xây dựng mối quan hệ và tạo niềm tin.
Làm thế nào để đặt câu hỏi mở chuẩn xác nhất?
1. Xác định sự cần thiết của câu hỏi
Trước khi muốn dùng câu hỏi mở, chẳng hạn như cho một cuộc khảo sát, hãy tự đánh giá về mức độ phù hợp của chúng. Ví dụ như các câu hỏi về tuổi tác, mức thu nhập, tình trạng hôn nhân nên sử dụng câu hỏi đóng. Tuy nhiên những câu hỏi về quan điểm, cảm xúc, suy nghĩ là cơ hội để người trả lời đưa ra ý kiến một cách thoải mái và không gò bó.
Bên cạnh đó, đừng quên xác định mục đích của bạn và việc đặt câu hỏi là gì. Bạn có muốn tìm hiểm thêm về một ứng viên tiềm năng, trải nghiệm của khách hàng không? Khi đã xác định được điều mình muốn, bạn có thể bắt tay vào việc nghĩ ra những câu hỏi dẫn dắt.
2. Chuyển câu hỏi đóng thành câu hỏi mở
Trong cuộc giao tiếp, hãy bắt đầu chú ý đến những câu hỏi mà bạn đang dùng với đối phương. Có phải bạn vừa hỏi họ một câu hỏi đóng trong khi câu hỏi mở sẽ mang lại nhiều thông tin hơn cho cả hai bên? Do đó, hãy khéo léo chuyển một số câu hỏi đóng thành câu hỏi mở.
Để thực hành việc này thành thạo hơn, bạn có thể tự luyện tập bằng cách viết những câu hỏi đóng thành câu hỏi mở. Ví dụ “khả năng bạn giới thiệu sản phẩm của chúng tôi cho người khác là bao nhiêu?” sẽ được viết lại dưới dạng câu hỏi như “điều gì thúc đẩy bạn chia sẻ sản phẩm của chúng tôi cho mọi người”.
3. Sử dụng câu hỏi để bắt đầu cuộc trò chuyện chứ không phải chạy theo kịch bản
Hãy nhớ rằng các câu hỏi được thiết kế để bắt đầu cuộc trò chuyện với mọi người. Do đó, bạn không nên ngạc nhiên hoặc bối rối và cần chuẩn bị sẵn kế hoạch khi câu trả lời cho một câu hỏi mở dẫn đến những kết quả không liên quan. Đồng thời cũng nên lắng nghe tích cực các câu trả lời để giúp xây dựng mối quan hệ với đối phương.
Thay đổi cách giao tiếp không phải là điều dễ dàng nhưng học cách đặt câu hỏi là cách đơn giản nhưng hiệu quả có thể giúp bạn cải thiện kỹ năng này. Với bài viết trên hy vọng đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về câu hỏi mở là gì. Đừng quên theo dõi blog của Vieclam24.vn để cập nhật nhiều chủ đề thú vị khác nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.
Xem thêm: Phong cách giao tiếp là gì? Liệu bạn đã biết cách giao tiếp phù hợp?