Bạn có nhận thấy mỗi lần tương tác với thương hiệu trên các nền tảng trực tuyến đều dẫn đến trải nghiệm được cá nhân hóa hơn. Quảng cáo đã xem trên Facebook cực kỳ phù hợp với nhu cầu của bạn, trang web có thể đã thực hiện các thay đổi nhỏ để đáp ứng những gì bạn đang tìm kiếm và cảm giác như mọi thứ được tạo ra cho bạn. Làm thế nào để các thương hiệu làm được điều này? Rất có thể họ đang sử dụng CDP để điều chỉnh các hoạt động tiếp thị phù hợp với khách hàng. Vậy CDP là gì, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Customer Data Platform – CDP là gì?
CDP hay nền tảng dữ liệu khách hàng là một phần mềm kết hợp dữ liệu về tất cả các điểm tiếp xúc và tương tác của khách hàng với sản phẩm từ nhiều công cụ để tạo thành cơ sở dữ liệu nhất quán, duy nhất và đầy đủ. Cơ sở dữ liệu này có thể được phân đoạn theo vô số cách để tạo ra các chiến dịch tiếp thị được cá nhân hóa hơn.
Giả sử một công ty đang cố gắng hiểu rõ hơn về khách hàng và họ sử dụng CDP để thu thập dữ liệu từ các điểm tiếp xúc như Facebook, trang web, email, PPC… và hợp nhất chúng thành một hồ sơ khách hàng thống nhất, dễ hiểu. Sau đó sử dụng cho các nền tảng như quảng cáo Facebook để mang đến những trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng.
Xem thêm: Tổng hợp 49 thuật ngữ Social Media Marketing quan trọng mà bạn cần biết
Các loại dữ liệu được thu thập bởi CDP
CDP thu thập nhiều loại dữ liệu và tùy theo doanh nghiệp, lĩnh vực. Có 4 loại dữ liệu khách hàng chính được CDP thu thập và sắp xếp bao gồm:
1. Identity Data – Dữ liệu danh tính
Dữ liệu danh tính là nền tảng của từng chân dung khách hàng trong CDP giúp công ty xác định, phân biệt khách hàng và tránh trùng lặp. Loại dữ liệu này gồm các thông tin sau:
– Họ tên.
– Nhân khẩu học: tuổi, giới tính.
– Vị trí địa lý: địa chỉ, mã zip…
– Liên lạc: email, số điện thoại.
– Tài khoản xã hội: Facebook, LinkedIn, Twitter…
– Học vấn, chuyên môn: chức danh công việc, học vị, công ty…
2. Descriptive Data – Dữ liệu mô tả
Loại dữ liệu này là thông tin mở rộng của dữ liệu danh tính sẽ giúp các thương hiệu hiểu rõ về khách hàng hơn. Descriptive Data bao gồm:
– Nghề nghiệp: thu nhập, làm việc ở ngành nào, các công ty từng làm việc…
– Lối sống: phương tiện đi lại, nhà ở…
– Gia đình: tình trạng hôn nhân, số lượng con cái…
– Sở thích: thể loại phim yêu thích, loại sách hay đọc…
3. Quantitative/Behavioral Data – Dữ liệu định lượng/Hành vi
Dữ liệu định lượng sẽ giúp doanh nghiệp hiểu được cách khách hàng tương tác ra sao với thương hiệu thông qua hành động hoặc giao dịch và bao gồm các thông tin sau:
– Giao dịch: số lượng, loại sản phẩm, ngày đặt hàng, tần suất mua hàng, giá trị mỗi lần mua hàng là bao nhiêu…
– Hoạt động trực tuyến: lượt truy cập vào website, lượt xem sản phẩm, tương tác trên mạng xã hội…
– Dịch vụ khách hàng: ngày liên hệ, chi tiết cuộc trao đổi…
4. Qualitative Data – Dữ liệu định tính
Loại dữ liệu này chủ yếu thu thập các thông tin chủ quan của khách hàng như mong muốn, động cơ, thái độ, đánh giá… giúp làm rõ insight người dùng. Qualitative Data thường bao gồm thông tin về:
– Động lực mua hàng: khách hàng biết về thương hiệu bằng cách nào, lý do mua sản phẩm là gì, vì sao lựa chọn sản phẩm này thay vì sản phẩm khác…
– Ý kiến của khách hàng: đánh giá về sản phẩm như thế nào bao gồm chất lượng, dịch vụ khách hàng, có giới thiệu sản phẩm với người khác không…
Sự khác biệt giữa CRM, DMP và CDP là gì?
Mặc dù là nền tảng xử lý dữ liệu khách hàng nhưng CDP không giống với DMP. DMP chỉ được sử dụng trong quảng cáo và không giúp cá nhân hóa các hoạt động tiếp thị của thương hiệu.
CRM giúp doanh nghiệp tổ chức và quản lý các tương tác trực tiếp với khách hàng nhưng không thu thập bất kỳ dữ liệu hành vi nào và đây chính là lý do CDP xuất hiện để giải quyết vấn đề này.
Dữ liệu là “xương sống” tạo nên CDP
CDP cần dữ liệu khách hàng để hoạt động và với hầu hết các CDP, dữ liệu này ở dạng dữ liệu của bên thứ nhất (first-party data). Có nghĩa là dữ liệu do một công ty thu thập và chỉ được sử dụng cho các hoạt động tiếp thị của công ty đó.
Không giống như dữ liệu của bên thứ nhất, dữ liệu của bên thứ ba do các công ty chuyên thu thập dữ liệu bán hoặc chia sẻ với các doanh nghiệp khác. Do đó khó xác định tính xác thực và có được sự đồng ý của khách hàng từ dữ liệu của bên thứ ba.
Tuy nhiên, với dữ liệu của bên thứ nhất vấn đề này ít có khả năng xảy ra hơn vì bạn sẽ biết chính xác cách thức, thời gian, địa điểm và lý do thu thập dữ liệu. Đây là những câu hỏi quan trọng cần trả lời khi bạn đánh giá độ chính xác của dữ liệu. CDP lấy dữ liệu của bên thứ nhất và biến chúng trở nên hữu ích thông qua quy trình tích hợp dữ liệu khách hàng.
Lợi ích của CDP là gì?
Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều ứng dụng marketing technology để quản lý, phân tích và hành động dựa trên khối lượng dữ liệu của bên thứ nhất. Mặc dù hiệu quả ngày càng tăng nhưng lại phát sinh các vấn đề về dự phòng, độ chính xác và tích hợp dữ liệu. CDP có thể giải quyết 3 vấn đề này và mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như các nhà tiếp thị như:
1. Cải thiện khả năng truy cập dữ liệu
CDP là trung tâm thu thập và lưu trữ thông tin khách hàng từ mọi “ngóc ngách” của thương hiệu. Các phần dữ liệu được chuẩn hóa và tích hợp lại với nhau để xây dựng hồ sơ thống nhất và duy nhất của từng khách hàng. Kết quả là một cơ sở dữ liệu người dùng liên tục được thu thập, chia sẻ dễ dàng và hiệu quả hơn trong toàn doanh nghiệp.
2. Hợp lý hóa tích hợp hệ thống
Customer Data Platform hợp nhất các hệ thống dữ liệu từ tiếp thị, dịch vụ khách hàng đến hệ thống thanh toán. Bằng cách tạo hệ thống hồ sơ khách hàng duy nhất, dữ liệu dư thừa và lỗi được giảm thiểu. Từ đó dữ liệu có thể ra vào nhanh hơn trong các nền tảng tự động hóa tiếp thị hay CRM.
3. Tăng hiệu quả tiếp thị
Thông qua việc hợp nhất dữ liệu cá nhân với các ID duy nhất, các nhà tiếp thị sẽ nhắm mục tiêu và cá nhân hóa chính xác hơn trong các chiến dịch. Đồng thời tạo ra những trải nghiệm khách hàng phù hợp trên các kênh.
Trong nhiều trường hợp, CDP thuộc “sở hữu” của tiếp thị nhằm giảm thiểu sự can thiệp của các đơn vị khác để thu thập, phân tích và hành động dựa trên dữ liệu. Với sự kiểm soát trong tay của các Marketers, thời gian để phân khúc khách hàng, thực hiện các chiến dịch và phân tích kết quả giảm đáng kể, từ đó tốc độ tiếp thị được cải thiện hơn.
Ứng dụng của CDP là gì?
Các doanh nghiệp thường sử dụng CDP để:
– Kết nối trực tuyến với ngoại tuyến.
– Phân khúc khách hàng.
– Cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng.
– Nhắm mục tiêu lại và tạo tệp khách hàng tương tự.
– Tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi.
– Thử nghiệm A/B.
– Tự động hóa đa kênh.
– Cải thiện giá trị trọn đời của khách hàng (CLV).
Xem thêm: Tung hoành trong lĩnh vực Marketing với 21 thuật ngữ Brand Marketing quan trọng
Các doanh nghiệp thường có vô số công cụ và mỗi công cụ chứa một phần dữ liệu khách hàng có giá trị của riêng mình. Điều này tạo ra các silo dữ liệu, trong đó chỉ một số nhóm nhất định mới có quyền truy cập trong khi không ai có thể nhìn thấy đầy đủ dữ liệu khách hàng. CDP đã khắc phục điều này bằng cách kết hợp và hợp nhất tất cả dữ liệu này thành cơ sở dữ liệu cung cấp chế độ xem thống nhất về khách hàng và mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Qua bài viết này, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng bạn đọc đã hiểu thêm về CDP là gì và áp dụng thành công trong công việc của mình. Để tìm việc Marketing mới nhất, hãy truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!
Xem thêm: ChatGPT trong tuyển dụng: Bí quyết tối ưu hoá sức mạnh của trí tuệ nhân tạo