Có bao giờ bạn nhận thấy đôi khi bạn có những hành động hoặc cách nói chuyện giống người ở bên cạnh không. Sự bắt chước vô thức này được gọi là Chameleon Effect và đây là điều dường như tất cả mọi người đều làm mà không hề nhận ra. Cho dù đó là phản chiếu ngôn ngữ cơ thể, nét mặt hay cách nói chuyện của ai đó, Chameleon Effect đều giúp mọi người kết nối với nhau và xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn. Vậy Chameleon Effect là gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Chameleon Effect là gì?
Chameleon Effect hay hiệu ứng tắc kè hoa là một hiện tượng tâm lý được quan sát thấy ở các tương tác xã hội. Trong đó, chúng ta có xu hướng bắt chước hành động, cử chỉ và phong cách của người thường tiếp xúc cùng. Điều này được thực hiện trong vô thức với những thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh hoặc môi trường. Hiện tượng này được đặt theo tên của một loài động vật có khả năng thay đổi màu sắc để hòa nhập vào bất kỳ môi trường nào, đó là tắc kè hoa.
Hiệu ứng tắc kè hoa thường rất tinh tế và nhiều khi bạn sẽ không nhận ra. Một số biểu hiện của hiệu ứng này như:
– Khoanh tay khi bạn đang nói chuyện với một người cũng khoanh tay.
– Sử dụng giọng điệu giống với người đang nói chuyện với bạn.
– Bắt chước tư thế của người khác trong cuộc họp.
– Chuyển động theo những cử động của người đối diện.
Nguồn gốc của Chameleon Effect
Chameleon Effect lần đầu tiên được xác định bởi Chartrand và Bargh vào năm 1999. Chartrand cùng Bargh đã tiến hành một thí nghiệm để kiểm tra hiệu ứng tắc kè hoa. Trong đó, những người tham gia được ghép đôi với người đồng đội đã được huấn luyện để hành động theo những cách cụ thể, chẳng hạn như chạm vào mặt hoặc lắc chân. Những người tham gia không hề biết về vai trò của đồng đội mà tin rằng mình đang tương tác với một người tham gia khác.
Kết quả nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng cho hiệu ứng tắc kè hoa. Họ phát hiện ra rằng những người tham gia có xu hướng bắt chước hành vi của đồng đội dù không nhận thức được rằng mình đang làm như vậy. Sự bắt chước vô thức này thể hiện sức mạnh của Chameleon Effect trong các tương tác xã hội.
Chameleon Effect hoạt động như thế nào?
Có 2 xu hướng bắt chước người khác khi nói đến hiệu ứng tắc kè hoa, phổ biến nhất là kiểu soi gương (mirrorwise) và còn lại là kiểu giải phẫu (anatomical):
Bắt chước kiểu soi gương
Kiểu này bao gồm việc bắt chước một cách vô thức ngôn ngữ cơ thể của người khác nhưng theo hướng ngược lại. Một số ví dụ về kiểu soi gương như:
– Tư thế: khi thấy người đối thoại của mình khoanh tay, bạn cũng sẽ vô thức làm như vậy.
– Cử chỉ: quan sát ai đó giơ tay trái, bạn sẽ giơ tay phải.
Xem thêm: Đọc vị ngôn ngữ cơ thể khi phỏng vấn: Bí kíp nhìn thấu tâm lý ứng viên
Bắt chước kiểu giải phẫu
Bắt chước kiểu giải phẫu là khi bạn mô phỏng hoặc sao chép giống y hành vi, cử chỉ của người khác, đôi khi có liên quan đến các yếu tố về cấu trúc cơ thể. Chẳng hạn như áp dụng các tư thế của người mà bạn đang tương tác. Bắt chước tư thế của ai đó có thể tạo ra cảm giác thân thuộc và hình thành sự kết nối, khiến cho việc tương tác trở nên thoải mái, tự nhiên hơn.
Nguyên nhân tạo nên Chameleon Effect
Nguyên nhân của hiệu ứng tắc kè hoa có thể được giải thích dựa trên một số lý thuyết như:
– Khao khát thu hút và kết nối xã hội: con người thường có nhu cầu cơ bản về việc thu hút người khác và thiết lập kết nối xã hội. Khi chúng ta mô phỏng hành vi của người khác, điều này có thể tạo ra cảm giác gần gũi cũng như môi trường giao tiếp thoải mái hơn.
– Nhu cầu được chấp nhận, hòa nhập: chúng ta luôn sợ cảm giác bị tẩy chay, do đó luôn có nhu cầu về sự an toàn. Bằng cách mô phỏng hành vi và thái độ của người khác, chúng ta có thể tăng cơ hội được chấp nhận trong một tổ chức bất kỳ.
– Giao tiếp hiệu quả: bắt chước hành vi của người khác cũng có thể liên quan đến quá trình học hỏi trong giao tiếp. Chúng ta thường học hỏi từ hành vi của người khác và sử dụng chúng để tương tác với những người xung quanh.
– Xây dựng mối quan hệ gắn kết: bằng cách bắt chước hành vi phù hợp nhất, bạn có thể tạo ra môi trường giao tiếp tích cực, hòa thuận để có mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Tác động của hiệu ứng tắc kè hoa
Trong nhiều trường hợp, hiệu ứng tắc kè hoa được hoan nghênh để mỗi cá nhân thích nghi và hòa nhập với môi trường xung quanh, đặc biệt là nơi làm việc. Trở thành tắc kè hoa ở môi trường công sở trong những năm đầu tiên là cách để một người tồn tại trong công việc và hòa nhập được với con người, văn hóa và bản sắc của tổ chức. Điều này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thăng tiến và phát triển nghề nghiệp.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt là đó là hòa nhập hay hòa tan, liệu bạn có đánh mất chính mình khi cố gắng thích nghi với mọi người? Dưới đây là những tác động tích cực và tiêu cực của Chameleon Effect để bạn đánh giá và có câu trả lời xác đáng nhất:
Tác động tích cực
– Tạo điều kiện gắn kết mối quan hệ: dù cô ý hay vô ý, bắt chước hành vi của người khác thường sẽ làm tăng thiện cảm của đối phương. Từ đó tạo ra sự tin tưởng, giúp các tương tác trở nên suôn sẻ, thú vị hơn.
– Tăng sức thuyết phục: nghiên cứu của Chartrand và Bargh đã chỉ ra rằng mọi người có nhiều khả năng đồng ý hơn với ai đó có hành vi giống mình. Do đó, việc bắt chước người mà bạn đang đàm phán có thể khiến lập luận của bạn thuyết phục hơn.
– Tạo cảm giác thân thuộc: cảm giác được kết nối và chấp nhận là điều quan trọng của mỗi người. Hiệu ứng tắc kè hoa giúp nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc vì khiến người khác cảm thấy được thấu hiểu và có giá trị.
– Tăng khả năng giúp đỡ: khi bắt chước người khác, chúng ta thường cảm thấy gắn kết hơn với họ, do đó có nhiều khả năng giúp đỡ họ hơn.
Tác động tiêu cực tiềm ẩn
– Mất bản sắc cá nhân: việc mô phỏng người khác quá mức có thể dẫn đến việc đánh mất cá tính của chính mình. Do đó cần có sự cân bằng giữa việc thích ứng với các tình huống bên ngoài và sống thật với bản thân.
– Lạm dụng thao túng: khả năng thuyết phục mạnh mẽ và sự yêu thích thông qua việc bắt chước có thể bị lạm dụng cho các mục đích thao túng tiêu cực. Vì vậy cần nhận thức được điều này cũng như sử dụng hiệu ứng tắc kè hoa có đạo đức và trách nhiệm.
– Hiểu sai ý: đôi khi việc bắt chước ngôn ngữ cơ thể hoặc kiểu nói của người khác sẽ gây ra hiểu lầm. Ví dụ nếu ai đó nói nhanh do lo lắng thì khi bạn cũng nói nhanh có thể báo hiệu cho người khác biết rằng bạn cũng đang lo lắng hoặc thiếu kiên nhẫn.
– Bị xem là giả tạo: trong trường hợp bắt chước một cách cường điệu sẽ dẫn đến tác dụng ngược và tạo cảm giác không thành thật.
Chameleon Effect được áp dụng trong thực tế như thế nào?
Một trong những ứng dụng phổ biến và hiệu quả nhất của Chameleon Effect trong cuộc sống đó là hoạt động tiếp thị của các nhãn hàng. Họ không chỉ thu thập dữ liệu từ hành vi, sở thích của khách hàng mà còn áp dụng thông tin này để sáng tạo các thông điệp quảng cáo cá nhân hóa và tạo ra sự tương đồng giữa sản phẩm với mong muốn của khách hàng.
Các nhãn hàng còn sử dụng KOLs (Key Opinion Leaders), Influencers và KOCs (Key Opinion Consumers) để tiếp cận một lượng lớn người tiêu dùng. Việc này giúp kích thích hiệu ứng tâm lý tắc kè hoa mạnh mẽ. Khi bạn theo dõi nhiều KOLs và nhận thấy họ đều sử dụng một sản phẩm, bạn sẽ cảm thấy cần phải mua sản phẩm đó để bắt kịp xu hướng và thậm chí là để giống với người nổi tiếng.
Chameleon Effect mang lại nhiều lợi ích như kết nối, thu hẹp khoảng cách và tạo dựng mối quan hệ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên áp dụng hiệu ứng này đúng cách và biết cách cân bằng để hòa nhập, giao tiếp tốt hơn hay để lại ấn tượng tốt cho người khác. Với những thông tin trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về Chameleon Effect. Nếu muốn tìm công việc mới, đừng quên truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!
Xem thêm: Silent Treatment: Dày vò tinh thần người khác bằng sự im lặng