Trốn tránh trách nhiệm, thẳng tính quá “hoá vô duyên” hay không chấp nhận điểm sai của bản thân đều là những biểu hiện của EQ thấp. Trong môi trường công sở, những người có chỉ số EQ thấp thường không được lòng tập thể chung. Vậy EQ thấp là gì? Chỉ số EQ bao nhiêu là thấp? Người EQ thấp có những biểu hiện nào? Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giúp bạn giải đáp toàn bộ thắc mắc trên qua bài viết dưới đây nhé!
Chỉ số EQ là gì?
EQ (Emotional Quotient – tạm dịch: Chỉ số cảm xúc hay Trí tuệ cảm xúc) là khả năng hiểu, sử dụng và quản lý cảm xúc của một người theo nhiều cách tích cực khác nhau. Người có chỉ số EQ cao thường dễ dàng vượt qua cảm xúc tiêu cực, không bị rơi vào trạng thái căng thẳng, giao tiếp tốt và dễ đồng cảm với người khác. Bên cạnh đó, chỉ số EQ cao còn giúp bạn vượt qua thử thách và xoa dịu nỗi đau tốt hơn.
Trí tuệ cảm xúc là yếu tố giúp chúng ta xây dựng các mối quan hệ bền chặt. Yếu tố này cũng góp phần tạo tiền đề để một người trở nên thu hút và được lòng người khác hơn. Chỉ số EQ cao giúp bạn đạt được các mục tiêu cá nhân cũng như thành tựu trong sự nghiệp. Hơn hết, EQ chính là “cầu nối” giúp mỗi chúng ta kết nối với cảm xúc, hiện thực hóa những hành động và đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
Xem thêm: EQ là gì? Cải thiện chỉ số EQ như thế nào để tỏa sáng trong công việc?
EQ thấp là gì?
EQ thấp là trạng thái khi mức độ trí tuệ cảm xúc của một người không được phát triển hoặc sử dụng hiệu quả. Trạng thái này dẫn đến khả năng nhận biết, hiểu, quản lý cảm xúc của bản thân và người khác kém.
4 yếu tố xác định chỉ số EQ
Tự quản lý
Bạn có thể tự kiểm soát cảm xúc, hành vi bốc đồng, quản lý cảm xúc của mình theo cách tích cực, chủ động. Đồng thời, bạn cũng sẽ dễ dàng thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh.
Tự nhận thức
Bạn nhận ra cảm xúc của chính mà và cách chúng ảnh hưởng đến suy nghĩ cũng như hành vi. Tự nhận thức còn là việc bạn xác định được điểm mạnh, điểm yếu và có sự tự tin hơn.
Nhận thức xã hội
Bạn có sự đồng cảm sâu sắc với mọi sự vật, hiện tượng xung quanh. Nhận thức xã hội là việc bạn hiểu rõ cảm xúc, nhu cầu và mối quan tâm con người. Đồng thời, bạn cũng rất nhạy bén với những tín hiệu cảm xúc.
Quản lý mối quan hệ
Bạn biết cách phát triển và duy trì các mối quan hệ xung quanh. Không những thế, bạn còn có khả năng giao tiếp tốt, truyền cảm hứng và ảnh hưởng tích cực đến người xung quanh. Người có chỉ số EQ cao thường làm việc nhóm hiệu quả và quản lý xung đột rất tốt.
12 biểu hiện EQ thấp trong môi trường công sở
1. Dễ bị căng thẳng
Những người có EQ thấp thường có khả năng quản lý căng thẳng kém, nhất là trong các tình huống áp lực. Họ dễ bị “chìm đắm” trong cảm xúc tiêu cực như lo âu, chán nản. Điều này khiến họ khó tập trung vào công việc, hiệu suất làm việc cũng giảm đi đáng kể.
2. Gặp khó khăn trong việc khẳng định chính mình
Chỉ số EQ thấp biểu hiện qua sự thiếu tự tin. Nếu có EQ thấp, bạn thường thu vào “vỏ ốc” tâm hồn, không dám sống thật và thể hiện bản thân mình. Trong nhiều trường hợp, người có EQ thấp có xu hướng trở thành người ngại bày tỏ chính kiến. Điều này có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong giao tiếp hoặc khi làm việc nhóm.
3. Vốn từ thể hiện cảm xúc bị hạn chế
Người có chỉ số EQ thấp thường gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc và nói những lời yêu thương. Họ là đại diện cho những người không biết cách thể hiện tình cảm, gây ra sự thiếu tương tác và gắn kết trong đội ngũ làm việc.
4. Bảo thủ cao
Tính bảo thủ cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn có chỉ số EQ thấp. Nhóm người này thường không muốn thực hiện những ý tưởng hoặc phương pháp làm việc mới. Họ bảo thủ với các giải pháp rập khuôn, mang tính quen thuộc để tránh gặp bất ổn về cảm xúc.
5. Không bỏ qua sai lầm của người khác
Người EQ thấp thường có xu hướng tập trung vào những sai lầm và khó khăn trong việc tha thứ. Tình trạng này có thể gây ra sự căng thẳng và tạo ra môi trường làm việc không thoải mái, kém chất lượng.
6. Thường cảm thấy bị hiểu lầm
Luôn cảm thấy bị hiểu lầm cũng là một dấu hiệu rõ nét của những người có chỉ số EQ thấp. Trạng thái cảm xúc này khiến họ mất niềm tin vào khả năng giao tiếp, không thể diễn giải rõ ý kiến của mình.
7. Dễ bị xúc phạm
Khi có chỉ số EQ thấp, bạn có thường dễ bị xúc phạm bởi ý kiến hoặc hành động của người khác. Thậm chí, bạn còn cảm thấy bị đe doạ hoặc bất an trong môi trường làm việc. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể phản ứng mạnh mẽ trước lời nói hoặc quan điểm của người khác.
8. Hay đổ lỗi cho người khác
Người EQ thấp không thích nhận trách nhiệm cho hành động của mình và thường có xu hướng đổi lỗi cho người khác khi gặp khó khăn. Tình trạng này tạo ra sự vô trách nhiệm và đảo lộn trong việc quản lý công việc.
9. Vô cảm
EQ thấp có thể khiến người ta không cảm nhận và quan tâm đến cảm xúc của người khác. Họ có thể thiếu sự đồng tình, khả năng thấu hiểu và tạo ra khoảng cách trong các mối quan hệ làm việc.
10. Động lực thấp
Người có EQ thấp thường thiếu động lực và đam mê trong công việc. Họ không có khả năng kết nối cảm xúc tích cực, thiếu hứng thú và động lực trong quá trình làm việc.
11. Không kiểm soát được cơn tức giận
EQ thấp là yếu tố khiến cho bạn không kiểm soát được cơn tức giận của mình. Những phản ứng mạnh mẽ, gắt gỏng có thể ảnh hưởng đến bầu không khí trong môi trường công việc. Thậm chí, sự nóng giận vô cớ còn tạo ra mâu thuẫn, gây bất hoà trong đội nhóm.
12. Tự cho mình là trung tâm: Xu hướng ái kỷ
Người có EQ thấp có xu hướng tự cho mình là “cái rốn” của vũ trụ. Họ thường tập trung vào nhu cầu và mong muốn cá nhân mà không cân nhắc đến cảm xúc hoặc mong đợi của người khác.
Chỉ số EQ bao nhiêu là thấp?
Không có một con số cụ thể hoặc ngưỡng chính thức để xác định mức độ EQ thấp. Đó là do EQ là một khái niệm mang tính tương đối, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như văn hoá, ngữ cảnh và mục tiêu cụ thể của mỗi người.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu và đánh giá EQ, người ta thường dùng một loạt các điểm số hoặc dải giá trị để xác định mức độ EQ của một người. Các điểm số này thường nằm trong khoảng từ 0 – 100 hoặc từ 1 – 5 tuỳ vào phương pháp đánh giá cụ thể.
Một cách phổ biến để xác định EQ thấp là khi điểm số EQ của một người nằm ở mức dưới trung bình so với người khác trong cùng ngữ cảnh hoặc một mẫu chuẩn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, việc đánh giá EQ thấp cũng dựa trên nhiều yếu tố khác nhau bao gồm cả biểu hiện thực tế lẫn tương tác xã hội.
Để đánh giá chính xác mức độ EQ thấp, bạn cần sử dụng các công cụ đo lường. Thậm chí, bạn cũng có thể nhờ sự tư vấn từ các chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia quản lý cảm xúc để xác định chỉ số EQ chính xác.
Xem thêm: Bạn có phải là người sở hữu trí thông minh cảm xúc, kiểm tra EQ ngay hôm nay
EQ thấp phải làm sao? Cách khắc phục EQ thấp
Tự nhận thức bản thân
Bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất là bạn cần nhận thức về EQ của mình. Bạn hãy quan sát những cảm xúc bên trong khi gặp các tình huống khác nhau. Quan sát cảm xúc sẽ giúp bạn nhận diện đâu là cảm xúc tích cực, tiêu cực, hiểu rõ nguyên nhân và gốc rễ của chúng.
Học về cảm xúc
Nắm vững kiến thức về các loại cảm xúc và cách chúng tác động lên tư duy và hành vi của con người cũng là cách giúp bạn nâng cao chỉ số EQ. Bên cạnh đó, bạn cũng phải tìm hiểu cách nhận biết, hiểu cảm xúc của mình và người khác để tương tác tốt hơn trong môi trường làm việc.
Tham gia các khóa học và đào tạo
Có nhiều khóa học và đào tạo về phát triển EQ thường xuyên được tổ chức, từ các khóa học trực tuyến đến những buổi thảo luận và hội thảo về cách nâng cao chỉ số EQ. Vì vậy, bạn có thể tham gia những khóa học này để tăng khả năng tự nhận thức, giao tiếp và quản lý xung đột tốt hơn.
Tập trung vào sự tự kiểm soát
Một phần quan trọng của EQ là khả năng tự kiểm soát cảm xúc. Bạn có thể thực hiện những kỹ thuật đơn giản như thư giãn, thiền, tập trung,… Đây là cách giúp bạn duy trì sự bình tĩnh và tập trung trong các tình huống áp lực.
Phát triển kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp là yếu tố quan trọng để kết nối các thành viên trong môi trường công sở. Chính vì thế, để cải thiện chỉ số EQ, bạn hãy thể hiện ý kiến một cách rõ ràng, tinh tế, học cách lắng nghe và đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu cũng như thúc đẩy sự hợp tác.
Thấu hiểu người khác
Khả năng thấu hiểu người khác là yếu tố quan trọng để xây dựng mối quan hệ làm việc tích cực. Bạn hãy tập lắng nghe người khác, không chỉ là lời nói được phát ra mà còn cả những cảm xúc ẩn sau lời nói ấy.
Quản lý xung đột
Học cách giải quyết xung đột có tính xây dựng, tạo ra sự hòa thuận trong môi trường làm việc cũng là một giải pháp hữu hiệu để bạn cải thiện EQ. Bạn có thể áp dụng những kỹ thuật thảo luận, tìm kiếm giải pháp và tạo ra môi trường làm việc thân thiện để đối thoại.
Phát triển động lực
Khả năng kết nối với cảm xúc tích cực giúp bạn tạo ra động lực trong công việc. Vậy nên, bạn hãy tìm hiểu về những điều thú vị và đáng mong đợi trong công việc của mình để duy trì sự hứng thú, tạo bước đà chinh phục thành công.
Xem thêm: 8 lý do khiến bạn mất động lực trong công việc và cuộc sống!
Xây dựng mối quan hệ xã hội
Xây dựng mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp và cấp trên là một cách tốt để nâng cao EQ. Người có chỉ số EQ cao thường thấu hiểu cảm xúc của những người xung quanh. Từ đó, họ có thể tạo ra sự kết nối sâu sắc hơn, xây dựng một môi trường làm việc thoải mái, hiệu quả.
Tìm kiếm sự hỗ trợ
Nếu gặp khó khăn trong việc cải thiện EQ, bạn hãy tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý hoặc người có kinh nghiệm trong việc phát triển EQ. Họ có thể cung cấp hướng dẫn, lời khuyên và chiến lược cụ thể để quá trình cải thiện EQ của bạn trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn.
Nhìn chung, EQ thấp có thể gây ra nhiều khó khăn trong môi trường công sở, ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng nghiệp và hiệu suất làm việc. Qua bài viết trên, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng bạn đã hiểu EQ thấp là gì cũng như cách khắc phục EQ thấp. Hãy tiếp tục theo dõi Việc Làm 24h để đón đọc những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
Xem thêm: Nomophobia: Đứng ngồi không yên khi thiếu vắng điện thoại