Bạn có bao giờ cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi khi phải gặp gỡ người mới hay nói chuyện trước đám đông? Nếu câu trả lời là “có”, bạn có thể đang mắc phải hội chứng sợ xã hội – một chứng rối loạn lo âu phổ biến hiện nay và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Điều đáng buồn là nhiều người không nhận ra mình đang mắc bệnh này, khái niệm hội chứng sợ giao tiếp xã hội vẫn còn quá mới mẻ với nhiều người. Vậy hội chứng sợ xã hội là gì? Người mắc chứng sợ giao tiếp xã hội phải đối diện với những điều gì, có cách nào để điều trị điều trị? Trong bài viết này của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
Hội chứng sợ xã hội là gì?
Hội chứng sợ xã hội (Social Anxiety Disorder, Social Phobia) là một chứng rối loạn lo âu mà người mắc phải thường cảm thấy bất an, lo lắng, sợ hãi và thậm chí có thể gặp phải những cơn hoảng loạn khi phải đối mặt với các tình huống giao tiếp xã hội, đặc biệt là khi có nhiều người tham gia hoặc khi phải thể hiện trước đám đông. Những người mắc chứng sợ giao tiếp xã hội sợ bị người khác phê phán, đánh giá thấp hoặc từ chối trong các tình huống giao tiếp. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội.
Nhiều người thường cảm thấy bối rối, không thoải mái khi gặp gỡ người mới, nói chuyện trước đám đông, tham gia các buổi tiệc tùng, phỏng vấn hoặc hội họp đông người,… tuy nhiên cảm xúc này chỉ xuất hiện trong một hoặc một vài trường hợp.
Đối với những người mắc chứng sợ giao tiếp xã hội, những điều trên lại gây ra cho nọ những nỗi ám ảnh gần như trong hầu hết các tình huống trong cuộc sống. Chẳng hạn như họ không dám ăn uống trước mặt người khác, sợ nói chuyện trên điện thoại, không dám sử dụng nhà vệ sinh công cộng, hẹn hò,…
Phần lớn người mắc chứng sợ giao tiếp xã hội thường hiểu rõ rằng mình không có lý do để sợ hãi, nhưng vẫn không thể kiểm soát được cảm xúc sợ hãi và tự ti, bối rối không biết nên nói gì để gây thiện cảm cho người khác, kỹ năng giao tiếp bị hạn chế.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ xã hội
Chứng sợ giao tiếp xã hội có thể xuất phát từ sự tương tác phức tạp của các yếu tố về di truyền và môi trường xã hội.
Đặc tính di truyền: Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng rối loạn lo âu có thể được kế thừa gia đình. Đặc biệt là tiền sử gia đình mắc hội chứng và hình thành các ám ảnh sợ tương tự.
Quá trình phát triển: Nếu một người phát triển trong một môi trường không có nhiều cơ hội để tương tác và phát triển kỹ năng giao tiếp, họ có thể trở nên tự ti và sợ hãi. Đồng thời, những trải nghiệm xấu trong quá trình phát triển, chẳng hạn như bị bắt nạt, phản bội, cô lập,… có thể hình thành hội chứng sợ giao tiếp xã hội.
Cấu trúc bộ não: Một trong những cấu trúc quan trọng trong bộ não được gọi là hạnh nhân (amygdala), đây là một cụm tế bào thần kinh nằm trong trung não và có chức năng quan trọng trong việc kiểm soát và điều khiển cảm xúc sợ hãi. Một số người có “hạnh nhân” hoạt động quá mức có thể dẫn đến phản ứng sợ hãi mạnh hơn bình thường.
Sang chấn tâm lý: Những ảnh hưởng tiêu cực từ sang chấn tâm lý như xung đột gia đình, chấn thương nghiêm trọng, bị lạm dụng, bị chế giễu, bị chỉ trích, bắt nạt, sỉ nhục,… có thể gây ra chứng sợ xã hội.
Có thể thấy, chứng sợ giao tiếp xã hội xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bên cạnh đó cách thức giáo dục và cách mà các sự kiện xảy ra trong cuộc sống cũng có thể gây ra chứng sợ này.
Xem thêm: Bóng ma trầm cảm gây hoảng sợ cho dân văn phòng: Làm sao để vượt qua?
Những dấu hiệu của hội chứng sợ xã hội
Người mắc chứng sợ giao tiếp xã hội thường có những dấu hiệu sau:
- Lo lắng, sợ hãi trước những tình huống như phải nói chuyện trước đám đông, đi dự tiệc, hẹn hò, gặp người lạ, làm việc khi có ai đó đang nhìn, ăn ở nơi công cộng, trả lời các câu hỏi trong lớp học,…
- Rất để ý hình ảnh bản thân trước mặt người khác và luôn cảm thấy bối rối, lo lắng về cách người khác đánh giá mình. Có xu hướng tự đánh giá thấp bản thân và chủ động so sánh bản thân với người khác.
- Khó khăn trong việc thiết lập và duy trì mối quan hệ thân thiết, họ luôn cảm thấy bối rối, không thoải mái và khó khăn trong việc giao tiếp với người khác.
- Không thích đến những nơi đông người, tránh xa các tình huống đòi hỏi giao tiếp hay tiếp xúc với người khác.
- Chỉ cảm thấy thoải mái khi ở một mình và một số đối tượng nhất định như người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết lâu năm,….
- Rất khó khăn trong việc thể hiện ý kiến hoặc quan điểm của mình trước người khác và gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc cũng như hành vi của mình trong các tình huống giao tiếp.
- Dễ bị stress và lo âu hơn người khác, thường xảy ra trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần trước khi phải đối mặt với các tình huống xã hội.
- Dễ bị xúc động, nổi nóng hoặc bị tổn thương bởi những lời chỉ trích hoặc phê bình từ người khác
- Đỏ bừng mặt, toát mồ hôi, căng cơ, tay và giọng nói bị run, tăng nhịp tim, thở nhanh và cảm thấy nghẹn thở, có cảm giác nôn nao, uể oải, chóng mặt và buồn nôn, hoặc khó chịu ở dạ dày khi ở chỗ đông người.
Các bài test liệu bạn có mắc hội chứng sợ này
Bài test dưới đây có 1 câu hỏi và 4 câu trả lời thể hiện các cấp độ nguy cơ tương ứng.
Câu hỏi: Nếu vô tình gặp lại một người bạn cũ ở trên đường, bạn sẽ có phản ứng ra sao?
A: Không ngần ngại chạy đến người đó và chào hỏi, bắt tay, trò chuyện.
B: Giả vờ như không nhìn thấy và lờ đi người đó. Hoặc chọn đi đường khác để tránh việc phải chạm mặt nhau.
C: Chào hỏi người đó lịch sự, tuy nhiên không trò chuyện và giao tiếp quá nhiều.
D: Không để ý người đó hay mọi thứ xung quanh, đa phần trong tất cả các trường hợp bạn đều không nhận ra bạn cũ.
Đánh giá kết quả:
Đáp án A: Nguy cơ mắc khoảng 10%, tỷ lệ thấp nhất trong bài kiểm tra nên bạn có thể yên tâm về tình trạng sức khỏe của bản thân. Kết quả này chứng tỏ bạn là người cởi mở, có kỹ năng giao tiếp tốt và rất biết cách cư xử.
Đáp án B: Nguy cơ mắc hội chứng khoảng 70%. Tuy nhiên, nếu người bạn đó từng mâu thuẫn và xích mích với bạn thì bạn hoàn toàn có khả năng không muốn gặp gỡ lại.
Đáp án C: Nguy cơ mắc hội chứng khoảng 40%. Nếu đó là người bạn cũ thân thiết thì việc chỉ chào hỏi và không trò chuyện chứng tỏ bạn có một nỗi sợ vô hình về việc phải giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, cũng không có gì quá bất thường nếu cả hai không thân thiết và không có quá nhiều điểm chung, thậm chí là cả hai có khả năng đã từng có xung đột.
Đáp án D: Nguy cơ mắc hội chứng lên đến 95%. Có thể kết quả này không thể xác định chính xác các vấn đề sức khỏe tâm thần nếu bạn là kiểu người hay quên hoặc có trí nhớ kém.
Bài test này chỉ mang tính chất tham khảo và không đảm bảo được tính chính xác cũng như không thể thay thế bằng việc chẩn đoán chuyên khoa. Nếu bạn nghi ngờ mình đang mắc hội chứng sợ giao tiếp xã hội hoặc muốn đánh giá sức khỏe tâm lý, bạn nên gặp các chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán chính xác và đưa ra giải pháp.
Xem thêm: Dân văn phòng cần cẩn thận với 4 dấu hiệu của các bệnh tâm lý thường gặp
Điều trị chứng sợ giao tiếp xã hội bằng cách nào?
Dưới đây là một số phương pháp điều trị chứng sợ giao tiếp xã hội thường được sử dụng:
Tâm lý trị liệu: Phương pháp này tập trung vào việc giúp người mắc chứng sợ giao tiếp xã hội nhận ra và thay đổi suy nghĩ, hành vi, ứng xử và phản ứng không lành mạnh trước nhiều tình huống.
Dược lý: Các loại thuốc chống lo âu, chống trầm cảm hay thuốc chống co giật có thể được bác sĩ kê toa và sử dụng an toàn để giảm các triệu chứng lo âu, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn.
Tham gia chương trình tập huấn: Người mắc phải hội chứng này nên tham gia các chương trình tập huấn, các khóa huấn luyện xây dựng các kỹ năng giao tiếp, như giải thích ý tưởng một cách rõ ràng, tạo mối liên kết với người khác và giải quyết xung đột. Các kỹ năng này có thể được rèn luyện thông qua các khóa học, các buổi tập huấn, hoặc các buổi tập thực hành cần thiết.
Các biện pháp hỗ trợ:
- Tập yoga, ngồi thiền mỗi ngày để kiểm soát tốt sự lo âu và căng thẳng.
- Dành thời gian tập thể dục như đi bộ, bơi lội, đạp xe,… để nâng cao sức khỏe thể chất. Bên cạnh đó, việc tập thể dục tăng sản xuất endorphin, đây là một chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác vui vẻ, lạc quan, hạnh phúc, góp phần làm giảm các cảm xúc tiêu cực ở người mắc chứng sợ giao tiếp xã hội.
- Tránh sử dụng cồn, caffeine, nicotine,… có trong rượu bia, thuốc lá, cà phê,…
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý với đầy đủ vitamin, các khoáng chất và chất béo lành mạnh.
- Đảm bảo giấc ngủ từ 7 – 8 giờ mỗi ngày. Nếu bạn thường xuyên bị mất ngủ hoặc khó đi vào giấc ngủ, có thể cải thiện giấc ngủ bằng việc tắm nước ấm, nghe nhạc không lời,…
- Chủ động trò chuyện và tương tác với những người bị mà bạn có tâm lý thoải mái.
- Tham gia các hội nhóm dành cho những người mắc chứng sợ giao tiếp xã hội.
Tuy nhiên, việc điều trị hội chứng còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người mắc và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Do đó, bệnh nhân cần tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Kết luận
Hầu hết chúng ta đều có những lúc cảm thấy bồn chồn và lo lắng trước những tình huống giao tiếp xã hội như phải nói chuyện trước đám đông hay gặp gỡ những người mới,… Nhưng đối với những người mắc phải hội chứng, những tình huống đó có thể trở thành nỗi ám ảnh gây khó khăn cho việc hòa nhập xã hội và làm giảm chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, với các phương pháp điều trị chứng sợ giao tiếp xã hội hiện đại, mọi người có thể vượt qua hội chứng này.
Hy vọng bài viết của Việc Làm 24h chia sẻ trên sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện về hội chứng và thoát khỏi nỗi ám ảnh này. Hãy để Việc Làm 24h đồng hành cùng bạn trên con đường tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực của bạn, truy cập ngay!
Xem thêm: Mindset là gì? 3 cách rèn luyện mindset hiệu quả nhất