Hợp đồng mua bán hàng hóa (HĐ mua bán hàng hoá) là một trong những văn bản quan trọng không thể thiếu khi thực hiện hoạt động giao thương. Vậy HĐ mua bán hàng hoá là gì? HĐ mua bán hàng hoá có những đặc điểm nào? Bài viết sau của Việc Làm 24h sẽ giúp bạn hiểu hơn về HĐ mua bán hàng hoá cũng như các đặc điểm và điều cần lưu ý khi ký HĐ mua bán hàng hoá.
Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì
Hợp đồng mua bán hàng hoá có thể hiểu là một loại hợp đồng thương mại. Theo luật thương mại 2005, khái niệm của HĐ mua bán hàng hoá trong thương mại được định nghĩa như sau: Hợp đồng mua bán hàng hoá là thoả thuận giữa các bên, gồm bên bán và bên mua. Trong đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng hoặc chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận về thanh toán. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và nhận quyền sở hữu hàng hóa theo đúng thỏa thuận.
Đặc điểm HĐ mua bán hàng hoá
Hợp đồng mua bán hàng hoá có một số đặc điểm sau:
+ Là hợp đồng (HĐ) ưng thuận: HĐ được coi là giao kết tại thời điểm các bên thỏa thuận xong, thời điểm bàn giao hàng hóa được coi là hành động của bên bán khi thực hiện nghĩa vụ trong HĐ đã có hiệu lực.
+ Tính đền bù: sau khi thực hiện nghĩa vụ bàn giao hàng hóa cho bên mua theo HĐ, bên bán sẽ nhận được lợi ích tương đương với giá trị hàng hoá theo thoả thuận dưới dạng khoản tiền thanh toán.
+ Là HĐ song vụ: có nghĩa mỗi bên tham gia HĐ mua bán hàng hóa bị ràng buộc bởi nghĩa vụ với bên còn lại, đồng thời cũng là bên có quyền đòi hỏi bên còn lại thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Hai nghĩa vụ chính trong HĐ mua bán hàng hoá là bên bán phải bàn giao hàng hóa cho bên mua và nghĩa vụ của bên mua là phải thanh toán cho bên bán.
+ Về chủ thể: các chủ thể trong HĐ mua bán hàng hóa thường là thương nhân. Luật Thương mại năm 2005 quy định thương nhân là những tổ chức kinh tế thành lập hợp pháp hoặc cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên và đã đăng ký kinh doanh.
+ Về hình thức: hình thức của HĐ mua bán hàng hóa có thể thể hiện qua lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể của các bên tham gia giao kết.
+ Về đối tượng: đối tượng của HĐ mua bán hàng hóa là hàng hóa. Luật thương mại Việt Nam năm 2005 quy định hàng hóa là đối tượng trong quan hệ mua bán có thể là hàng hóa đang tồn tại hoặc hàng hóa sẽ tồn tại trong tương lai; hàng hóa là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông thương mại.
Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế
Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là loại hình HĐ mua bán hàng hoá trong đó các bên tham gia ký kết có trụ sở thương mại nằm ở các nước khác nhau. Hàng hoá có thể được dịch chuyển qua biên giới quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác hoặc việc trao đổi và ký kết hợp đồng giữa các bên được thiết lập ở các quốc gia khác nhau. Biên giới là biên giới lãnh thổ địa lý hoặc biên giới có tính pháp lý nhưng không dịch chuyển về lãnh thổ.
Theo quy định của luật Thương mại, mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện dựa trên cơ sở hợp đồng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Mua bán quốc tế hiện được thực hiện chủ yếu dưới hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu. Trong HĐ mua bán hàng hoá quốc tế, không nhất thiết chủ thể hợp đồng phải có trụ sở ở các nước khác nhau. Nói cách khác, sự phân biệt này chủ yếu nằm ở sự chuyển dịch qua biên giới của hàng hoá.
Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế được công nhận và chỉ có hiệu lực nếu nó được thể hiện dưới hình thức phù hợp với quy định của pháp luật. Đây là điều kiện bắt buộc chứng minh sự tồn tại của hợp đồng. Các hình thức này được quy định theo pháp luật của từng quốc gia. Tại Việt Nam, HĐ mua bán hàng hoá quốc tế phải được ký kết dưới hình thức văn bản được phê duyệt hoặc có công chứng. Bởi hợp đồng được ký bằng văn bản nên mọi thay đổi, bổ sung cũng đều phải được lập thành văn bản để đảm bảo an toàn pháp lý, có chứng cứ khi cần giải quyết tranh chấp.
Sự khác biệt của HĐ mua bán hàng hoá quốc tế với HĐ mua bán hàng hoá thông thường như sau:
- Chủ thể: chủ thể của của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thường có trụ sở kinh doanh ở các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác nhau và là các thương nhân trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại.
- Đối tượng: đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hàng hoá thuộc nhóm động sản, tức là có thể chuyển qua biên giới.
- Đồng tiền thanh toán: tiền tệ thanh toán có thể là nội tệ hoặc ngoại tệ tuỳ theo thoả thuận. Điều này khác biệt với HĐ mua bán hàng hoá trong nước là phải dùng đồng tiền Việt Nam. Với mua bán quốc tế, đồng tiền được sử dụng thông thường là đồng đô la Mỹ bởi tính phổ dụng, tính thanh khoản cũng như sự ổn định của nó.
- Ngôn ngữ: ngôn ngữ sử dụng trong HĐ mua bán hàng hoá quốc tế thường là ngôn ngữ nước ngoài, trong đó phần lớn được ký bằng tiếng Anh.
- Giải quyết tranh chấp: tranh chấp thường phát sinh từ giao kết và thực hiện hợp đồng có thể giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài nước ngoài. Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thường chọn giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài quốc tế.
- Luật điều chỉnh hợp đồng: các bên tham gia có thể chọn luật nội dung của một quốc gia mà một trong số các bên có quốc tịch hoặc chọn pháp luật của một quốc gia thứ ba. Theo nguyên tắc tư pháp quốc tế, trong HĐ mua bán hàng hoá quốc tế, các bên có quyền được tự do thỏa thuận và chọn nguồn luật áp dụng trong quan hệ hợp đồng của mình.
Nội dung cần có trong HĐ mua bán hàng hóa
Nội dung của HĐ mua bán hàng hoá chính là các điều khoản do các bên thỏa thuận. Nội dung này thể hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ HĐ. Những nội dung nào là chủ yếu còn tùy thuộc vào quy định của luật pháp từng quốc gia.
Luật thương mại của Việt Nam không quy định cụ thể HĐ mua bán hàng hóa phải bắt buộc bao gồm những nội dung nào. Tuy nhiên, một HĐ mua bán hàng hóa thông thường cần chứa đựng thông tin về các bên tham gia, đối tượng, chất lượng, giá cả, cách thức thanh toán, thời gian, thời hạn, địa điểm nhận, giao hàng …
- Thông tin các bên: với cá nhân cần đầy đủ tên, số CCCD hoặc CMND, địa chỉ thường trú… Với tổ chức, doanh nghiệp cần có: tên, trụ sở, người đại diện theo pháp luật, giấy phép thành lập. Nội dung thông tin cần chính xác theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư của doanh nghiệp.
- Đối tượng: với HĐ dịch vụ hoặc gia công hàng hoá, đối tượng là công việc cụ thể và cần nêu rõ: cách thực hiện, trình độ chuyên môn, người thực hiện, kết quả
Với HĐ mua bán hàng hoá, đối tượng là hàng hoá, cần nêu rõ: loại hàng hoá, chất lượng, số lượng, các tiêu chí đánh giá chất lượng…
- Điều khoản về chất lượng của đối tượng là hoá hoá theo HĐ: để hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra, trong thỏa thuận HĐ cần nêu chi tiết các quy định pháp luật với từng sản phẩm cụ thể, tiêu chuẩn về hợp chuẩn, hợp quy…
- Điều khoản thanh toán: trong điều khoản thanh toán cần nêu rõ:
+ Giá của hàng hoá (bao gồm có thuế liên quan, lệ phí hay bất kỳ loại phí liên quan…)
+ Phương thức thanh toán: thanh toán bằng đồng tiền nào (với HĐ mua bán hàng hoá trong nước, đồng tiền giao dịch bắt buộc là VNĐ), tài khoản giao dịch, bên nào chịu phí chuyển khoản, bên nào chịu lãi suất trả chậm…
+ Thời gian thanh toán: thanh toán làm một lần hay nhiều lần và vào các mốc thời gian nào.
- Điều khoản huỷ HĐ do vi phạm và yêu cầu về bồi thường: nêu rõ các hình thức vi phạm, cách thức xử lý, mức phạt hoặc đền bù nếu gây thiệt hại hoặc giao thiếu số lượng, giao không đồng bộ, không đúng chủng loại hoặc không đảm bảo đúng các tiêu chí về chất lượng có trong HĐ.
- Điều khoản về vận chuyển, chi phí vận chuyển và các khoản phí liên quan.
- Điều khoản về giải quyết tranh chấp: điều khoản này đặc biệt quan trọng trong các HĐ mua bán hàng hoá quốc tế. Bạn có thể lựa chọn Tòa án hoặc Trọng tài thương mại để giải quyết khi có tranh chấp phát sinh.
Lưu ý khi soạn HĐ mua bán hàng hóa
Khi soạn thảo nội dung của HĐ mua bán hàng hoá, hay hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa, bạn nên lưu ý thêm một số điểm sau:
- Quyền và nghĩa vụ của hai bên càng nêu rõ ràng và đầy đủ trong HĐ sẽ càng giúp tránh được rủi ro về sau.
- Thời gian ký kết HĐ, thời gian xác định HĐ có hiệu lực cần rõ ràng.
- Chủ thể ký kết: danh tính của các chủ thể càng rõ ràng, đầy đủ, chi tiết.
- Chữ ký: chữ ký cần rõ ràng, có con dấu và xác minh danh tính của người có quyền ký kết, tránh trường hợp HD bị vô hiệu do việc ký kết sai thẩm quyền.
HĐ phải có chữ ký rõ ràng, được đóng dấu xác minh danh tính người có quyền ký kết, tránh trường hợp HĐ vô hiệu do lỗi ký kết sai thẩm quyền.
Sau đây là một số mẫu hợp đồng mua bán hàng hoá cơ bản bạn có thể tham khảo:
Mẫu hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa: Tại đây
Lời kết
Trên đây Việc Làm 24h đã giới thiệu tới bạn đọc những thông tin cơ bản về hợp đồng mua bán hàng hoá, nội dung cũng như những lưu ý khi cần soạn thảo HĐ mua bán hàng hoá. Mong rằng những thông tin hữu ích này sẽ giúp bạn có thêm sự thuận lợi khi cần soạn hay chuẩn bị HĐ mua bán hàng hoá. Đừng quên thường xuyên theo dõi Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để bỏ túi thêm nhiều kiến thức bổ ích.
Xem thêm: Hợp đồng nguyên tắc là gì? Các lưu ý khi ký kết hợp đồng nguyên tắc bạn cần biết