“Bạn có kỹ năng làm việc nhóm không?” Đây là câu hỏi không thể thiếu trong các buổi phỏng vấn hoặc ứng tuyển việc làm. Điều này cho thấy tinh thần đồng đội có tầm quan trọng và sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với một doanh nghiệp.
Có thể nói, kỹ năng làm việc nhóm chính là tiền đề thúc đẩy doanh nghiệp chinh phục đỉnh cao thành công. Huyền thoại bóng rổ Michael Jordan từng nói: “Người tài giỏi sẽ chiến thắng trò chơi, nhưng tinh thần đồng đội và trí óc mới giành chức vô địch”. Vậy làm thế nào để trau dồi kỹ năng làm việc nhóm? Việc Làm 24h sẽ bật mí ngay qua bài viết dưới đây nhé!
Kỹ năng làm việc nhóm thực chất là gì?
Kỹ năng làm việc nhóm là một tập hợp các phẩm chất đáng quý của một cá nhân. Những phẩm chất này được rèn luyện, trau dồi qua năm tháng, giúp cá nhân có thể làm việc cùng những người khác trong mọi hoạt động mang tính hợp tác.
Để trở thành người có kỹ năng làm việc nhóm, bạn cần hội tụ nhiều phẩm chất khác nhau, như: giao tiếp, tư duy phản biện, lắng nghe,… Đây được xem là sự cộng hưởng giữa các kỹ năng mềm giúp bạn trở thành một người đồng đội xuất sắc trong công việc cũng như học tập.
Sở hữu kỹ năng làm việc nhóm tốt, tập thể sẽ nhanh chóng chinh phục mục tiêu chung, rút ngắn hết mức thời gian giành thắng lợi. Bên cạnh đó, những kỹ năng này còn giúp mỗi cá nhân trong tập thể sửa chữa sai lầm, cải thiện năng lực cho nhau.
Tuy nhiên, làm việc nhóm không tránh khỏi sự xung đột, ý kiến trái chiều và mâu thuẫn nội bộ khiến cho tập thể tan vỡ. Vì vậy, mỗi thành viên cần tự rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cần thiết để tạo thành một team hoàn chỉnh, “ăn rơ” với nhau trong mọi trường hợp. Trên thực tế, một tập thể đoàn kết luôn mạnh hơn một tập thể giỏi.
Tầm quan trọng của kỹ năng làm việc nhóm đối với tập thể
Các nguyên tắc làm việc nhóm được đặt ra đều hướng đến lợi ích và mục tiêu chung. Trên thực tế, dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn cũng cần hợp tác, làm việc với nhiều người. Đây được xem là giải pháp tạo nên sự đồng cảm, tăng tính hiệu quả và thúc đẩy tinh thần trách nhiệm. Từ đó, bạn có thể hoàn thành tốt các mục tiêu công việc và đóng góp tích cực cho tổ chức, doanh nghiệp.
Ngoài ra, kỹ năng làm việc nhóm cũng giúp bạn tạo dựng mối quan hệ với những người xung quanh. Đây là cách giúp bạn gắn bó keo sơn với một tập thể cũng như môi trường làm việc, góp phần mang đến nhiều cơ hội công việc mới cùng những kết nối sâu sắc, chân thành.
8 kỹ năng làm việc nhóm cần thiết đối với mọi nhân viên
1. Giao tiếp
Giao tiếp được xem là nền tảng cốt lõi để tăng hiệu quả khi làm việc nhóm. Dù đang thực hiện một bài thuyết trình trên lớp hay vận hành dự án mới tại nơi làm việc, điều quan trọng nhất bạn cần làm là tương tác, kết nối với các thành viên trong nhóm.
Thiết lập “đường dây liên lạc” cởi mở, thân thiện chính là tiền đề thúc đẩy sự tin tưởng và tạo ra môi trường làm việc nhóm tích cực. Tuy làm việc nhóm có thể xảy ra bất đồng, nhưng sự thẳng thắn và tôn trọng trong giao tiếp vẫn là “chiếc chìa khóa” giải quyết mọi sự hiểu lầm không đáng có.
2. Trách nhiệm
Yếu tố thứ hai là trách nhiệm. Có thể nói, một người sở hữu tinh thần trách nhiệm cao sẽ dễ dàng hoàn thành tốt công việc. Bởi vì có trách nhiệm nên họ không thể đùn đẩy nhiệm vụ của mình cho người khác. Và cũng vì có trách nhiệm nên họ không tự ý “biến mất” giữa chừng và phó mặc cho đồng đội của mình “tự bơi”.
Rèn luyện tư duy trách nhiệm, dám đối mặt và kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ của mình sẽ giúp bạn nhanh chóng thăng tiến trong tương lai. Đặc biệt, sở hữu tinh thần trách nhiệm thường rất dễ chinh phục lòng tin của người khác.
3. Trung thực
Minh bạch và rõ ràng trong công việc cũng là kỹ năng bạn cần rèn luyện khi làm việc nhóm. Để tránh xảy ra những mâu thuẫn nội bộ, mọi thành viên trong nhóm đều phải giữ thái độ trung thực, chân thành.
Nếu không thể hoàn thành một nhiệm vụ nào đó hoặc gặp khó khăn trong công việc, bạn nên chia sẻ thẳng thắn với những thành viên còn lại. Sự thiếu minh bạch, không rõ ràng rất dễ khiến tập thể mất đi lòng tin dẫn đến làm việc nhóm kém hiệu quả.
4. Lắng nghe
Tương tự như giao tiếp, lắng nghe cũng là “chiếc chìa khóa” giúp bạn mở cửa tâm hồn của những người đồng đội. Việc lắng nghe chân thành tạo nên tiền đề của sự tin tưởng và thấu hiểu lẫn nhau.
Hành động tập trung chăm chú vào một người khi họ chia sẻ ý tưởng, suy nghĩ hoặc cảm xúc là biểu hiện của cách lắng nghe tích cực. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn những gì đồng đội mình đang truyền đạt.
5. Hợp tác
Làm việc nhóm có thể là một thách thức lớn đối với nhiều người. Nhưng về bản chất, đây vẫn là cơ hội tuyệt vời giúp bạn khám phá những con người mới. Thông qua quy trình hợp tác, bạn có thể tiếp nhận thêm nhiều ý tưởng sáng tạo, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm cũng như nâng cao kỹ năng làm việc cho bản thân mình.
Mỗi team làm việc được ví như những môn học. Sau khi học xong, bạn sẽ được lĩnh hội nguồn kiến thức và kinh nghiệm quý giá. Đặc biệt, bạn cũng có thể đóng góp năng lực của mình để tăng sức mạnh cho tập thể.
6. Giải quyết vấn đề
Người giải quyết vấn đề hiệu quả là người có thể suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Thay vì tập trung vào hậu quả, họ thường bình tĩnh và dẫn dắt team của mình tiếp cận giải pháp thực thi.
Với cách tiếp cận này, bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra những rào cản hoặc sự kém hiệu quả đang kìm hãm sự thành công của tập thể. Thông qua đó, bạn có thể cải thiện vấn đề nhanh chóng và hiệu quả hơn.
7. Tư duy phản biện
Khi sở hữu tư duy phản biện logic, chặt chẽ, bạn có thể đưa ra các quyết định chính xác và sáng suốt hơn. Với khả năng suy ngẫm kỹ càng về tình huống, xem xét toàn bộ khía cạnh của vấn đề và lắng nghe những thành viên trong nhóm, bạn sẽ tạo nên một tập thể thống nhất, đoàn kết và bền chặt hơn. Đây cũng là một trong những kỹ năng làm việc nhóm mà bất kỳ ai cũng phải có.
8. Lãnh đạo
Kỹ năng lãnh đạo chính là “thước đo” chuẩn mực khi làm việc nhóm. Người có khả năng lãnh đạo tốt có thể truyền tải kiến thức, tư duy và tinh thần cho những cá nhân khác.
Những nhà lãnh đạo biểu thị kỹ năng làm việc nhóm bằng cách thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhân viên. Đồng thời, nhà lãnh đạo còn đóng vai trò như người cố vấn hoặc huấn luyện viên đồng hành cùng cấp dưới của mình. Ngoài ra, việc trao quyền hạn, hỗ trợ nhân viên học hỏi và thăng tiến cũng là kỹ năng làm việc nhóm của một nhà lãnh đạo.
4 nguyên tắc làm việc nhóm giải quyết mọi mâu thuẫn
1. Tập trung vào mục tiêu chung
Nguyên tắc làm việc nhóm đầu tiên đó là: bạn cần gạt bỏ cái tôi cá nhân để hướng đến mục tiêu chung của tập thể. Một người luôn tự ý đặt bản thân lên trên hết và hành động theo cảm tính rất dễ khiến tập thể mất tính cân bằng.
Nếu muốn đưa ra quyết định, bạn cần đảm bảo sự đồng thuận của mọi thành viên trong nhóm. Việc tự ý đưa ra quyết định khi chưa thông qua ý kiến chung, bạn có thể gặp phải hậu quả khôn lường. Không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bạn, hậu quả còn tác động nặng nề đến lợi ích chung.
2. Tự do bày tỏ quan điểm cá nhân
Khi làm việc nhóm, “chín người mười ý” là điều không tránh khỏi. Lý do vì mỗi chúng ta đều có những suy nghĩ và cảm nhận khác nhau. Vậy nên, tất cả các thành viên nên mạnh dạn bày tỏ quan điểm cá nhân để tạo ra nhiều góc nhìn mới lạ và đa chiều hơn.
Nguyên tắc làm việc nhóm này còn giúp tập thể tìm ra những hướng giải quyết độc đáo và sáng tạo nhất. Bên cạnh đó, nếu không đồng tình về vấn đề gì, bạn cũng nên thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, để tránh “bằng mặt nhưng không bằng lòng”.
3. Chấp nhận ý kiến trái chiều
Không có bất kỳ quan điểm nào là sai hay đúng, chỉ có quan điểm phù hợp hoặc không mà thôi. Thế nên, bạn đừng ngại tiếp nhận những ý kiến trái chiều. Đôi khi, những lời phản bác chính là “mảnh ghép” dành cho quan điểm của bạn.
Việc kiểm soát cơn nóng giận, tập lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác sẽ giúp bạn hoàn thiện kỹ năng làm việc nhóm tốt hơn. Có thể thấy, áp dụng các nguyên tắc làm việc nhóm là cách giúp bạn xây dựng phiên bản hoàn hảo cho chính mình.
4. Tôn trọng nhiệm vụ của nhau
Mỗi cá nhân trong một tập thể đều có nhiệm vụ và vai trò khác nhau. Dù đảm nhiệm chức vụ hay công việc nào, bạn và các thành viên khác vẫn đóng góp vào sự thành công chung của dự án. Chính vì thế, việc tôn trọng nhiệm vụ lẫn nhau chính là nguyên tắc làm việc nhóm không thể thiếu trong bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào.
Nếu giữ chức vụ cao hơn, bạn đừng nên tỏ ra kiêu ngạo hay tự ý cậy quyền. Vì trên thực tế, toàn bộ thành viên trong tập thể đang “cộng sinh” để cùng nhau phát triển. Vậy nên, nếu một “tế bào” muốn tách rời, toàn bộ tập thể có nguy cơ bị tan rã.
Kết luận
Làm việc nhóm không phải là một thử thách mà là giải pháp giúp bạn rèn luyện nhiều kỹ năng, trau dồi phẩm chất và tư duy phát triển cho bản thân mình. Một môi trường làm việc tốt luôn biết cách tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các hoạt động đội nhóm, nâng cao kỹ năng mềm. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ trở thành nhân tố ưu tú nhất thúc đẩy tập thể phát triển mạnh mẽ.
Nếu muốn bước ra khỏi vùng an toàn, tìm kiếm những mối quan hệ đồng nghiệp sâu sắc, hỗ trợ nhau cùng phát triển, bạn có thể liên hệ ngay Việc Làm 24h. Chúng tôi tự tin sẽ giúp bạn tìm được một môi trường làm việc chuyên nghiệp, tinh thần đồng đội cao để rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả.