Những mâu thuẫn nội bộ xảy ra trong môi trường làm việc hầu như không một tổ chức nào tránh khỏi. Sự việc đôi khi có thể xuất phát từ những chuyện nhỏ như người này từ chối không san sẻ công việc cho người khác, hoặc do tính khí của một người nào đó hơi khó chịu một chút thôi cũng đủ tạo ra những mâu thuẫn nhỏ.
Những mâu thuẫn này thường dẫn đến một loạt các hệ quả như giảm năng suất lao động, nhân viên thường xuyên nóng giận, căng thẳng, luôn trong trạng thái đề phòng và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến bỏ việc.
Vậy trên tư cách một nhà quản lý, việc giải quyết các mâu thuẫn là điều không tránh khỏi. Nhưng câu hỏi được đặt ra là, làm sao để giải quyết những mâu thuẫn này một cách nhẹ nhàng mà không để lại những dư chấn không mong đợi. Nhà quản lý phải làm gì để hòa hoãn cả hai bên và đem lại kết quả đàm phán tốt nhất.
Bước 1: Hãy suy xét cho kĩ đó chỉ là một sự hiểu nhầm lẫn nhau hay thật sự là một bất đồng quan điểm
Nếu chỉ là một sự hiểu lầm thì tất cả trở nên đơn giản hơn nhiều. Việc nhà quản lý cần làm là đưa những ngươi có liên quan vào một cuộc nói chuyện thẳng thắn, gỡ bỏ những hiểu lầm đồng thời tìm ra “nhân tố ẩn” đã gây ra cuộc mâu thuẫn nội bộ này.
Đưa những ngươi có liên quan vào một cuộc nói chuyện thẳng thắn, gỡ bỏ những hiểu lầm đồng thời tìm ra “nhân tố ẩn” đã gây ra cuộc mâu thuẫn này.
Nếu mâu thuẫn hình thành do sự bất đồng quan điểm thì việc áp dụng nguyên lý số đông sẽ trở nên cần thiết. Nguyên lý số đông buộc các bên phải tuân thủ theo nguyên tắc chung có tính quy ước và phải có sự thống nhất cao với nguyên tắc đó.
Bước 2: Tìm ra nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn nội bộ và thu thập các chứng cứ
Một sự thật ít ai ngờ là phần lớn các mâu thuẫn đều bắt nguồn từ những lý do rất nhỏ. Những chuyện vặt vãnh không ai để tâm nhưng qua miệng người này truyền người khác lại bị bóp méo và mang ý nghĩa khác đi. Tìm ra được căn nguyên của vấn đề là điều trọng yếu nhất mà mỗi quản lý cần nắm vững.
Bên cạnh đó, khi họp mặt để giải quyết mâu thuẫn, cả nhân viên và quản lý cần xoáy trọng tâm vào những nguyên nhân chính, tránh lòng vòng hay mở rộng dễ gây ra rắc rối, phiền phức. Những nguyên nhân thực sự nào tạo ra mâu thuẫn cần phải được phơi bày công khai và ghi nhận lại trên giấy tờ. Tuy nhiên, cần phải làm rõ cái nào chỉ là ý kiến nhất thời, cái nào có nguyên nhân căn cơ từ sự nhận thức.
Bước 3: Làm rõ những nhận thức giữa các bên
Khi tâm trạng đang nóng giận hay căng thẳng, thật rất khó khăn để khiến mọi người suy nghĩ trên lập trường của đối phương. Việc của nhân viên quản lý là ở giữa giảng hòa, đem ý kiến của các bên truyền đạt một cách rõ ràng và cặn kẽ. Việc nghe lời khuyên từ một người ngoài cuộc sẽ dễ hơn rất nhiều so với việc tự các bên giải quyết với nhau.
Bước 4: Đưa ra những quyền lựa chọn hay những giải pháp để các bên tiến đến thoả thuận
Như đã nói ở trên, với tư cách người ngoài cuộc, quản lý cần có cái nhìn tổng quát nhất về mâu thuẫn nội bộ đã xảy ra. Từ đó, dựa vào lợi ích chung mà đưa ra những kiến nghị mang tính xây dựng. Các kiến nghị này cần thỏa mãn lợi ích của các bên, đồng thời giải quyết dứt điểm vấn đề, không để tính trạng các hệ lụy liên quan có điều kiện phát sinh.
Bước 5: Thực thi những giải pháp đó trên tinh thần liêm chính, tự giác và tôn trọng để tạo sự cân bằng giữa các bên
Các nhà quản lý cần phải lên kế hoạch chi tiết, phân công rõ ràng, thời gian biểu cụ thể, giám sát và đánh giá kết quả cho sự thực thi này. Hãy đảm bảo rằng, các bên có liên quan đều thực hiện một cách tự nguyện và cảm nhận được sự tôn trọng của đối phương dành cho mình.
Theo những chuyên gia tâm lý học và những nhà quản lý doanh nghiệp, thì những mâu thuẫn trong môi trường làm việc thường tạo ra những hiệu ứng tiêu cực, nhưng đôi khi nó cũng tạo ra những động thái tích cực. Chính vì sự cạnh tranh mà các nhân viên đều nổ lực để chứng tỏ khả năng của mình, cung cấp nhiều ý tưởng sáng tạo và đem lại lợi ích cho công ty.
Những giải pháp trên đây nhằm giúp giải quyết mâu thuẫn nội bộ xảy ra trong môi trường làm việc với những cấp độ ngang nhau. Theo các chuyên gia, nếu mâu thuẫn xảy ra ở các cấp độ chênh lệch nhau thì sẽ mất nhiều thời gian, sức lực, chi phí hơn để có thể đi đến hoà giải và làm thoả mãn các bên. Chẳng hạn như mâu thuẫn giữa chủ và người làm thuê. Nhưng đó là một câu chuyện dài dành để nói sau.
Xem thêm: 10 ý tưởng về hoạt động truyền thông nội bộ để gắn kết nhân viên
Hy vọng những gợi ý nhỏ trên từ Việc Làm 24h đã giúp những người làm quản lý biết cách giải quyết mâu thuẫn nội bộ trong đội nhóm hoặc doanh nghiệp của mình. Đừng quên tìm kiếm thêm các kỹ năng công sở khác tại Nghề Nghiệp Việc Làm 24h.