Nếu bạn mong muốn tìm một nơi làm việc mà ở đó có những đồng nghiệp “hợp cạ” ăn ý để tránh khỏi xung đột thì hãy sớm từ bỏ mộng tưởng này đi! Vì dù hợp nhau đến mấy cũng sẽ có lúc bất đồng quan điểm. Do đó thay vì mơ về môi trường làm việc hoàn hảo, tốt hơn hết nên tìm giải pháp để hạn chế cũng như giải quyết xung đột ở nơi làm việc. Ở bài viết dưới đây, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ mách bạn tuyệt chiêu để hóa giải mọi rắc rối bằng Nonviolent Communication.
Nonviolent Communication là gì?
Nonviolent Communication (NVC) hay giao tiếp phi bạo lực là một phương pháp giao tiếp tập trung vào việc bày tỏ trung thực những cảm xúc, nhu cầu của bạn với người khác, đồng thời cũng thực sự lắng nghe họ với sự đồng cảm. Phương pháp này được phát triển bởi nhà tâm lý học người Mỹ Marshall Rosenberg vào những năm 1970. Để giải thích rõ hơn về Nonviolent Communication, Marshall Rosenberg đưa ra phép ẩn dụ với hai con vật đối lập nhau, đó là:
– Hươu cao cổ tượng trưng cho cách giao tiếp phi bạo lực với sự nhân từ, đồng cảm và tình yêu thương.
– Chó sói là biểu tượng của lối giao tiếp bạo lực, có tính phán xét, chỉ trích và hung hăng. Cách giao tiếp này rất dễ bắt gặp trong đời sống hàng ngày.
Thông qua hai biểu tượng trên, chúng ta dễ dàng hình dung ra cách mỗi người giao tiếp như thế nào. Từ đó, dần dịch chuyển và trở thành “hươu cao cổ” mọi lúc mọi nơi.
Tại sao chúng ta lại cần học cách giao tiếp phi bạo lực?
Nonviolent Communication là đặt sự đồng cảm, chân thành và tôn trọng làm kim chỉ nam của mọi cuộc giao tiếp để tạo ra cũng như cải thiện chất lượng của các mối quan hệ. Phương thức giao tiếp này nhằm mục đích giúp bạn bày tỏ cảm xúc, nhu cầu chưa được đáp ứng của mình, đồng thời hiểu được cảm xúc của người đối diện. Qua đó, bạn sẽ bày tỏ suy nghĩ mà không phán xét, đồng thời chịu trách nhiệm về những gì bạn cảm nhận và những gì cần phải nói. Nonviolent Communication cực kỳ hữu ích trong việc quản lý xung đột, tìm ra giải pháp, phát triển các mối quan hệ với người khác cũng như với chính mình. Vì vậy, lối giao tiếp phi bạo lực này phù hợp và hiệu quả trong mọi bối cảnh, mọi tình huống trong cuộc sống, đặc biệt là ở nơi làm việc. Ngoài ra, còn hỗ trợ cho mỗi cá nhân tự đồng cảm và yêu lấy chính mình.
Bạn có thể hiểu cách mà Marshall Rosenberg đã diễn giải về Nonviolent Communication qua đoạn trích sau: “Những xung đột, thậm chí đã tồn tại rất lâu đều có thể được giải quyết nếu chúng ta duy trì luồng giao tiếp mà ở đó mọi người thoát ra khỏi suy nghĩ của mình và ngừng chỉ trích, phân tích lẫn nhau. Thay vào đó hãy lắng nghe, kết nối với nhu cầu của người khác và nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả mọi mối quan hệ. Chúng ta không thể giành chiến thắng bằng cách làm tổn thương người khác. Chúng ta chỉ đạt sự hài lòng hoàn toàn khi cả 2 đều đáp ứng được nhu cầu của nhau”.
4 yếu tố của phương pháp Nonviolent Communication
Theo Marshall Rosenberg, quy trình NVC dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản là:
1. Quan sát
Bạn chỉ đơn giản là quan sát những gì đang xảy ra và cần cụ thể về thời gian, bối cảnh. Cố gắng tránh những từ như luôn luôn, không bao giờ hoặc đưa ra phán xét đúng/sai. Lựa chọn từ ngữ sử dụng cần mang tính thực tế, trung lập. Ví dụ nói “hai lần họp gần đây nhất, bạn đã đi trễ” thay vì “bạn luôn trễ họp”.
Xem thêm: 4 cách giúp bạn đánh giá văn hóa công ty mới ngay từ ngày đầu đi làm
2. Cảm xúc
Xác định và thể hiện cảm xúc của bạn có thể giúp bạn hiểu bản thân và kết nối với đối tác của mình. Ngoài ra, thông qua đó đối tác sẽ hiểu được trải nghiệm và nhận ra nhu cầu của bạn. Quá trình này bao gồm việc khám phá lời nói, hành động của đối tác ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn như thế nào. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải làm chủ cảm xúc của mình thay vì gán chúng cho đối phương.
Với ví dụ trên, việc nói “tôi thấy khó chịu về điều này vì mọi người phải chờ bạn” sẽ khác xa so với “tôi cảm thấy như bạn không muốn tham gia họp với chúng tôi khi bạn liên tục đi trễ”.
Xem thêm: Kiểm soát cảm xúc: Làm gì để không nổi điên nơi công sở?
3. Nhu cầu
Nonviolent Communication cũng liên quan đến việc thừa nhận những nhu cầu và hiểu rằng xung đột có thể xảy ra do nhu cầu không được đáp ứng. Cảm xúc thường xuất phát từ việc bạn chọn diễn giải hành động, lời nói của người khác như thế nào cũng như nhu cầu của bạn tại thời điểm đó. Một số nhu cầu có thể kể đến như sự tôn trọng, hỗ trợ, kết nối… Khả năng nhận thức được nhu cầu rất quan trọng trong giao tiếp vì giúp bạn vừa hiểu được mình vừa đồng cảm với người khác khi nhu cầu của họ không giống với bạn.
Ví dụ bạn sẽ nói những câu đại loại như “bởi vì tôi cần được tôn trọng nên tôi cảm thấy…”
4. Yêu cầu
Đây là bước cuối cùng của quá trình. Ở thời điểm này, bạn đã quan sát hoàn cảnh, suy ngẫm về cảm xúc và nhu cầu của mình. Đã đến lúc tổng hợp lại tất cả để mở lời nhờ người khác đáp ứng. Những yêu cầu cần phải cụ thể, mang tính khả thi, đặc biệt là như một lời đề xuất chứ không phải ra lệnh. Ví dụ như “ở những lần họp sau bạn có thể đến đúng giờ được không?”
Giải quyết xung đột ở nơi làm việc bằng phương pháp giao tiếp phi bạo lực như thế nào?
Thông thường, đa số chúng ta sẽ có xu hướng đổ lỗi cho người khác trong một cuộc giao tiếp khi bản thân đang căng thẳng hoặc khó chịu về điều gì đó. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều này ở môi trường công sở. Những xung đột ở nơi làm việc sẽ khác nhau tùy vào môi trường nhưng nhìn chung sẽ xuất phát từ một số nguyên nhân như:
– Sự phụ thuộc vào các thành viên khác trong nhóm về công việc.
– Bị ảnh hưởng bởi tinh thần thiếu trách nhiệm của đồng nghiệp.
– Bất đồng quan điểm ở các quyết định quan trọng.
– Sự khác biệt về tính cách, thế giới quan.
– Không phù hợp với văn hóa, giá trị của tổ chức.
– Lãnh đạo kém hoặc giữa nhân viên với lãnh đạo có khoảng cách.
Bạn có nhận ra điểm chung của những xung đột trên là gì không? Đó chính là phương thức giao tiếp chưa phù hợp. Mỗi cá thể là duy nhất về tính cách hay hoàn cảnh sống. Trong nhiều trường hợp, công việc của chúng ta có sự phụ thuộc vào người khác. Nhưng không vì thế mà xung đột là kết quả tất yếu và hiển nhiên.
Cách sử dụng Nonviolent Communication để hóa giải mâu thuẫn
Bằng cách sử dụng Nonviolent Communication sẽ làm giảm khả năng xảy ra xung đột và chấm dứt vấn đề trước khi tiến triển tiêu cực hơn. Dưới đây là ví dụ về cách sử dụng phương thức giao tiếp phi bạo lực theo 4 bước khi nói chuyện với người khác ở nơi làm việc:
– Tôi nhận thấy bạn chưa nộp phần công việc của bạn trong dự án này (quan sát). Vì thời hạn là vào ngày mốt nên điều này khiến tôi lo lắng (cảm xúc). Tôi có yêu cầu cao về thời gian trong công việc (nhu cầu). Do đó, nếu gặp khó khăn bạn có thể chia sẻ để chúng ta cùng giải quyết và hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn không? (yêu cầu).
– Khi tôi đang trình bày về dự án, A đã cắt ngang và phê phán ý kiến của tôi (quan sát). Điều này làm tôi bị tổn thương và cảm thấy không được tôn trọng (cảm xúc). Tôi mong muốn một môi trường giao tiếp mà mọi người có thể lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau (nhu cầu). Chúng ta có thể thảo luận về cách tạo ra môi trường như vậy ở nơi làm việc không? (yêu cầu).
Tạm kết
Vì Nonviolent Communication không chỉ đơn thuần là một cách nói hay tập hợp các kỹ thuật giao tiếp mà còn là sự nhận thức sâu sắc về bản thân và người khác. Do đó, thời gian là điều kiện tất yếu để chúng ta cùng rèn luyện, phát triển bản thân để khi chín muồi, giao tiếp phi bạo lực sẽ trở nên tự nhiên như hơi thở. Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích để học cách giải quyết và ngăn chặn xung đột tốt hơn trong quá trình làm việc. Để tìm việc mới phù hợp và tốt hơn, hãy truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!
Xem thêm: Làm thế nào để thích nghi với công ty mới nhanh chóng?