Tại sao tôi vẫn không thể nào quản lý được cấp dưới của mình?

Có những lúc tôi gần như bị stress khi cấp dưới lúc nào cũng “cãi chày cãi cối” mỗi khi trao đổi hay báo cáo công việc. Khổ nỗi, tôi không thể sa thải “vị” đó được vì họ là người có năng lực.

Mệt mỏi vì nhân viên mới quá kiêu kì

Từ lúc bộ phận tôi nhận thêm một nhân viên mới du học bên Mỹ về thì mọi thứ cứ rối tung rối mù lên. Vì được gắn cái mác du học, nên lúc nào cô ấy cũng tỏ vẻ tự cao với khả năng của mình và nhìn những đồng nghiệp khác với ánh mắt coi thường.

Có rất nhiều nhân viên phàn nàn với tôi về việc đó nhưng tôi chỉ gợi ý, nhắc nhở bình thường thôi, để cô ấy tự nhận thức và sửa đổi. Nhưng hầu như vẫn không có tiến triển gì. Đa số mọi người vẫn chưa hài lòng với cô ấy.

Tưởng như cô ấy chỉ làm vậy với đồng nghiệp của mình, ai ngờ với tôi cô ấy cũng không “tha”. Nhiều lần tôi còn bị “bẽ mặt” trước những nhân viên khác vì cô ấy không chịu nghe lời. Luôn cho mình là đúng, mỗi lần tôi phản biện lại thì cô ấy đưa ra đủ lý do. Nào là em đã từng làm việc này ở công ty kia, tập đoàn nọ, em tin tưởng vào những gì mình nêu ra là đúng, em nghĩ cần phải làm theo cách này mới tốt,… để buộc tôi chấp nhận quan điểm của cô ấy.

tai-sao-toi-van-khong-the-nao-quan-ly-duoc-cap-duoi-cua-minh-hinh-anh-1
Vì được gắn cái mác du học, nên lúc nào nhân viên mới cũng tỏ vẻ tự cao

Có lần, tôi giao đề tài cho cô ấy, đang say sưa vạch ra các hướng triển khai thì cô ấy nói luôn đề tài của tôi chẳng có gì hay. Cảm giác bị coi thường, tôi cho cô ấy một trận ngay trong cuộc họp. Sau đó, cô ấy vẫn chứng nào tật nấy, không hề thay đổi.

Nhiều lần tôi cảm thấy bị xúc phạm và rất khó chịu, đã từng nghĩ đến việc sa thải cô ấy. Nhưng nếu làm vậy thì quá đơn giản. Vấn đề là làm sao vẫn trọng dụng được một người có năng lực như cô ấy nhưng không để tái diễn những hành vi coi thường sếp.

Quyết tâm “thu phục” nhân viên, tôi tạo cơ hội từ lần này đến lần khác

Quyết tâm lên kế hoạch “thu phục” cô nhân viên cứng đầu này. Vì tôi nghĩ bao giờ “ngựa non cũng háu đá”, quan trọng là người sếp phải giữ bình tĩnh và tạo cơ hội để họ điều chỉnh thái độ trước khi loại bỏ họ. Nhưng cuối cùng vẫn bất lực, không những không thuyên giảm mà ngày càng kiêu kì.

Không chỉ thế, khi tôi gọi vào phòng họp nhắc nhở nhưng cô ấy cứ trợn mắt lên nhìn và cãi tay đôi. Vừa bực vừa giận nhưng không thể cho cô ấy nghỉ việc được, vì với mức lương hiện tại công ty khó tìm ra nhân viên có năng lực như cô ấy.

tai-sao-toi-van-khong-the-nao-quan-ly-duoc-cap-duoi-cua-minh-hinh-anh-2
Thật sự công việc không làm tôi bị stress, nhưng cứ đụng độ với cấp dưới như thế này khiến tôi quá mệt mỏi

Thật sự công việc không làm tôi bị stress, nhưng cứ đụng độ với cấp dưới như thế này khiến tôi quá mệt mỏi. Tôi có đọc trên mạng rằng: “Đa phần những nhân viên bướng bỉnh thường là người có năng lực nên không thể dễ dàng đưa ra quyết định sa thải họ. Để đối phó với những nhân viên cứng đầu, các nhà quản trị cần uốn nắn dần dần để đưa họ vào những khuôn khổ cần thiết. Các sếp hãy trao cho họ những nhiệm vụ quan trọng, cho phép họ phát triển các khả năng của mình và khi đó họ sẽ biết quý công việc và vị trí đang có của mình. Nếu bất khả kháng, có thể dứt khoát cho họ ra đi, không nên nuối tiếc.”

Vì thế, tôi cho cô ấy một cơ hội cuối cùng và ra quy định chung với toàn bộ phận. Vi phạm lần đầu sẽ bị nhắc nhở khi họp, tái phạm lần hai sẽ cho một biên bản cảnh cáo, và lần cuối thì mời tự nộp đơn nghỉ việc. Để xem cô ấy còn cố chấp nữa không.

Muốn thành công phải gây dựng cả một tập thể chứ không chỉ dựa vào một người, dù tôi có tài giỏi đến mức nào thì cũng cần sự đồng hành của cấp dưới. Hy vọng lần này cô ấy sẽ thay đổi và tôi cũng đỡ suy nghĩ nhiều.

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục