Oversharing là gì? 5 cách đối phó với đồng nghiệp chuyện gì cũng kể

Chia sẻ vừa là nhu cầu vừa là phương thức để kết nối, xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp hay mọi người xung quanh. Tuy nhiên, bạn đã từng trải qua những cuộc trò chuyện gây khó chịu khi đối phương chia sẻ quá mức chưa? Tình trạng này gọi là “oversharing”. Theo một cuộc khảo sát của SurveyMonkey năm 2014 thì 3 trong 5 nhân viên cho biết họ gặp phải ít nhất 1 người oversharing ở nơi làm việc mỗi tuần. Oversharing là gì, liệu bạn có vô tình mắc phải tình trạng này? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

Oversharing là gì?

Oversharing có nghĩa là chia sẻ quá mức, đề cập đến việc một người tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân không phù hợp với bối cảnh, chẳng hạn như mối quan hệ, vấn đề sức khỏe, tình hình tài chính… Những cá nhân chia sẻ quá mức thường không ý thức được hành vi của họ không phù hợp và có khả năng ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Mặc dù có thể mục đích oversharing là vô hại nhưng tình trạng này vẫn gây khó chịu cho đồng nghiệp cũng như dễ vượt quá ranh giới trong môi trường công sở. Hậu quả của việc này không chỉ gây ra tâm lý không thoải mái mà còn vi phạm quyền riêng tư và phân tâm trong công việc.

oversharing
Oversharing là việc chia sẻ hoặc tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân không phù hợp với hoàn cảnh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng oversharing

Có nhiều lý do khiến cá nhân chia sẻ quá mức ở môi trường công sở, chẳng hạn như:

Căng thẳng, công việc quá tải

Đây là một trong những lý do phổ biến nhất. Khi một người cảm thấy lo lắng, căng thẳng, hành vi đối phó điển hình là nói chuyện với người khác. Chính điều này sẽ dẫn đến hiện tượng trút giận và cuối cùng là oversharing. 

Xem thêm: Hội chứng burnout: Nguyên nhân khiến bạn sức tàn lực kiệt nơi công sở

Kiệt sức

Kiệt sức trong công việc (do thiếu thành tích, mất cảm hứng, hoài nghi) đang gia tăng ở nhiều ngành nghề khác nhau. Khi một người rơi vào trạng thái này, họ thường có xu hướng vi phạm các ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân, đồng thời để lộ cảm xúc đau khổ ở nơi làm việc hay ở nhà.

Xem thêm: Càng nghiện công việc, bạn càng có nguy cơ mắc hội chứng kiệt sức

Sử dụng chất kích thích

Sử dụng bia, rượu… là một phương thức giải sầu phổ biến. Tuy nhiên khi lạm dụng các chất kích thích này có thể khiến con người trở nên thoải mái hơn, dẫn đến việc nói/làm những điều mà họ không kiểm soát được, bao gồm cả oversharing. 

Ảnh hưởng bởi môi trường sống

Văn hóa gia đình và thậm chí là cả môi trường làm việc trước đây thường ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của cá nhân. Những thông tin được xem là chia sẻ quá mức ở nơi này lại được xem là giao tiếp bình thường ở môi trường khác. Một cá nhân có thể lớn lên trong gia đình có ít ranh giới riêng tư và oversharing chỉ là một phần của cuộc sống hàng ngày.

Thiếu nhận thức về ranh giới ở nơi làm việc

Hầu hết mọi người đều thiếu kiến thức, kỹ năng liên quan đến việc thiết lập ranh giới Chúng ta thường không học đâu là ranh giới cho bản thân khi còn nhỏ, bạn chỉ có thể là học qua “trường đời”, thông qua cách thử và sai, sau đó rút kinh nghiệm. Hoặc nếu may mắn, từ việc quan sát những người khác, bạn có thể xác định, thiết lập và duy trì ranh giới ở nơi làm việc khéo léo.

oversharing
Oversharing nếu không được xử lý đúng cách có thể dẫn đến căng thẳng trong các mối quan hệ làm việc.

Oversharing có tác động như thế nào?

Chia sẻ quá mức có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến những người liên quan, bao gồm:

– Tinh thần sa sút: Những người đang trải qua oversharing có thể cảm thấy bực bội vì cảm giác phải tiếp nhận quá nhiều thông tin, do đó dễ phân tâm khỏi công việc.

– Sự lo lắng: Nếu thông tin được chia sẻ liên quan đến mối lo ngại về an toàn của một cá nhân thì dễ gây ra tâm trạng lo lắng, áp lực về việc phải làm gì với thông tin này.

– Phá vỡ ranh giới: Oversharing có thể dẫn đến việc không hiểu rõ điều gì là phù hợp hay không phù hợp để tiết lộ cho người khác ở môi trường công sở. 

– Ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng nghiệp: Mọi người có thể ngày càng khó chịu với người chia sẻ quá mức và tránh xa họ dẫn đến sự cô lập. Ngoài ra, trong trường hợp bạn lỡ đã nói quá nhiều về bản thân ở một buổi tiệc do sử dụng rượu bia và không nhớ mình đã chia sẻ gì, các đồng nghiệp có thể cảm thấy không thoải mái khi ở cạnh bạn hoặc tránh gặp gỡ, nói chuyện.

– Ảnh hưởng đến sự nghiệp: Những cá nhân chia sẻ quá mức có thể bị coi là thiếu chuyên nghiệp hoặc không tập trung ở nơi làm việc. Đánh giá tiêu cực này dễ dẫn đến việc không được thăng tiến như mong muốn, thậm chí bị loại khỏi công việc.

Dấu hiệu nhận biết bạn đang oversharing

Thông thường những người chia sẻ quá mức sẽ không hề biết rằng hành vi của mình là không phù hợp. Có lẽ họ chưa bao giờ nhận được phản hồi từ người khác hoặc dành thời gian để suy ngẫm về hành vi của mình. Liệu bạn có đang oversharing không? Dưới đây là một số điều cần được xem xét để trả lời câu hỏi trên:

– Phản hồi từ những người xung quanh: Có thể chia phản ứng của mọi người thành 2 luồng là khó chịu và quan tâm. Đối với những người khó chịu, họ sẽ thẳng thắn, trực tiếp bày tỏ quan điểm là bạn đang nói quá nhiều. Còn một số khác quan tâm đến bạn, họ sẽ nói những điều như “bạn có nghĩ đến việc gặp bác sĩ tâm lý không”. Đây là cách họ thể hiện cảm giác không thoải mái, choáng ngợp trước những gì bạn chia sẻ và cảm thấy không đủ sức để giúp đỡ.

– Hành vi phi ngôn ngữ của mọi người: Có phải đồng nghiệp không giao tiếp bằng mắt với bạn khi họ nhìn thấy bạn? Họ có bồn chồn, lo lắng khi nói chuyện với bạn không hay có vẻ đang tránh mặt bạn? Hãy chú ý đến những hành vi phi ngôn ngữ mà người khác đang dành cho bạn.

– Đồng nghiệp bắt đầu nói về các ranh giới: Họ có thể sẽ gián tiếp cố gắng giải thích cho bạn về ranh giới là gì, tại sao chúng lại quan trọng. 

oversharing
Những người chia sẻ quá mức thường không biết mình đang oversharing.

Dấu hiệu để nhận biết người khác đang oversharing

Một dấu hiệu quan trọng cho thấy ai đó đang chia sẻ quá mức là bạn bắt đầu cảm thấy khó chịu khi lắng nghe những gì họ nói. Ngoài ra, bạn còn nhận thấy hành vi né tránh của mình như muốn rời khỏi phòng hoặc tránh ở một mình với người này. Việc phải hứng chịu oversharing của ai đó sẽ khiến bạn mệt mỏi và tốn thời gian. Đây là nguyên nhân chính góp phần tạo ra những cảm giác tiêu cực nói trên.

Làm thế nào để đối phó với đồng nghiệp oversharing?

1. Đặt ranh giới rõ ràng

Đặt ra ranh giới một cách lịch sự là bước đầu tiên để đối phó với đồng nghiệp chia sẻ không có điểm dừng. Bạn có thể làm điều này bằng cách nhẹ nhàng chuyển hướng cuộc trò chuyện sang chủ đề liên quan đến công việc hoặc bày tỏ rằng bạn không thoải mái khi thảo luận vấn đề cá nhân ở nơi làm việc. 

Ví dụ: nếu một đồng nghiệp bắt đầu chia sẻ thông tin chi tiết về cuộc chia tay gần đây của họ trong một cuộc họp, bạn có thể nói: “Mình rất tiếc khi biết bạn đang trải qua chuyện này, nhưng có lẽ chúng ta cần tập trung vào việc cập nhật dự án ngay bây giờ và tìm thời điểm tốt hơn để nói về chuyện này.”

2. Đồng cảm

Thể hiện sự đồng cảm bằng cách thừa nhận nhu cầu chia sẻ của họ mà không khuyến khích tiết lộ thêm thông tin cá nhân khác. Hãy trả lời những câu trung lập như “có vẻ bạn đang phải trải qua nhiều chuyện” rồi chuyển cuộc trò chuyện về chủ đề công việc.

Chẳng hạn như khi đồng nghiệp chia sẻ những khó khăn về tài chính, bạn có thể phản hồi là “Nghe thật khó khăn, bạn có thể cân nhắc nói chuyện này với bố mẹ hoặc bạn bè xem như thế nào. Còn bây giờ hãy quay lại việc lập kế hoạch cho chiến dịch sắp tới.”

3. Khuyến khích họ tìm kiếm sự hỗ trợ

Nếu oversharing là triệu chứng của các vấn đề tinh thần, hãy khuyến khích họ tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia như bác sĩ tâm lý, chuyên viên trị liệu  và đừng làm ra vẻ như bạn đang chẩn đoán vấn đề của họ. Cách tiếp cận này không chỉ cung cấp giải pháp mà còn duy trì ranh giới khéo léo, tế nhị.

4. Giao tiếp hiệu quả

Khi thảo luận vấn đề, hãy tập trung vào tác động của việc chia sẻ quá mức hơn là nội dung. Hãy nói điều gì đó như “Mình thấy khó tập trung khi chúng ta nói chuyện về các vấn đề cá nhân trong giờ làm việc. Sẽ tốt hơn nếu bây giờ chú tâm giải quyết công việc trước và nói chuyện này sau nhé”. Cách này sẽ nêu bật được tác động của hành vi oversharing đối với công việc của bạn mà không chỉ trích cá nhân họ.

Xem thêm: Nghệ thuật dĩ hòa vi quý là gì? Bí kíp vàng trong giao tiếp ứng xử nơi công sở

5. Tìm kiếm sự giúp đỡ cho bản thân

Đối phó với một đồng nghiệp oversharing dễ khiến bạn kiệt sức. Nếu tình huống trở nên vượt tầm kiểm soát, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ cho bản thân như nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp đáng tin cậy hay cấp trên. Điều này không chỉ giúp bạn kiểm soát căng thẳng mà còn khiến vấn đề được người khác chú ý đến và hành động giúp đỡ nếu cần thiết.

oversharing
Đặt ra ranh giới lành mạnh rất cần thiết để đối phó với đồng nghiệp oversharing.

Hãy nhớ rằng mục tiêu không phải là xa lánh đồng nghiệp mà là thúc đẩy một môi trường làm việc tôn trọng ranh giới cá nhân và có lợi cho sự phát triển nghề nghiệp. Với bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về oversharing là gì cũng như các ý tưởng để giúp bạn giải quyết hiệu quả vấn đề oversharing ở nơi làm việc. Đừng quên theo dõi blog của Vieclam24h.vn để cập nhật những thông tin thú vị và hấp dẫn khác nhé!

Việc làm gợi ý

ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ

Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.

Xem thêm: 5 chủ đề không nên nói với đồng nghiệp dù thân thiết đến đâu

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục