Phễu Marketing là một phần quan trọng trong tiếp thị khi vạch ra hành trình mua hàng đơn giản nhất mà khách hàng có thể thực hiện. Đồng thời còn đóng vai trò là bộ khung để lên chiến lược và thực hiện các hoạt động kết nối, thu hút khách hàng trong suốt hành trình. Ở bài viết này, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu sâu hơn về phễu Marketing.
Phễu Marketing là gì?
Khái niệm phễu Marketing đã tồn tại từ rất lâu, mục đích sử dụng là phân chia các mốc quan trọng trong hành trình mua sắm của khách hàng. Hình dạng phễu mô tả cách nhà tiếp thị thực hiện những hoạt động tương ứng với các giai đoạn của hành trình mua hàng. Trong giai đoạn đầu sẽ tạo ra mạng lưới rộng lớn để thu hút càng nhiều khách hàng tiềm năng càng tốt. Đối tượng sẽ càng thu hẹp khi di chuyển xuống cuối thông qua các hoạt động nuôi dưỡng. Cuối phễu là những người có khả năng chuyển đổi cao nhất và lý tưởng nhất là trở thành khách hàng trung thành.
Các giai đoạn trong phễu Marketing?
Không có mô hình phễu Marketing nào được xem là quy chuẩn vì hành trình mua sắm của khách hàng không giống nhau. Chẳng hạn có người chỉ cần 3 bước, người khác thì trải qua 4, 5 bước mới quyết định mua hàng. Dưới đây là các giai đoạn phổ biến của phễu Marketing:
Giai đoạn 1: Nhận thức (Awareness)
Mục tiêu của giai đoạn này là thu hút khách hàng biết đến thương hiệu. Nhận thức này bắt đầu bằng việc nghiên cứu người tiêu dùng và giúp khách hàng ghi nhớ thương hiệu thông qua những điểm tiếp xúc. Các hoạt động tiếp thị được sử dụng trong giai đoạn này thường là quảng cáo truyền hình, radio, trực tuyến, truyền thông xã hội, tiếp thị nội dung. 84% người mua sắm bắt đầu tìm kiếm sản phẩm trên các kênh online không phải là trang web của thương hiệu, vì vậy những điểm tiếp xúc này rất quan trọng.
Xem thêm: Brand Awareness là gì? 15 bí kíp tăng giúp tăng Brand Awareness nhanh chóng
Giai đoạn 2: Cân nhắc (Consideration)
Ở giai đoạn này của phễu chuyển đổi trong Marketing, khách hàng đang tìm hiểu về một thương hiệu và khám phá những điều khác biệt với các thương hiệu tương tự. Do đó, doanh nghiệp nên tạo ra những nội dung hữu ích về lợi ích của sản phẩm giúp giải quyết vấn đề hoặc trả lời những mối bận tâm của khách hàng. Đây là cách để người tiêu dùng hiểu về sản phẩm và cách đáp ứng nhu cầu của họ.
Giai đoạn 3: Chuyển đổi (Conversion)
Mục tiêu của giai đoạn chuyển đổi là khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm. Đây là cơ hội để thương hiệu đầu tư vào chiến lược nhằm tạo sự khác biệt so với các đối thủ.
Chuyển đổi là giai đoạn tương đối dễ đo lường của phễu Marketing vì có thể thường xuyên theo dõi các số liệu như số nhấp chuột vào quảng cáo, tỷ lệ chuyển đổi, lượt mua hàng… Điều quan trọng cần nhớ ở đây là tương tác của khách hàng trong 2 giai đoạn trước có ảnh hưởng trực tiếp đến việc họ có chuyển đổi hay không.
Giai đoạn 4: Lòng trung thành (Loyalty)
Các thương hiệu có thể thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng bằng cách cung cấp trải nghiệm và sản phẩm chất lượng. Thông qua duy trì, nuôi dưỡng kết nối với người dùng sau khi mua hàng, thương hiệu có thể luôn ở trong tâm trí của họ.
Những tương tác tích cực trong và sau giai đoạn mua hàng có thể tác động đến việc liệu người mua có trở thành khách hàng thường xuyên hay không. Trung bình một thương hiệu tốn chi phí gấp 5 lần để có được khách hàng mới so với việc giữ chân khách hàng hiện tại. Đó là lý do tại sao các nhà tiếp thị gọi giai đoạn này là tương tác. Để xây dựng lòng trung thành, điều quan trọng là cần tiếp tục tương tác với những khách hàng đã chọn mua sản phẩm của thương hiệu bằng các hoạt động như chương trình khách hàng thân thiết, giảm giá sản phẩm…
Xem thêm: Brand Loyalty là gì? Hé lộ bí mật thành công đằng sau các thương hiệu hàng đầu
Các loại phễu Marketing phổ biến
1. Email
Phễu Marketing qua email liên quan đến việc chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành người mua hàng bằng cách sử dụng email quảng cáo và cung cấp thông tin. Tạo phễu email thường bao gồm:
– Thu thập thông tin của khách hàng như tên và email.
– Thực hiện chiến dịch email nuôi dưỡng để cung cấp thông tin về thương hiệu, sản phẩm.
– Các chương trình khuyến mãi, email quảng cáo tập trung vào chuyển đổi.
Xem thêm: Email Marketing là gì? Lưu lại cách thiết kế Email Marketing hiệu quả nhất hiện nay
2. Video
Phễu Marketing video được thiết kế để chuyển đổi khách hàng tiềm năng thông qua video. Để làm điều này thành công, doanh nghiệp cần:
– Xác định nguồn traffic cho nội dung của phễu, chẳng hạn như Facebook, Youtube hay Tik Tok.
– Xác định hành trình của người mua và tạo nội dung video phù hợp với từng giai đoạn.
– Tạo CTA và các liên kết đến nội dung hỗ trợ như landing page, trang thương mại điện tử…
3. Webinar
Đây là một trong những mô hình phễu Marketing phổ biến. Phễu webinar bắt đầu từ việc tạo lưu lượng truy cập đến landing page giới thiệu webinar và kết thúc khi người tham gia mua sản phẩm, dịch vụ.
4. Lead Magnet
Lead Magnet liên quan đến việc cung cấp cho khách hàng một tài nguyên có giá trị để đổi lấy thông tin của họ. Một số lead magnet phổ biến như ebook, tham gia học thử, nhận tài liệu miễn phí… Khi nhận lead magnet, khách hàng đã đi vào phễu và được “dẫn” đến hành động là mua sản phẩm, dịch vụ chính của doanh nghiệp.
5. Landing page
Landing page là nơi người dùng truy cập sau khi nhấp vào quảng cáo. Mục đích của trang này là để thuyết phục khách hàng truy cập vào trang web chuyển đổi. Thông thường, landing page kết hợp với các mô hình phễu khác để có kết quả tối đa.
Cách xây dựng phễu Marketing hiệu quả
1. Hiểu đối tượng mục tiêu
Bước đầu tiên trong việc xây dựng phễu Marketing là hiểu đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp. Bạn cần biết mình muốn nhắm mục tiêu đến ai trước khi tạo phễu để chuyển đổi họ thành khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, bạn cũng nên hiểu cả cách họ tương tác với trang web hay nội dung của thương hiệu. Vì hành vi trực tuyến của người dùng sẽ giúp bạn định hình phễu.
2. Xác định các giai đoạn trong phễu Marketing
Khi hiểu được hành trình mua hàng của người mua điển hình, bạn có thể xác định các giai đoạn khác nhau trong phễu. Xét cho cùng, phễu Marketing về bản chất cũng là một cách để thu hút nhiều người đi đúng hướng trên hành trình của họ. Như đã nói, không có phễu Marketing chuẩn, tuy nhiên hầu như đều gồm 3 yếu tố cơ bản là nhận thức, mong muốn và hành động. Từ đó bạn có thể tạo phễu dài hay ngắn sao cho phù hợp với thương hiệu của mình.
3. Tạo các chiến thuật tiếp thị cho từng giai đoạn
Đây là bước cuối cùng trong quy trình tạo phễu Marketing. Dưới đây là một số chiến thuật phổ biến được sử dụng ở các giai đoạn khác nhau của phễu chuyển đổi trong Marketing:
Đầu phễu (Top of the funnel – TOFU)
– Tiếp thị truyền thông xã hội nhằm tăng lưu lượng truy cập đến trang web.
– Các chiến dịch Influencer Marketing để quảng bá thương hiệu và tiếp cận nhiều người hơn.
– Các chiến dịch paid media nhằm tiếp cận đối tượng mục tiêu nhanh chóng và chính xác.
– SEO cùng các nội dung có giá trị để tăng organic traffic.
– Video và podcast cũng là những định dạng nội dung hiệu quả để thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
Xem thêm: SEO Marketing là gì? Ứng dụng thế nào để thương hiệu luôn đạt TOP tìm kiếm
Gợi ý các chỉ số đo lường ở giai đoạn này:
– Unique reach (phạm vi tiếp cận duy nhất).
– Completion rate (tỷ lệ video đã được xem đạt đến 100% hoàn thành).
Giữa phễu (Middle of the funnel – MOFU)
Đây là giai đoạn khách hàng tiềm năng sẽ tương tác sâu hơn với nội dung của bạn hoặc rời đi. Dưới đây là một số chiến thuật tiếp thị phổ biến bạn có thể thử:
– Sử dụng Influencers để đánh giá sản phẩm là cách khá hiệu quả.
– Các bằng chứng về lợi ích của sản phẩm.
– Đầu tư vào tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi cho trang web để thu hút khách truy cập đủ lâu và hướng họ đến các trang sản phẩm, mua hàng.
Các số liệu đo lường:
– Pageview (lượt xem trang).
– Branded search index (chỉ mục tìm kiếm thương hiệu).
Đáy phễu (Bottom of the funnel – BOFU)
Cuối cùng đã đến lúc bạn tung ra những chiến thuật khôn khéo để thúc đẩy người dùng ra quyết định mua hàng. Sau đây là một số chiến thuật tiếp thị cho giai đoạn này:
– Cung cấp ưu đãi, giảm giá để khuyến khích người dùng mua hàng.
– Sử dụng quảng cáo retargeting để tiếp cận lại những người đã truy cập website hoặc tương tác với thương hiệu mà rời đi.
– Tạo ra sự khan hiếm bằng cách thể hiện chỉ còn lại số lượng hạn chế cũng là một chiến thuật hiệu quả.
Các chỉ số đo lường:
– ROAS (Return on ad spend – tỷ lệ hoàn vốn từ quảng cáo).
– CAC (Customer Acquisition Cost – chi phí chuyển đổi khách hàng).
– Số lượng mua hàng.
Phễu Marketing vẫn là một công cụ hiệu quả dù bạn là doanh nghiệp nhỏ hay lớn. Để đạt hiệu quả tốt nhất bạn nên tối ưu hóa toàn phễu vì hành trình khách hàng luôn luôn thay đổi và bạn sẽ không biết được người dùng bắt đầu đi vào phễu ở giai đoạn nào. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về chủ đề này để tạo ra những chiến lược phễu Marketing phù hợp và thành công. Đừng quên theo dõi Việc Làm 24h để cập nhật những thông tin nghề nghiệp mới nhất nhé!
Xem thêm: Tổng hợp các website giúp bạn tự học SEO tại nhà hiệu quả nhất hiện nay