Trong cạnh tranh kinh doanh, thông tin tài chính như doanh thu, chi phí, lợi nhuận là chìa khóa giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hoạt động và đưa ra quyết định sáng suốt trước biến động thị trường. Báo cáo PNL chính là công cụ không thể thiếu để điều hành doanh nghiệp. PNL là gì, ý nghĩa ra sao? PNL gồm những thành phần nào? Đâu là phương pháp lập báo cáo PNL chuyên nghiệp? Mời bạn đọc cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
PNL là gì?
PNL là viết tắt của Profit and Loss Statement, có nghĩa là báo cáo kết quả kinh doanh. PNL là báo cáo tài chính quan trọng, cung cấp cho doanh nghiệp cái nhìn tổng quan về doanh thu, chi phí và lợi nhuận trong một khoảng thời gian nhất định (thường là quý hoặc năm).
PNL cho thấy hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, đây là thông tin đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư, đối tác,… Báo cáo PNL được lập bằng cách lấy tổng doanh thu trừ đi tổng chi phí, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp. Kết quả được gọi là thu nhập ròng cho thấy doanh nghiệp đang lãi hay lỗ:
- Lãi: Nếu kết quả là số dương, doanh nghiệp đang có lãi, các hoạt động kinh doanh hiệu quả và mang lại lợi nhuận.
- Lỗ: Nếu kết quả là số âm, doanh nghiệp đang lỗ, các hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn và cần có những biện pháp cải thiện để gia tăng doanh thu, giảm chi phí.
Ý nghĩa của báo cáo PNL là gì?
Đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh
Báo cáo PNL cung cấp cho doanh nghiệp cái nhìn tổng quan về hiệu quả hoạt động kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định, bao gồm doanh thu, chi phí và lợi nhuận. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể đánh giá được mức độ hiệu quả của các hoạt động kinh doanh, chiến dịch Marketing, sản phẩm/dịch vụ,… Bằng cách phân tích các chỉ số PNL, doanh nghiệp có thể xác định được điểm mạnh và điểm yếu, từ đó tập trung phát huy những điểm mạnh và khắc phục những hạn chế để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Hơn nữa, báo cáo PNL thể hiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp qua nhiều giai đoạn, giúp doanh nghiệp đánh giá được xu hướng phát triển và đưa ra dự báo chính xác hơn.
Lập kế hoạch kinh doanh hiệu quả
Dựa trên thông tin trong PNL, doanh nghiệp có thể dự toán doanh thu và chi phí cho các kỳ kế toán tiếp theo. Việc dự toán chính xác sẽ giúp doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh hiệu quả, sử dụng nguồn vốn hợp lý và tối ưu hóa lợi nhuận. Dựa trên tình hình tài chính và xu hướng thị trường, doanh nghiệp có thể phân bổ tài nguyên và ngân sách, lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp để nâng cao khả năng cạnh tranh và đạt được mục tiêu phát triển.
Thu hút nhà đầu tư và huy động vốn
Báo cáo PNL là minh chứng cho sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh và sự chuyên nghiệp trong quá trình quản trị tài chính. Doanh nghiệp có thể sử dụng báo cáo PNL để xây dựng niềm tin, thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng và huy động vốn.
Thông qua tình hình tài chính thể hiện trong báo cáo PNL, các nhà đầu tư có thể dự đoán khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Đây là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp đưa ra đánh giá tính khả thi của các dự án, từ đó đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt, tránh rủi ro.
Quản lý rủi ro
PNL giúp xác định cơ hội kinh doanh và các mối đe dọa ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Khi theo dõi biến động của các chỉ số PNL, nếu xuất hiện sự thay đổi đột ngột về tài chính, doanh nghiệp có thể đưa ra biện pháp giải quyết trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Cơ sở cho các kỳ kế toán và báo cáo thuế
Báo cáo PNL là cơ sở để doanh nghiệp tính toán và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đúng hạn theo quy định của pháp luật. Cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp cung cấp báo cáo lợi nhuận để xác định số thuế phải nộp. Với báo cáo PNL rõ ràng, doanh nghiệp có thể tránh được các vi phạm liên quan đến thuế và báo cáo tài chính.
Những thành phần trong PNL là gì?
Các chỉ số PNL cơ bản
Báo cáo PNL gồm các thành phần cơ bản sau:
- Doanh thu (Revenue): Tổng các khoản thu nhập mà doanh nghiệp nhận được từ việc bán hàng, cung cấp dịch vụ hoặc các hoạt động kinh doanh khác trong một khoảng thời gian cụ thể. Đây là nguồn tiền chính của doanh nghiệp.
- Chi phí vận hành (Operating Expenses): Tổng số tiền mà doanh nghiệp phải chi trả để duy trì các hoạt động kinh doanh hàng ngày, gồm các khoản tiền lương, tiền mua nguyên liệu, tiền thuê mặt bằng,…
- Lợi nhuận gộp (Gross Profit): Phần chênh lệch giữa doanh thu và giá vốn hàng bán.
- Lợi nhuận trước thuế (EBIT): Phần chênh lệch giữa lợi nhuận gộp và chi phí hoạt động.
- Lợi nhuận ròng (Net Profit): Phần chênh lệch giữa lợi nhuận trước thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là phần lợi nhuận cuối cùng, thể hiện mức lợi nhuận thực sự sau khi tính toán tất cả các yếu tố.
Các yếu tố liên quan đến PNL là gì?
Ngoài các thành phần cơ bản trên, báo cáo PNL còn liên quan đến các yếu tố như:
- Chi phí lãi vay: Khoản tiền lãi mà doanh nghiệp phải trả cho các khoản vay.
- Thuế thu nhập: Khoản phí mà doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước, được tính trước khi tính thu nhập ròng và không bao gồm thuế tài sản.
- Thu nhập khác: Các khoản thu nhập khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.
- Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS): Số tiền mà các cổ đông nhận được trên mỗi cổ phiếu mà họ sở hữu.
- Biến động thị trường: Thị trường suy giảm có thể ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp.
Cách thực hiện báo cáo PNL là gì?
Có nhiều cách để thực hiện báo cáo PNL, tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp thường áp dụng 2 phương pháp phổ biến dưới đây.
Phương pháp tạo PNL một bước
Phương pháp tạo PNL một bước là phương pháp đơn giản nhất để lập báo cáo PNL, phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập. Phương pháp này chỉ sử dụng một tổng phụ cho tất cả các khoản doanh thu và một tổng phụ cho tất cả các khoản chi phí. Cuối cùng xác định thu nhập ròng bằng cách trừ đi chi phí và tổn thất từ doanh thu và lãi. Cuối báo cáo là phần lãi và lỗ ròng.
Thu nhập ròng = (Doanh thu + Lãi) – (Chi phí + Tổn thất) |
Nhược điểm:
- Không cung cấp thông tin chi tiết về hiệu quả hoạt động của từng bộ phận, phòng ban.
- Không phân biệt được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính và lợi nhuận từ các hoạt động khác.
- Không phù hợp cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh phức tạp.
Phương pháp tạo PNL nhiều bước
Phương pháp tạo PNL nhiều bước là phương pháp lập báo cáo PNL chi tiết, phân chia lợi nhuận thành 3 phần chính: lợi nhuận gộp, thu nhập hoạt động và thu nhập ròng.
Quy trình 3 bước của phương pháp tạo PNL nhiều bước:
Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán.Thu nhập hoạt động = Lợi nhuận gộp – Chi phí hoạt động.Thu nhập ròng = Lợi nhuận gộp + Thu nhập hoạt động + Thu nhập/Chi phí khác – Thuế thu nhập doanh nghiệp |
Ưu điểm:
- Cung cấp thông tin chi tiết về hiệu quả hoạt động của từng bộ phận, phòng ban trong doanh nghiệp.
- Phân biệt được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính và lợi nhuận từ các hoạt động khác.
- Phù hợp cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh phức tạp.
Nhược điểm:
- Phức tạp hơn phương pháp một bước.
- Yêu cầu nhiều dữ liệu hơn để lập báo cáo.
- Mất nhiều thời gian và công sức hơn để lập báo cáo.
Một số câu hỏi thường gặp về PNL
1. PNL lũy kế là gì?
PNL lũy kế là báo cáo lãi lỗ liên tục theo một khoảng thời gian nhất định, thể hiện tổng lợi nhuận hoặc lỗ của doanh nghiệp từ khi thành lập nối tiếp đến thời điểm báo cáo.
2. Ai là người lập báo cáo PNL?
Trách nhiệm lập báo cáo PNL thường thuộc về bộ phận kế toán hoặc bộ phận tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình lập báo cáo PNL có thể có sự tham gia của nhiều bộ phận khác nhau. Nhân viên kế toán phải là người có chuyên môn cao để thu thập và xử lý các thông tin để tính toán lợi nhuận đầy đủ nhất.
3. Có bắt buộc phải thực hiện báo cáo PNL không?
Việc thực hiện báo cáo PNL phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp và quy định của pháp luật.
- Đối với các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, việc lập báo cáo PNL là bắt buộc để nộp cho cơ quan thuế theo đúng quy định.
- Đối với các doanh nghiệp không phải đăng ký kinh doanh, báo cáo PNL vẫn được khuyến khích để đảm bảo hoạt động quản lý, điều hành.
4. PNL có giống báo cáo thu nhập không?
Trong một số trường hợp, PNL và báo cáo thu nhập thường được sử dụng hoán đổi cho nhau. Cả 2 đều là báo cáo tài chính quan trọng cung cấp thông tin về doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, báo cáo PNL thường chi tiết hơn báo cáo thu nhập, cung cấp thông tin về các khoản doanh thu và chi phí theo từng hạng mục cụ thể.
PNL xuất hiện trong mọi nền kinh tế, còn báo cáo thu nhập chỉ được sử dụng các quy định kế toán và thuế tại một số quốc gia. Báo cáo PNL được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh, lập kế hoạch ngân sách, đưa ra quyết định đầu tư,… Báo cáo thu nhập được sử dụng chủ yếu cho mục đích thuế.
Kết luận
Báo cáo PNL là công cụ vô cùng quan trọng. Việc sử dụng báo cáo PNL sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, gia tăng lợi nhuận và đưa doanh nghiệp phát triển bền vững. Hy vọng bài viết trên của Vieclam24h.vn đã giúp bạn đọc hiểu rõ PNL là gì và cách lập báo cáo PNL đúng chuẩn. Chúc bạn thành công.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Due diligence là gì? Vì sao thẩm định kinh doanh rất quan trọng?