Dịch vụ Private Banking của giới siêu giàu có đặc quyền gì hấp dẫn?

Private Banking ra đời để phục vụ những khách hàng siêu giàu đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về quản lý tài sản, tài chính cũng như những ưu đãi đặc quyền riêng. Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn về dịch vụ qua bài viết. 

Private Banking là gì?

Private Banking (PB) là dịch vụ và gói tài chính chuyên biệt, toàn diện và được cá nhân hoá do tổ chức tài chính hoặc ngân hàng dành cho khách hàng có tài sản lớn. 

Dịch vụ này cung cấp tất cả trong một các hạng mục như: quản lý tài sản, tư vấn về bảo hiểm, đầu tư, lập kế hoạch thuế, cư trú, uỷ thác chuyển giao tài sản, chăm sóc sức khỏe…

Thực hiện dịch vụ này, các chủ ngân hàng làm việc với từng khách hàng, tìm hiểu mục tiêu và nguyện vọng tài chính cá nhân riêng biệt. Từ đó, ngân hàng, đưa ra các giải pháp tài chính tùy chỉnh và phù hợp nhất, giúp khách hàng quản lý tài sản của mình hiệu quả hơn. 

private banking
Đây là dịch vụ tài chính chuyên biệt và toàn diện về tài chính dành cho khách hàng có thu nhập cao. 

Điều kiện sử dụng dịch vụ PB là khách hàng đáp ứng đủ ngưỡng tài chính quy định (thường là khoảng 1 triệu USD trở lên). 

Ngân hàng hoặc tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ này cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về năng lực tư vấn và năng lực tài chính để thoả mãn tiêu chuẩn quản lý về tài sản khắt khe cũng nhiều đặc quyền phi tài chính đẳng cấp mà dịch vụ ngân hàng truyền thống khó lòng đáp ứng. 

Đồng thời, mỗi tổ chức tài chính hoặc ngân hàng khác nhau sẽ cung cấp các gói PB khác nhau dựa trên năng lực và thế mạnh của từng đơn vị. 

Lịch sử và xu hướng phát triển

Nhu cầu về quản lý tài chính giúp các khách hàng hoặc gia tộc giàu có đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, là nguồn gốc của dịch vụ PB hiện nay. 

Bởi vậy, dịch vụ đã xuất hiện và phát triển từ lâu tại nhiều quốc gia trên thế giới như tại Anh, Thuỵ Sĩ, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Những ngân hàng và tổ chức PB nổi tiếng hàng đầu trên thế giới phải kể đến như: J.P. Morgan Private Bank, UBS Wealth Management, Credit Suisse Private Banking, Bank of America Private Bank, Morgan Stanley Private Wealth Management, Citi Private Bank, UBP (Union Bancaire Privée), Julius Baer, Pictet Wealth Management…

Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhiều ngân hàng lớn đã cung cấp dịch vụ PB như BIDV, MB Bank, Vietcombank…

private banking
Tại Việt Nam hiện nay đã có một số ngân hàng cung cấp dịch vụ PB.

Private Banking hoạt động như thế nào?

Về cơ bản, PB hoạt động như một dịch vụ tài chính thông thường với tài khoản tiết kiệm, tài khoản đầu tư nhưng được tiếp cận theo hướng cá nhân hoá hơn.

Nghĩa là khách hàng sẽ làm việc với một đầu mối duy nhất từ phía ngân hàng (Private Banker) cho mọi hoạt động tài chính trong gói dịch vụ, thay vì phải tự mình xử lý nhiều khâu với các nhân viên khác nhau như dịch vụ ngân hàng thông thường.

Private Banker thường là những chuyên gia có kinh nghiệm về tài chính, ngân hàng, đầu tư… có nhiệm vụ giúp khách hàng xử lý mọi việc, các nhiệm vụ liên quan như từ sắp xếp khoản thế chấp lớn để vay khoản đầu tư phù hợp, thanh toán hoá đơn, chuyển tiền…

private banking
Với PB, khách hàng chỉ cần làm việc với một đầu mối duy nhất là Private Banker.

Các đặc điểm của Private Banking

Sự khác biệt của PB với các dịch vụ ngân hàng khác nằm ở các đặc điểm của dịch vụ này.

  • Khách hàng cần đáp ứng đủ điều kiện: Hầu hết các ngân hàng cung cấp dịch vụ này yêu cầu khách hàng có tài khoản ròng ít nhất là 1 triệu USD. Giá trị này tính trên các tài khoản có tính thanh khoản cao như: tiền hoặc tài sản tương đương tiền (không bao gồm đồ sưu tầm, bất động sản…). Ngoài ra, mỗi ngân hàng có các điều kiện riêng với khách hàng được hưởng PB.
  • Nhân viên cung cấp dịch vụ PB (Private Banker) cũng phải là các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực liên quan đến tài chính, thuế, ngân hàng.
  • Sự riêng tư: Dịch vụ này cung cấp cho khách hàng những giải pháp độc quyền, mang tính cá nhân và riêng tư cao, đảm bảo tính bảo mật của các khoản đầu tư cá nhân, tránh rắc rối liên quan tới vấn đề pháp lý hay con mắt tò mò của đối thủ cạnh tranh. 
  • Dịch vụ đặc quyền: khách hàng PB thường nhận được nhiều đặc quyền từ dịch vụ tài chính, ưu đãi lãi suất, dịch vụ tư vấn… riêng biệt tuỳ theo từng ngân hàng. 
private banking
Khách hàng sử dụng dịch vụ PB cần đáp ứng theo đủ điều kiện của ngân hàng.

Các dịch vụ Private Banking 

Dịch vụ PB cung cấp nhiều dịch vụ ngân hàng cơ bản: vay vốn, chuyển khoản, tiền gửi… nhưng có nhiều ưu đãi so với dịch vụ ngân hàng thông thường. Ngoài ra, dịch vụ này còn các hạng mục sau.

Quản lý tài sản & đầu tư: Thông qua PB, ngân hàng giúp khách hàng quản lý tài sản (bao gồm cả trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, bất động sản…). Đồng thời, Private Banker thường kiêm vai trò cố vấn tài chính và hoạch định, tư vấn về các cơ hội sinh lời (chứng khoán, bất động sản, quỹ đầu tư…) nhằm giúp khách hàng tối ưu hoá tài sản. 

Vay vốn, tài trợ cá nhân: Khách hàng khi có nhu cầu về các khoản tài trợ tín dụng (ví dụ: mua nhà, đầu tư bất động sản thương mại…) sẽ được ưu tiên thu xếp khoản vay phù hợp với tình hình tài chính và nhu cầu cá nhân. 

Quản lý rủi ro, bảo hiểm: Khách hàng PB sẽ được hỗ trợ đánh giá, quản lý rủi ro liên quan đến các hoạt động đầu tư, tài sản của họ nhằm bảo vệ tài sản và đảm bảo sự tăng trưởng tài sản bền vững. 

Lập kế hoạch tài chính tổng hợp: Các khách hàng PB được tư vấn và cố vấn cụ thể về kế hoạch tài chính cho các hoạt động như: mua nhà, đầu tư, chuyển giao tài sản, chuẩn bị việc học hành của con cái, kế hoạch thuế, hoạt động từ thiện…

Lợi ích – hạn chế của Private Banking 

Lợi ích của Private Banking cho người dùng

Trong bối cảnh của ngân hàng số, tự động hóa đang phát triển, tính bảo mật, cá nhân và nhiều yêu cầu khác khi giao dịch tài chính tăng lên, PB cung cấp cho khách hàng nhiều đặc quyền đáp ứng các nhu cầu này. Cụ thể, các lợi ích chính của dịch vụ này bao gồm:

Riêng tư

Quyền riêng tư là lợi ích lớn bậc nhất của dịch vụ này, và đặc biệt quan trọng với các khách hàng có khối tài sản lớn. Các khoản giao dịch và dịch vụ khách hàng thường được ẩn danh để đảm bảo tính bảo mật. Các ngân hàng cũng cung cấp nhiều giải pháp độc quyền giúp khách hàng giữ bí mật, ngăn chặn đối thủ cạnh tranh tìm hiểu hoặc lôi kéo. 

Phí ưu đãi

Khách hàng của dịch vụ PB thường nhận được mức chiết khấu cao hoặc ưu đãi cho sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Ví dụ: các khoản lãi suất hấp dẫn cho khoản vay hoặc thế chấp hoặc hạn mức tín dụng (LOC). Tài khoản tiết kiệm cũng có thể nhận được lãi suất cao hơn, không phải chịu phí thấu chi… Khách hàng có giao dịch hoặc kinh doanh tại nước ngoài nhận được mức tỷ giá tốt hơn cho các giao dịch của họ. 

Đầu tư thay thế

Khách hàng PB thường nhận được nguồn lực hoặc cơ hội đầu tư phong phú, nguồn đầu tư thay thế mà nhà đầu tư trung bình không có được. Ví dụ: khách hàng có thể truy cập vào một quỹ phòng hộ độc quyền, một công ty hợp danh CP tư nhân, hoặc một khoản đầu tư thay thế khác phù hợp. 

Xem thêm: FUD là gì? Tâm lý FUD ảnh hưởng đến đầu tư như thế nào?

Quản lý toàn diện

Ngoài các dịch vụ, sản phẩm tài chính được tùy chỉnh cá nhân hoá, khách hàng PB còn được hưởng tiện lợi từ nhiều dịch vụ tổng hợp nhanh chóng. Private Banker đóng vai trò là người liên lạc với toàn bộ các bộ phận kinh doanh khác trong ngân hàng giúp đảm bảo khách hàng nhận được dịch vụ tốt nhất.

private banking
PB giúp khách hàng quản lý toàn diện và đảm bảo tính riêng tư tối đa.

Hạn chế của Private Banking khi triển khai

Bên cạnh nhiều ưu điểm PB cũng có một số hạn chế sau

Nhân sự Private Banker khó tìm và khó giữ

Đối với ngân hàng, để tìm được nhân sự Private Banker không phải dễ dàng bởi đây là vị trí đòi hỏi chuyên môn cao và kinh nghiệm về tài chính, ngân hàng, đầu tư lẫn khả năng tư vấn. Thậm chí khi tìm được nhân sự phù hợp thì tỷ lệ nhảy việc cũng nằm ở mức cao do nhiều lo ngại về xung đột lợi ích lẫn sự trung thành khi làm việc. Bởi, một Private Banker được tổ chức tài chính bồi thường chứ không phải khách hàng. Đây là sự khác nhau giữa Private Banker với một tư vấn tài chính độc lập. 

Giới hạn về ưu đãi và đặc quyền

Trong quá trình đầu tư, khách hàng có thể giới hạn ở các dịch vụ hoặc sản phẩm đặc quyền của từng ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, dịch vụ pháp lý về thuế và đầu tư do mỗi tổ chức cung cấp cũng khác nhau và khác so với các đơn vị chuyên biệt hơn về đầu tư.

Không phải ngân hàng nào cũng cung cấp được dịch vụ này

Để cung cấp dịch vụ PB, ngân hàng cần có đủ năng lực tài chính và uy tín trên thị trường, đồng thời có năng lực kết nối với các đơn vị liên quan khác trên phạm vi toàn cầu. Từ đó, đơn vị mới có khả năng giúp khách hàng giải quyết và thực hiện các hoạt động liên quan tới tài chính, đầu tư. 

Quy trình để bắt đầu sử dụng dịch vụ

Như vậy, hẳn bạn đã hiểu Private Banking là gì cũng như ưu, nhược điểm của dịch vụ này. 

Ở góc độ là một khách hàng, để bắt đầu sử dụng dịch vụ PB, bạn cần đáp ứng điều kiện về tài chính và tài sản tối thiểu (thông thường là mức tài sản 1 triệu USD). Quy định cụ thể về điều kiện tham gia có khác nhau theo từng ngân hàng và tổ chức tài chính. Bạn nên liên hệ trực tiếp tới ngân hàng để được tư vấn chi tiết. 

Khi đã đáp ứng các tiêu chuẩn để trở thành một khách hàng PB, quy trình này thường bắt đầu bằng việc làm việc cùng một nhân viên Private Banker – đầu mối chính liên hệ và quản lý danh mục đầu tư, tài sản, của khách hàng. 

Chuyên viên này sẽ dành thời gian tìm hiểu tình hình tài chính của khách hàng, lập kế hoạch tài chính, mục tiêu tài chính, rủi ro, thách thức… Sau khi có kế hoạch, khách hàng sẽ được tư vấn và giới thiệu các sản phẩm tài chính, dịch vụ ngân hàng phù hợp về thuế, các kế hoạch đầu tư, kế hoạch quản lý tài sản…

Suốt quá trình, Private Banker giữ liên lạc chặt chẽ với khách hàng để hỗ trợ hoặc điều chỉnh kịp thời, đảm bảo các hoạt động quản lý tài chính, sử dụng dịch vụ, đầu tư… diễn ra suôn sẻ và đúng hướng. 

private banking
Suốt quá trình sử dụng dịch vụ, khách hàng chỉ cần làm việc với một đầu mối – nhanh chóng và đơn giản.

Lời kết

Trên đây là những chia sẻ tổng hợp của Việc Làm 24h về Private Banking – một dịch vụ quản lý tài chính đặc biệt được thiết kế riêng cho giới siêu giàu. Đừng quên thường xuyên theo dõi Việc Làm 24h để bỏ túi thêm nhiều kiến thức hữu ích.  

Xem thêm: VinFast tuyển dụng các vị trí nào? Quy trình tuyển dụng có khó không?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục