Slogan là yếu tố không thể thiếu trong các chiến dịch quảng cáo nói riêng và quảng bá hình ảnh doanh nghiệp nói chung. Slogan gắn liền như “vật bất ly thân” và thể hiện “nội hàm” của thương hiệu. Không quá khi nói rằng câu slogan chính là lời tỏ tình của doanh nghiệp dành cho khách hàng. Vậy slogan là gì, làm thế nào để sáng tạo slogan độc đáo? Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết sau đây.
Slogan là gì?
Slogan được hiểu là một câu nói đại diện cho sản phẩm, công ty và truyền đạt thông tin đến công chúng. Slogan là thành phần không thể thiếu trong tiếp thị – quảng cáo và xây dựng thương hiệu.
Đặc điểm của câu slogan là gì? Đó là sự ngắn gọn, dễ nhớ và dễ liên tưởng đến sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp. Về lâu dài, slogan chính là công cụ chiến lược giúp thương hiệu được quảng bá rộng rãi và gần gũi hơn với người dùng.
Mục đích của câu khẩu hiệu slogan là gì?
Slogan không chỉ đơn giản là một câu nói với những từ ngữ hấp dẫn mà là một trong những chiến lược để xây dựng hình ảnh trong tâm trí người tiêu dùng. Khi doanh nghiệp tạo ra câu slogan thành công không những mang lại lợi ích cho thương hiệu mà còn có giá trị lâu dài.
Một chức năng quan trọng khác của slogan là định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu khác nhau, do đó câu slogan được xem là đặc điểm nhận dạng, chỉ cần nghe sẽ biết đó là thương hiệu nào.
Các loại slogan là gì?
Slogan được chia thành 2 loại phổ biến là slogan kinh doanh (business slogan) và slogan quảng cáo (advertising slogan).
Slogan kinh doanh
Mục đích sử dụng slogan kinh doanh là để nhấn mạnh các tính năng giúp doanh nghiệp khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Do đó loại slogan thường hàm chứa thông tin về sản phẩm/dịch vụ. Ví dụ một số slogan hay về kinh doanh như:
- Bitis: Nâng niu bàn chân Việt.
- KFC: Vị ngon trên từng ngón tay.
- TH True Milk: Thật sự thiên nhiên.
- Carlsberg: Probably the best beer in the world.
- Zara: Love your curves.
Slogan quảng cáo
Các câu slogan quảng cáo sẽ tập trung vào sản phẩm/dịch vụ cụ thể của chiến dịch quảng cáo. Mục đích của câu slogan này là tạo ra mối liên hệ giữa việc trải nghiệm và lợi ích mà sản phẩm mang lại cho khách hàng. Chẳng hạn như:
- Coca Cola: Open happiness.
- Frooti: Fresh and juicy.
Advertising slogan là gì? Đó là slogan dùng cho các chiến dịch quảng cáo của doanh nghiệp.
Ngoài ra, slogan còn được phân loại dựa trên đặc điểm và tính năng như sau:
Slogan mô tả
Slogan mô tả thể hiện những gì doanh nghiệp đại diện và cung cấp. Loại slogan này mang tính hình dung cho nên sẽ rất phù hợp để truyền tải thông điệp một cách rõ ràng đến công chúng. Ví dụ: Save money. Live better (Walmart).
Slogan thuyết phục
Câu slogan này sẽ thuyết phục người dùng tại sao nên lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của công ty. Ví dụ:
- Burger King: Have it your way.
- L’Oréal: Because you’re worth it.
- KitKat: Have a break, have a KitKat.
Slogan sáng tạo
Các câu slogan sáng tạo sẽ khơi dậy cảm xúc của khách hàng dành cho thương hiệu. Mục đích của loại slogan này là truyền cảm hứng và mang tính giải trí. Ví dụ:
- Maybelline: Maybe she’s born with it. Maybe it’s Maybelline.
- Tide: Tide’s in, dirt’s out.
Slogan cảm xúc
Những câu slogan này không chỉ đơn thuần đề cập đến sản phẩm/dịch vụ mà mục đích là để khách hàng cảm nhận thông điệp. Slogan cảm xúc thường ngắn gọn nhưng đòi hỏi sự nghiên cứu về tâm lý để đảm bảo sẽ khơi gợi cảm xúc phù hợp với những gì thương hiệu mong muốn. Ví dụ:
- BMW: Sheer driving pleasure.
- Disneyland: Where dreams come true.
Những câu slogan hay và nổi tiếng của các thương hiệu
Nike: Just do it
Đây là một trong những câu slogan nổi tiếng và thành công nhất trên thế giới. Lý do tạo nên sự vang danh của câu slogan này là đã thể hiện được tinh thần hành động mạnh mẽ để đạt được mục tiêu. Nike thật sự đã tạo nên một câu slogan truyền cảm hứng và động lực để mọi người vượt qua trở ngại hay giới hạn của bản thân.
L’Oréal: Because you’re worth it
Because you’re worth it – Vì bạn xứng đáng là câu slogan thể hiện được sứ mệnh của thương hiệu, chính là sự trao quyền. L’Oréal tạo ra câu slogan này nhằm để tất cả phụ nữ dù ở độ tuổi, hoàn cảnh nào cũng đều nhận thấy vẻ đẹp và giá trị của họ. Để tăng sức thuyết phục, thương hiệu này đã chọn các đại sứ thương hiệu ở nhiều quốc gia trên thế giới cùng quảng bá.
Apple: Think different
Năm 1997, Apple đã thực hiện một quảng cáo ca ngợi những cá nhân có suy nghĩ và quan điểm khác biệt. Video này đã tạo nên câu slogan có sự nhận diện rộng rãi trên toàn thế giới. Think different mang đến cho khách hàng cảm giác khác biệt và độc đáo.
Nokia: Connecting People
Dù đã qua thời kỳ hoàng kim của Nokia nhưng câu slogan này cùng hình ảnh 2 bàn tay kết nối với nhau vẫn là một huyền thoại. Connecting People đã truyền tải được thông điệp của Nokia đó là kết nối mọi người, bỏ qua khoảng cách bằng những sản phẩm mang tính ứng dụng cao và phù hợp với mọi tầng lớp khách hàng.
BMW: The Ultimate Driving Machine
Câu slogan này xuất hiện vào năm 1970. Cùng với đó, BMW đã sản xuất những mẫu xe có tính năng mạnh mẽ để minh chứng cho câu slogan này. Qua đó, đã thay đổi nhận thức của khách hàng tiềm năng đối với thương hiệu.
Các bước để tạo khẩu hiệu slogan là gì?
Bước 1. Xác định mục đích
Bằng việc trả lời một số câu hỏi sau đây sẽ giúp việc xác định mục đích trở nên dễ dàng hơn:
- Bạn đang bán gì?
- Đối tượng mục tiêu là ai?
- Thương hiệu của bạn có được nhiều người biết đến không?
Bước 2. Chọn loại slogan
Sau khi đã xác định được mục đích, bạn hãy chọn loại slogan muốn hướng đến như mô tả, thuyết phục, sáng tạo…
Bước 3. Suy nghĩ về các ý tưởng
Hoàn thành bước 1 và bước 2 sẽ là lúc bạn bắt đầu có những ý tưởng về câu slogan. Những ý tưởng về từ ngữ sẽ xuất hiện theo các thông tin sẵn có và tư duy của bạn. Ví dụ, bạn đã xác định được sản phẩm là cây viết, đối tượng mục tiêu là sinh viên, thương hiệu của bạn mới thành lập và loại slogan hướng tới là sáng tạo, hài hước. Từ những dữ kiện này bạn có thể tư duy theo cách đặt các câu hỏi làm thế nào để cây viết trở nên hài hước, sinh viên sẽ sử dụng cây viết theo cách sáng tạo nào…
Xem thêm: TOP 5 website tìm kiếm ý tưởng sáng tạo cho dân văn phòng khi bí idea
Bước 4. Tập trung vào sự ngắn gọn, xúc tích và độc đáo
Khi đã hình thành các cụm từ hãy tối ưu câu slogan theo hướng ngắn gọn tầm 6-8 từ và dễ nhớ. Đồng thời cũng nên lưu ý vào yếu tố khác biệt, độc đáo để tạo sự nổi bật giữa hàng ngàn câu slogan khác trên thị trường.
Bước 5. Dành đủ thời gian để sáng tạo hơn
Sự sáng tạo cần có thời gian, bạn không thể vội vã hay ngồi hàng giờ đồng hồ liên tục để hoàn thành câu slogan. Hãy dành thời gian giải lao và cố gắng tiếp cận câu slogan bằng góc nhìn khác để tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ. Một khi cảm thấy chắc chắn rằng đã chạm tới cảm xúc của bạn và không thể tốt hơn nữa thì đây chính là câu slogan hoàn hảo nhất.
Xem thêm: Top 5 công việc dành cho người yêu nghệ thuật, phát huy sáng tạo không ngừng
Để sáng tạo slogan hay cho công ty, chiến dịch không phải là đơn giản. Điều này đòi hỏi có sự nghiên cứu, hiểu rõ về sản phẩm/dịch vụ, thương hiệu và sự sáng tạo. Với những thông tin về slogan là gì từ bài viết này, hy vọng bạn đọc sẽ có những ý tưởng mới khi sáng tạo slogan và đừng quên đón đọc những chủ đề hấp dẫn từ Nghề Nghiệp Việc Làm 24h.
Xem thêm: TOP 10 địa chỉ gội đầu dưỡng sinh thư giãn sau giờ làm dành cho dân văn phòng