Cuộc sống hiện đại mang đến sự tiện lợi nhưng đồng thời cũng “ban” cho chúng ta một người đồng hành mang tên “stress”. Khi căng thẳng, chúng ta thường chọn cách thư giãn. Thế nhưng, nghịch lý lại xuất hiện khi chính hành động thư giãn lại gây ra căng thẳng. Trải nghiệm luẩn quẩn này được gọi là “Stresslaxing” – một thuật ngữ chỉ sự lo lắng nảy sinh khi cố gắng thư giãn thay vì giải quyết nguồn gốc gây căng thẳng. Trong bài viết này của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h, hãy cùng đi sâu vào tìm hiểu trạng thái nghịch lý Stresslaxing mà khá nhiều người mắc phải hiện nay.
Hiểu về Stresslaxing
Theo định nghĩa của Urban Dictionary, Stresslaxing là trạng thái căng thẳng đến mức việc thư giãn càng khiến mức độ căng thẳng tăng lên. Nguyên nhân là vì không giải quyết vấn đề gốc rễ gây ra căng thẳng. Trong đó, hoạt động thư giãn chỉ làm tăng thêm căng thẳng đã tồn tại từ trước, có khả năng đẩy cảm xúc tiêu cực lên đỉnh điểm và thậm chí là các cơn hoảng loạn.
Mặc dù xuất hiện trong Urban Dictionary vào tháng 8 năm 2020 nhưng khái niệm này đã tồn tại trước đó rất lâu. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi American Psychological Association gần 40 năm trước, khoảng 30 – 50% người rơi vào trạng thái Stresslaxing.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học Ingrid Pistono cho rằng hiện tượng này ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Số lượt tìm kiếm trên Google cho các từ “stress” là 4,3 tỷ và “relax” là 1,5 tỷ hay vô số diễn đàn Reddit đề cập đến chủ đề này. Căng thẳng – thư giãn – căng thẳng hơn chính là vòng luẩn quẩn của Stresslaxing.
Nguyên nhân thực sự gây ra Stresslaxing là gì?
Nếu bị căng thẳng khi đang cố gắng thư giãn, bạn cần suy nghĩ lại về tình trạng này. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra Stresslaxing:
1. Phủ nhận tình trạng căng thẳng của bản thân
Phủ nhận căng thẳng là một trong những lối thoát phổ biến nhất nhưng lại kém hiệu quả nhất. Mặc dù trong thời gian ngắn, hành vi này có thể giúp ổn định và sắp xếp lại cảm xúc tự nhiên nhưng khi lạm dụng lại gây ra tác hại lớn. Đây là một cơ chế tâm lý mà nhiều người sử dụng khi đối mặt với những cảm xúc hay tình huống khó chịu. Trong trường hợp Stresslaxing, bạn có thể phủ nhận sự căng thẳng của mình, xem thư giãn như một nghĩa vụ hơn là điều cần thiết. Do đó làm tăng mức độ căng thẳng sẵn có ban đầu.
2. Phản ứng sinh lý
Căng thẳng là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước một tình huống nguy hiểm. Nhờ hệ thống thần kinh giao cảm, cơ thể sẽ phản ứng lại mối đe dọa. Còn hệ thống thần kinh phó giao cảm đưa bạn trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, khi căng thẳng kéo dài, những phản ứng này cũng khiến bạn gặp vấn đề về sức khỏe.
Trên thực tế, nếu bạn luôn cần sự căng thẳng để hoàn thành mọi công việc hàng ngày thì cơ thể sẽ xem thư giãn như một việc nhỏ không đáng để tâm. Vì vậy, cơ thể không tự động thư giãn khi bạn có thời gian rảnh rỗi. Bạn tự nhủ rằng phải thư giãn vì ngày mai bạn có quá nhiều việc phải làm. Nhưng mặt khác, nếu bạn thư giãn, cuối cùng bạn sẽ chỉ phải làm gấp đôi công việc. Điều này có phải rất quen không?
3. Quá khắt khe với bản thân
Bạn luôn làm việc kể cả khi bị ốm, kiểm tra email trong kỳ nghỉ mặc dù cực kỳ mệt mỏi, bạn là nạn nhân của chính mình. Đó là do ý nghĩ vô thức rằng bạn phải luôn nỗ lực hết mình. Trong xã hội không ngừng thúc đẩy năng suất và thành tích, nhiều người bị cuốn vào, buộc phải duy trì nhịp độ không ngừng nghỉ. Kết quả là những giây phút thư giãn bị đánh giá là lãng phí, dẫn đến cảm giác tội lỗi.
Cuối cùng, khi bạn nhận ra rằng thư giãn là cần thiết thì chúng lại trở thành một nghĩa vụ. Do đó, tâm trí và cơ thể của bạn tiếp tục phấn đấu để đạt được “mục tiêu” thư giãn và tình trạng Stresslaxing xuất hiện.
4. Áp lực xã hội
Bạn có nhận thấy những áp lực, kỳ vọng xã hội đang đối nghịch nhau không? Bạn được khuyến khích chăm sóc sức khỏe nhưng cũng phải làm việc hiệu quả nhất, tận tâm nhất, trở thành cá nhân hạnh phúc nhất và xinh đẹp nhất.
Tuy nhiên, bạn biết rằng việc tuân thủ tất cả những điều này là không thể. Lý do không chỉ vì sự mâu thuẫn nội tại của chúng mà còn về mặt thể chất. Bạn không thể làm việc 12 giờ một ngày, đến phòng tập thể dục, chăm sóc con cái, làm tình nguyện và giữ cho ngôi nhà của mình luôn gọn gàng.
Ngoài ra, sự xung đột này có thể biến việc giải trí thành một nhiệm vụ nằm trong danh sách cần hoàn thành và gây ra Stresslaxing.
Stresslaxing có thể gây ra những tác động bất lợi đến sức khỏe của bạn. Chẳng hạn như làm gián đoạn giấc ngủ, cảm giác tội lỗi, không hài lòng về bản thân hay có những triệu chứng đánh trống ngực, đổ mồ hôi. Hơn nữa, Stresslaxing mãn tính có thể dẫn đến kiệt quệ về tinh thần, thể chất do căng thẳng kéo dài. Vậy làm thế nào để tránh tình trạng này?
5 cách để vượt qua Stresslaxing
1. Nhận biết căng thẳng
Bước đầu tiên nhưng rất quan trọng để đối phó với Stresslaxing là có nhận thức về tình trạng căng thẳng của bản thân. Điều này bao gồm việc hiểu rõ các dấu hiệu và triệu chứng như căng cơ, mất ngủ, lo âu… Khi biết mình đang gặp vấn đề, bạn sẽ bắt đầu có trách nhiệm với bản thân và cố gắng tìm các biện pháp khắc phục.
Xem thêm: Top các bài test trầm cảm uy tín, nếu cảm thấy chán nản bạn nên làm ngay!
2. Tạo áp lực đúng mức cho bản thân
Áp lực là kim cương nhưng chúng sẽ hủy diệt bạn nếu không biết cách quản lý đúng đắn. Đôi khi, bạn tự áp đặt các kỳ vọng quá lớn cả về công việc và cuộc sống cá nhân. Do đó dễ tự đưa mình vào tròng căng thẳng. Chính vì vậy, trước khi tạo áp lực cho bản thân, hãy học cách thiết lập các mục tiêu thực tế và phù hợp. Ngoài ra, kế hoạch nghỉ ngơi cũng không thể thiếu vì bạn không phải là một cỗ máy.
3. Biết cách xử lý áp lực xã hội
Xã hội luôn biết cách “nhào nặn” con người thành những hình mẫu lý tưởng bằng cách tạo ra áp lực về sự nghiệp, tiền bạc, danh vọng, giá trị bản thân… Để đối phó với Stresslaxing, hãy học cách kiên nhẫn và thiết lập giới hạn cá nhân. Nên nhớ rằng sức khỏe tinh thần của bạn quan trọng hơn việc tuân theo các kỳ vọng của người khác. Bạn cũng có thể thực hiện các hoạt động như thiền định, viết nhật ký, tập thể dục… để giải tỏa những áp lực cũng như hiểu chính mình và vững vàng hơn để không bị áp lực xã hội nhấn chìm.
Xem thêm: Áp lực đồng trang lứa peer pressure là gì? Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa
4. Tận hưởng khoảnh khắc thư giãn
Một điều quan trọng không kém trong việc việc đối phó với Stresslaxing là tìm kiếm các hoạt động thư giãn phù hợp với bản thân. Thư giãn không phải lúc nào cũng là việc nằm im và không làm gì cả. Hãy tìm ra những hoạt động phù hợp với sở thích, lối sống cá nhân của bạn, có thể là nấu ăn, làm vườn, chạy bộ, hoặc thậm chí là chơi game.
Xem thêm: 15 món đồ chơi xả stress hiệu quả cho dân văn phòng
5. Suy nghĩ tích cực về Stresslaxing
Mặc dù Stresslaxing có thể nói là tiêu cực, nhưng đừng vì vậy mà trở nên tiêu cực hơn khi lỡ biết mình đang mắc phải tình trạng này. Bất kỳ vấn đề gì cũng không phải hoàn toàn xấu và hoàn toàn tốt. Stresslaxing là một cơ hội giúp bạn hiểu rõ hơn về mình, về các yếu tố kích thích bản thân căng thẳng và cách để ứng phó. Đối mặt với tình trạng này sẽ giúp bạn trưởng thành và phát triển hơn. Khi đi qua giông tố, thứ con người ta có được chính là sự vững vàng.
Với một xã hội đầy áp lực và định kiến, việc vượt qua Stresslaxing không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, bằng nhận thức, hiểu biết cũng như áp dụng các giải pháp phù hợp, bạn có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn của Stresslaxing và thật sự thư giãn. Nghỉ ngơi không xa xỉ mà là một phần quan trọng để duy trì sức khỏe toàn diện, hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Và để tìm việc ngon hơn, phù hợp hơn hãy truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!
Xem thêm: Black company là gì? Dấu hiệu cảnh báo bạn đang làm việc cho một công ty đen