“Thanh khoản” là một khái niệm phổ biến trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư, nhất là đối với những nhà đầu tư mới, việc hiểu và nắm vững ý nghĩa thanh khoản là gì vô cùng quan trọng. Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu tất tần tật về thanh khoản ngay trong bài viết bên dưới nhé!
1. Thanh khoản là gì?
Thanh khoản trong tiếng Anh được gọi là “Liquidity”, dùng để mô tả mức độ dễ dàng của việc mua và bán một sản phẩm hoặc tài sản trên thị trường mà không gây ra biến động đáng kể đối với giá cả của tài sản đó. Tính thanh khoản là khả năng chuyển đổi một tài sản hoặc sản phẩm thành tiền mặt.
Tiền mặt có mức thanh khoản cao nhất vì nó có thể được “bán” mà giá trị trên thị trường ít thay đổi. Trái lại, các tài sản như bất động sản, máy móc… thường có mức thanh khoản thấp hơn vì chuyển đổi thành tiền mất một khoảng thời gian.
Thanh khoản thị trường là gì?
Thị trường là nơi tập trung đông đảo người mua và người bán tham gia vào các hoạt động giao dịch và trao đổi tài sản. Thanh khoản thị trường là mức độ sẵn sàng giao dịch của toàn bộ thị trường, giúp tài sản được giao dịch với giá ổn định và minh bạch.
Thị trường chứng khoán thường có đặc điểm là thanh khoản thị trường cao. Khi một sàn giao dịch có khối lượng giao dịch lớn mà không bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán ra, giá mua của người mua và giá bán của người bán thường gần nhau. Điều này giúp nhà đầu tư không cần phải hy sinh lợi nhuận để bán tài sản nhanh chóng. Khi chênh lệch giữa giá mua và giá bán thu hẹp, thị trường có mức độ thanh khoản cao hơn; ngược lại, khi chênh lệch ngày càng lớn, thanh khoản sẽ kém đi.
Thị trường bất động sản thường có mức độ thanh khoản thấp hơn so với thị trường chứng khoán. Sự thanh khoản của các thị trường khác như tiền tệ, phái sinh hoặc hàng hóa sẽ phụ thuộc vào quy mô và số lượng các yếu tố kinh tế tham gia vào thị trường.
Mất thanh khoản là gì?
Mất thanh khoản là tình trạng một tài sản hoặc một thị trường gặp phải khi khả năng mua bán bị giảm đáng kể, dẫn đến việc giao dịch trở nên khó khăn và chi phí giao dịch tăng cao. Lý do mất thanh khoản, có thể do không đủ người muốn mua hoặc bán tài sản, hoặc thiếu hụt thông tin hoặc sự không chắc chắn trong thị trường.
Khi mất thanh khoản xảy ra, việc chuyển đổi tài sản thành tiền mặt trở nên khó khăn, giá trị tài sản bị ảnh hưởng do thiếu hụt người mua hoặc sự tăng lên của chi phí giao dịch. Từ đó có thể gây ra những rủi ro cho nhà đầu tư và không ổn định trong thị trường tài chính.
2. Đặc điểm của thanh khoản là gì?
Dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt
Tính thanh khoản cao đồng nghĩa với việc tài sản dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt mà không gặp khó khăn hay mất giá trị.
Khả năng mua và bán
Tài sản có thanh khoản cao sẽ thu hút nhiều người muốn mua và bán, tạo ra sự cạnh tranh giữa người mua và người bán, từ đó tạo ra thị trường hoạt động hiệu quả.
Thời gian giao dịch nhanh chóng
Tính thanh khoản cao thường đi kèm với thời gian giao dịch nhanh.
Chi phí giao dịch thấp
Mức độ thanh khoản cao thường đi kèm với chi phí giao dịch thấp, bởi vì cạnh tranh giữa người mua và người bán giúp làm giảm các khoản phí giao dịch.
Sự minh bạch
Thị trường có tính thanh khoản cao thường đi kèm với sự minh bạch cao, giúp người tham gia thị trường dễ dàng tiếp cận thông tin và đưa ra các quyết định giao dịch hiệu quả.
3. Ý nghĩa của thanh khoản là gì?
Đối với doanh nghiệp
- Bảo đảm tài chính: Tính thanh khoản hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác định và quản lý tài sản. Nhờ tính thanh khoản, doanh nghiệp có thể kiểm soát dòng tiền và duy trì hoạt động kinh doanh.
- Mở rộng phạm vi đầu tư: Việc nhận biết tính thanh khoản giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tình hình tài chính. Nếu kết quả kinh doanh thuận lợi và có kế hoạch tài chính rõ ràng, họ có thể mở rộng hoạt động đầu tư.
- Nâng cao uy tín cho doanh nghiệp: Việc hiểu rõ về tính thanh khoản của sản phẩm thể hiện sự minh bạch và rõ ràng của doanh nghiệp.
- Giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp: Trong lĩnh vực kinh doanh, không ai có thể đảm bảo được tình hình thị trường và hoạt động kinh doanh trong tương lai. Do đó, nhận biết tính thanh khoản của các loại tài sản sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.
Đối với ngân hàng, chủ nợ, nhà đầu tư
- Đối với ngân hàng: Thông qua tính thanh khoản, ngân hàng có thể đảm bảo luôn có dòng tiền và đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng, bất kể tình hình thị trường ra sao.
- Đối với người vay: Thanh khoản giúp người vay có khả năng thanh toán kịp thời cho chủ nợ hoặc ngân hàng trong trường hợp họ gặp khó khăn về tài chính. Hơn nữa, tính thanh khoản tạo cơ hội cho người vay sử dụng tài sản để đảm bảo vay vốn thông qua hình thức thế chấp.
- Đối với nhà đầu tư: Tính thanh khoản giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro và đưa ra các quyết định đầu tư có hệ thống và linh hoạt, tăng khả năng thành công trong các giao dịch.
4. Các loại tài sản theo mức độ thanh khoản là gì?
Tiền mặt và các tài khoản ngân hàng
Đây là các tài sản có mức độ thanh khoản cao nhất, vì chúng có thể được sử dụng ngay lập tức để thanh toán các khoản nợ và chi phí.
Chứng khoán và các công cụ tài chính có thể chuyển đổi ngay lập tức
Đây là các tài sản có mức độ thanh khoản cao bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và quỹ đầu tư có thể bán ra để thu hồi vốn.
Các khoản đầu tư dài hạn
Đây là các tài sản có thể chuyển đổi thành tiền mặt sau một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ: địa ốc, các khoản đầu tư vào doanh nghiệp, quỹ đầu tư có thể bán ra trong một khoảng thời gian dài.
Các tài sản cố định
Đây là các tài sản có giá trị lớn và được sử dụng trong thời gian dài, nhưng mức độ thanh khoản thấp hơn so với các loại tài sản khác.
Các tài sản khác
Bao gồm các tài sản khó tính toán giá trị hoặc khó bán ra như bảo hiểm nhân thọ, các tài sản sở hữu chung và các tài sản không có giá trị thị trường rõ ràng.
5. Các yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản là gì?
Các chỉ số tài chính của doanh nghiệp
Những chỉ số này phản ánh trực tiếp tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường. Một doanh nghiệp với kết quả kinh doanh tích cực và tốc độ tăng trưởng cao thường có các sản phẩm có tính thanh khoản cao.
Ví dụ, chỉ số P/E (tỷ lệ giá cổ phiếu trên lợi nhuận) ảnh hưởng đến tính thanh khoản của cổ phiếu Cổ phiếu với P/E cao hơn so với mức trung bình của thị trường thường có tính thanh khoản cao.
Các chính sách, quy định của Nhà nước
Mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều phải tuân theo và chịu ảnh hưởng của các chính sách, quy định của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu các chính sách hỗ trợ thị trường phát triển, tính thanh khoản thường cao. Ngược lại, nếu chính sách hạn chế hoặc làm thị trường suy thoái, tính thanh khoản giảm.
Ví dụ, việc ban hành chỉ thị số 03 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gây sốc với thị trường chứng khoán, khiến thị trường lao dốc và giảm tính thanh khoản.
Tâm lý của nhà đầu tư
Các nhà đầu tư được phân chia thành nhiều nhóm, bao gồm đầu tư ngắn, trung và dài hạn. Trong quá trình giao dịch trên thị trường, nhà đầu tư ngắn hạn thường phản ứng nhanh chóng và chỉ quan tâm đến biến động ngắn hạn của thị trường. Họ thường tránh rủi ro và chú ý đến tâm lý thị trường khi đưa ra quyết định đầu tư.
6. Công thức tính thanh khoản là gì?
Tỷ số thanh khoản hiện thời
Tỷ số thanh khoản hiện thời = Tài sản lưu động / Nợ ngắn hạn
Trong đó:
- Tài sản lưu động là các tài sản có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt trong thời gian ngắn, bao gồm tiền mặt và nguyên vật liệu sản xuất.
- Nợ ngắn hạn là số tiền mà doanh nghiệp phải trả trong vòng 1 năm hoặc chu kỳ sản xuất.
- Nếu tỷ số thanh khoản hiện thời nhỏ hơn 1, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có khả năng trả nợ kém; ngược lại, nếu tỷ số lớn hơn 1, doanh nghiệp có khả năng thanh toán nợ.
Ví dụ 1: Doanh nghiệp A có tài sản lưu động là 300 triệu VNĐ và nợ ngắn hạn là 500 triệu VNĐ. Tỷ số thanh khoản hiện thời của doanh nghiệp A là 0.6, cho thấy khả năng trả nợ kém.
Ví dụ 2: Doanh nghiệp B có tài sản lưu động là 500 triệu VNĐ và nợ ngắn hạn là 400 triệu VNĐ. Tỷ số thanh khoản hiện thời của doanh nghiệp B là 1.25, cho thấy khả năng thanh toán nợ.
Tỷ số thanh khoản nhanh
Tỷ số thanh khoản nhanh = (Tài sản lưu động – Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn
Hoặc Tỷ số thanh khoản nhanh = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn
Nếu tỷ số này nhỏ hơn 0.5, doanh nghiệp có khả năng thanh toán thấp; trong khoảng từ 0.5 đến 1, doanh nghiệp có khả năng thanh toán cao.
Ví dụ 1: Doanh nghiệp A có tài sản lưu động là 700 triệu VNĐ và hàng tồn kho là 500 triệu VNĐ. Khoản nợ ngắn hạn là 300 triệu VNĐ. Tỷ số thanh khoản nhanh của doanh nghiệp A là 0.66, cho thấy khả năng thanh toán cao.
Ví dụ 2: Doanh nghiệp B có tài sản lưu động là 700 triệu VNĐ, hàng tồn kho là 500 triệu VNĐ và nợ ngắn hạn là 500 triệu VNĐ. Tỷ số thanh khoản nhanh của doanh nghiệp B là 0.4, cho thấy khả năng thanh toán thấp.
Tỷ số khả năng thanh toán tức thời
Tỷ số khả năng thanh toán tức thời = Vốn bằng tiền / Nợ ngắn hạn
Được tính bằng cách chia vốn bằng tiền cho nợ ngắn hạn. Tỷ số này cho biết khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp bằng tiền mặt.
7. Một số khái niệm khác về thanh khoản
Bẫy thanh khoản là gì?
Hiện tượng bẫy thanh khoản (liquidity trap) xảy ra khi lãi suất và lượng tiền trong nền kinh tế ở mức thấp, dẫn đến sự ưu tiên giữ tiền mặt thay vì đầu tư để tạo lợi nhuận.
Trong bối cảnh bẫy thanh khoản, chính sách tiền tệ của các cơ quan quản lý nhà nước trở nên vô hiệu do lãi suất thấp, khiến người dân không còn động lực đầu tư. Điều này thúc đẩy các cơ quan tiền tệ phải áp dụng các biện pháp khác nhằm kích thích nhu cầu đầu tư.
Một số nguyên nhân gây ra hiện tượng bẫy thanh khoản bao gồm nền kinh tế suy thoái, sự giảm thu nhập hoặc thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân.
Xem thêm: Làm gì khi suy thoái kinh tế? 8 ngành giúp bạn ổn định trong thời kỳ khó khăn
Rủi ro thanh khoản là gì?
Rủi ro thanh khoản (liquidity risk) là khả năng tài sản không thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt. Tình trạng này gây ra tác động lớn đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư hoặc tổ chức tài chính vì họ không thể thanh toán các khoản nợ, gây ra tổn thất đến hoạt động kinh doanh và tài chính.
Các dạng rủi ro thanh khoản bao gồm:
- Rủi ro thị trường: Biến động trên thị trường làm giảm nguồn cung và cầu, dẫn đến giảm giá và tính thanh khoản của tài sản.
- Rủi ro thay đổi lãi suất: Sự giảm lãi suất làm cho các nhà đầu tư không còn quan tâm đến các loại đầu tư như cổ phiếu hoặc trái phiếu.
- Rủi ro thanh toán: Khả năng thanh khoản kém gây ra tác động tiêu cực đến tài chính.
- Rủi ro hoạt động: Các hoạt động kinh doanh không như dự định có thể tạo ra lượng hàng tồn lớn không thể xử lý trong thời gian ngắn.
Các giải pháp quản lý rủi ro thanh khoản là gì?
- Bảo đảm dòng tiền: Tổ chức hoặc cá nhân cần duy trì lượng tiền mặt đủ để đối phó với các rủi ro.
- Đa dạng hóa đầu tư: Đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau có thể giúp tích lũy và giảm thiểu rủi ro thanh khoản.
- Sử dụng các công cụ hỗ trợ vốn: Công cụ tái vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ về vốn và tiện lợi thanh toán cho các tổ chức tín dụng.
- Cập nhật thông tin thị trường: Quản lý cần thường xuyên cập nhật thông tin từ các nguồn đáng tin cậy để đối phó với biến động và tránh rơi vào tình trạng FOMO (Fear of Missing Out).
- Lên kế hoạch quản lý rủi ro tài chính: Doanh nghiệp cần xác định rõ các rủi ro và tìm kiếm giải pháp phù hợp. Đồng thời, cần giải quyết nguyên nhân từ gốc rễ để tránh tác động tiêu cực.
Tạm kết
Thanh khoản là một yếu tố quan trọng trong hệ thống kinh tế, vì thế việc đảm bảo tính thanh khoản luôn là một ưu tiên đối với các nhà quản lý.
Hy vọng rằng với những chia sẻ về thanh khoản là gì có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về thuật ngữ này, từ đó, đưa ra quyết định đầu tư phù hợp nhất. Chúc bạn luôn thành công! Đừng quên đón đọc các bài viết hữu ích khác tại Vieclam24h.vn nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.
Xem thêm: Vốn đối ứng là gì? 14 khoản chi phí sử dụng vốn đối ứng bạn cần biết