Giúp đỡ người khác là tốt. Nhưng nếu họ không nhờ mà bạn cứ khăng khăng đòi giúp vì cho rằng chỉ mình mới giải quyết được vấn đề? Bạn thấy vô dụng khi không giúp được ai? Rất có thể bạn đang vướng phải hội chứng có tên Savior Complex. Vậy Savior Complex là gì? Làm sao để không bị Savior complex “thao túng” và vui sống thảnh thơi? Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h mổ xẻ về hội chứng này qua bài viết.
Savior Complex là gì?
Savior Complex là tên một hội chứng tâm lý, trong đó người mắc luôn cảm thấy bản thân có trách nhiệm phải giúp đỡ người khác, thậm chí sẵn sàng gạt ưu tiên của mình sang một bên để giúp người khác giải quyết vấn đề. Người khác ở đây có thể là bạn bè, đồng nghiệp, người yêu hay bạn đời.
Ba biểu hiện cơ bản của hội chứng này thường là:
- Chỉ cảm thấy có giá trị, vui vẻ khi được giúp đỡ người khác.
- Tin rằng giúp đỡ người khác là sứ mệnh của mình.
- Giúp đỡ tới khi kiệt sức, bất chấp việc của mình còn dang dở.
Hội chứng này còn được gọi với tên White Knight Syndrome, Christ Complex hay Messiah Complex. Trong tiếng Việt, Savior Complex được dịch là hội chứng “Hiệp sĩ trắng” hay hội chứng “siêu anh hùng”.
Hội chứng Savior complex thường “trông” như thế nào?
Biểu hiện của hội chứng này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu: trường học, gia đình, chốn công sở.
Savior complex luôn quan tâm người khác thái quá
Đồng nghiệp than vãn sắp trễ deadline, bạn sẵn sàng xắn tay làm giúp họ, mặc kệ họ thực sự cần hay không. Bạn khó có thể từ chối khi ai đó nhờ làm việc gì dù bạn còn cả đống việc chưa làm. Từ chối đồng nghĩa với là người xấu và khiến bạn áy náy.
Ưu tiên người khác hơn bản thân
Người mắc savior complex luôn cố gắng làm hài lòng người khác, sẵn sàng hy sinh công sức, tiền bạc, thời gian để hỗ trợ cho người khác mà không bận tâm điều này ảnh hưởng đến công việc dang dở hay bản thân họ.
Tin rằng bạn được sinh ra để giúp người khác thay đổi cuộc sống
Tiến sĩ tâm lý Maury Joseph cho biết, những người mắc hội chứng savior complex thường tin rằng họ được sinh ra để giúp đỡ và thay đổi cuộc sống của người khác.
Họ nghĩ rằng chỉ bản thân mới giải quyết được vấn đề, giống như các siêu anh hùng trong phim điện ảnh, dù trên thực tế, nhiều khi sự giúp ích là không đáng kể.
Họ luôn đồng cảm với ai đó gặp khó khăn, cảm thấy khi giúp đỡ mọi người mới khiến cuộc sống có thêm ý nghĩa và tin rằng mình sinh ra để giúp đỡ người khác, kể cả khi bản thân họ thực sự vẫn còn nhiều vấn đề.
Người mắc hội chứng savior complex thường nghĩ rằng việc tỏ ra thấu hiểu giúp tạo nên hình tượng tốt về một người nhân ái, cao thượng, rộng lượng, đủ giỏi giang để giúp đỡ người khác mọi việc, đủ tinh tế để đồng cảm với bất cứ ai gặp khó khăn.
Cố gắng thay đổi người khác, giúp họ tốt lên
Biểu hiện thường thấy khác của hội chứng savior complex là luôn muốn đưa ra lời khuyên cho người khác mọi lúc mọi nơi, thậm chí không cần thiết hoặc không phù hợp.
Trong công việc, họ thường đưa nhiều giải pháp cho đồng nghiệp và tin rằng những sáng kiến đó mới là cách làm đúng đắn nhất để giải quyết vấn đề. Vì thế, đồng nghiệp nên nghe theo lời khuyên này. Nếu có xảy ra mâu thuẫn trong nhóm, cũng chính họ sẽ là người đứng ra bênh vực cho những đồng nghiệp yếu thế.
Savior Complex tác động tới chúng ta như thế nào
Việc giúp sức cho người khác mù quáng sẽ khiến người mắc savior complex gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Dễ bị kiệt sức
Quá tập trung năng lượng vào vấn đề của người khác, sau cuối, họ sẽ chẳng còn năng lượng để giải quyết các vấn đề của bản thân và thường dẫn tới phải làm thêm giờ, dễ mệt mỏi, kiệt sức và không đạt được những hiệu quả mong muốn trong công việc.
Savior complex khiến bạn dễ xảy ra tranh chấp
Không phải lúc nào lo lắng cho người khác và đưa lời khuyên cũng khiến đồng nghiệp yêu quý bạn, nhất là khi họ không thực sự cần. Điều này gây ảnh hưởng tới các mối quan hệ trong công việc cũng như trong cuộc sống, đôi khi còn gây ra mâu thuẫn và tranh chấp khi bạn giúp đỡ và can thiệp thái quá vào cuộc sống của người khác.
Cảm thấy thất bại
Khi việc giúp đỡ thất bại hoặc ai đó không cần họ giúp đỡ, bạn cảm giác vô dụng, thất bại hoặc bất mãn.
Dễ gây ra vấn đề tâm lý
Cảm giác thất bại khi kết quả giúp đỡ không như ý có thể khiến người mắc hội chứng savior complex cảm thấy đánh mất giá trị bản thân và dễ gặp phải một số vấn đề về tâm lý nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn: trầm cảm, khắt khe với bản thân, kiểm soát bản thân… thậm chí còn sinh cảm giác thù ghét với người từ chối sự giúp đỡ.
Xem thêm: 3 cách giúp bạn kiểm soát bản thân khi công việc rơi vào bế tắc
Nguyên nhân dẫn tới Savior Complex là gì?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hội chứng savior complex.
Tiêu chuẩn đạo đức cao
Theo chuyên gia tâm lý Cynthia Catchings, hội chứng savior complex là một cách phản ứng để khẳng định giá trị bản thân là người tốt và che đi sự bất an, những khuyết điểm của bản thân.
Bởi vậy, họ tin rằng việc người khác đón nhận sự giúp đỡ giống như một sự công nhận, từ đó khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn, trở thành người đặc biệt hơn.
Có một gia đình bất hoà
Nhiều người mắc hội chứng Savior Complex xuất thân từ một gia đình không mấy êm ấm. Trong kiểu gia đình này, trách nhiệm của mỗi thành viên trở nên cứng nhắc, ràng buộc. Đứa trẻ lớn lên trong bối cảnh này nhận thức rằng tình yêu thương bố mẹ trao cho họ là có điều kiện. Để được nhận tình thương, đổi lại, đứa trẻ phải làm điều gì đó có ích hoặc tuyệt đối vâng lời cha mẹ. Tư tưởng này đi theo tới khi trưởng thành, họ dễ bị phụ thuộc tinh thần vào người khác, luôn nghĩ rằng để được đón nhận trong cộng đồng, được người khác yêu quý, họ cần phải giúp đỡ hoặc trao đi giá trị của bản thân thật nhiều.
Là người con gánh nhiều kỳ vọng, trách nhiệm trong nhà
Người con trưởng trong gia đình thường dễ mắc phải hội chứng savior complex hơn. Bởi, từ khi còn bé, họ đã gánh vác nhiều kỳ vọng của cha mẹ như phải trở nên nổi bật, phải trở nên giỏi nhất để có thể chịu trách nhiệm với gia đình, với cha mẹ sau này.
Khi trưởng thành, người con cả cũng thường bản lĩnh, độc lập và quen được nhiều người phụ thuộc, tin cậy vào mình, giống như một kiểu quyền lực hữu hình. Từ đó, họ dễ nảy sinh ham muốn làm “siêu anh hùng” như một thói quen để bảo toàn vị thế.
Tuổi thơ thiếu an toàn
Kiểu gắn bó thiếu an toàn với cả người thân nhất từ khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách một người liên hệ với người khác khi trưởng thành. Ví dụ như cha mẹ hay người nuôi dưỡng không ở cạnh khi họ cần, không đáp ứng đủ nhu cầu về tinh thần lẫn vật chất. Dẫn tới khi trưởng thành bạn luôn có cảm giác thiếu thốn và phải bù đắp, quan tâm hoặc cảm giác lệ thuộc vào người khác. Họ cần có ai đó cần mình để cảm thấy mãn nguyện và hài lòng. Điều này có thể hình thành nên cảm giác luôn thấy bản thân có trách nhiệm cho những vấn đề của người khác.
Không biết cách đặt ra giới hạn
Thiếu quyết đoán và không biết cách tự đặt ra giới hạn cũng giải thích cho việc bạn luôn muốn chịu trách nhiệm quá mức với các vấn đề của người khác. Người không biết cách nào để từ chối, không biết đặt ra ranh giới cho bản thân sẽ dễ bị người khác lợi dụng và coi vấn đề của người khác là vấn đề của mình.
Xem thêm: Tại sao bạn mãi loanh quanh không dám bước ra vùng an toàn của bản thân?
Trốn tránh vấn đề của chính mình
Một lý do khác cho việc thích chịu trách nhiệm với vấn đề của người khác là do không biết cách giải quyết vấn đề của chính mình. Họ muốn trốn tránh vấn đề của bản thân, thay vào đó là dành nhiều thời gian hơn cho người khác.
Làm gì để thoát khỏi Savior Complex?
Một khi đã nhận ra bản thân đang thường xuyên chịu trách nhiệm cho những vấn đề của người khác và bắt đầu muốn thay đổi, sau đây chính là những việc tiếp theo bạn cần làm:
- Suy nghĩ về nguyên nhân việc giúp đỡ: bạn có thực sự cần thiết làm việc này không? Tại sao bạn cần làm điều đó? Hiểu rõ nguyên nhân thực sự sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn khi đưa ra quyết định.
- Xác định yếu tố khiến bạn có hành vi như vậy: có phải sự phụ thuộc về cảm xúc? Nhu cầu cảm thấy bản thân hữu ích? Lòng tự trọng thấp?
- Viết ra các vấn đề của bản thân và của người khác vào cột: hãy để một cột dành cho vấn đề của người khác, một cột dành cho vấn đề của bạn, xem xét chúng có thực sự liên quan đến nhau hay không.
- Hiểu rằng ai cũng có những trắc trở riêng và tự họ cần đương đầu với thách thức này như một phần cuộc sống. Mỗi người nên tự khắc phục vấn đề của mình độc lập
- Đôi khi điều người khác cần chỉ là lắng nghe chứ không phải là hành động giúp đỡ: nhiều người tâm sự với bạn nhưng chỉ là bởi họ cần lắng nghe chứ không phải thực sự cần bạn xắn tay hỗ trợ.
- Sẵn lòng giúp đỡ – nhưng chỉ khi người khác thực sự cần. Hãy chỉ giúp đỡ khi bạn được nhờ, và sau khi đánh giá đúng rằng việc đó vượt quá khả năng hiện tại của họ.
- Tự nhìn lại và đương đầu với vấn đề của bản thân: nếu bạn giúp đỡ người khác để trốn tránh vấn đề của chính mình, bạn nên dành thời gian tìm hiểu điều gì khiến bạn thực sự tổn thương và vì sao lại hành động như vậy.
- Từng bước thiết lập ranh giới, rèn luyện sự quyết đoán và bắt đầu nói không nếu vấn đề không liên quan tới bạn.
- Củng cố lòng tin và giá trị bản thân qua những hành động chỉ thực sự liên quan đến bản thân nhiều hơn.
- Bắt đầu những thay đổi nhỏ như từ bỏ trách nhiệm, từ bỏ quyền kiểm soát với người khác và theo dõi cảm xúc của bản thân xem bạn thực sự cảm thấy như thế nào.
- Tham vấn hoặc yêu cầu giúp đỡ về tâm lý nếu cần.
Xem thêm: Hội chứng trầm cảm cười: Môi mỉm cười nhưng lòng có thực sự đang vui?
Lời kết
Hy vọng bài viết chia sẻ về Savior Complex từ Việc Làm 24h sẽ giúp bạn hiểu hơn về hội chứng người hùng này. Nhận ra những dấu hiệu và từng bước thoát ra khỏi cảm giác luôn chịu trách nhiệm cho người khác sẽ giúp bạn dành nhiều thời gian cho bản thân hơn, hướng tới một cuộc sống cho chính mình, hạnh phúc và thảnh thơi hơn.
Xem thêm: Hướng dẫn cách tính lương ngày lễ cho người lao động mới nhất