Tâm lý nạn nhân: Thuốc độc dần giết chết sự tự tin và tích cực của bạn

Mỗi người chúng ta đều trải qua những thăng trầm trong cuộc sống. Bất kể điều tồi tệ nào cũng có thể xảy ra với bạn hoặc những người xung quanh. Tuy nhiên, nhiều người có xu hướng chối bỏ sai lầm hoặc luôn cảm thấy mình là nạn nhân trong câu chuyện. Thậm chí, họ còn liên tục đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh dẫn đến những tình huống không mong muốn. Đây được gọi là tâm lý nạn nhân hay hội chứng “Victim Mentality”. Mời bạn cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu chi tiết về tâm lý nạn nhân qua bài viết dưới đây!

Tâm lý nạn nhân là gì?

Khái niệm tâm lý nạn nhân

“Đó không phải là lỗi của tôi!”. Tâm lý nạn nhân (Victim Mentality) là thuật ngữ trong tâm lý học.  Người mang tâm lý nạn nhân thường tin rằng cuộc sống này luôn bất công với mình. Họ đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác khi mọi thứ diễn ra không theo ý muốn. Đó có thể là lỗi của gia đình, đồng nghiệp, đối tác, bạn bè hoặc “cách thế giới vận hành”.

tâm lý nạn nhân
Tâm lý nạn nhân là thuật ngữ phổ biến trong ngành tâm lý học

Tâm lý nạn nhân thường bị nhầm lẫn với hội chứng phức cảm tử đạo (Martyr Complex). Dù khá tương đồng nhưng hai hội chứng vẫn có nhiều điểm khác biệt nhau. Người mang tâm lý nạn nhân thường “ôm” mọi sự chỉ trích, phỉ báng. Dù những lời tiêu cực không nhắm vào mình, họ vẫn cảm thấy bị tổn thương và tin rằng:

  • Những điều tồi tệ trước đây sẽ vẫn lặp lại.
  • Tất cả những người xung quanh khiến tôi bất hạnh hoặc mọi thứ đang chống lại tôi.
  • Điều gì đã xảy ra rồi thì cố gắng cũng trở nên vô nghĩa.

Người mang tâm lý nạn nhân luôn chìm đắm trong một “biển hồ” tiêu cực thay vì tự cứu lấy mình. Thậm chí, họ còn ép buộc suy nghĩ nạn nhân lên những người xung quanh. 

Trong khi đó, một người phức cảm tử đạo luôn cố gắng đảm nhận nhiệm vụ thay cho người khác, ngay cả khi họ không muốn. Họ thường hy sinh bản thân vì người khác nhưng lại cảm thấy khó chịu sau sự việc. 

Điểm đặc trưng của người mang tâm lý nạn nhân

Thiếu tự tin và cảm thấy bất an

Người mang tâm lý nạn nhân thường mất đi sự tự tin vào bản thân và khả năng đưa ra quyết định. Họ rơi vào trạng thái bất an, e ngại khi đối mặt với những tình huống mới. Thậm chí, họ còn tránh xa những hoạt động hoặc tương tác xã hội để tránh tái trải qua cảm xúc khó chịu. Điều này xảy ra do người thuộc hội chứng Victim Mentality tự đặt ra giới hạn, bó buộc bản thân mình trong một khuôn khổ nhất định.

tâm lý nạn nhân
Có nhiều dấu hiệu nhận biết tâm lý nạn nhân

Xem thêm: Imposter syndrome là gì? Vì sao tôi luôn cảm thấy mình không xứng đáng?

Luôn cảm giác sợ hãi, lo lắng

Tâm lý nạn nhân thường bị ám ảnh bởi cảm giác lo lắng, không kiểm soát và sợ hãi. Trong nhiều trường hợp, họ có thể bị khủng hoảng, không an toàn và dễ bị kích động. Sự lo lắng, sợ hãi sẽ khiến họ trở nên nhạy cảm, hoảng sợ và khó khăn trong việc tin tưởng người khác. 

Tự trách bản thân

Những người mắc hội chứng tâm lý nạn nhân thường tự nhận lỗi về phía mình. Họ cảm thấy mình chính là nguyên nhân dẫn đến những sự kiện thiếu may mắn. Một số người còn tự đặt ra những hình phạt về mặt tâm lý, giữ mãi cảm xúc tiêu cực trong suy nghĩ.

Mất niềm tin vào người khác và thế giới

Một trong những điểm đặc trưng của người mắc hội chứng tâm lý nạn nhân là thiếu niềm tin vào người khác và thế giới xung quanh. Họ thường tỏ ra ngờ vực và không tin vào lòng tốt của người khác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là kết quả của sự phản bội hoặc lầm lỗi mà họ đã trải qua. Thậm chí, sự mất niềm tin còn khiến họ gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ.

tâm lý nạn nhân
Bất kỳ ai cũng có thể mắc hội chứng Victim Mentality

Cảm xúc không ổn định

Nạn nhân thường có sự biến đổi cảm xúc một cách thiếu kiểm soát. Họ có thể trải qua những cảm xúc mâu thuẫn như khóc lóc, tức giận, buồn bã. Cảm xúc không ổn định này chính là kết quả của sự đau đớn, stress mà nạn nhân đã trải qua. Đồng thời, tâm lý này cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ với những người xung quanh. 

Hậu quả của tâm lý nạn nhân là gì?

Trên thực tế, tâm lý nạn nhân có thể “tàn phá” cuộc sống của một người. Sống với lối suy nghĩ thiếu lành mạnh như vậy có thể khiến bạn làm “bào mòn” những mối quan hệ. Trong nhiều trường hợp, người mang tâm lý nạn nhân còn có hành vi tự huỷ hoại bản thân, không có khả năng hình thành và duy trì kết nối.

Một số hậu quả thường gặp của việc đóng vai nạn nhân là:

  • Khó giữ bạn bè và đối tác.
  • Cảm giác oán hận.
  • Cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc không xứng đáng.
  • Thiếu hứng thú với các hoạt động/sở thích trước đây.
  • Trầm cảm.
  • Lo lắng.
tâm lý nạn nhân
Tâm lý nạn nhân khiến bệnh nhân cảm thấy tự ti, thiếu kiên định

Nguyên nhân sâu xa của tâm lý nạn nhân

Chấn thương trong quá khứ

Những thương tổn thời thơ ấu có thể là “tiền thân” của hội chứng tâm lý nạn nhân. Khi mong muốn không được đáp ứng, những đứa trẻ sẽ dễ bị tổn thương hoặc sang chấn tâm lý nặng nề. Lúc này, chúng ta có thể tin rằng mình không thể thay đổi quỹ đạo đã định sẵn của cuộc đời. 

Một số trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ như bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, lạm dụng, tai nạn giao thông, thảm hoạ,… Những trải nghiệm đau đớn và tổn thương có thể tạo ra sự lo lắng sâu sắc, ảnh hưởng đến sự tự tin, khả năng xử lý tình huống,…

Cảm giác bị phản bội

Khi tin rằng mình bị phản bội, bạn sẽ nảy sinh cảm giác thất vọng và buồn bã sâu sắc, nhất là những người quan trọng trong cuộc sống của mình như gia đình, bạn bè, người yêu,… Cảm giác bị phản bội có thể khiến bạn hình thành tâm lý nạn nhân.

Bị phụ thuộc

Nguồn gốc nảy sinh tâm lý cũng có thể hình thành do sự phụ thuộc vào người khác. Khi một người bị phụ thuộc quá mức vào người khác, họ trở nên dễ bị kiểm soát, cảm thấy bất lực và mất khả năng tự quản lý cuộc sống của mình. Cảm giác mất điểm và thiếu tự tin cũng có thể khiến họ dễ bị tổn thương, trở thành nạn nhân trong các mối quan hệ và tình huống xã hội. 

Ham muốn kiểm soát

Người có ham muốn kiểm soát cao cũng có khả năng bị hội chứng tâm lý nạn nhân. Khi không thể kiểm soát mọi thứ xung quanh, họ sẽ trở nên lo lắng, sợ hãi và dễ bị tổn thương. Những nỗi sợ này có thể xuất phát từ sự thiếu an toàn, không chắc chắn về cuộc sống. Và khi họ không thể đạt được mức độ kiểm soát mong muốn, tâm lý nạn nhân sẽ xuất hiện. 

Xem thêm: 3 cách giúp bạn kiểm soát bản thân khi công việc rơi vào bế tắc

tâm lý nạn nhân
Có nhiều nguyên nhân gây tâm lý nạn nhân

5 giải pháp giúp bạn ngừng “sắm” vai nạn nhân

Ngay cả khi cảm thấy bế tắc trong cách hành xử của mình, bạn vẫn có thể khắc phục và thay đổi suy nghĩ. Trên thực tế, không phải ai cũng cố tình “sắm” vai nạn nhân. Như đã đề cập, tâm lý nạn nhân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, bạn thậm chí có thể không biết mình mắc hội chứng này. Sau đây là 5 bước giúp bạn vượt qua.

1. Chịu trách nhiệm về hành động của mình

Để khắc phục, bước đầu tiên bạn cần làm là chịu trách nhiệm về hành động của mình. Tốt nhất, bạn nên chủ động và kiên trì trong việc thay đổi, tạo ra những hành động tích cực. Từ đó, bạn sẽ vượt qua tình trạng hiện tại. Việc chịu trách nhiệm giúp nạn nhân cảm thấy có quyền kiểm soát cuộc sống của mình, không bị mắc kẹt trong tâm lý nạn nhân.

2. Tự yêu thương chính mình

Người mắc chứng tâm lý nạn nhân cần học cách yêu thương và chăm sóc bản thân mình. Đó có thể là đặt giá trị cho bản thân, thúc đẩy sự tự tin và tạo ra môi trường tích cực để phục hồi tinh thần. Một số phương pháp giúp bạn cải thiện tinh thần, sức khoẻ tâm lý là tập thể dục, thiền định, viết nhật ký, tham gia vào các hoạt động sáng tạo. Đây là những giải pháp hữu hiệu giúp bạn chữa lành tâm hồn, chủ động hơn trong cuộc sống của chính mình.

Xem thêm: Healing là gì? Bật mí TOP 5 bộ phim healing xoa dịu tâm hồn đáng xem

3. Tập nói lời từ chối

Nạn nhân cần học cách thiết lập ranh giới của sự nhờ vả. Tốt nhất, bạn nên từ chối những gì mình cảm thấy không phù hợp hoặc ngoài khả năng giúp đỡ. Học cách nói lời từ chối giúp bạn cảm thấy thoải mái cũng như bảo vệ tâm lý của chính mình. Khi nói “Không!” một cách rõ ràng và kiên định, bạn sẽ thoát khỏi trạng thái áp lực hoặc nỗi sợ chi phối quyết định của mình. 

4. Rèn luyện tâm lý bản thân

Bạn có thể tìm hiểu và áp dụng những kỹ thuật rèn luyện tâm lý như kỹ năng quản lý stress, kỹ năng giải tỏa căng thẳng, kỹ năng giải quyết xung đột. Việc rèn luyện tâm lý giúp bạn nâng cao khả năng thích ứng, xử lý cảm xúc tiêu cực và tạo ra sự cân bằng trong cuộc sống. 

Xem thêm: Mẹo xây dựng thói quen kỷ luật bản thân giúp bạn trở nên ưu tú hơn mỗi ngày

5. Gặp chuyên gia trị liệu

Một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục là tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia trị liệu. Chuyên gia có thể là bác sĩ tâm lý, nhà tư vấn hoặc người hỗ trợ tâm lý. Họ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tâm lý của mình, đưa ra những giải pháp phù hợp để chữa lành. Đồng thời, các chuyên gia cũng sẽ giúp bạn điều chỉnh tư duy và cảm xúc tốt hơn. Khi đồng hành cùng các chuyên gia trị liệu, bạn không chỉ vượt qua những khó khăn hiện tại, mà còn xây dựng lại sự tự tin, sức mạnh tinh thần. Từ đó, bạn sẽ mạnh mẽ hơn khi đối mặt với tương lai.

Nhìn chung, quá trình khắc phục có thể khiến bạn tốn nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, khi vượt qua chướng ngại tâm lý này, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm. Nếu không tự mình giải quyết được vấn đề, bạn hoàn toàn có thể nhờ sự trợ giúp từ những người xung quanh.

Qua bài viết trên, Việc Làm 24h hy vọng bạn đã hiểu rõ thế nào là tâm lý nạn nhân và cách khắc phục tình trạng này. Hãy tiếp tục đồng hành cùng Việc Làm 24h để khám phá thêm những kiến thức về tâm lý khác bạn nhé!

Xem thêm: Checklist là gì? Vì sao checklist lại quan trọng trong quản lý công việc?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục