Dự đoán quỹ đạo của một sản phẩm mới là việc cần thiết mà gần như doanh nghiệp nào cũng thực hiện. Có nhiều công cụ dự đoán khác nhau, một trong số đó là vòng đời sản phẩm. Hiểu và sử dụng vòng đời sản phẩm có thể giúp cải thiện kỹ năng quản lý kinh doanh, tạo ra các sản phẩm ổn định và có lợi nhuận cao hơn. Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về vòng đời sản phẩm qua bài viết dưới đây.
Product life cycle (PLC) hay vòng đời sản phẩm là gì?
Vòng đời sản phẩm đề cập đến “tuổi thọ” của một sản phẩm bất kỳ với những giai đoạn khác nhau từ lúc mới “thai nghén” ý tưởng cho đến lúc rời khỏi thị trường. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vòng đời của sản phẩm như thị trường, lĩnh vực kinh doanh, tiềm lực của doanh nghiệp… Do đó, một sản phẩm không nhất thiết phải trải qua đầy đủ các giai đoạn. Ví dụ những mặt hàng có product life cycle kéo dài như sữa, dầu gội, bột giặt…
Xem thêm: Product Market Fit: La bàn giúp doanh nghiệp định hướng lối đi phù hợp
Vòng đời sản phẩm hoạt động như thế nào?
Cũng giống như con người, vòng đời của một sản phẩm được chia thành các giai đoạn khác nhau. Đó là giới thiệu, tăng trưởng, chín muồi và thoái trào.
1. Giới thiệu sản phẩm (Introduction Stage)
Đây là giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường, do đó tập trung vào việc làm cho người tiêu dùng biết đến sản phẩm và lợi ích của nó. Vì mới khởi đầu nên nhìn chung các doanh nghiệp sẽ gặp một số khó khăn về mặt tài chính. Để có chỗ đứng, một số cách được khuyến nghị như:
– Xây dựng thương hiệu và đảm bảo về chất lượng của sản phẩm.
– Chiến lược định giá ban đầu thấp để thâm nhập thị trường.
– Lựa chọn kênh phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường.
– Sử dụng các chiến dịch tiếp thị nhắm vào nhóm khách hàng mục tiêu.
Xem thêm: Product-led Growth là gì? Phân biệt Product-led Growth và Sales-led Growth
2. Tăng trưởng (Growth Stage)
Nếu khởi đầu thành công, sản phẩm sẽ chuyển sang giai đoạn tăng trưởng. Đặc trưng của giai đoạn này là nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, sản phẩm trở nên phổ biến, dễ nhận biết hơn, tăng sản xuất và phát triển tính năng sản phẩm. Thời gian chuyển từ giới thiệu sang tăng trưởng nhanh hay chậm phụ thuộc vào ngành hàng, sản phẩm.
Về mặt tài chính, giai đoạn tăng trưởng của vòng đời sản phẩm dẫn đến doanh thu cao hơn. Ngoài ra, khả năng cạnh tranh cũng tăng vì vậy nhiều khả năng doanh nghiệp buộc phải giảm giá và có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.
Một số cách để thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển từ giai đoạn giới thiệu sang tăng trưởng như:
– Duy trì chất lượng của sản phẩm và bổ sung các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ để thu hút khách hàng.
– Giữ giá bán ở mức tốt để duy trì tăng trưởng doanh số.
– Tăng cường phân phối và tìm nguồn cung ứng theo những cách mới để nhanh chóng phủ thị trường.
– Thực hiện các chiến dịch tiếp thị nhắm vào đối tượng rộng hơn và tăng thị phần cho sản phẩm.
3. Chín muồi (Maturity Stage)
Giai đoạn chín muồi của vòng đời sản phẩm mang lại nhiều lợi nhuận nhất, là thời điểm mà chi phí sản xuất và tiếp thị giảm xuống. Với thị trường bão hòa về sản phẩm, mức độ cạnh tranh hiện cao hơn so với các giai đoạn khác và tỷ suất lợi nhuận bắt đầu giảm. Một số nhà phân tích cho rằng giai đoạn chín muồi là khi khối lượng bán hàng đạt mức tối đa.
Về thị trường, đây cũng là giai đoạn có mức cạnh tranh cao nhất. Các công ty đối thủ đã có đủ thời gian để giới thiệu, cải tiến sản phẩm và “giành” khách hàng.
Các doanh nghiệp có thể giải quyết những vấn đề này bằng cách:
– Phát triển các tính năng để phân biệt với đối thủ cạnh tranh.
– Giảm giá bán lẻ.
– Điều chỉnh kênh phân phối và áp dụng các chính sách khuyến khích những nhà bán lẻ dự trữ sản phẩm.
– Thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích thích nhu cầu của thị trường.
4. Thoái trào (Decline Stage)
Với sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ, sản phẩm có thể mất thị phần và bắt đầu suy thoái. Do đó ở giai đoạn này doanh số sản phẩm bắt đầu giảm do bão hòa thị trường và các sản phẩm thay thế. Nếu bị loại bỏ hoàn toàn, công ty sẽ ngừng các hoạt động đầu tư cho sản phẩm đó. Ngoài ra, công ty có thể cải tiến và quay lại vòng đời sản phẩm bằng cách giới thiệu phiên bản mới ra thị trường.
Ưu điểm của vòng đời sản phẩm
Hiểu về các giai đoạn vòng đời sản phẩm sẽ mang lại những lợi thế cho doanh nghiệp đang tìm cách đưa sản phẩm mới ra thị trường, bao gồm:
– Lập kế hoạch chiến lược: lợi thế đầu tiên của vòng đời sản phẩm là khả năng dự đoán quỹ đạo tăng trưởng và quản lý sản phẩm. Product life cycle giúp các doanh nghiệp đưa ra những quyết định chiến lược về đầu tư tài chính, tiếp thị cũng như phát triển sản phẩm.
– Học hỏi kinh nghiệm từ các chu kỳ trước: bằng cách xác định giai đoạn hiện tại của sản phẩm trong vòng đời và so sánh với hiệu suất của các sản phẩm tương tự, doanh nghiệp có thể ngăn ngừa các lỗi trước đó và điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp.
Xem thêm: Bỏ túi thuật ngữ Product Marketing để trở thành Product Marketer chuyên nghiệp
Nhược điểm của vòng đời sản phẩm
Khi sử dụng PLC cần lưu ý một số nhược điểm tiềm ẩn như:
– Dự đoán chưa chính xác: vòng đời sản phẩm có thể dự báo nhưng không phải là công cụ dự đoán chính xác cho tất cả các sản phẩm.
– Lỗi thời trong việc lập kế hoạch: khi một sản phẩm bước vào giai đoạn chín muồi, doanh nghiệp có thể bắt đầu lên kế hoạch thay thế sản phẩm đó. Điều này thậm chí xảy ra ngay cả khi sản phẩm vẫn đang mang lại nhiều lợi ích. Đối với những nhà sản xuất có xu hướng giới thiệu sản phẩm mới vài năm một lần, điều này có thể dẫn đến lãng phí và sử dụng không hiệu quả các nguồn lực phát triển sản phẩm.
Ví dụ về vòng đời sản phẩm
1. Máy đánh chữ
– Giới thiệu: ý tưởng tổng thể về máy đánh chữ đã được phát triển trong một thời gian dài, bắt đầu từ năm 1575. Vào cuối những năm 1800, sản phẩm máy đánh chữ đầu tiên đã được giới thiệu.
– Tăng trưởng: máy đánh chữ nhanh chóng trở thành công cụ không thể thiếu đối với mọi hình thức viết và được sử dụng rộng rãi cho doanh nghiệp hay cá nhân.
– Chín muồi: máy đánh chữ đã ở giai đoạn này trong gần 80 năm vì đây là sản phẩm được ưa chuộng cho đến những năm 1980.
– Thoái trào: trong giai đoạn bão hòa, máy đánh chữ bắt đầu phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với máy tính vào những năm 1990. Cuối cùng sản phẩm đã bị ngừng sản xuất.
2. Truyền hình cáp
– Giới thiệu: truyền hình cáp được phát triển vào nửa đầu thế kỷ XX và giới thiệu vào năm 1950. Đến năm 1962, công nghệ này đã có những dấu hiệu phát triển đầu tiên.
– Tăng trưởng: sau một thập kỷ ngừng phát triển (do các hạn chế về quy định), truyền hình cáp bắt đầu thu hút được sự chú ý và đến năm 1980, hơn 15 triệu hộ gia đình đã có cáp.
– Chín muồi: vào khoảng những năm 1990, khoảng 7 trong số 10 gia đình có cáp truyền hình.
– Thoái trào: vào đầu thế kỷ 21 đã có sự bão hòa của truyền hình cáp và bắt đầu cạnh tranh với các công nghệ hiện đại khác. Từ năm 2015 trở lại, truyền hình cáp có sự sụt giảm rõ rệt. Các dịch vụ trực tuyến như Netflix được ưa chuộng hơn với tiềm năng phát triển mạnh.
Dù không phải là một công cụ dự đoán toàn năng nhưng vòng đời sản phẩm vẫn hữu ích để xác định sản phẩm đang ở giai đoạn nào, từ đó có những chiến lược phù hợp để cải thiện doanh số. Qua bài viết này của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về vòng đời sản phẩm. Để tìm việc Marketing mới nhất, hãy truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!
Xem thêm: Reach là gì? 5 cách đơn giản để tăng lượt tiếp cận Facebook