Đối với người lao động, việc nắm được các quyền lợi khi tham gia hợp đồng lao động là vô cùng cần thiết. Vì đặc thù công việc cũng như môi trường làm việc khác nhau nên một số lao động ngoài tiền lương, sẽ còn được chi trả thêm phần phụ cấp lương theo quy định của pháp luật. Vậy phụ cấp lương là gì? Quy định về các khoản phụ cấp theo lương cụ thể ra sao? Nếu bạn chưa nắm được thông tin thì hãy theo dõi bài viết của Việc Làm 24h nhé!
1. Phụ cấp lương là gì?
Căn cứ vào Điều 3, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH, phụ cấp lương được quy định là khoản tiền bù đắp cho người lao động khi làm việc trong điều kiện lao động, làm công việc có tính chất phức tạp hoặc điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đầy đủ hoặc chưa tính đến trong mức lương theo công việc hoặc theo chức danh.
Phụ cấp lương được chi trả để bù đắp cho người lao động những yếu tố cụ thể sau:
- Làm việc trong điều kiện có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Làm công việc có tính chất phức tạp, ví dụ công việc đòi hỏi cần phải có thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, công việc có khả năng ảnh hưởng tới các công việc khác, đòi hỏi kinh nghiệm hoặc thâm niên, đòi hỏi có kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp và sự phối hợp trong quá trình làm việc.
- Bù đắp thêm cho người lao động về các yếu tố điều kiện sinh hoạt như làm việc ở khu vực xa xôi, hẻo lánh, điều kiện khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, giá cả sinh hoạt đắt đỏ, khó khăn về nhà ở, công việc phải thường xuyên thay đổi nơi làm việc, nơi ở và các yếu tố khác, các yếu tố làm cho điều kiện lao động của lao động không thuận lợi.
- Bù đắp thêm phụ cấp để thu hút, khuyến khích người lao động làm việc ở các vùng kinh tế mới, thị trường mở, các công việc kém hấp dẫn, cung ứng thị trường lao động thấp, để khuyến khích lao động.
2. Quy định về các khoản phụ cấp theo lương có đóng bảo hiểm xã hội
Khi đã hiểu rõ phụ cấp lương là gì, Việc Làm 24h sẽ giúp bạn liệt kê quy định về các khoản phụ cấp theo lương trong doanh nghiệp để tránh bị thiệt thòi khi tham gia lao động.
Theo khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ: “Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”
Trong đó, khoản 1 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH xác định các khoản phụ cấp tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:
2.1. Phụ cấp chức vụ
Phụ cấp chức vụ là phụ cấp lương cho công chức, viên chức, người làm việc trong lực lượng vũ trang và trong doanh nghiệp mà vừa làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ vừa giữ chức vụ lãnh đạo nhưng mới chỉ hưởng lương chuyên môn, nghiệp vụ.
Đối tượng hưởng phụ cấp chức vụ
Theo quy định của pháp luật, các chủ thể được hưởng phụ cấp chức vụ bao gồm:
- Thứ nhất: Công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng phụ cấp chức vụ.
- Thứ hai: Người làm việc trong lực lượng vũ trang được hưởng phụ cấp chức vụ.
- Thứ ba: Các chủ thể là người làm việc trong doanh nghiệp được hưởng phụ cấp chức vụ.
Cách tính phụ cấp chức vụ
Phụ cấp chức vụ = [Mức lương + Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + Mức phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x (Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định).
2.2. Phụ cấp trách nhiệm
Là loại phụ cấp nhằm bù đắp cho những người vừa trực tiếp sản xuất hoặc làm công tác chuyên môn nghiệp vụ vừa kiêm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức vụ lãnh đạo, hoặc những người làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao mà điều kiện này chưa được xác định trong mức lương.
Đối tượng hưởng phụ cấp trách nhiệm
- Theo công việc: cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
- Theo nghề: chấp hành viên, thẩm tra viên và thư ký thi hành án làm việc tại các cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Công chứng viên làm việc tại Phòng Công chứng.
Cách tính phụ cấp trách nhiệm
Về mức hưởng phụ cấp trách nhiệm hiện nay áp dụng cho khối doanh nghiệp ngoài nhà nước cần tuân theo nguyên tắc xây dựng thang lương – bảng lương.
Còn đối với doanh nghiệp nhà nước: Mức hưởng phụ cấp = Mức lương cơ sở x hệ số phụ cấp trách nhiệm.
Ví dụ: Nếu mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng và hưởng mức hệ số phụ cấp trách nhiệm 0,5 thì số tiền phụ cấp được nhận hàng tháng là: 1.490.000 x 0.5 = 745.000 đồng/tháng
2.3. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là chế độ phụ cấp cho người lao động khi làm việc trong môi trường có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo thời gian thực tế làm công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đối tượng hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Theo quy định của pháp luật lao động thì chỉ có những người lao động làm công việc thường xuyên trong các ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mới được áp dụng chế độ này. Danh mục nghề, công việc nặng nhọc được quy định cụ thể tại thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH.
Cách tính phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 07/2005/TT-BNV thì phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức viên chức được chia thành 04 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương cơ sở:
Phụ cấp độc hại = Mức lương cơ sở x Hệ số
Lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng theo đó cán bộ, công chức, viên chức hưởng hệ số phụ cấp độc hại là 0.2 thì số tiền phụ cấp độc hại hàng tháng nhận được là: 1.490.000 x 0.2 = 298.000 đồng/tháng.
2.4. Phụ cấp thâm niên
Là phụ cấp dành cho người lao động có nhiều năm gắn bó với nghề. Những người này có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn, mà trong bất cứ nghề nghiệp nào, kể cả làm việc trong cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, kinh nghiệm cũng là điều vô cùng quan trọng.
Đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên
Áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, tòa án, kiểm sát, kế toán – kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, nhà giáo,…
Cách tính phụ cấp thâm niên
Sau 5 năm (đủ 60 tháng) tại ngũ hoặc làm việc liên tục trong ngành cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.
Phụ cấp gồm 10 mức: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
2.5. Phụ cấp khu vực
Phụ cấp khu vực là phụ cấp nhằm bù đắp cho công nhân viên chức, công chức làm việc ở những vùng khí hậu xấu, xa xôi, hẻo lánh, đi lại, sinh hoạt khó khăn và nhằm góp phần ổn định lao động những vùng có địa lý tự nhiên không thuận lợi.
Đối tượng hưởng phụ cấp khu vực
Căn cứ vào Mục I Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT đã có quy định như sau:
Cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc và lao động hợp đồng.
Cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn.
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định.
Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.
Những người làm việc trong các công ty hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước, quỹ hỗ trợ phát triển và bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Thương binh (kể cả thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh), bệnh binh hưởng trợ cấp hàng tháng mà không phải là người hưởng lương, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Xem thêm: Người lao động cần biết chính sách BHXH, tiền lương có hiệu lực từ tháng 10/2022
Cách tính phụ cấp khu vực
Mức tiền phụ cấp khu vực = hệ số phụ cấp khu vực x mức lương tối thiểu chung
Công thức tính phụ cấp khu vực của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân năm 2022 được tính như sau:
Mức tiền phụ cấp khu vực = hệ số phụ cấp khu vực x mức lương tối thiểu chung x 0,4
2.6. Phụ cấp lưu động
Là phụ cấp cho những người làm một số nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi nơi ở, nơi làm việc, điều kiện sinh hoạt không ổn định có nhiều khó khăn mà tính chất lưu động của công việc chưa được xác định trong mức lương.
Đối tượng hưởng phụ cấp lưu động
- Người lao động làm việc thường xuyên phải di chuyển nơi ở, nơi làm việc ví dụ như thi công các công trình xây dựng; khảo sát, tìm kiếm, khoan thăm dò khoáng sản; khảo sát, đo đạc địa hình, địa chính, khảo sát xây dựng chuyên ngành, sửa chữa, duy tu đường bộ, đường sắt; nạo vét công trình đường thủy và công việc có điều kiện tương tự.
- Công chức, viên chức làm việc mà phải thường xuyên di chuyển, thay đổi chỗ ở, nơi làm việc, điều kiện sinh hoạt không ổn định.
Cách tính phụ cách lưu động
Phụ cấp lưu động được tính trả theo số ngày thực tế lưu động và được trả cùng kỳ lương hàng tháng theo công thức sau:
Mức tiền phụ cấp lưu động = Mức lương tối thiểu chung x Hệ số phụ cấp lưu động x [Số ngày thực tế lưu động trong tháng/Số ngày làm việc tiêu chuẩn 1 tháng (22 ngày)]
Trong đó, mức lương cơ sở theo quy định hiện hành là 1.490.000 đồng/ tháng.
2.7. Phụ cấp thu hút
Là khoản phụ cấp áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, mà thời gian đầu chưa có cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Đối tượng hưởng phụ cấp thu hút
Căn cứ vào Điều 2 của Nghị định 76/2019/NĐ-CP thì đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến cấp xã và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (bao gồm cả trường hợp điều động, biệt phái, luân chuyển và không phân biệt người địa phương với người nơi khác đến) đã được xếp lương theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định, đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Cách tính phụ cấp thu hút
Hiện nay, mức hưởng chi tiết phụ cấp thu hút cũng được nêu rõ tại Nghị định 76 nêu trên theo công thức:
Mức hưởng = 70% mức lương + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)
Trong đó:
Mức lương hiện hưởng = Hệ số x Mức lương cơ sở
- Hệ số: Căn cứ vào ngạch công chức cụ thể sẽ được hưởng hệ số khác nhau (Hệ số cụ thể của từng ngạch công chức được nêu tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP);
- Mức lương cơ sở: Thời điểm hiện tại, mức lương cơ sở đang là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
Phụ cấp chức vụ lãnh đạo = Hệ số x Mức lương cơ sở
Tương tự như mức lương hiện hưởng, hệ số của phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũng căn cứ vào từng chức vụ cụ thể, ban hành kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Mức hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung = 5% mức lương của bậc lương cuối cùng
Từ năm thứ 4 trở đi, mỗi năm đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên được tính hưởng thêm 1%.
Lưu ý: công chức công tác tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn chỉ được hưởng phụ cấp thu hút với thời gian thực tế làm việc tại nơi này không quá 05 năm (60 tháng).
3. Các khoản phụ cấp theo lương không đóng bảo hiểm xã hội
Sau khi làm rõ khái niệm phụ cấp lương là gì và các khoản phụ cấp lương có đóng bảo hiểm xã hội thì bên cạnh đó, người lao động lưu ý sẽ có những khoản phụ cấp lương không cần đóng bảo hiểm xã hội. Căn cứ theo Khoản 2.3, Điều 6 của Quyết định 595/QĐ-BHXH, tiền lương tháng đóng BHXH không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi. Vì vậy, có thể xác định các khoản phụ cấp lương không đóng bảo hiểm như sau:
- Tiền thưởng theo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc của người lao động, tiền thưởng sáng kiến.
- Tiền hỗ trợ ăn giữa ca, hỗ trợ các khoản như: xăng xe, điện thoại, đi lại, nhà ở, giữ trẻ, nuôi con nhỏ.
- Tiền hỗ trợ khi người lao động có người thân qua đời, người thân kết hôn, hỗ trợ sinh nhật của lao động.
- Trợ cấp cho người lao động có điều kiện hoàn cảnh khó khăn khi không may gặp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Các khoản hỗ trợ khác ghi thành mục riêng trong bản hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, Người lao động có thể sử dụng công cụ tính lương gross sang net tại Việc Làm 24h để quy trình chuyển đổi nhanh gọn và đơn giản nhé.
Tạm kết
Phụ cấp lương là một trong những quyền lợi của người lao động và là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Vì thế, việc hiểu rõ các khoản phụ cấp lương là gì sẽ giúp người lao động bảo vệ được quyền lợi của bản thân.
Mong rằng, qua bài viết trên của Việc Làm 24h sẽ giúp bạn nắm được khái niệm phụ cấp lương là gì và quy định các khoản phụ cấp theo lương mà người lao động cần biết. Đừng quên đón đọc những bài viết hữu ích khác tại Nghề Nghiệp Việc Làm 24h nhé!
Xem thêm: Các loại bảo hiểm bắt buộc người lao động cần biết khi đi làm giúp đảm bảo lợi ích