Năm 18 tuổi, tôi cũng thi vào đại học như quyết định của hầu hết những đứa trẻ mới học xong cấp 3. Tôi đăng ký thi vào ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học tư nhân. Thật ra thời gian đầu được làm sinh viên cảm giác thích lắm. Tôi nghĩ mình vừa được tự do và vừa bước sang một trang mới của cuộc đời. Nhưng đến năm thứ 2 thì cảm giác đó cũng dần mất đi. Học phí đắt đỏ cùng cảm giác mất phương hướng khiến tôi ngán ngẩm với hai chữ “đại học”.
Thế là tôi xin phép bố mẹ cho tôi dừng việc học tại trường. Tôi bảo lưu kết quả và bắt đầu kiếm việc làm thêm. Khi đó, tôi hơi do dự và từng hỏi bản thân tại sao không chịu chú tâm học hành. Và tôi nhận ra rằng bản thân không hề biết tại sao lại ngồi ở giảng đường, tại sao lại học quản trị kinh doanh và không hề có định hướng sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì. Đối với riêng tôi, kiến thức trên trường thật sáo rộng và nó chẳng giúp tôi có thể lăn lộn, cọ xác với đời được. Chi bằng, sao không ra đời sớm, nói với nhà tuyển dụng rằng em tuy chưa có được cái bằng đại học, nhưng cái bằng đó không phải là minh chứng cho con người của em. Tôi quyết định dừng lại vì không muốn tốt nghiệp đại học với một tấm bìa cứng, một đống nợ học phí, không có kỹ năng và chẳng biết tương lai về đâu. Đối với mọi người, đại học là một thiên đường mơ ước, nhưng đối với tôi, nó chính là nơi giết thời gian vô bổ nhất.
Thế là tôi đã quyết định tương lai của mình bằng cách “ra đời” không có bằng cấp trước sự lo lắng của cả gia đình. Ba mẹ mấy ngày đầu còn gọi điện trách móc, than thở nói rằng vì sao tôi lại vứt đi cả tương lai của mình như vậy. Mẹ tôi mỗi lần gọi như sắp khóc vì sự dại khờ của tôi, nói rằng sẽ không bao giờ gửi tiền lên thành phố chỉ để nuôi một đứa con không biết xác định tương lai gì cả. Vâng, tôi đã sống trong một khoảng thời gian vô cùng áp lực. Gia đình không phải quay lưng với tôi nhưng họ bắt đầu đánh mất niềm tin rằng tôi có thể có được một tương lai tốt đẹp. Dừng việc học, tôi quyết định xin đi làm. Nhờ quen biết và một ít vốn liếng tiếng anh từ cấp ba, tôi cũng có một chân pha cà phê tại một trong những chuỗi cà phê nổi tiếng nhất Việt Nam. Tôi làm quần quật suốt 2 năm ròng, không nghỉ ngày lễ, ngày tết nào cả. Những ngày đầu lương là 15 ngàn/1 giờ. Cứ thể tăng dần đều khi tôi làm việc tốt hơn. Một ngày xin làm 12 tiếng. Đi làm từ sáng sớm đến tờ mờ tối lại về. Nhiều khi còn kiêm luôn phục vụ bàn. Hết 2 năm, các bạn của tôi cũng bắt đầu tốt nghiệp. Tôi khi ấy thì được người ta cân nhắc lên chức quản lý cửa hàng. Làm khoảng 3 năm 8 tháng thì tôi xin nghỉ để thành lập công ty riêng, dù lúc đó chức vụ của tôi là Giám đốc nhân sự.
Quyết định ra trường không bằng cấp đến bây giờ tôi vẫn cho là một trong những quyết định sáng suốt nhất đời mình. Tôi hiện tại là giám đốc điều hành một nhà hàng kinh doanh ăn uống. Tôi được như ngày hôm nay không phải nhờ giáo dục trong nhà trường mà chính là nhờ những kỹ năng, những kinh nghiệm làm việc suốt 5 năm qua. Học đại học có thể là con đường dẫn đến cuộc sống trung lưu nhưng cũng có thể chẳng đảm bảo gì cho cuộc sống. Bằng chứng chính là nhiều cử nhân, tiến sĩ vẫn thất nghiệp mỗi ngày. Nhiều bạn bè của tôi thời đại học cũng nằm trong số đó.
Tôi cho rằng dù làm gì đi nữa, chúng ta phải nghĩ về các kỹ năng, chứ không phải chỉ có kiến thức hay thông tin. Đây là thứ chúng ta sử dụng hàng ngày và giúp chúng ta nâng cao giá trị của mình. Chúng ta sống trong thời đại mà kiến thức và thông tin có mặt mọi nơi nên cái thiếu chính là kỹ năng. Nhà tuyển dụng không cần nhân viên có bằng cấp cao mà đòi hỏi họ có kỹ năng cao. Các nhà khởi nghiệp, người thành công được giáo dục và đào tạo kỹ năng để được như ngày hôm nay.
Kỹ năng đã giúp tôi tăng giá trị trên thị trường lao động. Tôi có kỹ năng tiếp cận những thông tin để phát triển nhà hàng, có kỹ năng xây dựng quan hệ với khách hàng, có kỹ năng củng cố thương hiệu,…Những thứ này hoàn toàn không có trong bất kỳ cuốn giáo trình nào trên giảng đường đại học. Và cuối cùng thứ duy nhất bạn phải có đó chính là lòng can đảm. Nếu không tin tưởng và can đảm vào quyết định của mình và chỉ làm theo xu hướng thì tuyệt nhiên chẳng bao giờ bạn có thể thành công được.
Chia sẻ từ độc giả Nguyễn Trần.H