Hướng ngoại (extrovert) và hướng nội (introvert) là hai đặc điểm tính cách chính được xác định trong nhiều lý thuyết tâm lý. Trong đó, người hướng ngoại thường thích giao tiếp, hòa đồng, hoạt náo và thân thiện. Bài viết này Việc Làm 24h sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn người hướng ngoại là gì, cũng như điểm mạnh và điểm yếu khi làm việc của người hướng ngoại – extrovert là gì và những công việc nào phù hợp với người có tính cách hướng ngoại nhé!
Người có tính hướng ngoại – extrovert là gì?
Người có tính cách hướng ngoại (extrovert) thường chú ý đến những điều diễn ra bên ngoài hơn là cuộc sống nội tâm. Họ tìm thấy được nhiều năng lượng từ kỹ năng giao tiếp xã hội, vì vậy, họ thích các hoạt động tập thể và muốn được nhiều người chú ý.
Người hướng ngoại thích giao tiếp và cảm thấy hứng thú với những công việc tiếp xúc nhiều với con người và cộng đồng. Họ sẽ thấy nhàm chán, ức chế nếu phải làm một mình. Nếu bạn có nhiều hơn 2 đặc điểm dưới đây thì khả năng cao bạn là một người hướng ngoại đấy!
- Thích là trung tâm của sự chú ý
- Thích làm việc nhóm
- Cảm thấy bị cô lập nếu phải ở một mình
- Thích giao tiếp và nói chuyện với người khác
- Thích chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của bản thân
- Lấy cảm hứng từ việc quan sát những người khác và thế giới bên ngoài
- Có rất nhiều bạn bè, giao thiệp rộng
- Có xu hướng hành động trước khi suy nghĩ
Người hướng ngoại tại nơi làm việc là những người hoạt náo, thích giao tiếp và chia sẻ ý tưởng của mình. Họ luôn tích cực, chủ động khi làm việc nhóm, là “trung tâm” của mọi hoạt động. Nhưng cũng vì vậy, đôi khi, họ lấn át ý kiến đồng nghiệp, đặc biệt là nhóm nhân viên hướng nội.
Xem thêm: Tư duy tích cực là gì? Bật mí bí quyết giúp bạn tích cực trong mọi hoàn cảnh
Trước khi tìm hiểu xem người hướng ngoại nên làm nghề gì, chúng ta hãy cùng điểm qua những điểm mạnh và điểm yếu của người hướng ngoại.
Điểm mạnh và điểm yếu của người hướng ngoại là gì?
Về mặt tích cực, người hướng ngoại thường được mô tả là nói nhiều, hòa đồng, có định hướng hành động, nhiệt tình, thân thiện. Nhưng đồng thời, người hướng ngoại cũng bị đánh giá là thích được nổi tiếng, luôn tìm kiếm sự chú ý, dễ bị phân tâm và không có khả năng làm việc độc lập.
Ưu điểm của người hướng ngoại tại nơi làm việc
Trong môi trường làm việc, tính cách hướng ngoại có thể mang lại cho bạn lợi thế đáng kể, bạn giao tiếp và kết nối tốt hơn với đồng nghiệp, do đó, cộng tác hiệu quả hơn và dễ thăng tiến hơn.
Dưới đây là một số ưu điểm chính của người hướng ngoại tại nơi làm việc:
Xây dựng các mối quan hệ
Do bản chất rất hòa đồng và không gò bó, người hướng ngoại thường có khả năng xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp. Họ dễ dàng tiếp cận đồng nghiệp của mình, dễ trở nên thân thiết ngay cả khi không chia sẻ quan điểm hoặc có nền tảng tương tự với những người khác. Tại nơi làm việc, khả năng điều hướng các tình huống xã hội của người hướng ngoại có thể giúp các nhóm cộng tác hiệu quả hơn và tạo một môi trường làm việc thống nhất, gắn kết.
Tự tin và chủ động
Người hướng ngoại thường tự tin hơn ở nơi làm việc. Sự tự tin này có thể giúp họ chấp nhận rủi ro trong công việc. Họ cũng chủ động tham gia những tác vụ khó nhằn để thách thức bản thân, nhờ đó người hướng ngoại hoàn thành công việc hiệu quả hơn và đạt được nhiều tiến bộ hơn.
Cộng tác hiệu quả
Vì có khả năng kết nối tốt với người khác, người hướng ngoại thường là những người cộng tác chuyên nghiệp, có sở trường làm việc cùng với một nhóm đồng nghiệp đa dạng. Do đó, người hướng ngoại tại nơi làm việc có thể trở thành những thành viên có giá trị trong nhóm, giúp giải quyết các vấn đề phức tạp bằng cách tạo ra các giải pháp sáng tạo.
Khả năng lãnh đạo
Người hướng ngoại thích phụ trách các tình huống nhóm và thể hiện sự chủ động trong công việc bằng cách đảm nhận thêm nhiều trách nhiệm. Ngoài ra, khuynh hướng xã hội cho phép họ dễ dàng gắn kết với đồng nghiệp, cố vấn và huấn luyện họ hướng tới thành công. Do đó, nhiều người hướng ngoại có kỹ năng lãnh đạo tự nhiên và có thể thăng tiến trong vai trò quản lý hoặc giám sát.
Xem thêm: Bật mí 5 kỹ năng quản lý cần có để trở thành một nhà lãnh đạo thành công, trách nhiệm
Nhược điểm của người hướng ngoại tại nơi làm việc
Mặc dù hướng ngoại và hòa đồng, nhưng có một số nhược điểm của người hướng ngoại có thể kiến các đồng nghiệp khó chịu. Dưới đây là một số nhược điểm của người hướng ngoại tại nơi làm việc và cách để khắc phục.
Thiếu ranh giới xã hội
Vì người hướng ngoại thích giao du, thích tương tác nên họ thường thiếu ranh giới xã hội. Mọi người thường cảm thấy bị làm phiền, đặc biệt là khi người hướng ngoại tò mò quá nhiều thứ không liên quan trực tiếp tới công việc. Do đó, là một người hướng ngoại, bạn phải lưu tâm đến giới hạn của người khác trong việc giao tiếp tại nơi làm việc để duy trì mức độ tôn trọng và tính chuyên nghiệp nhất định.
Không giỏi quản lý thời gian
Người hướng ngoại thường hay trễ hạn công việc, lý do là lịch trình làm việc của họ bị phân mảnh bởi các tương tác xã hội. Họ dành quá nhiều thời gian cho việc giao tiếp và trốn tránh khi phải làm việc một mình. Chưa kể, họ có xu hướng để bản thân bị cuốn vào các hoạt động xung quanh và quên mất nhiệm vụ. Để khắc phục, những người hướng ngoại có thể sử dụng các công cụ theo dõi năng suất để giữ đúng tiến độ và đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.
Xem thêm: Bật mí từ A – Z bộ kỹ năng quản lý thời gian giúp tối ưu hiệu quả công việc
Dễ mất tập trung
Do ưu tiên các hoạt động xã hội là thời gian làm việc một mình, người hướng ngoại có thể bị phân tâm khi làm việc độc lập. Họ thường cảm thấy buồn chán sau thời gian dài ở một mình và bắt đầu tìm kiếm thêm sự kích thích, điều này có thể gây ra những thách thức về năng suất. Để khắc phục, hãy tạo một môi trường làm việc của đủ kích thích để duy trì sự chú ý khi làm việc độc lập. Ví dụ, người hướng ngoại có thể làm việc hiệu quả hơn khi làm công việc độc lập trong môi trường công cộng, chẳng hạn như quán cà phê.
Quá tham vọng
Như đã giải thích ở trên, những người hướng ngoại thường xuyên lên lịch trình quá dày đặt để tối đa hóa thời gian, họ không muốn bỏ lỡ bất cứ sự kiện nào. Điều này, kết hợp với mức độ tự tin cao có thể khiến người hướng ngoại bộc lộ tham vọng quá mức tại nơi làm việc và đảm nhận quá nhiều trách nhiệm. Sau đó, họ phải vật lộn để đáp ứng kỳ vọng. Người hướng ngoại có thể tránh những tình huống như vậy bằng cách theo dõi cẩn thận lịch trình, thiết lập ranh giới rõ ràng và đảm bảo họ không ôm đồm quá mức.
Người hướng ngoại nên làm nghề gì?
Bạn đã biết người hướng ngoại là gì và các điểm yếu cũng như điểm mạnh của một người hướng ngoại nơi công sở. Dưới đây là 10 công việc tốt nhất cho người hướng ngoại:
Quản lý bán hàng
Người quản lý bán hàng chịu trách nhiệm tuyển dụng đội ngũ bán hàng và hướng dẫn họ đạt được mục tiêu và đạt được thành công. Bên cạnh việc thúc đẩy và quản lý các thành viên trong nhóm, các nhà quản lý bán hàng thường chịu trách nhiệm giám sát các mục tiêu, phân tích xu hướng thị trường, tạo khách hàng tiềm năng, tạo báo cáo và đặt mục tiêu.
Làm việc trong lĩnh vực bán hàng có thể là một trong những công việc hướng ngoại tốt nhất vì họ thường xuyên được tương tác với mọi người. Công việc này vừa cần những người có kỹ năng thuyết phục và khả năng giao tiếp mạnh mẽ, vừa có môi trường năng động nên vô cùng phù hợp với người hướng ngoại.
Tuyển dụng
Các nhà tuyển dụng làm việc trong hầu hết mọi ngành, làm việc với các nhóm tuyển dụng để lấp đầy các vị trí còn trống trong công ty của họ. Thông thường, nhiệm vụ của họ bao gồm nghiên cứu, phát triển và thực hiện các chiến lược tuyển dụng và nhân sự hiệu quả để thu hút nguồn nhân tài đa dạng có trình độ và năng lực cho tổ chức.
Công việc của nhà tuyển dụng vô vùng hoàn hảo cho những người hướng ngoại vì họ liên tục tiếp cận và kết nối với những người mới, đồng thời nhà tuyển dụng phải sở hữu kỹ năng giao tiếp tuyệt vời để kết nối mọi người.
Giáo viên
Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và trưởng thành của học sinh và đây có thể là một nghề nghiệp hoàn hảo cho những người hướng ngoại muốn tạo sự khác biệt. Sự nghiệp của một nhà giáo dục rất linh hoạt, vì mọi người có thể đi theo nhiều con đường khác nhau để trở thành một giáo viên.
Dạy học là một trong những công việc hàng đầu dành cho người hướng ngoại vì nó liên quan đến việc nói trước đám đông, động viên người khác và tương tác xã hội hàng ngày.
Chăm sóc khách hàng
Làm việc trong ngành dịch vụ khách hàng là một lựa chọn tuyệt vời cho những cá nhân hướng ngoại, vì họ sẽ được thường xuyên tương tác với người khác. Nhiệm vụ của nhân viên chăm sóc khách hàng thường bao gồm việc cung cấp sự hỗ trợ và trợ giúp cho khách hàng, quản lý các yêu cầu, giải quyết vấn đề, thiết lập và duy trì các mối quan hệ khách hàng bền vững.
Luật sư
Các luật sư dành cả ngày để nghiên cứu vụ việc, tư vấn và đại diện cho khách hàng, giải thích luật, trình bày lập luận trước thẩm phán và bồi thẩm đoàn,… Trở thành một luật sư thành công cần có thời gian, sự luyện tập và cống hiến hết mình, đồng thời có thể là một nghề nghiệp thú vị và được trả lương hậu hĩnh cho những người hướng ngoại. Bởi vì nhiệm vụ của họ liên quan đến giao tiếp với người khác, gặp gỡ những người mới và nói trước công chúng, công việc này phù hợp hơn với những người hướng ngoại hơn là người hướng nội.
Nghệ sĩ
Dù là âm nhạc, sân khấu hay nghệ thuật, công việc của người nghệ sĩ là mang lại niềm vui cho khán giả. Để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn, bạn phải yêu thích ánh đèn sân khấu, cảm thấy thoải mái khi nói trước công chúng và thường xuyên tương tác với những người mới, đồng thời tự tin có tài năng. Đây là lý do chọn biểu diễn là một nghề nghiệp tuyệt vời cho người hướng ngoại.
Quan hệ công chúng
Nhiệm vụ chính của chuyên gia quan hệ công chúng là thiết lập và duy trì hình ảnh cho công ty mà họ đại diện. Họ làm điều này bằng cách xây dựng mối quan hệ với cộng đồng, phát triển các chiến lược PR, viết và gửi thông cáo báo chí hoặc bài phát biểu,…
Người hướng ngoại có thể có xu hướng thành công hơn với nghề này, vì kỹ năng giao tiếp thành thục và khả năng xây dựng hình ảnh. Công việc trong lĩnh vực Marketing – PR là nghề nghiệp tuyệt vời dành cho những người hướng ngoại.
Môi giới bất động sản
Nhà môi giới bất động sản cung cấp cho khách hàng hướng dẫn tìm kiếm tài sản và nhà cửa hoặc bán tài sản của họ. Để làm như vậy, người môi giới phải có kiến thức sâu rộng về thị trường và khả năng xây dựng mối quan hệ với người mua, người bán hàng, người cho vay, công ty ký quỹ, v.v. Kỹ năng xã hội tốt và con mắt tinh tường cũng là những phẩm chất cần thiết để thành công trong vai trò này.
Tiếp viên hàng không
Tiếp viên hàng không là một công việc thú vị dành cho những người hướng ngoại, thích đi du lịch, lịch trình không thể đoán trước và gặp gỡ những người mới. Tiếp viên hàng không đảm bảo rằng hành khách được an toàn, thoải mái và vui vẻ trong suốt thời gian ở trên máy bay.
Công việc đòi hỏi cần được đào tạo toàn diện về an toàn, kiến thức về đồ ăn và thức uống, sự quen thuộc với máy bay và kỹ năng phục vụ khách hàng tốt. Lịch trình của tiếp viên hàng không thay đổi liên tục và họ thường ở các múi giờ khác nhau, vì vậy con đường sự nghiệp này thích hợp cho người hướng ngoại.
Tổ chức sự kiện
Người lập kế hoạch sự kiện thường được một công ty hoặc tổ chức tư nhân thuê để tổ chức và thực hiện một sự kiện đặc biệt, chẳng hạn như đám cưới, tiệc chiêu đãi hoặc lễ trao giải. Nhiệm vụ của họ bao gồm tìm giá tốt nhất, hiểu khách hàng của họ muốn gì, xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp và giám sát chính sự kiện.
Không có giới hạn nào cho bạn khi bạn thực sự yêu công việc và quyết tâm xây dựng sự nghiệp của mình. Dù bạn là người hướng ngoại hay sở hữu bất kỳ cá tính nào, điều quan trọng để thành công là hiểu rõ bản thân, yêu cầu công việc để học hỏi thêm những kỹ năng mềm còn thiếu sót và một tinh thần làm việc kỷ luật, chuyên nghiệp. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết người hướng ngoại – extrovert là gì, công việc gì phù hợp với bạn và sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn trong tương lai.
Dù là người hướng nội hay người hướng ngoại, chúc bạn sẽ chọn được công việc ưng ý trên Nghề Nghiệp Việc Làm 24h nhé!
Xem thêm: Gợi ý loạt công việc hấp dẫn, phù hợp tính cách người hướng nội