Vậy đâu là những sai lầm của người lãnh đạo dễ gây căng thẳng cho nhân viên? Có phải đó là phong cách lãnh đạo độc đoán hay thiếu hiệu quả? Những điểm nào cần thay đổi? Bài viết sau của Việc Làm 24h sẽ giúp bạn hiểu hơn về 5 kiểu sai lầm của người lãnh đạo thường làm tăng sự lo lắng và căng thẳng cho nhân sự.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy sự căng thẳng và lo lắng đang là hai vấn đề phổ biến ảnh hưởng tới tinh thần làm việc cũng như tâm lý của nhân viên. Một trong các nguyên nhân dẫn đến sự lo lắng chính là các vấn đề liên quan đến công việc, trong đó có tác động lớn từ người lãnh đạo.
5 sai lầm của người lãnh đạo gây căng thẳng nội bộ thường gặp
Ngôn ngữ tiêu cực
Ngôn ngữ là công cụ truyền đạt cảm xúc, suy nghĩ quan trọng trong các hoạt động giao tiếp. Việc sử dụng những ngôn ngữ tích cực hay tiêu cực với tần suất sử dụng khác nhau, đặc biệt trong các cuộc thảo luận sẽ truyền tải cảm xúc của bạn.
Do đó, một trong những sai lầm của người lãnh đạo là không chú ý tới những những tác động cảm xúc qua ngôn ngữ.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng để tránh vô tình gây ra lo lắng thông qua ngôn ngữ, cách tốt nhất là bạn nên hạn chế sử dụng các từ ngữ tiêu cực. Trên thực tế, việc xác định cách sử dụng từ ngữ có ảnh hưởng tiêu cực tới người nghe và làm tăng sự căng thẳng, lo lắng hoàn toàn không đơn giản. Trong tình huống cụ thể, khi hai người lãnh đạo khác nhau mô tả về trạng thái vấn đề, nếu một người chủ yếu nói về “hy vọng”, “cải tiến” hay “ánh sáng cuối đường hầm” sẽ mang tới những tác động khác với người chỉ nói đến những khía cạnh tiêu cực.
Đồng ý rằng công việc sẽ không tránh khỏi có những thời điểm khó khăn, có những thời điểm đội nhóm của bạn gặp nhiều vấn đề. Nhưng đó cũng là lúc nhân sự nhìn về lãnh đạo để được truyền lửa, được khuyến khích, và được hỗ trợ để cùng nhau giải quyết sự cố, đi qua khó khăn. Người lãnh đạo trước tiên nên luôn có tư duy tích cực, tin vào chính bản thân, đứng mũi chịu sào và giữ cho đội nhóm tập trung cải thiện các điểm yếu, vượt qua khó khăn thay vì chỉ trích, đổ lỗi cho nhân sự bằng lời lẽ tiêu cực.
Thất thường
Sáng tạo hay linh hoạt, cho phép nhân viên tự quyết những công việc trong quyền hạn là một trong những tố chất quan trọng của người lãnh đạo giúp đội nhóm phát triển. Tuy nhiên, việc thường xuyên thay đổi, thất thường, khó đoán, đặc biệt là đổi hoặc hủy bỏ quyết định vào phút chót lại là một trong những sai lầm của người lãnh đạo khiến nhân viên thực sự lo lắng và suy giảm lòng tin vào người quản lý của mình.
Là sếp, đừng tạo ra thêm sự phức tạp không cần thiết cho nhân viên bằng việc phải đoán xem bạn sẽ làm gì tiếp theo, nhất là trong những thời điểm doanh nghiệp gặp bất ổn. Ai cũng thường muốn trông chờ vào quyết định của lãnh đạo. Việc lãnh đạo chần chừ không dám quyết, hay thay đổi, thất thường khiến đình trệ công việc. Đôi khi không quyết định còn tệ hơn là đưa ra quyết định sai bởi điều này ngăn chặn sự phát triển. Bởi vậy, đáng tin cậy, quyết đoán, chia sẻ thông tin rõ ràng, trao đổi rõ những kỳ vọng, tránh thay đổi hay hủy bỏ vào phút chót sẽ là những điều mà người lãnh đạo nên lưu ý.
Xem thêm: Quyết định là gì? Bật mí 5 tuyệt chiêu giúp rèn kỹ năng ra quyết định nhanh chóng
Cảm xúc lên xuống
Một sai lầm của người lãnh đạo tiếp theo là để cho cảm xúc lên xuống, hay nói cách khác là không quản trị được cảm xúc. Chắc chắn không một nhân viên nào muốn làm việc với những lãnh đạo mà cảm xúc của họ lên xuống như “tàu lượn siêu tốc”.
Trong bối cảnh khó khăn hay đối mặt với khủng hoảng, việc biến động cảm xúc của người lãnh đạo là không thể tránh khỏi. Nhưng nếu nhóm của bạn nhận thấy ít sự thay đổi trong phản ứng của bạn, họ sẽ càng đỡ căng thẳng và tự tin hơn với công việc.
Bất cứ ai cũng có cảm xúc, tuy nhiên với người lãnh đạo, cảm xúc ảnh hưởng rất lớn đến quyết định. Và người lãnh đạo cần quản trị cảm xúc của mình, không để cảm xúc dẫn dắt và đưa tới những quyết định thiếu chín chắn.
Lời khuyên để giảm thiểu những sai lầm của người lãnh đạo do cảm xúc gây ra là nên giữ tinh thần và thể chất tốt, tập thể dục thường xuyên, nâng cao chất lượng giấc ngủ và đặc biệt là lắng nghe và tiếp nhận phản hồi của người khác để kịp thời nhận ra khi nào cảm xúc của bạn đang đi “trật đường ray”.
Bi quan thái quá
Việc nhìn nhận vào những mặt bi quan phần nào giúp nhà lãnh đạo phát hiện và ngăn chặn mối đe dọa tiềm ẩn, lường trước các rủi ro có thể và tránh được những quyết định sai lầm do kiêu ngạo và quá tự tin. Tuy nhiên, thái độ bi quan có thể là sai lầm của người lãnh đạo khiến cho đội nhóm của bạn mất tinh thần và đẩy sự lo lắng của nhân viên lên mức căng thẳng.
Trên thực tế, ngay cả trong những tình huống khó khăn, đội nhóm vẫn luôn mong đợi sự lạc quan nhất định từ người lãnh đạo. Việc bạn điềm tĩnh xử lý tình huống cho thấy khả năng kiểm soát cũng sẽ khích lệ sự tự tin và cùng bình tĩnh giải quyết sự cố.
Những người theo sau thông thường sẽ nhìn thấy giới hạn trong mọi vấn đề, còn người lãnh đạo giỏi thì nhìn thấy tiềm năng trong mọi vấn đề, nhìn thấy “cơ” trong “nguy”. Họ không có thời gian để chìm đắm trong bi quan mà “bận” làm cho mọi việc tốt lên.
Bỏ qua cảm xúc của mọi người
Có lẽ sai lầm của người lãnh đạo thường mắc phải là bỏ qua cảm xúc của các thành viên trong nhóm. Lỗi này thường xảy ra khi bạn quá tập trung vào chính bản thân mình, giải quyết các vấn đề hay cảm xúc của bản thân thay vì chú ý tới người khác.
Mặc dù việc giải quyết các vấn đề này là chính đáng, và bạn cần kiểm soát bản thân trước nhưng nếu nhân sự của bạn nghĩ rằng đến chính lãnh đạo còn không thể quản trị bản thân, họ sẽ mất niềm tin ở người quản lý.
Người theo sau thường quan trọng họ nhận được gì còn người lãnh đạo sẽ hiểu rằng muốn làm được việc cần có nguồn nhân lực. Thiếu kỹ năng có thể học tập, thiếu người giỏi có thể tìm về nhưng thiếu sự gắn kết với đội nhóm thì bạn sẽ khó mà giữ được nhân sự của mình.
Dale Carnegie – tác giả của Đắc Nhân Tâm đã nói, “Khi đối xử với mọi người, hãy nhớ rằng bạn không phải đối phó với những sinh vật của logic, mà họ là những con người có cảm xúc.”
Chìa khóa ở đây chính là sự đồng cảm: tập trung vào những người xung quanh thay vì bản thân. Đó cũng là lý do vì sao những lãnh đạo giỏi thường có chỉ số EQ cao, kiểm soát tốt cảm xúc của chính họ và có ảnh hưởng tới người khác.
Xem thêm: Bạn có phải là người sở hữu trí thông minh cảm xúc, kiểm tra EQ ngay hôm nay
Lời khuyên để tránh được sai lầm của người lãnh đạo thường mắc phải nhất này là hãy chú ý tới con người hơn là chỉ chăm chăm vào hiệu suất hay quản lý nhiệm vụ của họ. Bạn có thể trao đổi riêng hoặc bất cứ cách nào để tăng sự giao tiếp với đội nhóm, cởi mở để mọi người tham gia và chia sẻ nhiều hơn.
Đôi khi, lãnh đạo có thể mang giày của người khác, ở vai trò khác để hiểu rõ hơn động lực, hoàn cảnh, hành vi của người khác. Có như vậy, bạn mới đưa ra được lời khuyên hay hướng dẫn phù hợp để dẫn dắt người khác nghe theo.
Lời kết
Trên đây là 5 sai lầm của người lãnh đạo thường mắc phải dễ gây căng thẳng cho nhân viên được lược dịch từ bài viết đăng trên Harvard Business Review của Tomas Chamorro-Premuzic – Giám đốc Đổi mới tại ManpowerGroup (công ty cung cấp nhân sự lớn thứ 3 thế giới).
tôi không sợ đoàn sư tử dẫn dắt bởi một con cừu, tôi chỉ sợ bầy cừu được dẫn dắt bởi một con sư tử
Alexander Đại Đế
Đó là bởi người lãnh đạo không chỉ dẫn dắt về công việc chuyên môn còn phản ánh tinh thần chung của cả đội nhóm. Nhiều người có thể nghĩ rằng người lãnh đạo có những tố chất sẵn ngay từ khi sinh ra, nhưng trên thực tế, không có kỹ năng nào là không thể học tập.
Hi vọng bài viết hữu ích này sẽ giúp bạn có thêm góc nhìn về vai trò và kiến thức để nâng cao kỹ năng lãnh đạo của mình. Đừng quên thường xuyên theo dõi Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để thu lượm thêm cho mình nhiều kiến thức bổ ích.
Xem thêm: Manager là gì? Bật mí các kỹ năng cần có để thành Manager chuyên nghiệp