Cứu nguy ví tiền với nguyên tắc 5 NÊN 5 KHÔNG khi cho đồng nghiệp mượn tiền

Bắt đầu một ngày làm việc, bạn đang rất chú tâm thì bỗng nhiên nhận được tin nhắn mượn tiền từ đồng nghiệp. Điều này khiến bạn bối rối và không biết phải làm sao. Vậy phải làm sao khi đồng nghiệp mượn tiền? Liệu có nên cho đồng nghiệp mượn tiền hay không? Nếu đồng ý, bạn nên làm gì để đảm bảo rằng việc mượn tiền này không gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ đồng nghiệp hiện tại? Nếu từ chối, làm thế nào cư xử thật khéo léo mà không khiến đồng nghiệp mất lòng. Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm ra cách xử lý tình huống khó xử này một cách thông minh nhé!

5 NÊN khi đồng nghiệp mượn tiền

đồng nghiệp mượn tiền
Cứu nguy ví tiền với nguyên tắc 5 NÊN khi cho đồng nghiệp mượn tiền

1. Nên kiểm tra khả năng tài chính của bản thân

Khi đồng nghiệp yêu cầu mượn tiền, bạn nên cân nhắc khả năng tài chính của bản thân. Nếu bạn có đủ tài chính để giúp đỡ đồng nghiệp, hãy đảm bảo rằng số tiền bạn cho mượn không ảnh hưởng đến các khoản chi tiêu thanh toán khác.

2. Nên hỏi lý do đồng nghiệp mượn tiền

Chúng ta ai cũng có lúc phải rơi vào tình huống trở tay không kịp trước các khoản thanh toán, đó có thể là số tiền nhỏ như tiền đổ xăng, tiền cơm trưa, tiền trà bánh,… hoặc các khoản tiền lớn hơn như tiền nhà, tiền thuốc thang chữa bệnh khi đau ốm,… Khi không thể xoay xở được, đây là lúc cần đến sự giúp đỡ của những người xung quanh, trong đó có đồng nghiệp. 

Cho đồng nghiệp mượn tiền giống như một canh bạc may rủi, hãy chắc rằng tỉ lệ may nhiều hơn rủi bằng cách xác định mục đích sử dụng tiền của đồng nghiệp có thực sự chính đáng hay không. Điều này giúp bạn đánh giá mức độ khẩn cấp thật sự. Cho đồng nghiệp mượn vài triệu để thanh toán tiền nhà định kỳ sẽ rất khác biệt so với việc sử dụng số tiền đó để đổ vào những cuộc vui “chén chú chén anh”.

Xem thêm: Quy tắc 50/20/30: Nguyên tắc phổ biến trong quản lý tài chính hiệu quả, linh hoạt

3. Nên xem xét và đánh giá đồng nghiệp mượn tiền

Hãy xem xét yêu cầu vay tiền, khả năng trả nợ và mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp trước khi quyết định cho mượn tiền. Nếu đồng nghiệp có lịch sử nợ nần hoặc tài chính không ổn định, thì việc cho mượn tiền không phải là một quyết định sáng suốt. Nếu bạn thực sự tin tưởng và có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, hãy trao đi sự giúp đỡ chân thành.

4. Nên đề xuất một số quy tắc rõ ràng

Mỗi người chúng ta đều muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, tuy nhiên, việc cho đồng nghiệp mượn tiền có thể là một thử thách không nhỏ đối với mối quan hệ của cả hai. Nếu quyết định cho mượn tiền, hãy đảm bảo rằng bạn và đồng nghiệp đi đến thỏa luận dựa trên một số quy tắc rõ ràng và đặc biệt là, đừng quên yêu cầu họ trả tiền đúng hạn. Bạn có thể cân nhắc đề xuất nhận lại tiền vào ngày đồng nghiệp lãnh lương hàng tháng.

5. Nên tìm ra giải pháp tối ưu hơn cho đồng nghiệp

Nếu đồng nghiệp thường xuyên xin vay tiền, đó có thể là một tín hiệu cảnh báo rằng họ đang gặp vấn đề về tài chính và cần phải tìm kiếm các giải pháp khác thay vì liên tục mượn tiền.  Không nhất thiết phải cho mượn tiền, thay vào đó, một lời khuyên cởi mở, chân thành hoặc một giải pháp thực tế có thể giúp đồng nghiệp đối phó với tình trạng thâm hụt tài chính hiệu quả. Nếu không thể cho mượn tiền, bạn vẫn có thể giúp họ tìm ra giải pháp chẳng hạn như một công việc phù hợp để kiếm thêm thu nhập. 

Xem thêm: 5 chủ đề không nên nói với đồng nghiệp dù thân thiết đến đâu

5 KHÔNG NÊN khi đồng nghiệp mượn tiền

đồng nghiệp mượn tiền
Cẩn trọng nguyên tắc 5 KHÔNG NÊN khi cho mượn tiền

1. Không nên dây dưa khoản vay

Đây là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp, tuy nhiên không vì thế mà bạn và đồng nghiệp dây dưa tiền bạc không rõ ràng. Nếu đồng nghiệp không trả nợ đúng hạn, hãy thường xuyên hỏi thăm đồng nghiệp về tiến độ và chủ động đưa ra kế hoạch trả nợ cho họ. Nếu cho phép đồng nghiệp kéo dài thời gian, điều này sẽ dẫn đến khó khăn khi thu hồi tiền bạc và gây căng thẳng, làm tổn thương mối quan hệ của cả hai.

2. Không nên cho mượn tiền gây thâm hụt vào các khoản chi tiêu khác

Bạn không thể chắc chắn đồng nghiệp có trả nợ đúng ngày hẹn hoặc trả đầy đủ số tiền đã nợ hay không. Để tránh “thâm hụt” vào các khoản thanh toán cá nhân khác, bạn chỉ nên cho vay các khoản chấp nhận cho mượn và lường trước các rủi ro nếu đồng nghiệp không giữ lời hứa. Không nên dùng tiền từ các khoản tiết kiệm hay quỹ dự phòng để cho mượn, đặc biệt là một khoản tiền lớn. Điều này có thể gây ra rủi ro tài chính nếu bạn xui rủi gặp phải tình huống khẩn cấp và cần tiền đột ngột. 

3. Không nên cho mượn số tiền lớn

Giúp người luôn là một nghĩa cử cao đẹp, tuy nhiên, nên cân nhắc kỹ lưỡng khả năng tài chính của bản thân và những tác động tích cực lẫn tiêu cực sau hành động cho mượn tiền. Nếu số tiền lớn ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu hoặc có thể gây khó khăn tài chính trong tương lai, thì bạn nên từ chối cho mượn hoặc cân nhắc cho mượn số tiền thấp hơn.

4. Không nên cho mượn tiền thường xuyên

Nếu bạn cho đồng nghiệp mượn tiền một cách thường xuyên, bạn vô tình trở thành một quỹ dự phòng của đồng nghiệp mỗi khi cần. Điều này về lâu dài khiến bạn phải liên tục phải nhận những lời nhờ vả tài chính bất đắc dĩ và dần trở thành một nỗi ám ảnh mà bạn không thể tháo gỡ trong ngày một ngày hai. 

5. Không nhân nhượng khi đồng nghiệp không muốn trả tiền

 Nếu sau ngày thỏa thuận trả lại khoản vay mà đồng nghiệp vẫn “bặt vô âm tín”, đây có thể là dấu hiệu cho thấy người ấy không muốn trả tiền lại cho bạn. Tuy nhiên, trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào, hãy tìm hiểu lý do vì sao có sự chậm trễ này chẳng hạn như quên, bận rộn hoặc các vấn đề tài chính khác. Nếu bạn cảm thấy bối rối hoặc ngại ngùng khi hỏi về khoản cho vay, hãy nhớ rằng đồng nghiệp của bạn đã không ngại khi hỏi vay tiền bạn, vì vậy không có lý do gì khiến bạn cảm thấy ngại ngùng khi đòi lại số tiền vốn dĩ là của mình.

Lưu ý: Nếu bạn vẫn quyết định cho mượn tiền, hãy lập một bản cam kết ghi rõ số tiền, thời hạn trả lại, lãi suất (nếu có) và bất kỳ điều khoản nào khác liên quan đến việc cho mượn tiền, sau đó để đối phương ký vào. Việc này sẽ bảo vệ quyền lợi của bạn nếu có bất kỳ vấn đề nào không mong muốn xảy ra trong quá trình cho mượn. Hãy nên nhớ rằng tiền bạc rõ ràng sòng phẳng mới không ảnh hưởng đến mối quan hệ của cả hai. 

Xem thêm: Đừng biến drama công sở trở thành một nét văn hóa độc hại

Phải làm sao khi đồng nghiệp mượn tiền lâu trả?

đồng nghiệp mượn tiền
Phải làm sao khi cho đồng nghiệp lâu trả?

Nếu đồng nghiệp không tự động trả tiền, các bạn nên chủ động đòi lại. Một phương pháp gián tiếp để đòi lại khoản tiền cho mượn là “vay lại tiền” của đồng nghiệp. Hãy thông báo với đồng nghiệp rằng bạn đang gặp khó khăn và cần một số tiền bằng hoặc lớn hơn số tiền đã cho họ mượn. Nếu đối phương quên trả, họ sẽ nhớ lại khi bạn yêu cầu. Sau khi mượn tiền thành công, bạn có thể trừ số tiền đối phương nợ vào số tiền mượn đó.

Nếu bạn đã lịch sự nhắc nhở mà đồng nghiệp vẫn không trả tiền, bạn có quyền chia sẻ thẳng mặt trước nhiều người. Mặc dù việc này có thể khiến mối quan hệ giữa cả hai bị tổn thương, nhưng hãy nhớ rằng mối quan hệ đồng nghiệp lành mạnh không bao giờ lợi dụng mối giao hảo để trốn tránh trách nhiệm. Việc đòi tiền trước mặt nhiều người tạo ra áp lực lên đồng nghiệp và buộc đối phương phải trả tiền để giữ uy tín của bản thân. Đừng lo sợ mối quan hệ rạn nứt, bởi đến bước đường cùng này thì chắc chắn bạn chẳng dám thân thiết kiểu đồng nghiệp này đâu. 

Kết luận

Trong thực tế, việc đồng nghiệp mượn tiền là một tình huống nhạy cảm xảy ra phổ biến trong môi trường công sở. Để cư xử thật khéo léo mà vẫn giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, bạn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định thận trọng. Hy vọng những chia sẻ hữu ích của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h đã mang đến cho bạn cách xử lý tình huống khéo léo và thông minh. 

Xem thêm: Dấu hiệu nào cho thấy bạn đang bị căng thẳng trong công việc?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục