“Thăng tiến trên bàn nhậu” – Lợi bất cập hại

Cảnh các quán bia rượu, nhà hàng luôn đông đúc, đặc biệt sau giờ tan tầm ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành quá quen thuộc với người dân tại Việt Nam.

Tình trạng ăn nhậu đã trở nên rất phổ biến này ban đầu chỉ là một phần của văn hóa ẩm thực, giải trí, thậm chí trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày nhưng đang có tác động xã hội sâu rộng.

Việc các ông chồng đi nhậu sau giờ làm đã trở thành điều rất nhiều bà vợ chấp nhận và coi đấy là bình thường. Thậm chí hình ảnh cả gia đình quây quần bên bữa ăn tối mỗi ngày giờ đây trở thành ước mơ của nhiều bà vợ.

Cảnh các quán bia rượu, nhà hàng luôn đông đúc đã trở thành quá quen thuộc

Tác động xã hội

Chi phí cho bia rượu, được VnExpress trích thuật từ khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, lên tới 1,3 tỷ lít bia và hơn 300 triệu lít rượu mỗi năm, tức là chi tiêu hàng năm lên tới cả nghìn tỷ đồng cho bia rượu.

Đó là chưa kể tới những phí tổn cho bệnh tật từ rượu hay tai nạn giao thông do lái xe sau khi uống rượu.

Hiệp hội sản xuất rượu whisky của Scotland (SWA) cho biết xuất khẩu sang Việt Nam đạt gần một triệu bảng mỗi năm, và Việt Nam được coi là một thị trường mới nổi được ưu tiên cao đối với ngành công nghiệp rượu Whisky.

Tại Việt Nam luôn có tình trạng chuốc rượu hay khích nhau uống để chứng tỏ nam tính với những tiếng hô “trăm phần trăm” và “zô zô” ồn ào để rồi nhiều người gục bên bàn nhậu vì say xỉn.

Có một số phụ nữ cho biết buộc phải tham gia các cuộc nhậu vì làm doanh nghiệp nên không thể không có mặt khi tiếp đối tác làm ăn, hay vì muốn đi theo để “kèm chồng cho chồng đỡ say xỉn” hoặc buộc phải đi theo chồng hay người yêu những khi không thể từ chối.

Lý do cho các cuộc ăn nhậu rất đa dạng, vì công việc làm ăn, tiếp đối tác, ăn mừng sinh nhật, khao lương, đón người mới hay tiễn người cũ.

Lý do cho các cuộc ăn nhậu rất đa dạng

Ông Hùng, một trí thức, hiện làm giám đốc một công ty sửa chữa tàu biển tại thành phố Hồ Chí Minh, cho BBC hay mỗi lần đi ăn nhậu tiếp khách đối với ông là “cực hình” nhưng “vẫn phải đi vì nó là thủ tục nghiễm nhiên, chứ có báu gì đâu, uống vào có khi về đến nhà lại cho ra hết!”.

Chị Thi, vợ một giám đốc công ty cung cấp thiết bị truyền thông, trực thuộc công ty VTC tại Hà Nội cho biết chị và hai con thậm chí rất ngạc nhiên nếu có chiều nào đó thấy chồng về nhà ăn cơm với vợ con mà không đi ăn nhậu.

Điều làm phụ nữ này lo lắng là việc chồng thường lái xe sau mỗi lần đi nhậu sau giờ làm bất kể uống ít uống nhiều.

Một nghệ sĩ ưu tú khá nổi tiếng trong ngành điện ảnh không muốn nêu tên cho biết ông sẽ không bao giờ ra sống ở nước ngoài vì “ở nước ngoài làm gì chuyện hô một tiếng là chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ đã có thể tụ tập cả đám ăn nhậu như thế này!”

Với ông, những buổi ăn nhậu là để xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng.

Chị Liên, từng công tác tại một công ty nhà nước tâm sự: “Là phụ nữ, kiểu gì bạn cũng “bị” mời làm một ly gì đó bia hay rượu, thậm chí nhiều hơn một. Từ chối hả? Hơi khó!! Nào là “uống đi em, trăm phần trăm nào”, “nhấp môi tí cũng được”, nào là “không được, ai lại uống ít thế kia”, những người hay ép uống họ sẽ tìm đủ mọi lý do để năn nỉ bạn uống. Đối với họ, phải uống mới là tôn trọng và nhiệt tình với nhau.”

“Có lần tôi đi công tác miền núi cùng một đoàn cán bộ nhà nước và được tiếp ăn trưa ở ủy ban nhân dân xã. Dân ở đó nổi tiếng về khả năng uống rượu, vì thế họ ép cả đoàn phải uống, riêng tôi và chú lái xe từ chối vì công việc phải tỉnh táo để lo cho cả đoàn. Ấy vậy mà từ chối thật khổ, dù nói thế nào thì ông chủ tịch là người dân tộc cứ túm chặt cổ tay tôi cho đỏ rát lên để giữ tôi lại uống.

Đến mức tôi phải vùng chạy ra xe nhưng lại bị hai cô gái cầm hai chai rượu chặn ở cổng. Tôi gần như van xin: “Em ơi chị còn phải đi làm nên không uống được, em thông cảm cho chị”. Mãi họ mới để tôi đi và đợi cả đoàn ngoài xe, chiều hôm ấy đoàn của tôi say gần hết, có người phải dừng xe để nôn thốc nôn tháo bên vệ đường, thật chả ra làm sao.”

Không phải chuyến công cán nào cũng bị ép rượu nhưng hầu như việc ăn uống tụ tập là đương nhiên sau ngày làm việc. Có lúc là việc phải mời trang trọng tiếp đón theo nghi lễ thì không nói làm gì, nhưng rất phổ biến việc các nhóm, đoàn phải tiếp nhau ăn uống, chưa nói chuyện kinh phí ở đâu ra mà thấy rõ sự phiền hà. Người đi tiếp cũng chả phải lúc nào cũng vui vẻ mà chỉ là nghĩa vụ, người được tiếp thì đi ăn với thái độ sợ “há miệng mắc quai” vì dù sao cũng là các mối quan hệ trên công việc.

“Buồn một nỗi, chỉ có công cán việc liên quan với nhà nước mới có các việc như ăn uống tiếp khách như vậy” Chị Liên thở dài “Khi làm việc cho tổ chức nước ngoài, thậm chí tôi phải làm thông trưa và gọi cơm về ăn ngay trên bàn họp.”

Tại Việt Nam luôn có tình trạng chuốc rượu hay khích nhau uống để chứng tỏ nam tính với những tiếng hô “trăm phần trăm” và “zô zô” ồn ào để rồi nhiều người gục bên bàn nhậu vì say xỉn.

Có một số phụ nữ cho biết buộc phải tham gia các cuộc nhậu vì làm doanh nghiệp nên không thể không có mặt khi tiếp đối tác làm ăn, hay vì muốn đi theo để “kèm chồng cho chồng đỡ say xỉn” hoặc buộc phải đi theo chồng hay người yêu những khi không thể từ chối.

Một số cho rằng “nam vô tửu như kỳ vô phong” – đàn ông mà không uống rượu thì không thể hiện nam tính

“Thăng tiến trên bàn nhậu”?

Nhiều người nước ngoài khi tới Việt Nam làm việc đã không khỏi ngạc nhiên khi được mời uống bia rượu vào bữa trưa – tức vẫn trong giờ làm việc.

Ở Anh chẳng hạn, dân công sở cũng thường có thói quen chiều thứ Sáu tan làm rủ nhau ra quán uống một hai ly bia chừng 1-2 tiếng đồng hồ để thư giãn và họ tin rằng nó tạo cơ hội có quan hệ tốt hơn với đồng nghiệp.

Hiệu vẫn còn những ý kiến khác nhau về “văn hóa nhậu” tại Việt Nam.

Một số cho rằng nếu chỉ uống 1,2 ly để tiếp khách hay giải stress thì có thể chấp nhận được, rồi “nam vô tửu như kỳ vô phong” – đàn ông mà không uống rượu thì không thể hiện nam tính, và chỉ khi uống theo kiểu thách đố đến say xỉn mới thôi thì như thế mới có thể coi là một tệ nạn.

Trong khi một số khác thì lập luận rằng nếu ai cũng biết kiềm chế khi uống và biết dừng khi nên dừng thì đã không có chuyện phải bàn về “văn hóa nhậu”.

Phải chăng lề thói văn hóa của Việt Nam từ xưa theo kiểu “miếng trầu làm đầu câu chuyện” đã dẫn tới “chuyện làm ăn là phải nói trên bàn nhậu, thăng quan tiến chức, lương bổng …cũng trên bàn nhậu” như hiện nay?

Và để thay đổi được “văn hóa nhậu” này có lẽ sẽ là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi có những thay đổi căn bản cách nhìn nhận trong xã hội về giá trị hạnh phúc gia đình, quan điểm về vai trò của người vợ và người chồng ở nhà và trong xã hội, và có thể cần tới cả những quy định hạn chế chi phí cho việc tiếp đãi khách của các công ty.

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục