Xin nghỉ việc và những khó khăn tôi phải chịu

Công ty tôi xin nghỉ việc cũng chính là nơi mà tôi nghĩ mình sẽ gắn bó lâu nhất. Kỷ luật ở đây có vẻ khó, nhưng ngược lại nhân viên được hưởng rất nhiều phúc lợi. Vì thế mà tỷ lệ đào thải nhân viên ở đây rất cao. Nếu như không thấy được sự nỗ lực, phát triển của nhân viên, công ty sẽ suy nghĩ đến quyết định sa thải. Vì thế ai cũng cố gắng làm việc hiệu quả.

Dạo gần đây, công việc có vẻ nhiều, tôi phải nhận thêm rất nhiều công việc, bao gồm cả những công việc của bộ phận khác có liên quan đến nhóm tôi. Với suy nghĩ “làm nhiều sẽ biết nhiều”, và công việc này chỉ mang tính chất tạm thời nên tôi mới nhận làm. Tuy nhiên, đã qua 3 tuần vẫn chưa có ai nói năng, đá động gì đến nên tôi hơi bàng hoàng.

xin-nghi-viec-va-nhung-kho-khan-toi-phai-chiu-hinh-anh-1
Trình bày với sếp về những khó khăn của bản thân, nhưng hình như sếp chẳng quan tâm

Đến tuần thứ 4 thì tôi cảm thấy mệt mỏi, vì muốn giải quyết xong tất cả các công việc tôi buộc mình phải làm thêm tại nhà khoảng 2-3 tiếng. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống riêng tư và sức khỏe của tôi. Vì thế tôi đã gặp sếp và nói thẳng với sếp về tình trạng của mình, thế mà sếp lại nói là tôi không có trách nhiệm, mới làm thêm 1 tháng mà đã nản. Tôi có giải thích với sếp, đó bao gồm cả các công việc của nhóm khác mà đáng ra họ phải làm, tôi giúp họ bao lâu nay là được rồi. Tuy nhiên, sếp cũng chẳng có ý định giảm việc cho tôi.

Nghe nhóm kia nói rằng khối lượng công việc của họ cũng nhiều lắm, họ đang xin sếp tuyển thêm nhân sự nhưng vẫn chưa được duyệt. Chắc là phải gánh công việc này qua Tết.

Tôi nghe xong mà phát hoảng, từ bây giờ đến Tết là 2 tháng nữa, phải làm thêm từng đó ngày nữa chắc tôi không thể làm được. Vì thế tôi nghĩ rằng mình có nên nghỉ việc từ bây giờ luôn không. Nghĩ là làm, sáng hôm sau tôi mail cho sếp xin nghỉ việc, đến trưa tôi check mail vẫn chưa thấy mail phản hồi từ sếp nên tôi cứ ngồi chờ đợi. Đến chiều thì sếp kêu tôi vào phòng họp riêng.

Sếp nói tôi nên suy nghĩ lại vì cơ hội ở đây cho tôi còn nhiều lắm, sếp sẽ cho tôi trải nghiệm thật nhiều. Đã quyết tâm rồi nên tôi vẫn quyết định ra đi. Thấy tôi không có ý định ở lại, sếp bảo tôi ở lại vài ngày, chờ sếp tìm được người thay thế và tôi phải bàn giao xong công việc mới được nghỉ. Vì đã gắn bó lâu với công ty, nên tôi nghĩ điều này cũng hợp lý nên chấp nhận.

Ngay sau khi tôi ký vào tờ thỏa thuận nghỉ việc, sếp tỏ thái độ “quay lưng” với tôi. Trước mọi cuộc họp, tôi làm báo cáo công việc của mình gửi mail cho sếp, chứ không được tham gia cuộc họp. Những công việc nào tôi làm không tốt và phải làm lại, tôi đều nhận thông báo từ đồng nghiệp chứ không phải từ sếp. Sếp tỏ thái độ khó chịu với tôi ra mặt. Với tôi, quá trình chờ được nghỉ việc đó đầy khó khăn và mệt mỏi.

xin-nghi-viec-va-nhung-kho-khan-toi-phai-chiu-hinh-anh-2
Tôi không ngờ sếp lại thay đổi thái độ với tôi nhanh như vậy

Khi công ty đã tìm được nhân viên mới, tôi nghĩ mình cần 3 ngày mới có thể bàn giao hết cho nhân viên mới, để họ có thời gian tìm hiểu nữa. Tuy nhiên sếp lại bảo trong vòng 1 ngày tôi phải bàn giao hết và ngày mai khỏi cần đi làm. Thật sự tôi không biết mình nên cư xử thế nào nữa. Đó là thời gian quá ngắn để tôi bàn giao, cũng như là để nhân viên mới hiểu hết nhiệm vụ vủa mình. Tuy nhiên, vì sếp đã tỏ ra thái độ bất lịch sự như vậy nên tôi chẳng muốn nói gì, cứ theo ý sếp mà làm thôi.

Ngày hôm đó ngay khi bàn giao xong việc tôi về ngay lập tức, và hẹn các đồng nghiệp cũ một buổi cafe, còn sếp tôi cũng lịch sự chào về nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ, dửng dưng. Trước đó, tôi với sếp có thể nói là anh em làm việc rất ăn ý, luôn đồng hành với nhau trong các dự án. Chỉ vì một sự việc này mà sếp lại có thái độ như vậy. Đó là điều mà tôi thất vọng nhất khi rời khỏi nơi này.

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục