Trong quá trình phỏng vấn xin việc, nếu ứng viên thể hiện bản thân thiếu tự tin cũng như truyền tải thông tin không tốt sẽ ảnh hưởng tới ấn tượng nhà tuyển dụng dành cho bạn. Để quá trình phỏng vấn diễn ra thuận lợi và ghi điểm bằng hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển dụng và thuyết phục họ chọn bạn, ứng viên nên ưu tiên chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi phỏng vấn xin việc.
Trước tiên bạn nên hiểu rõ khái niệm phỏng vấn xin việc là gì? Ý nghĩa của phỏng vấn xin việc? Quy trình phỏng vấn xin việc gồm những gì? Và đặc biệt là tham khảo những cách trả lời những câu hỏi phỏng vấn xin việc phổ biến nhất năm 2022 sẽ giúp bạn chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn. Sau đây, Việc Làm 24h sẽ chia sẻ đến bạn những thông tin cần thiết về phỏng vấn xin việc để giúp các bạn chuẩn bị thật kỹ lưỡng, tránh sai sót không đáng có khi tham gia phỏng vấn.
Phỏng vấn xin việc là gì?
Phỏng vấn xin việc là quá trình tương tác giữa nhà tuyển dụng và ứng viên, mục đích để nhà tuyển dụng khai thác thông tin, đánh giá năng lực và tìm ra ứng viên thích hợp cho vị trí tuyển dụng của doanh nghiệp. Đồng thời phỏng vấn còn là cơ hội để ứng viên được thể hiện bản thân thật tốt, ghi điểm với nhà tuyển dụng và có cơ hội chạm tay vào cơ hội công việc mà họ mong muốn.
Tầm quan trọng của phỏng vấn xin việc
Tính chất của phỏng vấn xin việc là quá trình tiếp xúc và trao đổi thông tin bằng hình thức vấn đáp theo quy trình đánh giá chuyên môn và vị trí công việc đang tuyển dụng. Trong suốt quá trình phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng sẽ theo dõi và đánh giá năng lực làm việc, thái độ ứng xử, kỹ năng mềm xử lý tình huống,… của từng ứng viên. Sau đó cân nhắc mức độ phù hợp của ứng viên với yêu cầu công việc để đảm bảo chọn được ứng viên thích hợp nhất.
Phỏng vấn xin việc mang đến cho ứng viên cơ hội đối thoại trực tiếp để thuyết phục nhà tuyển dụng nói riêng và công ty nói chung. Thông qua buổi phỏng vấn, ứng viên được thể hiện những kỹ năng, kinh nghiệm mà mình có nhằm tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Vì thế, ứng viên cần phải thể hiện bản thân thật nổi bật so với những ứng viên khác và khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn phù hợp cho vị trí công việc.
Các kiểu phỏng vấn xin việc thường gặp
Để thành công trong buổi phỏng vấn, ứng viên cần nắm vững các kiểu phỏng vấn thường gặp để chuẩn bị kỹ càng. Nhà tuyển dụng có thể tiến hành phỏng vấn ứng viên qua điện thoại, phỏng vấn online qua video call hoặc phỏng vấn trực tiếp,…
Phỏng vấn năng lực
Hiện nay, đa số các nhà tuyển dụng đều áp dụng phỏng vấn năng lực để tìm ra ứng viên lý tưởng mà họ cần. Hình thức phỏng vấn này khá phổ biến bởi nó giúp nhà tuyển dụng theo dõi, đánh giá những kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn của ứng viên trong tương lai cần thiết cho công việc. Quan trọng hơn, nhà tuyển dụng sẽ so sánh tiềm năng của các ứng viên và chọn người phát huy hết hiệu suất trong công việc để đảm bảo đảm đương tốt vị trí.
Phỏng vấn hành vi
Để có cái nhìn bao quát hơn, nhà tuyển dụng thường sử dụng phỏng vấn hành vi để quan sát và đánh giá khả năng xử lý của ứng viên trước những tình huống giả định ngẫu nhiên. Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những tình huống khó khăn để theo dõi quá trình tiếp nhận và tư duy xử lý tình huống của ứng viên trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Vì thế, cách ứng viên chinh phục khó khăn trong công việc sẽ giúp ứng viên ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Phỏng vấn kỹ thuật
Phỏng vấn kỹ thuật tập trung chủ yếu vào cách thao tác trực tiếp của ứng viên trong công việc. Nhà tuyển dụng sẽ đưa ra bài kiểm tra ngắn về kiến thức và kỹ năng chuyên môn khi làm thử công việc trong thời hạn cho phép, sau đó đánh giá và chọn người lý tưởng. Hình thức phỏng vấn này căn cứ vào tính chất thực tiễn của công việc để tìm ra ứng viên thích hợp cho vị trí họ đang cần tuyển.
Phỏng vấn hội đồng
Phỏng vấn hội đồng là loại phỏng vấn phổ biến tại các công ty, tổ chức, doanh nghiệp quy mô lớn. Nhằm mục đích có cái nhìn toàn diện hơn về ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ sàng lọc ứng viên phù hợp bằng cách sử dụng một nhóm khoảng 4 – 5 người phỏng vấn để trao đổi trực tiếp với ứng viên. Đối với ứng viên, đây sẽ là hình thức phỏng vấn khá khó khăn bởi ứng viên vừa bị áp đảo về mặt số lượng và phải tạo ấn tượng tốt với không chỉ một người mà là cả một hội đồng.
Phỏng vấn theo nhóm
Nếu phỏng vấn hội đồng là một ứng viên và nhiều nhà tuyển dụng thì đối với hình thức phỏng vấn theo nhóm thì nhiều ứng viên và một nhà tuyển dụng. Ứng viên sẽ được xếp vào nhóm cùng những ứng viên khác và buộc bạn phải thể hiện năng lực bản thân trước những câu hỏi của nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng sẽ thử thách nhóm ứng viên cùng một nội dung, việc của các ứng viên là phải trả lời hoàn hảo nhất để phát huy được năng lực và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng cho vị trí công việc họ đang cần.
Quá trình phỏng vấn xin việc và cách trả lời những câu hỏi nhà tuyển dụng đặt ra
Nhà tuyển dụng sẽ dựa theo quy trình phỏng vấn để quan sát và đánh giá năng lực, thái độ và tác phong làm việc của nhân viên và đưa ra quyết định cuối cùng trước khi đồng ý tuyển bạn.
1. Giới thiệu bản thân
Nhà tuyển dụng thường sẽ đi ngay vào vấn đề bằng cách mời bạn tự giới thiệu bản thân. Để tạo được ấn tượng tốt, ứng viên cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng những thông tin cá nhân phù hợp giới thiệu đến nhà tuyển dụng bạn là một ứng viên nặng ký với thái độ, cách ứng xử và sự tự tin hoàn hảo.
Hãy nhìn thẳng mắt nhà tuyển dụng và giới thiệu bản thân thật rõ ràng, mạch lạc và súc tích. Ưu tiên trình bày kinh nghiệm và thành tựu bạn đạt được liên kết với vị trí công việc mà bạn đang hướng đến.
Câu hỏi: Mời bạn tự giới thiệu về bản thân.
Cách trả lời: Chào chị X (tên người phỏng vấn), em tên là Y, em 25 tuổi, tốt nghiệp trường Z. Em có 4 năm kinh nghiệm làm ở vị trí nhân viên kinh doanh. Đặc biệt là em có 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực …. cùng chung lĩnh vực của quý công ty. Trong quá trình làm việc, em đã liên kết, duy trì mối quan hệ bền chặt với khách hàng và thành công ký được … hợp đồng với các đối tác khách hàng. Hơn nữa, trong quá trình làm việc, với khả năng tự tìm kiếm khách hàng trên đa kênh, em luôn nằm trong top nhân viên đạt chỉ tiêu doanh số theo chu kỳ đánh giá quý và năm. Nhận thấy khả năng phát triển của em trong môi trường làm việc của Quý công ty, em đã ứng tuyển vị trí …. của Quý công ty.
Xem thêm: Chia sẻ 8 cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn thu hút, giúp bạn sớm nhận được công việc trong mơ
2. Lý do vì sao chuyển việc?
Nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi liên quan đến việc vì sao bạn lại chuyển việc. Hãy đưa ra thông tin thật ngắn gọn và logic để kết nối đến điểm mạnh của công ty ứng tuyển so với công ty cũ của bạn một cách tích cực. Tuy nhiên cần tránh đặt khía cạnh cảm xúc khi trình bày những bất mãn trong công việc trước đó.
Câu hỏi: Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?
Câu trả lời cho lý do công việc quá nhàm chán: Không gian phát triển ở công ty cũ còn nhiều hạn chế, nội dung công việc đang thiên về tính lặp đi lặp lại nên không đáp ứng định hướng phát triển sự nghiệp lâu dài của em được. Vì thế, em quyết định tìm cơ hội khác khi ứng tuyển vào vị trí …. tại quý công ty.
Câu trả lời cho lý do tiền lương quá ít: Những năm gần đây, khả năng nghiệp vụ của em đã nâng cao và đáp ứng các yêu cầu của vị trí công việc…. Và trong quá trình làm việc, cơ chế tăng lương ở công ty trước đây vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với định hướng phát triển bản thân của em.
3. Lý do vì sao muốn ứng tuyển vị trí này?
Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ xác định xem bạn có thực sự nghiêm túc tìm hiểu về công ty cũng như thông tin tuyển dụng không. Hãy thuyết phục nhà tuyển dụng bằng cách liên kết giữa điểm mạnh của bản thân với sự tương thích của vị trí tuyển dụng và định hướng phát triển trong tương lai khi làm tại vị trí công việc này.
Câu hỏi: Tại sao lại chọn công ty chúng tôi? Tiêu chí chọn lựa công ty của bạn là gì?
Câu trả lời: Hiện tại, em đang tìm kiếm một công ty có lĩnh vực hoạt động tương tự như công ty trước và chắc chắn phải đa dạng nhiều mảng hoạt động khác so với môi trường làm việc cũ mà em chưa tiếp xúc được. Trong quá trình tìm hiểu thông tin thì em tham khảo thấy công ty mình đang triển khai mạnh mảng hoạt động… nên em quyết định ứng tuyển. Em hy vọng có cơ hội tiếp xúc và phát triển hơn ở công ty có nền tảng vững chắc về… như quý công ty.
Xem thêm: Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn: Tại sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này?
4. Mức lương mong muốn
Thông thường, các công ty sẽ có khung lương quy định cho mỗi vị trí để ứng viên cân nhắc ứng tuyển. Tuy nhiên trong quá trình phỏng vấn, bạn hoàn toàn có thể thương lượng mức lương mong muốn đến nhà tuyển dụng để cả hai đi đến tiếng nói chung về mức thu nhập cho vị trí công việc hiện tại.
Câu hỏi: Em muốn mức lương cho vị trí X là bao nhiêu?
Mẹo trả lời chi tiết có thể xem tại: 6 tuyệt chiêu trả lời câu hỏi bạn mong muốn mức lương bao nhiêu khi phỏng vấn
Câu trả lời cho sinh viên mới ra trường: Hiện tại, em quan tâm đến môi trường làm việc giúp em trau dồi thêm nhiều kỹ năng và kinh nghiệm hơn là mức lương.
Câu trả lời cho người có kinh nghiệm: Với điểm mạnh là kỹ năng, kinh nghiệm và những kết quả đạt được trong lĩnh vực. Em mong muốn nhận được mức lương … triệu. Em cũng tìm hiểu được trong mô tả công việc là quý công ty đang tuyển vị trí này với mức lương khoảng từ x-y triệu, vì thế em cũng mong muốn quý công ty xem xét đề xuất mức lương em đưa ra nếu quý công ty đánh giá em phù hợp với vị trí này.
Xem thêm:
- 5 mẹo trả lời phỏng vấn về mức lương khiến mọi nhà tuyển dụng gật gù
- Bật mí 5 bí mật deal lương hiệu quả cho sinh viên mới ra trường
5. Ứng viên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Nhà tuyển dụng sẽ giao lưu thêm với ứng viên và đánh giá mức độ hứng thú của ứng viên với vị trí công việc cần tuyển nói riêng và công ty nói chung vào cuối buổi phỏng vấn. Bạn có thể đặt những câu hỏi xung quanh công việc sắp đảm nhận như thời gian nhận việc, thành viên trong phòng ban, … Hoặc cũng có thể khéo léo hỏi về thời gian làm việc, chế độ đãi ngộ,… nhưng phải chắc chắn là hỏi trong tầm kiểm soát để tránh bị hiểu nhầm là bạn chỉ quan tâm đến điều kiện hơn là công việc.
Câu hỏi: Em có câu hỏi nào cho chúng tôi không? hoặc Em còn thắc mắc thêm gì về công việc không?
Câu trả lời khi không có câu hỏi nào: Trước buổi phỏng vấn, em có chuẩn bị một vài câu hỏi nhưng thông qua quá trình trao đổi cởi mở này thì em đã được giải đáp những điều chưa rõ rồi.
Xem thêm: Cách trả lời phỏng vấn: Em có câu hỏi gì dành cho công ty không?
Kết luận
Để phát huy trọn vẹn năng lực trong buổi phỏng vấn xin việc, người ứng viên phải hiểu rõ quá trình phỏng vấn và chuẩn bị trước câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến. Chắc chắn rằng, thông qua bài viết Nghề Nghiệp Việc Làm 24h chia sẻ, các bạn ứng viên sẽ có sự chuẩn bị và tự tin thể hiện năng lực bản thân trước nhà tuyển dụng.
Hy vọng rằng những thông tin hữu ích này sẽ giúp các bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, phỏng vấn thuận lợi và gặt hái được nhiều thành công trong công việc.
Xem thêm: Cách làm CV cho sinh viên mới ra trường, giúp bạn nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng