Civil Engineering hay kỹ thuật xây dựng dân dụng luôn có vai trò quan trọng trọng cuộc sống. Khởi nguồn của ngành Civil Engineering xuất hiện từ rất xa xưa và để lại nhiều công trình nổi tiếng bậc nhất như kim tự tháp Ai Cập, thành cổ Hy Lạp, Vạn Lý Trường Thành… Trong thời hiện đại, Civil Engineering gắn liền với nhiều công trình phục vụ đời sống như cầu đường, trường học, tòa nhà văn phòng… Ở bài viết dưới đây, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu rõ hơn về Civil Engineering là gì, công việc cụ thể và kỹ năng cần có để làm việc trong ngành này.
Civil Engineering là ngành gì?
Civil Engineering là ngành kỹ thuật chuyên về thiết kế, xây dựng, bảo trì các công trình dân dụng, công cộng và công nghiệp. Chẳng hạn như hạ tầng đô thị, hệ thống giao thông, bao gồm cầu, đường sắt, cống, cảng và các công trình khác như tòa nhà, nhà máy, đập, các hệ thống cấp thoát nước…
Dù hoạt động xây dựng này đã xuất hiện từ rất lâu nhưng mãi đến thế kỷ 18, cụm từ Civil Engineering mới được sử dụng lần đầu để đề cập đến nghề kỹ thuật xây dựng dân dụng thay vì kỹ thuật quân sự.
Tuyển dụng việc làm Kỹ sư dân dụng tại Việt Nam | tại Bình Dương | tại Đồng Nai | tại Long An
Civil Engineering bao gồm những chuyên ngành nào?
Xây dựng dân dụng là một ngành lớn bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau như:
1. Kỹ thuật xây dựng tổng hợp (General Civil Engineering)
Còn được gọi là kỹ thuật công trường (Site Engineering), những kỹ sư xây dựng này làm việc với các nhà khảo sát và kỹ sư dân dụng chuyên ngành để thiết kế các công trình như đập, cấp thoát nước, cơ sở hạ tầng cung cấp điện, thông tin liên lạc… Loại kỹ thuật này thường liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng của một khu đất cụ thể. Do đó sẽ bao gồm các hoạt động như khảo sát địa điểm, gặp gỡ các bên liên quan, đánh giá các tác động tiềm ẩn, lập kế hoạch và phát triển xây dựng.
2. Kỹ thuật môi trường (Environmental Engineering)
Environmental Engineering liên quan đến việc duy trì và cải thiện chất lượng nước, đất và không khí thông qua việc thúc đẩy các hoạt động thân thiện với môi trường. Kỹ sư môi trường phụ trách việc đưa ra các giải pháp giảm thiểu chất thải và ô nhiễm hoặc quản lý các dự án trong công viên. Các hoạt động này cần có sự kết hợp của kiến thức hóa học, sinh học và kỹ thuật để tạo ra những giải pháp hợp lý nhằm bảo vệ môi trường.
3. Kỹ thuật xây dựng (Construction Engineering)
Construction Engineering bao gồm các công việc thiết kế, quản lý và lắp đặt công trình dân dụng, công cộng. Các kỹ sư chuyên ngành này thực hiện hoạt động giám sát dự án về thời gian, chất lượng, kế hoạch. Ngoài ra, họ cũng đảm bảo an toàn các kết cấu tạm thời được sử dụng trong quá trình xây dựng. Những dự án phổ biến mà họ tham gia là tòa nhà, nhà kho, nhà ở…
4. Kỹ thuật kết cấu (Structural Engineering)
Kỹ thuật kết cấu liên quan đến việc thiết kế và kiểm tra các dự án xây dựng lớn như cầu, đập, tòa nhà. Các kỹ sư sẽ tập trung vào yếu tố bên trong của công trình để đảm bảo chúng có độ bền cao, ít bị hư hại hay sụp đổ.
5. Kỹ thuật giao thông vận tải (Transportation Engineering)
Công việc chính của chuyên ngành này là lập kế hoạch, thiết kế, vận hành và bảo trì hệ thống giao thông. Các kỹ sư Transportation Engineering quan tâm đến hiện trạng giao thông vận tải và xu hướng trong tương lai. Sau đó, họ sử dụng những kiến thức này vào việc bảo trì, cải tiến hệ thống giao thông hiện tại.
6. Kỹ thuật đô thị (Urban Engineering)
Urban Engineering bao gồm việc thiết kế, xây dựng và bảo trì các cấu trúc, tài sản, mạng lưới đô thị như đường phố, vỉa hè, hệ thống cấp nước, chiếu sáng, công viên… Kỹ thuật đô thị có sự giao thoa với nhiều loại hình Civil Engineering khác nhưng chủ yếu liên quan tới việc xác định cấu trúc với các chuyên gia.
7. Kỹ thuật khai thác mỏ (Mining Engineering)
Các kỹ sư ở chuyên ngành này tập trung vào việc khai thác than, khoáng sản và những vật liệu khác. Công việc của họ sẽ liên quan đến việc phân tích, lập kế hoạch, thiết kế các trung tâm khoáng sản cũng như giám sát các đội khai thác.
Nhiệm vụ của kỹ sư ngành Civil Engineering là gì?
Các kỹ sư xây dựng thiết kế, phát triển và liên kết mọi thứ theo nhiều cách khác nhau. Họ có thể làm việc cho các tổ chức nhà nước hoặc tư nhân. Nhiệm vụ của họ thay đổi tùy theo chuyên ngành, nhưng có một số công việc chính như:
– Phân tích dữ liệu khảo sát, lập bản đồ và các báo cáo khác để lên kế hoạch và thiết kế dự án hiệu quả.
– Phân tích rủi ro cho nhiều dự án khác nhau bằng cách xem xét chi phí dự án, các mối nguy tiềm ẩn về môi trường và quy định của nhà nước cùng nhiều yếu tố liên quan khác.
– Giám sát, phân tích kết quả kiểm tra đất để xác định nền móng có đủ vững chắc và phù hợp với công trình không.
– Soạn và nộp đơn xin cấp phép.
– Chuẩn bị báo cáo chi phí ước tính cho thiết bị, vật liệu và nhân công để xác định tính khả thi của dự án.
– Lập kế hoạch và thiết kế các công trình bằng phần mềm phù hợp với các quy định của ngành và nhà nước.
– Thực hiện, giám sát các hoạt động khảo sát của dự án được đề xuất.
– Sửa chữa, bảo trì các công trình.
Để làm việc trong ngành Civil Engineering cần những kỹ năng gì?
1. Kiến thức chuyên môn
Các kỹ sư Civil Engineering cần có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành mà mình theo đuổi. Chẳng hạn như kỹ sư kết cấu cần am hiểu về các vật liệu và sự kết hợp của chúng.
2. Kỹ năng sử dụng các phần mềm Civil Engineering
Đây là kỹ năng vô cùng cần thiết khi làm việc trong ngành này để thiết kế, mô phỏng và quản lý các dự án xây dựng. Một số phần mềm quan trọng có thể kể đến như: AutoCAD, Revit, Civil 3D, STAAD.Pro, SAP2000, ETABS, Primavera P6, GIS… Việc lựa chọn phần mềm thích hợp thường phụ thuộc vào loại công trình và yêu cầu cụ thể của dự án. Do đó, bạn có thể sẽ cần sử dụng một hoặc vài phần mềm khác nhau cho mỗi dự án cụ thể.
3. Quản lý dự án
Cho dù bạn đang thực hiện dự án nào thì cũng cần hiểu rõ về kỹ năng này. Ở cấp độ đầu vào, việc làm quen với các khái niệm quản lý dự án sẽ giúp bạn hiểu rõ lý do tại sao dự án lại có cấu trúc như hiện tại. Khi thăng tiến trong sự nghiệp, rất có thể bạn sẽ sử dụng kỹ năng này nhiều hơn để chỉ đạo dự án từ đấu tới cuối.
4. Giải quyết vấn đề
Những sai sót, trục trặc xảy ra khi thực hiện dự án là điều không thể tránh khỏi. Ví dụ như hạn chế về kế hoạch, nhu cầu của khách hàng, thay đổi thời tiết là những vấn đề bạn hoàn toàn có khả năng gặp phải. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là dự án sẽ dừng lại. Điều quan trọng là đưa ra quyết định để đảm bảo tính liên tục và hoàn thành dự án trước mắt.
5. Tổ chức
Bạn sẽ là người làm việc, giám sát người lao động và nhiều nhà thầu cùng những chuyên gia khác trong cùng một dự án. Do đó đòi hỏi bạn cần biết cách tổ chức, giao tiếp với các bên hiệu quả để đảm bảo tất cả đều biết nhiệm của mình và hoàn thành đúng hạn.
Civil Engineering là một lĩnh vực quan trọng và gần như không thể thay thế. Trong tương lai có thể ngành này sẽ tiếp tục phát triển để cung cấp nhiều giải pháp thân thiện với môi trường hơn. Chính vì vậy rất cần đội ngũ những kỹ sư xây dựng có chuyên môn và kỹ năng mềm ở mọi chuyên ngành. Nếu bạn muốn trở thành kỹ sư xây dựng tương lai, hãy bắt đầu lên kế hoạch học tập và trau dồi ngay từ bây giờ. Còn nếu bạn đã sẵn sàng cho công việc mới trong ngành Civil Engineering, đừng quên truy cập Việc Làm 24h với rất nhiều cơ hội dành cho bạn.
Xem thêm: Nắm vững Data Mining là gì để tự tin tham gia ngành hot hit bậc nhất thị trường