Franchise là gì? Những điều cần biết để kinh doanh franchise thành công

Bạn đang ấp ủ dự định kinh doanh franchise? Tham khảo ngay bài viết từ Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để hiểu hơn Franchise là gì? Có các hình thức franchise nào và làm sao để kinh doanh franchise thành công.

Franchise nghĩa là gì?

Franchise là từ tiếng Anh chỉ khái niệm uỷ quyền cho cá nhân hoặc nhóm sử dụng, bán sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty dưới tên thương mại đã được hai bên thoả thuận. Nếu không có thỏa thuận nhượng quyền chính thức, cá nhân hoặc nhóm bất kỳ sẽ không được phép bán bất cứ sản phẩm thương mại nào từ công ty.   

franchise là gì
Hình thức kinh doanh franchise đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn.

Trong hoạt động kinh doanh, franchise được hiểu là nhượng quyền thương mại (NQTM). Đây là một hoạt động thương mại trong đó bên nhượng quyền (franchisor) chuyển giao mô hình kinh doanh, nhãn hiệu dịch vụ/hàng hoá, bí quyết kinh doanh, quảng cáo, biểu tượng kinh doanh cho bên nhận quyền (franchisee).

Sau khi ký hợp đồng nhượng quyền thương mại franchise (uniform franchise offering circular – UFOC), bên nhận quyền được phép khai thác kinh doanh trên một không gian địa lý cố định theo thoả thuận. Đồng thời, franchisee phải trả phí nhượng quyền (franchise fee) theo tỷ lệ doanh thu định kỳ (loyalty fee) cho franchisor trong khoảng thời gian xác định mà hai bên đồng ý theo hợp đồng.

Quy định của pháp luật về franchise là gì?

Tại Việt Nam, Luật Thương Mại 2005, Điều 284 có nêu: Franchise là hoạt động thương mại, trong đó bên nhượng quyền yêu cầu và cho phép bên nhận quyền tự tiến hành mua bán, cung ứng dịch vụ, hàng hoá theo điều kiện:

  • Việc cung ứng dịch vụ, hàng hoá tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định, gắn với nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. 
  • Bên nhượng quyền có quyền trợ giúp và kiểm soát bên nhận quyền trong điều hành kinh doanh. 

Ngoài ra, Nghị định 35/2006/NĐ-CP, Nghị định 120/2011/NĐ-CP, Thông tư 09/2006/TT-BTM … có cung cấp đầy đủ định nghĩa, quy định, quyền, nghĩa vụ của các bên, mức phạt khi NQTM sai quy định cũng như hướng dẫn chi tiết cách đăng ký hoạt động NQTM.

Đây là cơ sở pháp lý hoàn thiện, đầy đủ mà bất cứ ai khi muốn thực hiện NQTM đều có thể tham khảo. 

Các hình thức franchise là gì?

 Sau đây là một số hình thức nhượng quyền phổ biến hiện nay:

Nhượng quyền toàn diện về mô hình kinh doanh (Full business format franchise)

Đây là mô hình nhượng quyền có cấu trúc hoàn chỉnh và chặt chẽ với mức độ hợp tác, cam kết giữa hai bên.

Bên nhận được sử dụng nhãn hiệu nhượng quyền và toàn bộ hệ thống vận hành kinh doanh, bí quyết/công nghệ kinh doanh, quyền quản lý dịch vụ/sản phẩm. Bên nhượng quyền còn cung cấp kế hoạch chi tiết với thủ tục về hầu hết mọi khía cạnh trong doanh nghiệp, cung cấp đào tạo, hỗ trợ đầy đủ từ giai đoạn đầu cũng như về lâu dài. 

Nhượng quyền không toàn diện về mô hình kinh doanh (Non-business format franchise)

Trong mô hình này, bên nhượng quyền chỉ cung cấp một số yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thường chỉ là cung cấp quyền sử dụng hình ảnh thương hiệu, công thức hoặc mô hình tiếp thị dịch vụ/sản phẩm. Mô hình này thường được doanh nghiệp sử dụng khi muốn phát triển hệ thống phân phối nhằm tăng độ phủ thị trường, tăng doanh thu.

Có nhiều hình thức nhượng quyền không toàn diện như:

  • Nhượng quyền dùng thương hiệu (Brand Franchise/Trademark License): thường thấy ở các thương hiệu có giá trị cao với lượng khách hàng trung thành nhất định, muốn dùng tên tuổi cho việc sản xuất nhiều mặt hàng không cùng ngạch (ví dụ: Pepsi cấp phép cho các hãng áo phông in logo lên áo, Disney cấp phép hình ảnh cho nhà sản xuất đồ chơi…)
  •  Nhượng quyền phân phối dịch vụ/sản phẩm (Product Distribution Franchise) bên nhận chỉ phụ trách phân phối dịch vụ, sản phẩm ra thị trường (ví dụ: các nhãn hàng thời trang…)
  • Nhượng quyền công thức sản xuất, Marketing sản phẩm (Marketing Franchise) bên nhượng quyền cấp quyền kinh doanh và hỗ trợ các hoạt động tiếp thị, vận hành… 
franchise là gì
Các hình thức phổ biến trong franchise là gì?

Nhượng quyền có tham gia hoạt động quản lý (Management franchise)

Quyền quản lý xảy ra khi bên nhượng quyền cung cấp người điều hành hoặc quản lý doanh nghiệp cho bên nhận quyền, bên cạnh hoạt động chuyển nhượng công thức kinh doanh, thương hiệu.

Người quản lý không cần nhất thiết tham gia hoạt động hàng ngày mà chỉ giám sát toàn diện, sử dụng chuyên môn và kinh nghiệm giúp bên nhận quyền quản lý các bộ phận hiệu quả, tập trung phát triển kinh doanh. 

Hình thức này phù hợp với những thương hiệu dịch vụ có yêu cầu cao về nguồn nhân lực, ví dụ như khách sạn, nhà hàng

Nhượng quyền có tham gia về đầu tư vốn (Equity franchise)

Đây là hình thức nhượng quyền mà franchisor tham gia vốn đầu tư vào franchisee với tỷ lệ nhỏ theo dạng liên doanh để trực tiếp tham gia vào kiểm soát hệ thống. Đại diện franchisor có thể tham gia vào Hội đồng quản trị của bên nhận quyền. 

Ưu – nhược điểm của franchise là gì?

Hình thức kinh doanh này mang đến nhiều ưu điểm cho cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền. 

Với franchisee (bên nhận quyền)

Các ưu điểm khi chọn hình thức nhận quyền:

  • Tiết kiệm vốn so với tự xây dựng và phát triển thương hiệu riêng.
  • Giảm nguồn lực, thời gian nghiên cứu về mô hình, set-up mặt bằng…
  • Tận dụng lợi thế từ thương hiệu đã được định vị sẵn.
  • Tránh rủi ro gặp phải khi cần đầu tư xây dựng thương hiệu.
  • Chất lượng đảm bảo.
  • Dịch vụ, sản phẩm, hệ thống đều đã được chuẩn hoá.
  • Mô hình bài bản theo hệ thống từ đào tạo nhân viên tới vận hành kinh doanh. 
  • Được sự hỗ trợ từ bên bán nhượng quyền.

Thách thức khi kinh doanh nhận quyền:

  • Cạnh tranh trong chuỗi: không chỉ mình bạn dùng phương thức này, bạn sẽ phải cạnh tranh với các franchisee khác. 
  • Thiếu sự sáng tạo cá nhân: bạn phải tuân thủ theo quy định từ bên nhượng quyền, không được phép thể hiện sự sáng tạo hay đột phá riêng. 
franchise là gì
Thách thức khi muốn kinh doanh franchise là gì?

Với franchisor (bên nhượng quyền)

Lợi thế khi thực hiện nhượng quyền

  • Mở rộng mô hình kinh doanh và hệ thống phân phối nhanh chóng.
  • Giảm chi phí phát triển thị trường, tăng nguồn thu ổn định từ phí nhượng quyền.
  • Tạo nên hệ thống có sự liên kết mạnh về thương mại, tài chính.
  • Giảm thiểu nhiều rủi ro khi mở rộng thị trường.
  • Tận dụng nguồn lực địa phương hiệu quả, tránh được các rào cản pháp lý hoặc rủi ro khi muốn gia nhập các thị trường mới.

Nhược điểm 

  • Khó kiểm soát toàn quyền về thương hiệu và hoạt động kinh doanh.
  • Hoạt động kém của một đơn vị nhượng quyền có thể gây ảnh hưởng chung tới uy tín thương hiệu.
  • Đối mặt với nguy cơ tranh chấp giữa các cơ sở kinh doanh. 
franchise là gì
Nhượng quyền là phương pháp giúp doanh nghiệp mở rộng, nhân rộng mô hình kinh doanh nhanh chóng.

Làm sao để kinh doanh franchise?

Không phải mô hình doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện franchise. Nếu bạn đang muốn trở thành một công ty có thể kinh doanh nhượng quyền và trở thành franchisor, sau đây là những bước cần xem xét.

  • Bước 1: Đánh giá xem doanh nghiệp của bạn có phù hợp để nhượng quyền hay không. Ngoài doanh thu, lợi nhuận, còn nhiều yếu tố cần xem xét như:

+ Mô hình kinh doanh: mô hình kinh doanh của bạn có thể hệ thống hoá và nhân rộng hay không, có chứa nhiều yếu tố đặc thù hoặc phức tạp không thể chia sẻ hay không? Nếu bán, mô hình kinh doanh này có thể mang lại lợi nhuận tốt hay không?

+ Nghiên cứu thị trường: Không thể dựa vào cảm tính để nói rằng thương hiệu của bạn có thể bùng nổ trên khắp cả nước. Thay vào đó cần các nghiên cứu thị trường kỹ càng về nhu cầu người dùng và giá trị kinh doanh nhượng quyền mà bạn cung cấp có sức cạnh tranh với các đối thủ khác hay không. 

+ Chuẩn bị kỹ càng: khi trở thành nhà nhượng quyền, bên cạnh hình thức kinh doanh truyền thống, bạn sẽ chủ yếu tham gia bán thương hiệu và hỗ trợ các bên nhận quyền đi vào hoạt động. Sự sai sót trong quá trình huấn luyện, chuyển giao đều có thể ảnh hưởng tới chất lượng chung và danh tiếng của thương hiệu. 

franchise là gì
Các bước kinh doanh franchise là gì?
  • Bước 2: Tìm hiểu về pháp lý, hoàn tất hồ sơ

Để được phép bán nhượng quyền, doanh nghiệp cần hoàn thành việc đăng ký tại các cơ quan có thẩm quyền, cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp và nhiều thủ tục khác. 

Điều 19 và Điều 20, mục 3 trong Nghị định 35/2006/NĐ-CP về hoạt động nhượng quyền thương mại có nêu chi tiết về hồ sơ và thủ tục đăng ký nhượng quyền.

Hồ sơ gồm: 

+ Đơn đề nghị theo mẫu do Bộ Thương Mại hướng dẫn

+ Giới thiệu NQTM theo mẫu

+ Văn bản xác nhận: tư cách pháp lý của bên NQTM, văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong hoặc ngoài nước (nếu có).

+ Nếu giấy tờ bằng tiếng nước ngoài thì cần dịch ra tiếng Việt và được công chứng theo quy định.

  • Bước 3: Xây dựng mô hình nhượng quyền

Bên cạnh việc chuẩn bị các thủ tục pháp lý, bạn cần quyết định các yếu tố liên quan đến mô hình nhượng quyền gồm:

+ Phí nhượng quyền

+ Tỷ lệ tiền bản quyền

+ Chính sách nhượng quyền 

+ Thời hạn hợp đồng 

+ Quy mô trao cho bên nhận quyền

+ Khu vực địa lý muốn cung cấp nhượng quyền

+ Loại hình đào tạo, thời gian đào tạo, chương trình đào tạo cung cấp cho bên nhận quyền

+ Các yêu cầu về sản phẩm, máy móc… đối với bên nhận quyền

+ Yêu cầu về kinh nghiệm, tài sản ròng… của bên nhận quyền

+ Cách quảng bá

  • Bước 4: Chuẩn bị nhân lực

Đây sẽ nguồn nhân lực mới tập trung vào việc hỗ trợ cho bên nhận quyền, đảm bảo quá trình nhượng quyền diễn ra thuận lợi, duy trì đúng theo chất lượng và tuân thủ các tiêu chí bạn mong muốn. 

  • Bước 5: Triển khai bán nhượng quyền và hỗ trợ bên nhận 

Đây là quá trình dài và liên tục để đảm bảo các chi nhánh vận hành theo đúng tiêu chuẩn và duy trì 4 nền tảng chính của hoạt động nhượng quyền gồm:

+ Thương hiệu và mô hình

+ Nhân sự và đào tạo

+ Vận hành (gồm cả chuỗi cung ứng)

+ Phát triển thị trường

Lưu ý để kinh doanh franchise thành công

Nếu bạn đang có ý định thực hiện kinh doanh franchise, sau đây là một vài lưu ý nên cân nhắc trước khi bắt đầu:

  • Nghiên cứu thị trường

Những nghiên cứu cụ thể về hành vi, nhu cầu của đối tượng tiêu dùng sẽ giúp franchisor thiết kế được sản phẩm sáng tạo, phù hợp và có sức cạnh tranh khi muốn nhân rộng, bán mô hình.

Với người nhận quyền, bạn nên tìm hiểu về nhu cầu thị trường tại địa phương để lựa chọn thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ muốn mua franchise phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng mục tiêu. Ngoài các yếu tố vùng miền, còn cần tính đến các quy định về việc đặt cửa hàng hoặc yêu cầu của bên bán nhượng quyền có phù hợp với môi trường địa phương hay không.

franchise là gì
Bí quyết để kinh doanh franchise thành công là gì?
  • Chú ý về tính pháp lý

Sau khi đưa ra quyết định mua, bán, sang nhượng cần thiết, nên lưu ý về tính rõ ràng của hợp đồng. Các quyền lợi, nghĩa vụ của từng bên tham gia cần được nêu chi tiết để tránh các bất đồng hoặc trục trặc có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, bạn cũng nên kiểm tra về tính bản quyền và bảo hộ của thương hiệu nhượng quyền. 

  • Chi phí phát sinh

Trong quá trình mua nhượng quyền thường khó tránh khỏi các chi phí phát sinh. Ngoài các khoản phí cố định về mặt bằng, trang thiết bị, nhân viên… bạn còn cần tính đến phí sửa sang, nguyên vật liệu đảm bảo theo tiêu chí của bên bán nhượng quyền… Do đó, không nên bỏ qua dự trù chi phí để đảm bảo việc kinh doanh suôn sẻ nhất.

  • Đảm bảo sự nhất quán, không sáng tạo quá đà

Sở hữu một cơ sở kinh doanh của riêng mình và được làm chủ theo ý mình là mong muốn của nhiều người. Tuy nhiên, sự sáng tạo và làm mọi thứ theo ý mình không phải dành cho một mô hình nhượng quyền. Bạn cần tuân thủ theo yêu cầu của bên bán nhượng quyền trong hợp đồng về tiếp thị, thương hiệu, nhận diện… và đảm bảo tính thống nhất trong mọi khía cạnh của dịch vụ, sản phẩm. 

Việc sáng tạo và không tuân thủ theo các quy định từ người bán nhượng quyền có thể khiến bạn gặp rủi ro tước quyền kinh doanh hoặc rắc rối với các điều khoản hợp đồng. 

  • Chiến lược kinh doanh và khả năng tài chính dài hạn

Lợi thế của mô hình nhượng quyền là khoản vốn đầu tư không quá lớn. Tuy nhiên trong thời gian đầu kinh doanh, bạn vẫn cần trả nhiều khoản phí như: phí nhượng quyền, phí đầu tư, nguồn hàng, phí đào tạo, nhân sự… Những khoản phí này chỉ có thể bù đắp lại khi hoạt động kinh doanh bắt đầu có lợi nhuận. Quá trình này có thể kéo dài trong khoảng 1 năm, thậm chí vài năm. Do đó, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tiềm lực tài chính lẫn chiến lược kinh doanh dài hạn để có thể duy trì kinh doanh tới khi bắt đầu thu thành quả. 

Lời kết

Trên đây là những chia sẻ của Việc Làm 24h về franchise là gì, ưu nhược điểm của mô hình này cũng như các điểm cơ bản cần lưu ý khi kinh doanh franchise. Mong rằng những thông tin hữu ích này giúp bạn có thêm kiến thức và tự tin chơn cho hoạt động kinh doanh franchise của bạn. 

Xem thêm: Bí kíp chọn màu CV hợp mệnh phong thuỷ mang lại may mắn

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục