Môi giới bất động sản (BĐS) là ngành nghề quen thuộc gắn chặt với thị trường bất động sản hiện nay. Vậy nghề môi giới bất động sản là gì? Cần chuẩn bị những kỹ năng nào để trở thành môi giới bất động sản chuyên nghiệp. Mời bạn cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết sau.
Môi giới bất động sản là gì?
Môi giới là cụm từ chỉ chung cho người trung gian hỗ trợ cho hoạt động mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ trong giao kết hợp đồng, đàm phán… Người môi giới được nhận thù lao theo hợp đồng môi giới.
Môi giới BĐS là người trung gian hỗ trợ cho các bên trong quá trình chuyển nhượng, cho thuê, mua bán bất động sản.
Phân loại môi giới bất động sản
Hiện nay có hai loại hình môi giới BĐS chính:
- Môi giới độc quyền: người môi giới có quyền đặc biệt được phép môi giới cho một số dự án bất động sản nhất định. Họ đồng thời là đại diện cho người bán thực hiện quảng bá và tư vấn.
- Môi giới tự do: người môi giới được quyền hợp tác với nhiều chủ sở hữu bất động sản, tư vấn cho khách hàng và nhận hoa hồng theo giá trị từng thương vụ.
Điều kiện trở thành môi giới bất động sản
Luật kinh doanh Bất động sản 2014 cũng quy định:
- Cá nhân hoặc công ty môi giới bất động sản khi muốn kinh doanh dịch vụ này cần thành lập doanh nghiệp trong đó có ít nhất 02 nhân sự có chứng chỉ hành nghề.
- Cá nhân hoạt động riêng phải nộp thuế theo quy định và bắt buộc có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
- Cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS cần đảm bảo không được đồng thời vừa là một bên thực hiện hợp đồng (HĐ) trong một giao dịch BĐS.
Đặc điểm nghề
Nghề môi giới BĐS có nhiều điểm hấp dẫn nhưng cũng không ít thách thức, nhất là những người mới vào nghề.
- Lương cơ bản thấp: mức lương cơ bản hoặc mức cố định của nhân viên môi giới BĐS thường dao động từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, nhiều công ty thậm chí còn không có lương cơ bản. Thu nhập chính đến từ phí môi giới (hoa hồng) theo các giao dịch thành công.
- Thời gian linh động: môi giới BĐS có thời gian làm việc vô cùng linh hoạt, họ không thường xuyên ngồi tại văn phòng mà thường dành phần lớn thời gian đi khảo sát thị trường hoặc khảo sát dự án, gặp khách hàng…
- Áp lực cao: mặc dù thời gian làm việc thoải mái nhưng môi giới BĐS thường phải chịu trách nhiệm áp lực tương đối cao về KPI, về sếp, về khách hàng…
Vai trò của môi giới bất động sản
Với thị trường BĐS nói chung và từng dự án BĐS nói riêng, môi giới BĐS đóng vai trò vô cùng quan trọng.
- Góp phần thúc đẩy giao dịch và giúp thị trường BĐS phát triển
Người cần bán BĐS không phải lúc nào cũng tìm được khách hàng, người mua cũng không phải lúc nào cũng tìm được dự án BĐS ưng ý. Do đó, môi giới đóng vai trò then chốt trong kết nối cung cầu trên thị trường BĐS, giúp cả bên bán và bên mua tiết kiệm được thời gian, công sức và tăng tính hiệu quả.
- Thúc đẩy đổi mới chính sách của nhà nước với thị trường BĐS
Hoạt động môi giới là nơi phát sinh và làm bộc lộ rõ nhất những xung đột lợi ích (nếu có) giữa các chủ thể tham gia vào thị trường. Người môi giới có nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho cả bên bán và bên mua, từ đó phản ánh trung thực nhất những bất cập trong quy định pháp luật đối với thị trường BĐS.
- Giúp tăng số lượng giao dịch cho thị trường BĐS
Với nhiệm vụ giúp cho cung và cầu BĐS gặp nhau dễ dàng hơn, môi giới BĐS đóng vai trò quan trọng trong quá trình giúp tăng số lượng giao dịch cho thị trường, góp phần giúp thị trường phát triển ổn định và sôi động hơn.
- Giúp thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững, minh bạch hơn
Thông qua môi giới BĐS, các thông tin về thị trường trở nên công khai, minh bạch hơn, điều này giúp cho thị trường BĐS lành mạnh và hiệu quả hơn, tạo tiền đề cho việc thực hiện giao dịch hợp pháp, tránh ứ đọng hoặc ngâm giao dịch trên thị trường.
Công việc cụ thể
Như vậy, hẳn bạn đã hiểu sơ lược về công việc bất động sản là gì. Sau đây là mô tả công việc cơ bản của một nhân viên môi giới BĐS.
- Tìm hiểu dự án: để giới thiệu BĐS tới với khách hàng, môi giới cần am hiểu rõ về tính hình thị trường, nhu cầu của người mua từ đó giới thiệu được dự án phù hợp. Cụ thể, các thông tin cần có về dự án BĐS gồm:
+ Chính sách, quy hoạch.
+ Diện tích, quy mô.
+ Đặc điểm, chất lượng, công năng.
+ Hạ tầng xã hội, dịch vụ kỹ thuật.
+ Các vấn đề pháp lý (hồ sơ, giấy tờ, quyền sở hữu…).
+ Giá bán, giá thuê, giá chuyển nhượng.
+ Phong thuỷ, thiết kế.
+ Tư vấn đầu tư.
- Tìm kiếm khách hàng: mỗi dự án BĐS sẽ phù hợp với khách hàng có năng lực tài chính và nhu cầu khác nhau, người môi giới BĐS cần tìm được đúng người có nhu cầu, tiếp cận, cung cấp thông tin, tạo niềm tin và khiến khách hàng quan tâm tới dự án. Môi giới có thể dùng nhiều biện pháp từ: phát tờ rơi, quảng cáo… để có thể tìm khách hàng.
- Gặp gỡ khách hàng: một nhiệm vụ thường xuyên của người môi giới BĐS là gặp gỡ để giới thiệu chi tiết, tư vấn và giúp khách hàng giải đáp các băn khoăn về dự án.
- Hỗ trợ khách hàng các thủ tục pháp lý liên quan tới quá trình mua bán, thuê BĐS và ký kết HĐ.
- Duy trì mối quan hệ và chăm sóc khách hàng.
- Tham gia các hoạt động định giá hoặc đấu giá BĐS.
- Luôn nắm bắt thông tin về tình hình thị trường BĐS.
- Thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh hoặc các kế hoạch theo chỉ đạo của cấp trên.
Xem thêm: Phân khúc khách hàng là gì? Các phân khúc khách hàng mục tiêu hiện nay
Từ góc độ của người bán và người mua BĐS, vai trò của môi giới BĐS cụ thể hơn như sau
- Với người có nhu cầu bán BĐS, nhiệm vụ của người môi giới gồm:
+ Giúp xác định giá thị trường của BĐS cần bán.
+ Lên danh sách, quảng cáo thông tin về BĐS cần bán.
+ Giới thiệu BĐS cần bán tới người mua tiềm năng.
+ Gửi các đề nghị mua cho người bán để xem xét.
+ Thay người bán thương lượng với người mua.
- Với người mua BĐS, nhiệm vụ của người môi giới gồm:
+ Định vị các BĐS phù hợp với nhu cầu của người mua.
+ Tư vấn về thông tin, lợi ích, giá trị của dự án giúp người mua dễ dàng ra quyết định hơn.
+ Chuẩn bị thỏa thuận mua bán ban đầu cho người đã quyết định mua.
+ Hỗ trợ người mua quản và kiểm tài sản, hạng mục sửa chữa trong quá trình thương lượng BĐS (nếu có).
Hành trang cần có của nghề môi giới bất động sản
Để trở thành môi giới BĐS chuyên nghiệp, bên cạnh chứng chỉ hành nghề, bạn còn cần trang bị cho mình hành trang sau:
- Kiến thức: một môi giới BĐS giỏi không chỉ cần kiến thức về pháp luật liên quan đến BĐS, thị trường, còn cần có các kiến thức về Marketing, kinh tế, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo… Với vốn kiến thức càng rộng, bạn sẽ càng tự tin hơn khi gặp khách hàng và đưa ra những tư vấn chuẩn xác, phù hợp với nhu cầu thực sự của họ hơn.
- Kỹ năng: những kỹ năng mềm cần thiết cho nghề môi giới BĐS gồm:
+ Kỹ năng chốt sale,
+ Kỹ năng lắng nghe.
+ Giải quyết vấn đề.
+ Kỹ năng thuyết phục.
…
- Chịu được áp lực.
- Sự tỉ mỉ, chi tiết: môi giới sẽ làm việc nhiều với tài liệu, giấy tờ iên quan tới pháp lý cần có độ chính xác cao.
- Sự kiên nhẫn: để bán được một BĐS, một môi giới có thể phải mất từ vài tháng tới cả năm, đây là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và giữ vững tinh thần trong quá trình làm việc.
- Trung thực, đạo đức: để trở thành một môi giới có uy tín, bên cạnh năng lực, bạn cần xây dựng được lòng tin và danh tiếng trong ngành bằng sự trung thực.
Ngày nay, nhiều trường Đại học như Khoa Kinh tế – ĐH Kinh tế Tp HCM, Khoa BĐS & Kinh tế tài nguyên – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân… có cung cấp các khóa học về môi giới BĐS. Nếu quan tâm, bạn có thể đăng ký các khóa học này hoặc theo học trực tiếp tại các công ty chuyên về dịch vụ môi giới BĐS.
Lời khuyên dành cho người muốn trở thành môi giới bất động sản
Như vậy, hẳn bạn đã hiểu môi giới BĐS là gì và những yêu cầu kỹ năng, kiến thức cần có để trở thành một môi giới chuyên nghiệp.
Đây là ngành nghề tương đối hấp dẫn bởi mức thu nhập và hoa hồng cao, tuy nhiên để gắn bó lâu năm và trở thành một môi giới chuyên nghiệp, thành công thì không phải ai cũng đủ kiên trì.
Theo những môi giới lâu năm, đây là một trong những ngành nghề có sự đào thải khắc nghiệt. Nếu bạn muốn gắn bó với nghề này, đầu tiên cần xác định đây không phải là công việc dễ làm và không phải ai cũng làm hiệu quả. Đồng thời với mức lương cứng thấp, bạn cần xác định rõ thời điểm mới vào nghề còn thiếu kinh nghiệm, thiếu mối quan hệ, tỷ lệ chốt đơn sẽ rất thấp, việc 6 tháng hoặc cả năm đầu tiên không chốt được giao dịch nào là hoàn toàn bình thường. Do đó, bạn cần chuẩn bị tài chính tốt để đi qua giai đoạn này.
Nghề môi giới thường bị đánh đồng với những“cò đất” với sự tư vấn sơ sài, thiếu kiến thức và dùng mánh khóe để chốt giao dịch hòng kiếm lời.
Do đó, bạn cần xác định mục tiêu rõ ràng, kế hoạch tương lai và hành động cụ thể bằng cách không ngừng trau dồi kiến thức lẫn kỹ năng để gắn bó với nghề.
Lời kết
Trên đây là những chia sẻ của Việc Làm 24h về nghề môi giới bất động sản. Với những ai đang mong muốn trở thành nhà môi giới trong tương lai, mong rằng bài viết phần nào giúp bạn hình dung rõ hơn về đặc điểm, yêu cầu của công việc này để có sự chuẩn bị tốt hơn. Đừng quên truy cập Việc Làm 24h để cập nhật những thông tin tuyển dụng môi giới BĐS từ các nhà tuyển dụng uy tín.
Xem thêm: Top 7 việc làm bao ăn ở không cần bằng cấp thu nhập hấp dẫn