Bẫy thu nhập trung bình là gì? Làm sao thoát khỏi bẫy giậm chân tại chỗ?

Từng thuộc nhóm quốc gia kém phát triển, Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và vươn lên quốc gia có GDP nằm trong nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam từ nước có mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 200 USD vào những năm 1990 nay đã tăng lên 3.590 USD vào năm 2021. Với thu nhập bình quân đầu người như hiện nay, Việt Nam được dự đoán có khả năng gia nhập các nước có mức thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không sập bẫy thu nhập trung bình thấp. Vậy bẫy thu nhập trung bình là gì? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h

Bẫy thu nhập trung bình là gì? Bẫy thu nhập cao là gì?

bẫy thu nhập trung bình
Có phải bạn đang tìm hiểu bẫy thu nhập trung bình là gì?

Bẫy thu nhập trung bình (Middle income trap) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ một nền kinh tế đã vượt qua mức thu nhập thấp để trở thành nền kinh tế có mức thu nhập trung bình, nhưng sau đó lại mắc kẹt ở mức thu nhập này và không thể tiếp tục vươn lên thành nền kinh tế có thu nhập cao. Cụ thể như sau:

  • Mức thu nhập thấp: Thu nhập trung bình của người dân < 1.025 USD/người
  • Mức thu nhập trung bình: Thu nhập trung bình của người dân từ 1.025 – 12.475 USD/người.
  • Mức thu nhập cao: Thu nhập trung bình của người dân > 12.475 USD/người.  

“Chân dung” nền kinh tế dễ sập bẫy thu nhập trung bình 

Những nền kinh tế dễ sập bẫy thu nhập trung bình thường có các đặc điểm chung như sau:

  • Mạnh lên vì tài nguyên có sẵn như dầu mỏ, than đá,… mà không phải do chính sách kinh tế.
  • Tỉ lệ đầu tư thấp và thiếu cân bằng giữa các ngành nghề.
  • Giá cả và chất lượng hàng hóa thiếu cạnh tranh so với các nước khác.
  • Ngành chế tạo kém phát triển, chủ yếu nhập khẩu từ nước khác.
  • Khoa học công nghệ, kỹ thuật lạc hậu, các ngành công nghiệp không đa dạng, chậm phát triển.
  • Thị trường lao động kém sôi động, giá nhân công liên tục tăng cao.

Nguyên nhân mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình là gì? 

bẫy thu nhập trung bình
Đâu là lý do nhiều quốc gia trên thế giới sập bẫy thu nhập trung bình? 

Có nhiều nguyên nhân khiến một quốc gia “mắc kẹt” trong bẫy thu nhập trung bình, cụ thể như sau.

1. Phụ thuộc quá mức vào nguồn nhân công giá rẻ

Một số quốc gia thường tận dụng lợi thế lao động giá rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài. Lợi thế này có thể giúp họ tạo ra một nguồn thu tăng trưởng kinh tế và tăng GDP. Tuy nhiên, theo thời gian, mức sống của người dân trong quốc gia đó có thể tăng lên. Khi điều này xảy ra, ưu thế của nguồn nhân công giá rẻ dần mất đi.

Khi mức sống tăng, trình độ dân trí của người dân cũng tăng cao. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong quan điểm và lối sống cá nhân. Thay vì theo truyền thống lập gia đình và sinh con đẻ cái, nhiều người lựa chọn lối sống độc thân, không sinh con. Tình trạng dân số giảm dẫn đến nguồn lao động không còn dồi dào, thị trường lao động kém sôi động. Một nền kinh tế chỉ dựa vào nguồn nhân công để duy trì năng suất mà không đầu tư vào công nghệ sẽ phải “điêu đứng” vì mất đi lợi thế nhân công giá rẻ. Lúc này, sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu thị trường, suy giảm sức cạnh tranh và nền kinh tế rơi vào trì trệ. 

2. Không đổi mới chiến lược phát triển kinh tế

Một quốc gia chỉ biết bắt chước các mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia khác mà thiếu đổi mới và sáng tạo chỉ khiến nền kinh tế quốc gia đó “đi lùi”. Thị trường biến động và đổi mới liên tục, nếu không có chiến lược phát triển đúng đắn, quốc gia đó phải gặp nhiều rủi ro đáng quan ngại. 

Đầu tiên, năng suất lao động giảm xuống vì không áp dụng của công nghệ tiên tiến và quy trình mới để nâng cao hiệu suất. Bên cạnh đó, sản phẩm trở nên thiếu cạnh tranh do không đáp ứng nhu cầu thị trường, không đảm bảo chất lượng và không còn tiềm lực cạnh tranh về giá.

3. Nguồn vốn phân bổ không hợp lý

Khi Nhà nước phân bổ nguồn vốn thiếu hợp lý, nguồn tài chính không được sử dụng hiệu quả, có thể dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế. Điều này xảy ra khi các chính sách quan trọng không được đưa ra kịp thời để ứng phó trước các thách thức kinh tế – xã hội.

Các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, khoa học, công nghệ và cơ sở hạ tầng thường được coi là các lĩnh vực then chốt để phát triển một nền kinh tế. Tuy nhiên, khi nguồn vốn không được “rót” vào đúng chỗ – đúng thời điểm, các lĩnh vực này trở nên “thiếu đất dụng võ”. Giáo dục là cơ sở của sự phát triển. Nếu không được đầu tư đúng đắn, quốc gia đó có thể mất cơ hội phát triển tài năng, trí thức và lao động chất lượng.

Bên cạnh đó, khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự đổi mới và giúp quốc gia cạnh tranh. Không những thế, thiếu hụt đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, năng lượng, mạng lưới viễn thông,… dẫn đến suy giảm cơ hội kinh doanh, nền kinh tế quốc gia kém phát triển và mất cơ hội tiếp cận sự đổi mới.

4. Kinh tế vĩ mô không được duy trì ổn định

Hiện tượng kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, lạm phát cao thường xuất hiện phổ biến ở các quốc gia đang phát triển. Tình trạng này khiến nền kinh tế chung bị ảnh hưởng, biến động giá cả khiến người dân mất lòng tin vào nền kinh tế. Đồng thời làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, trong khi người giàu thường đầu tư vào tài sản thì người nghèo phải đối mặt với đồng tiền mất giá.

Khi lạm phát cao, tiền tệ mất giá lại khiến giá trị tài sản tăng cao, đặc biệt là bất động sản. Điều này có thể dẫn đến bong bóng bất động sản, khi bong bóng này vỡ, nền kinh tế phải chịu nhiều tổn thất lớn. 

Tình trạng đáng báo động về bẫy thu nhập trung bình Việt Nam

bẫy thu nhập trung bình
Việt Nam có đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình? 

Nếu dựa vào mức GDP bình quân đầu người, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm quốc gia có thu nhập thấp từ năm 2008 với mức GDP bình quân đầu người là 1.145 USD/người. Tuy nhiên, xuất hiện các luồng ý kiến trái chiều về nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình Việt Nam như sau:

Một luồng ý kiến cho rằng Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình do nước ta chỉ trải qua 1/3 thời gian nằm trong nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp. Dựa vào kết quả nghiên cứu, đến năm 2035, mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 5.000 USD nếu phát triển theo tốc độ hiện tại. Lúc này, Việt Nam sẽ vượt qua mức cao nhất của nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. Từ năm 1960 – 2010, chỉ có 15/101 nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (ở châu Á có Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông). 

Luồng ý kiến thứ 2 cho rằng Việt Nam tuy chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình nhưng có nguy cơ rất lớn bởi 4 đặc điểm sau:

(1) Tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại sau khi thoát khỏi nhóm các nước có mức thu nhập thấp.

(2) Chênh lệch GDP bình quân đầu người Việt Nam tụt hậu so với các quốc gia lân cận, trong khi đó, các quốc gia này chưa thoát khỏi nhóm nước có mức thu nhập trung bình.

(3) Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và nước ta chủ yếu dựa vào tăng vốn cũng như tăng số lượng lao động. Tỉ trọng yếu tố TFP – năng suất các nhân tố tổng hợp thấp. Đồng thời, năng suất lao động và hiệu quả đầu tư chưa cao so với các quốc gia trong khu vực, một phần do xuất phát điểm của Việt Nam thấp.

(4) Một số vấn đề cản trở tăng thu nhập xuất hiện:

  • Cơ cấu “dân số vàng” mới qua được 50% nhưng đã xuất hiện dấu hiệu bước vào thời kỳ già hóa. 
  • Mặc dù cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực nhưng vẫn mang nặng tính chất “lấy công làm lãi”. 
  • Ngành công nghiệp chủ yếu tại Việt Nam là gia công và lắp ráp, vẫn chưa tự sản xuất máy móc. 
  • Nhóm ngành dịch vụ thiếu chuyên nghiệp, trong khi đó nguồn lao động không chính thức chiếm tỷ trọng lớn khiến năng suất toàn ngành chưa cao.

Làm cách nào Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình?

bẫy thu nhập trung bình
Đâu là cách giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình? 

Nhiều quốc gia được kỳ vọng tiến vào mức thu nhập cao nhưng lại sập bẫy thu nhập trung bình như Brazil, Argentina , Indonesia, Thái Lan. Vậy làm cách nào Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình? Để không sập bẫy thu nhập trung bình, cần sự góp sức của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, từ giáo dục, kỹ thuật, khoa học, công nghệ,… đến các bộ phận kinh tế tư nhân.

  • Nhà nước cần đưa ra các chiến lược, chính sách phù hợp trong sản xuất và phát triển kinh tế. 
  • Tự do thương mại quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế. 
  • Cần đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại và đổi mới phương thức sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá. 
  • Tìm kiếm các thị trường tiềm năng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
  • Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tăng năng suất lao động và tăng lợi thế cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm trên thị trường.
  • Tập trung vào giáo dục, phát triển hệ thống giáo dục chất lượng.
  • Đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, cảng,…
  • Hạn chế dòng vốn từ nước ngoài “chảy” vào quá nhiều. 

Kết luận

Hy vọng những thông tin hữu ích mà Nghề Nghiệp Việc Làm 24h chia sẻ trong bài viết trên đã mang đến cho bạn góc nhìn toàn diện về bẫy thu nhập trung bình. Những khó khăn trong nước và thách thức bên ngoài khiến Việt Nam rơi vào nguy sập bẫy thu nhập trung bình. Tin rằng với những nỗ lực, Việt Nam sẽ giải quyết các nút thắt cản trở sự phát triển để trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao. 

Xem thêm: Làm chủ tiền bạc với 3 phương pháp quản lý tài chính cá nhân cực hiệu quả

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục