Cách giành lại spotlight khi bị đồng nghiệp cướp công

Trong môi trường công sở đầy cạnh tranh, chúng ta thường phải đối mặt với những tình huống không mong muốn, khi mà ý tưởng và công sức của chúng ta bị “cướp” một cách không công bằng. Sẽ rất khó khăn để bạn chấp nhận rằng công sức của bản thân bị người khác “nẫng tay trên”, vậy phải làm sao khi bị đồng nghiệp cướp công? Làm cách nào đảm bảo tình trạng cướp công không xảy ra lần nữa? Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hạn chế tình trạng cướp công bằng các biện pháp phòng tránh khéo léo và đúng đắn qua bài viết dưới đây nhé!

Cướp công: Thói quen “giành spotlight” không thuộc về mình

cướp công
Cướp công là một hành vi đáng lên án

Cướp công là hành động lấy đi công lao, ý tưởng, thành tựu hoặc thành quả của người khác mà không có sự cho phép, ghi nhận của đối tượng. Trong mọi trường hợp, đây là hành vi không đạo đức, thiếu tôn trọng công sức và nỗ lực của người khác nhằm mục đích được cấp trên khen ngợi, có cơ hội thăng tiến.  

Thử hình dung nhé, để tìm ra giải pháp cho dự án mới, mọi người cùng đưa ra nhiều ý kiến nhưng chưa có ý tưởng nào thực sự xuất sắc. Sếp yêu cầu mọi người phải có giải pháp cuối cùng cho cuộc họp tiếp theo sau giờ nghỉ trưa. Khi ăn trưa cùng đồng nghiệp, bạn đột nhiên này ra ý tưởng và vô tình chia sẻ với đồng nghiệp. Trong cuộc họp, trước khi bạn đưa ra ý tưởng của mình, đồng nghiệp đã đi trước một bước và trình bày ý tưởng hoàn toàn giống như ý tưởng của bạn đưa ra trước đó. Sếp đồng ý với ý tưởng sáng tạo này, tán dương và thưởng “nóng” cho đồng nghiệp. Đồng nghiệp đã cướp công trắng trợn và đắc thắng với khoản thưởng dày ví, trong khi bạn cảm thấy khó chấp nhận và suy nghĩ mãi về việc tố cáo hành vi đánh cắp ý tưởng của đồng nghiệp. Trong công sở, rất nhiều người đã trải qua tình huống tương tự, vậy nên làm gì khi bị người khác cướp công?

Cách ứng phó thông minh trước thói quen cướp công của đồng nghiệp

cướp công
Ứng phó thông minh khi bị đồng nghiệp cướp công bằng cách nào?

1. Bình tĩnh và đánh giá tình huống

Việc giận dữ, mất kiểm soát “chỉ thẳng mặt” tố cáo đồng nghiệp chỉ khiến tình huống trở nên tệ hơn. Hãy bình tĩnh, đánh giá một cách khách quan và xác định xem liệu đồng nghiệp thực sự đã cướp công hay có những hiểu lầm xảy ra. Có thể đồng nghiệp không nhận ra rằng ý tưởng của bạn đã được đưa ra trước đó hoặc có thể có sự trùng hợp ý tưởng xảy ra tự nhiên và không có ý đồ xấu. 

Ngay thời điểm tâm trí bị xáo trộn, bạn sẽ trở nên “giận dữ mất khôn” và việc đưa ra lập luận thuyết phục không phải chuyện dễ dàng. Hãy dành 1 – 2 ngày để giữ đầu lạnh, suy nghĩ thấu đáo, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sự nghiệp và tìm phương án giải quyết vấn đề tối ưu. Tuy nhiên, đừng “ngâm” quá lâu, điều này chỉ khiến mọi người quên sạch mọi chuyện mà thôi.

Xem thêm: Nịnh sếp để được thăng tiến trong công việc, nên hay không? 

2. Thu thập bằng chứng bị cướp công

“Nói có sách mách có chứng”, trước khi hành động, hãy thu thập bằng chứng về công việc mà bạn đã làm. Bằng chứng bao gồm các email, tin nhắn, bản ghi công việc, hình ảnh hoặc bất kỳ bằng chứng nào khác liên quan đến công việc hoặc dự án bạn đã thực hiện. Điều này sẽ giúp bạn có lợi thế trong việc chứng minh công việc của mình và bảo vệ quyền lợi liên quan.

3. Tìm hiểu chính sách và quy trình làm việc của công ty

Nắm vững chính sách và quy trình của công ty khi có tranh chấp xảy ra sẽ giúp bạn biết rõ quyền và trách nhiệm của bản thân, đồng nghiệp cũng như quy trình giải quyết tranh chấp liên quan đến việc cướp công.

4. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp đáng tin cậy

Nếu bạn có đồng nghiệp đáng tin cậy trong công ty, hãy tìm sự hỗ trợ và lời khuyên từ họ. Đồng nghiệp có thể là người hiểu rõ tình huống và có thể đứng về phía bạn trong việc giải quyết vấn đề này. Họ có thể cung cấp góc nhìn khách quan và đưa ra các giải pháp hoặc lời khuyên hữu ích.

Sự ủng hộ từ đồng nghiệp còn có thể mang lại sự đồng thuận và ủng hộ từ các bên liên quan. Điều này giúp chứng minh công sức và ý tưởng của bạn, đồng thời hạn chế khả năng bị cướp công trong tương lai.

5. Trao đổi thẳng thắn với đồng nghiệp đã cướp công bạn

cướp công
Đâu là cách ứng xử chuyên nghiệp khi bị cướp công?

Nếu bạn tin rằng có sự hiểu lầm xảy ra, hãy cố gắng nói chuyện trực tiếp với đồng nghiệp của mình. Lắng nghe ý kiến và quan điểm của nhau để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề. Đồng thời, cố gắng giải quyết vấn đề hòa bình và mang tính xây dựng. Điều này sẽ giúp mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp không bị ảnh hưởng, nhờ đó hai người vẫn có thể hợp tác với nhau trong công việc.

Nếu không thể trao đổi trực tiếp với kẻ đã cướp công sức của mình, bạn có thể gửi một email hoặc tin nhắn cảnh báo đồng nghiệp với “nhân chứng và vật chứng” rõ ràng rằng bạn sẽ làm sáng tỏ việc này.

6. Tham khảo ý kiến của cấp trên

Nếu cuộc trò chuyện với đồng nghiệp chẳng đi đến đâu, hãy tham khảo ý kiến và tìm sự hỗ trợ từ quản lý. Trình bày tình huống rõ ràng và cung cấp các bằng chứng về công sức của bạn trong công việc, dự án. Người quản lý có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp thỏa đáng và đảm bảo sự công bằng, chính xác trong môi trường làm việc. Tuy nhiên, bạn nên trình bày sự việc khéo léo, ngôn ngữ trung lập, ngắn gọn, tránh việc chỉ trích và biến mình trở thành người đi khiếu nại với giọng điệu tiêu cực về đồng nghiệp. Hãy nhớ rằng điều bạn đang làm không phải là nói xấu đồng nghiệp, cho nên việc tập trung vào những khía cạnh tích cực và tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường làm việc tốt đẹp sẽ “đẹp lòng” quản lý hơn. 

Nếu quản lý “mắt nhắm mắt mở” và vấn đề vẫn không được giải quyết, hãy ghi chép lại mọi chi tiết liên quan đến tình huống, bao gồm ngày, giờ, các bên liên quan và những gì đã xảy ra. Báo cáo vấn đề này cho phòng nhân sự hoặc bộ phận có thẩm quyền trong công ty. Cung cấp tất cả các bằng chứng và thông tin cần thiết để họ có thể điều tra và xử lý tình huống một cách công bằng.

7. Rút lui hoà bình khi bị cướp công

Rút khỏi cuộc chiến được coi là một cách giải quyết khôn ngoan trong một số tình huống. Bằng cách này, bạn tập trung vào việc phát triển bản thân và không bị cuốn vào một cuộc đấu tranh không có lợi cho cả hai.

Đôi khi, khi chúng ta bị cướp công, việc đối đầu trực tiếp có thể khiến bạn thêm phần bế tắc. Đặc biệt là khi đồng nghiệp là người có vị trí quan trọng công ty hoặc có sự ủng hộ từ cấp trên, việc đối đầu trực diện có thể gây ra ác cảm và gây hại đến uy tín cũng như các mối quan hệ của bạn trong công việc.

Thay vào đó, hãy xem việc này như một bài học và tìm cách chứng minh năng lực bản thân trong công việc. Tập trung vào công việc của mình, phát triển kỹ năng và đóng góp năng lực một cách xuất sắc. Bằng cách này, bạn sẽ có cơ hội chứng minh bản thân và không để cho ai khác có thể “nẫng tay trên”.

Xem thêm: Thảo mai là gì? Làm gì khi phát hiện đồng nghiệp thảo mai?

Bảo vệ bản thân khỏi việc bị cướp công bằng cách nào?

cướp công
Bảo vệ bản thân khi bị đồng nghiệp cướp công bằng cách nào?

1. Đề cao tinh thần đồng nghiệp

Cướp công thường xảy ra do sự ganh ghét, đố kị, không phục năng lực đồng nghiệp,… do đó nếu muốn chấm dứt điều này, các bạn nên tạo mối quan hệ tốt đẹp với các đồng nghiệp khác. Các bạn nên hỗ trợ đồng nghiệp; chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết và luôn vui vẻ, niềm nở với mọi người xung quanh để tạo ra môi trường làm việc tích cực và phát triển. Tránh tỏ vẻ ta đây giỏi giang mà khinh thường người khác. 

Việc duy trì tinh thần đồng nghiệp và tạo môi trường làm việc tôn trọng công sức, nỗ lực, quyền lợi cá nhân,… sẽ khuyến khích sự hợp tác văn minh trong công ty. Trách nhiệm của các cấp quản lý là xây dựng môi trường thoải mái, tích cực và đảm bảo mọi người được đánh giá dựa trên thành tựu và nỗ lực của mình. Đồng thời, tạo cơ hội để các thành viên trong nhóm được chia sẻ ý tưởng, kiến thức, kinh nghiệm sẽ giúp mọi người tự do thể hiện năng lực và thúc đẩy tinh thần đồng đội để đạt được mục tiêu chung. 

2. Làm tốt việc của mình

Một cách hiệu quả để đối phó với tình huống cướp công là tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và hiệu suất công việc. Đặt mục tiêu trở thành nhân viên làm việc chuyên nghiệp, nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc. Điều này không chỉ giúp bạn tự tin hơn trong công việc, mà còn tạo ra một minh chứng rõ ràng nhất về năng lực và khả năng đóng góp của bạn.

Xem thêm: Đừng biến drama công sở trở thành một nét văn hóa độc hại

3. Phân công công việc rõ ràng khi hợp tác

Đối với các dự án làm việc theo nhóm, hãy đảm bảo rằng việc phân công công việc rõ ràng và minh bạch. Điều này giúp tránh hiểu lầm và tranh chấp về việc ai làm công việc nào. Thông qua việc trao đổi và thống nhất ý kiến, mỗi người hiểu rõ trách nhiệm của mình và làm việc hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, bạn có thể chọn ghi âm hoặc ghi hình các cuộc họp nhóm để lưu lại chứng minh công sức của bạn trong trường hợp bị cướp công. Đồng thời, bạn có thể trình bày với cấp trên về thành viên hợp tác ngay từ đầu.

4. Học cách tự bảo vệ khi bị cướp công

Để đảm bảo rằng công sức bản thân không bị cướp mất, bạn nên theo dõi, lưu trữ và cập nhật chi tiết quy trình, tiến độ công việc cũng như kết quả đạt được. Bằng cách này, bạn đã cung cấp đầy đủ “giấy trắng mực đen” làm cơ sở vững chắc giúp cấp trên có cái nhìn tổng quan về vấn đề và bảo vệ quyền lợi bản thân khi cần thiết.

Bên cạnh đó, bạn có thể gửi báo cáo hàng tuần về tiến độ công việc của cá nhân hoặc nhóm để cấp trên hiểu được những khó khăn đang gặp phải.

5. Tránh chia sẻ 1:1

Bạn nên tránh chia sẻ một-một với từng đồng nghiệp, thay vào đó, hãy tìm cách để trình bày ý tưởng qua cuộc họp nhóm hoặc các kênh truyền thông trong công ty. Bằng cách chia sẻ thông tin với tất cả mọi người cùng một lúc, bạn đang giúp bản thân tránh việc bị cướp công. Ngoài ra, việc chia sẻ công khai cũng giúp mọi người hiểu rõ tình hình, có cơ hội đánh giá và đưa ra quyết định khách quan.

6. Tìm hiểu và phát triển kỹ năng xử lý xung đột

Để đối mặt với tình huống bị “tên trộm” đá khỏi các dự án mà chẳng biết xử lý thế nào, việc nắm vững các kỹ năng xử lý xung đột là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng sự tự tin và khả năng giải quyết tình huống một cách chuyên nghiệp.

7. Tìm kiếm cơ hội công việc khác khi bị đồng nghiệp cướp công

Nếu tất cả những nỗ lực trên không đem lại kết quả, chẳng việc gì bạn phải gồng mình trong môi trường làm việc toxic như thế này cả. Đôi khi, để bảo vệ quyền lợi bản thân, việc tìm môi trường làm việc mới văn minh và công bằng lại là lựa chọn tốt nhất. Hãy đảm bảo rằng khi đưa ra lý do rời đi bạn không đổ lỗi cho tình huống đã xảy ra.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng sự công bằng sẽ không bao giờ trễ hẹn. Dù cho ý tưởng của bạn có bị cướp, sự sáng tạo và những gì mà bạn đóng góp sẽ được công nhận và đánh giá đúng giá trị. Hãy tiếp tục làm việc chăm chỉ và tỏa sáng trong vai trò của mình, kết quả tốt sẽ đến với bạn.

Kết luận

Khi chẳng may đối mặt với tình trạng bị đồng nghiệp cố tình nhận vơ công lao mà bản thân đã dành bao công sức và thời gian mới có được, sẽ rất khó khăn, nhưng thay vì trách móc và đổ lỗi, bạn cần tìm giải pháp giải quyết tình trạng cướp công đúng đắn. Hy vọng bài viết trên của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h đã mang đến những thông tin hữu ích giúp bạn ứng phó đồng nghiệp có thói quen “nẫng tay trên”. Đừng quên theo dõi các chủ đề hấp dẫn khác của Việc Làm 24h để cập nhật các tip “sống còn” công sở hữu ích nhé!

Xem thêm: Cẩm nang sinh tồn chốn công sở từ A-Z giúp bạn thoát khỏi vòng vây drama!

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục