Đổ lỗi khi đi làm: Ai cũng là nạn nhân trong câu chuyện của chính mình

“Văn hoá đổ lỗi” đã và đang chen chân, làm ảnh hưởng tới sự hiệu quả, công bằng và minh bạch của môi trường làm việc công sở. Cụ thể, hành vi này tác động như thế nào tới chúng ta? Nên xử lý như thế nào khi bị đồng nghiệp đổ lỗi? Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hiểu hơn về hành vi qua bài viết.

Đổ lỗi là gì?

Trước khi biết cách xử lý và tránh xa thói đổ lỗi, bạn cần hiểu rõ hành vi này là gì.

Đây là hành vi cố tình chối bỏ sai lầm của bản thân bằng cách đưa ra đủ lý do khách quan hoặc tệ hơn là chuyển lý do đó sang người khác. 

Ví dụ: bạn đi làm trễ do ngủ dậy muộn nhưng lại bạn lại đổ lỗi do tắc đường. Bạn làm sai báo cáo do nhập sai số liệu đầu vào nhưng lại đổ lỗi do người chuyển số liệu cho bạn. Thậm chí khi dự án thất bại, bạn đổ lỗi cho các thành viên trong nhóm thiếu năng lực. 

Nghiên cứu của Đại học Stanford cho biết: việc đổ lỗi có đặc tính lây lan. Khi một người chứng kiến người khác có hành vi này hoặc thậm chí là nạn nhân, họ cũng có xu hướng đổ lỗi. Nói cách khác, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân hoặc tác nhân của thói xấu này. Bởi tính chất lây nhiễm như vậy, đổ lỗi đang trở thành thói quen trong xã hội, đặc biệt trong môi trường công sở. 

đổ lỗi
Đây là hành vi có tính lây lan. 

Vì sao người ta đổ lỗi?

Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta đổ lỗi hoặc trở thành nạn nhân của hành vi này.

  • Để tự vệ hoặc bảo vệ hình ảnh của bản thân trước sự đánh giá, phán xét của người khác.
  • Để giải phóng nỗi lo lắng hoặc từ chối việc chấp nhận thất bại của bản thân.
  • Để bảo vệ bản thân tránh khỏi cảm xúc tiêu cực như: tội lỗi, xấu hổ, buồn phiền, tự ti…
  • Để tạo cảm giác an toàn khi việc chịu trách nhiệm được đẩy sang cho người khác. 
  • Do một hiện tượng mang tên “Kick – the – dog” (đá con chó),người ở cấp cao (lãnh đạo, thầy cô, ba mẹ…) công kích cấp dưới, người bị chỉ trích có xu hướng chỉ tay về người thứ ba. Hiện tượng này thường xảy ra ở những môi trường sống mang tính thứ bậc hoặc môi trường công sở.  
  • Do thói quen hình thành trong môi trường sống từ nhỏ (hẳn hồi còn bé ai cũng có lần thấy cha mẹ đánh chiếc bàn, chiếc ghế hay hòn đá làm chúng ta vấp ngã dù rõ ràng lỗi là do ta đi không cẩn thận…). 
đổ lỗi
Thói quen xấu này có thể hình thành do môi trường sống từ nhỏ. 

Hậu quả của việc đổ lỗi trong môi trường công sở

Hành vi này xuất hiện ở môi trường công sở sẽ gây ra nhiều hậu quả, tác động tới cả 3 bên: nạn nhân, tác nhân và cả tập thể. 

Với người bị đổ lỗi

  • Có cảm giác bức xúc, khó chịu, cảm thấy bị bất công khi tự dưng phải gánh những lỗi lầm “tai bay vạ gió” không biết từ đâu tới, nhất là khi họ không được lên tiếng do người đổ lỗi là sếp hoặc hoặc thiếu bằng chứng để thanh minh.
  • Mất đi niềm tin vào sự công bằng và minh bạch của văn hoá doanh nghiệp, từ đó giảm đi sự gắn bó với công ty.
đổ lỗi
Nạn nhân có thể mất đi niềm tin vào sự công bằng minh bạch của môi trường làm việc. 

Với người đổ lỗi

  • Lúc đầu, bạn có thể phần nào thấy thoải mái, nhưng về sau có thể dẫn tới cảm giác day dứt, hối lỗi và xấu hổ trước đồng nghiệp bị bạn đổ lỗi. 
  • Khiến bạn không dám nhận trách nhiệm, hệ luỵ là bạn sẽ dần dần không dám nhận việc, không dám đương đầu với những thử thách mới vì lo sợ lại mắc sai lầm và phải nhận lỗi. 
  • Giảm đi khả năng tự hoàn thiện và cơ hội nâng cao năng lực bản thân: do bạn không muốn tin mình đã sai lầm, không phải chịu trách nhiệm thì sẽ không có rút kinh nghiệm để hoàn thiện công việc tốt hơn. 
đổ lỗi
Thói quen đổ lỗi sẽ kìm chân bạn phát triển và khiến bạn không dám nhận trách nhiệm. 

Với tập thể có những người đổ lỗi

  • Góp phần làm nên tình trạng “cha chung không ai khóc” do không ai còn dám nhận trách nhiệm vì sợ làm sai, sợ bị đổ lỗi. 
  • Năng suất làm việc giảm sút do nhân sự mất đi động lực cố gắng.
  • Team-work trở nên khó khăn do mối quan hệ nhân sự nội bộ đứt gãy.
  • Mất đi niềm tin vào người quản lý (ví dụ: sếp chê nhân viên kém chuyên môn, ngược lại, nhân viên mất niềm tin và chê sếp thiếu kỹ năng quản lý, hoặc nhân viên thấy sếp xử trí không công bằng sẽ không còn tin tưởng) dẫn tới khó khăn khi giao việc. 
  • Kìm hãm sự phát triển chung và tinh thần làm việc cống hiến, giảm sự gắn bó và nỗ lực của những nhân sự cầu tiến. 

Nói tóm lại, văn hoá đổ lỗi được xem là thứ kìm chân sự phát triển của một tổ chức, bởi nó ảnh hưởng tới chính nhân sự và đánh vào niềm tin của những cá nhân phải chứng kiến hoặc chịu đựng hành vi này. 

đổ lỗi
Văn hoá đổ lỗi có thể kìm chân sự phát triển của cả doanh nghiệp.

Xem thêm: Passive Aggressive là gì? Phải làm gì khi đồng nghiệp là người gây hấn thụ động?

Làm gì khi bị đồng nghiệp đổ lỗi?

Dẫu biết là một hành vi không tốt, nhưng đổ lỗi đang ngày càng phổ biến trong môi trường công sở. Tuy nhiên, bằng việc hiểu rõ về hành vi này, bạn hoàn toàn có thể biết cách xử trí thông minh khi bị người khác đổ lỗi và cùng chung tay chấm dứt hành vi  độc hại chốn công sở này.

Tập trung vào giải quyết vấn đề

Khi bị đổ lỗi, bạn có thể dễ bị phản ứng lại ngay lập tức do cảm giác bị công kích. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh và nhìn nhận lại toàn bộ quá trình: phân tích quá khứ, hoàn cảnh (cả khách quan lẫn chủ quan) và tình hình sự việc. Từ đó, bạn đánh giá xem liệu mình lúc này có thể làm gì để cải thiện tình hình thay vì tập trung vào việc chỉ trích và đổ lỗi hay cố gắng minh oan.

Bạn sẽ được đánh giá cao hơn khi biết chú ý vào lợi ích tập thể, gạt bỏ đi cảm xúc cá nhân để hướng tới hiệu quả công việc chung.

Xem thêm: Kiểm soát cảm xúc: Làm gì để không nổi điên nơi công sở?

đổ lỗi
Nên tập trung giải quyết vấn đề thay vì chú ý vào sự chỉ trích ai sai.

Đổi hướng suy nghĩ

Người bị đổ lỗi thường bị đẩy vào tình huống bị động. Tuy nhiên, chẳng ai đổ lỗi được cho bạn nếu bạn hoàn toàn không dính dáng gì tới công việc hay dự án đó.   

Do vậy, nếu chưa thể minh oan ngay lúc đó, bạn có thể đổi hướng suy nghĩ chủ động hơn bằng cách tập trung vào phần việc và trách nhiệm của mình. Đổi hướng suy nghĩ về “tôi” và “trách nhiệm chủ động của tôi” thay vì “tôi bị”.

Ví dụ: Nếu bạn tham gia dự án và dự án thất bại. Dù phần sai không phải do bạn, nhưng đồng nghiệp nhất quyết đổ lỗi lên đầu bạn. Thay vì suy nghĩ tôi bị đổ lỗi, bạn có thể nhìn lại phần việc mình phụ trách thực sự đã chu toàn 100% hay chưa. Nếu chưa thì phần nào còn thiếu sót? Phần nào có khả năng (lưu ý là có khả năng) dẫn tới sai sót của cả dự án? Từ đó, bạn chủ động ghi nhận lỗi này, chủ động xin lỗi hoặc xin rút kinh nghiệm về phần mình đã làm sai, tìm cách hoàn thiện hơn. 

Cách này vừa giúp bạn tạm thời “trốn” ra khỏi tâm lý bị công kích. Đồng thời việc nhận lỗi thực sự của mình (chứ không phải nhận lỗi của người khác) vừa giúp bạn tự giảm bớt áp lực cho bản thân, vừa xoa dịu tập thể đang cuống cuồng do sự cố để tập trung vào giải quyết vấn đề trước đã. 

Ngoài ra, cách tư duy này còn giúp bạn khái quát hoá lại quá trình làm việc của mình, nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong phần việc được giao. Đặc biệt, nó giúp bạn tìm ra phương án để tránh tình trạng tiếp tục bị đổ lỗi do sơ sót này trong tương lai. 

Xem thêm: Cách giành lại spotlight khi bị đồng nghiệp cướp công

đổ lỗi
Khi bị đổ lỗi mà chưa thể minh oan ngay tức khắc, bạn có thể đổi hướng suy nghĩ sang thế chủ động để ưu tiên việc giải quyết vấn đề trước đã. 

“Minh oan” vào lúc thích hợp

Nếu bạn thực sự cảm thấy “khó nuốt trôi” việc bị đổ lỗi vừa rồi, đồng thời không dung túng cho hành vi của một đồng nghiệp xấu tính, bạn có thể tự bảo vệ và chứng minh năng lực của mình bằng cách minh oan vào thời điểm thích hợp. 

Lưu ý rằng, bạn cần tìm tới người thực sự có thẩm quyền để trình bày. Bạn cũng chuẩn bị những bằng chứng xác thực để làm căn cứ thuyết phục cho lời thanh minh của mình. 

Đừng quên, sẽ là chuyên nghiệp và phù hợp nhất để bạn minh oan sau khi đã giải quyết xong hậu quả hoặc đã khắc phục hoàn toàn vấn đề do lỗi sai trên gây ra. Bởi, đây là thời điểm tất cả mọi người có thể bình tĩnh nhất lắng nghe bạn trình bày, đồng thời là quãng thời gian thích hợp để rút kinh nghiệm về sự cố vừa qua. 

Hãy nhớ bạn luôn có thể rút lui 

Nếu việc đổ lỗi xảy ra thường xuyên, liên tục và không chỉ một mình bạn là nạn nhân, nếu bạn đã cố minh oan mà không được chấp nhận còn kẻ chuyên đổ lỗi tiếp tục được dung túng hết lần này tới lần khác. 

Tệ hơn, nếu người đổ lỗi chính là sếp của bạn. Thì, đây rõ ràng là một dấu hiệu cờ đỏ “red flag” cho thấy môi trường làm việc thiếu sự lành mạnh và minh bạch. Đó chẳng phải là người sếp hoặc đồng nghiệp mà bạn có thể gắn bó lâu dài. 

Lúc này, bạn có thể xem xét về quyết định rời đi tìm một bến đỗ mới công bằng và lành mạnh hơn. Bởi, chẳng ai có thể an tâm phát triển hay thể hiện hết năng lực, ý tưởng bản thân ở một môi trường luôn nơm nớp bị đổ lỗi. Hãy nhớ, bạn luôn là người ra quyết định lựa chọn con đường phát triển sự nghiệp của mình và rõ ràng bạn có quyền chọn cho mình một môi trường lành mạnh để tự tin và phát huy hết khả năng bản thân.

đổ lỗi
Một môi trường dung túng cho văn hoá cũng chẳng phải là môi trường chuyên nghiệp và công bằng để bạn có thể gắn bó lâu dài. 

Lời kết

Qua bài viết trên của Việc Làm 24h, hi vọng bạn đã phần nào hiểu hơn về đổ lỗi, tác động của hành vi này tới môi trường công sở. Mong rằng bài viết cũng phần nào giúp bạn có được cách xử lý khôn ngoan và chuyên nghiệp hơn khi bị đồng nghiệp đổ lỗi. 

Đừng quên rằng, nếu tình huống này có xảy ra thì cũng không hẳn là điều gì đó quá tệ. Ở một mặt nào đó, đây cũng là “bài test” để bạn tăng khả năng “sinh tồn” chốn công sở cũng như tin tưởng hơn vào năng lực của bản thân và không ngừng phát triển. Bởi khi bạn làm đúng, làm tốt thì chắc chắn chẳng ai có cơ hội đổ lỗi cho bạn nữa. 

Xem thêm: Những nguyên tắc ngầm khi giao tiếp, kết bạn với đồng nghiệp nơi công sở 

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục