Hiệu ứng Mandela: Khi ký ức không còn đáng tin

Bạn đã bao giờ trích dẫn sai những câu thoại trong bộ phim nổi tiếng, nhớ sai chi tiết của một hình ảnh phổ biến hoặc cảm thấy rất nhiều người tin vào một sự kiện thực sự không xảy ra chưa? Quả thực trí nhớ của con người không hề hoàn hảo, một người có thể có những ký ức khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Trí nhớ cũng có tính gợi ý cao, ý kiến và ký ức của người này sẽ ảnh hưởng đến ký ức của người kia. Từ đó tạo nên hiện tượng nhiều người cùng nhớ sai một điều gì đó – được gọi là hiệu ứng Mandela. Vậy hiệu ứng Mandela là gì, tại sao lại khiến ký ức của số đông sai lệch? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h giải mã ở bài viết sau!

Nguồn gốc của hiệu ứng Mandela

hiệu ứng mandela
Hiệu ứng Mandela là gì? Đây là hiện tượng đám đông có ký ức về một sự kiện không có thật, hoặc cùng nhớ nhầm về một chi tiết nào đó mang tính phổ biến.

Hiệu ứng Mandela đề cập đến việc một lượng lớn người tin vào một sự kiện hay thông tin nào đó đã xảy ra trong khi thực tế không hề xảy ra. Thuật ngữ “hiệu ứng Mandela” lần đầu tiên được Fiona Broome đặt ra vào năm 2009. Bắt nguồn từ việc Broome đang tham dự một hội nghị và trò chuyện với người khác về việc nhớ lại thảm kịch cái chết của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela trong nhà tù vào những năm 1980. Tuy nhiên, Nelson Mandela không hề chết trong tù mà ông qua đời vào năm 2013. Khi đó, Broome biết rằng nhiều người cũng có ký ức sai lệch giống mình. Những người khác đã xem tin tức về cái chết của vị Tổng thống cũng như bài phát biểu của vợ ông. 

Và Broome đã bị sốc khi lượng lớn người lại có thể nhớ cùng một sự kiện giống hệt nhau đến từng chi tiết trong khi sự kiện đó lại không hề có thật. Sau đó bà đã lập nên một trang web để chia sẻ về sự việc này và nhận được hàng chục ngàn phản hồi từ khắp nơi rằng họ cũng có ký ức tương tự. Từ đó về sau Broom gọi hiện tượng này hiệu ứng Mandela. 

Nhìn nhận ở một khía cạnh nào đó, hiệu ứng này có nét tương đồng với hiệu ứng Déjà vu ở điểm đều cảm thấy một sự việc, sự kiện đã từng xảy ra nhưng thực chất là chúng chưa hề tồn tại. Tuy nhiên, Déjà vu chỉ xảy ra mang tính cá nhân, còn hiệu ứng Mandela lại xảy ra ở nhiều người không quen biết nhau và cũng không ở gần nhau.

hiệu ứng mandela
Hầu như chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Nelson Mandela theo cách nào đó.

Xem thêm: Tạm biệt não cá vàng với 8 cách ghi nhớ nhanh để học tập và làm việc hiệu quả

Những ví dụ đáng chú ý về hiệu ứng Mandela

Một nghiên cứu về trí nhớ năm 2020 của tạp chí Psychological Science cho thấy 76% người mắc ít nhất một số lỗi khi được yêu cầu nhớ lại thông tin. Và câu chuyện về Nelson Mandela không phải là trường hợp duy nhất về sai lệch ký ức của đám đông. Dưới đây là một số ví dụ khác về hiệu ứng này:

– Mọi người đều nhớ đến bức tranh vẽ vua Henry VIII ăn chân gà tây mặc dù chưa từng có bức tranh nào như vậy tồn tại. Tuy nhiên, đã có những phim hoạt hình tương tự được tạo ra.

– Nhiều người nhớ rất rõ rằng chiếc đuôi của Pikachu có vệt đen. Nhưng sự thật là không hề có vệt đen nào mà là một chiếc đuôi vàng đặc trưng.

– Chuột Mickey là nhân vật hoạt hình quen thuộc với khán giả, nhưng vẫn không ít người nhớ nhầm chi tiết trang phục của Mickey. Đó là Mickey chỉ mặc chiếc quần màu đỏ, không có dây đeo hai bên nhưng nhiều người vẫn nhớ rằng có dây đeo.

– Khi nhìn vào bản đồ, bạn sẽ thấy New Zealand nằm ở phía đông nam của nước Úc. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng New Zealand nằm ở phía đông bắc thay vì đông nam.

– Bộ phim hoạt hình thiếu nhi Berenstain Bears cũng không tránh khỏi hiệu ứng Mandela. Nhiều người cho biết họ nhớ tên đó là “Berenstein Bears” (thay vì chữ “a” họ lại nhớ chữ “e”).

hiệu ứng mandela
Nhầm lẫn về vết đen trên đuôi của Pikachu là ví dụ điển hình của hiệu ứng Mandela.

Giải thích về hiệu ứng Mandela

Tại sao lại xảy ra hiệu ứng Mandela vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác. Các nhà khoa học hiện nay chỉ có thể đưa ra những giả thuyết đáng tin cậy về hiệu ứng này, bao gồm:

1. Ký ức giả

Một trong những giả thuyết về nguyên nhân của hiệu ứng Mandela là hiện tượng ký ức giả. Trước khi tìm hiểu ý nghĩa của ký ức giả, hãy xem xét một ví dụ về hiệu ứng Mandela.

Alexander Hamilton là ai? Hầu hết người Mỹ đều biết rằng ông là người sáng lập ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nhưng ông không phải là Tổng thống. Tuy nhiên, khi được hỏi về các Tổng thống Mỹ, nhiều người lầm tưởng rằng Hamilton từng là Tổng thống. Tại sao lại như vậy?

Nếu đánh giá theo khoa học thần kinh, ký ức về Alexander Hamilton được mã hóa trong một vùng não nơi lưu giữ trí nhớ về các Tổng thống Hoa Kỳ. Phương tiện lưu trữ dấu vết bộ nhớ được gọi là engram và các khung (framework) trong những vùng ký ức tương tự được liên kết nhau gọi là lược đồ (schema).

Vì vậy khi mọi người cố gắng nhớ lại Hamilton điều này sẽ kích hoạt các tế bào thần kinh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và mang theo ký ức về các Tổng thống.

hiệu ứng mandela

Trí nhớ con người không thể chính xác 100% vì vậy ký ức của con người rất dễ bị sai lệch và bóp méo.

2. Sự nhầm lẫn (confabulation)

Confabulation liên quan đến việc bộ não lấp đầy những khoảng trống còn thiếu trong ký ức để hiểu rõ hơn về sự kiện hay sự việc. Đây không phải là bịa đặt hay nói dối mà là nhớ lại những chi tiết chưa từng xảy ra. Sự nhầm lẫn có xu hướng tăng theo độ tuổi.

3. Thuyết thế giới song song

Cũng có giả định cho rằng hiệu ứng Mandela bắt nguồn từ vật lý lượng tử và liên quan đến ý tưởng thay vì chỉ có một dòng thời gian của các sự kiện, thực tại thì có nhiều dòng thời gian giao thoa với nhau trong vũ trụ. Về lý thuyết, điều này sẽ dẫn đến việc các nhóm người có cùng ký ức vì dòng thời gian đã bị thay đổi khi con người chuyển đổi giữa các thực tại khác nhau.

Trở lại với ký ức về việc Nelson Mandela, có thể ở thực tại này ông ấy đã sống đến năm 2013. Tuy nhiên ở một thực tại khác, ông ấy đã mất trong tù vào năm 1980 và ký ức của Fiona Broome và những người khác là thuộc về dòng thời gian đó. Khi sự kiện xảy ra, hai dòng thời gian song song giao thoa với nhau dẫn đến việc chỉ những người bị kéo vào thực tại này mới có cùng một ký ức, còn những người khác thì không.

Có thể bạn sẽ cảm thấy điều này nghe có vẻ không thực tế và cũng có nhiều nghĩ như bạn. Tuy nhiên, không có cách nào để bác bỏ rằng thuyết thế giới song song không thực sự tồn tại. Bạn không thể chứng minh điều này không có thật vì vậy không thể loại trừ khả năng nó xảy ra. Đây chính là lý do cho đến nay thuyết thế giới song song vẫn thu hút được sự quan tâm. 

hiệu ứng mandela
Hiệu ứng Mandela được xem là có liên quan với thuyết vũ trụ song song.

4. Tác động của Internet

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà sự quan tâm đến hiệu ứng Mandela ngày càng tăng trong thời đại kỹ thuật số này. Internet là cách quảng bá thông tin mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng truyền tải cả những quan niệm sai lầm. Lượng thông tin trên Internet rất đa dạng và khổng lồ, con người thường không thể kiểm chứng tất cả và do đó gần như tin tưởng vào những gì được nhìn thấy. Từ thông tin sai lệch lại trở thành ký ức về một sự kiện từng xảy ra. Kẻ xấu sẽ lợi dụng điều này để phát tán tin tức, điều hướng và kiểm soát dư luận. 

Trên thực tế, trong một nghiên cứu hơn 100.000 câu chuyện thảo luận trên Twitter được thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm đã chỉ ra rằng những trò lừa bịp và tin đồn luôn chiến thắng sự thật tầm 70%. Điều này được thực hiện bởi các tài khoản thật, đã được xác minh của những người thật, những người chịu trách nhiệm về việc truyền bá thông tin sai lệch với tốc độ cao hơn nhiều so với sự thật.

Khi mỗi người kể lại trải nghiệm của chính họ về một sự kiện, những ký ức giả đó có thể ảnh hưởng đến ký ức của người khác. Đặc biệt là khi chúng được lan truyền nhanh chóng trong đám đông và lặp đi lặp lại khiến nhiều người khác cũng nhớ các sự kiện theo cách tương tự. Ví dụ như ban đầu bạn sẽ không tin vào tin tức A, nhưng khi ngày càng nhiều người nhắc đến điều A, những chi tiết này sẽ được đưa vào ký ức của bạn dưới dạng sự thật và theo thời gian bạn sẽ tin vào điều A. Có thể hiểu nôm na như đây là một dạng của “thao túng tâm lý”.

hiệu ứng mandela
Không nên đánh giá thấp ảnh hưởng của Internet trong việc tác động đến ký ức của đại chúng.

Làm thế nào để hạn chế ảnh hưởng của hiệu ứng Mandela?

Mặc dù hầu hết các ký ức giả dường như vô hại khi nhắc đến hiệu ứng Mandela, tuy nhiên nếu nhìn rộng hơn, bạn sẽ thấy tác hại của việc bị dẫn dắt bởi những thông tin mà không có sự chủ động kiểm chứng. Hiệu ứng Mandela gây ra sự sai lệch, khiến con người dễ tin vào thông tin giả hơn là sự thật, dần dần không còn ai đi tìm sự thật và có thể tác động tiêu cực đến nhận thức của con người. Vậy làm thế nào để hạn chế ảnh hưởng của hiệu ứng này? Một số biện pháp có thể kể đến như sau:

– Kiểm tra nguồn thông tin: luôn kiểm tra và xác minh thông tin từ nhiều nguồn độc lập và chắt lọc những thông tin đáng tin. Tránh dựa vào một nguồn duy nhất đối với những sự kiện quan trọng và đừng để bị dẫn dắt theo ý kiến của đám đông.

– Trao đổi thông tin với người khác: thảo luận về sự kiện với người khác để đối chiếu thông tin và quan điểm. Nhiều người cùng tham gia thảo luận có thể giúp xác định rõ chi tiết và loại bỏ thông tin sai lệch.

– Ghi chép: khi bạn gặp thông tin quan trọng, hãy ghi chép hoặc lưu trữ tài liệu liên quan. Điều này có thể giúp bạn đối chiếu khi cần.

– Tôn trọng quan điểm khác nhau: giữ tinh thần cởi mở với các quan điểm khác nhau để chấp nhận rằng mình có thể nhớ nhầm hoặc sai lầm trong việc ghi nhớ sự kiện.

hiệu ứng mandela
Đừng để “fake news” “tẩy não”, hãy biết cách chọn lọc và kiểm chứng thông tin trước khi tin tưởng.

Trên đây là những thông tin về hiệu ứng Mandela, Việc Làm 24h hy vọng sẽ giúp bạn đọc có góc nhìn mới mẻ hơn về chủ đề này. Để tìm hiểu thêm nhiều thông tin thú vị khác, đừng quên truy cập blog của Việc Làm 24h nhé!

Xem thêm: Các tuyệt chiêu dùng hàm trong Excel cực đơn giản dân văn phòng cần biết

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục