Internet và công nghệ đã thực sự làm thay đổi cuộc sống, trong đó bao gồm thói quen mua sắm của người dùng. Xu hướng mua hàng online ngày càng phát triển mạnh khiến các doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi chiến lược tiếp cận sang tiếp thị kỹ thuật số hay còn gọi là Digital Marketing. Hiện nay Digital Marketing phổ biến hơn bao giờ hết, gần như được phủ sóng ở tất cả các lĩnh vực và quy mô doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhu cầu học Digital Marketing cũng trở nên cần thiết để thích ứng với thời đại kỹ thuật số. Vậy phải bắt đầu học từ đâu, ở đâu và như thế nào là hiệu quả? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu lộ trình tự học Digital Marketing từ A đến Z qua bài viết dưới đây.
Digital Marketing là gì?
Digital Marketing còn được gọi là tiếp thị kỹ thuật số hay tiếp thị trực tuyến. Thuật ngữ này đề cập đến việc sử dụng các kênh online để quảng bá sản phẩm, dịch vụ nhằm tiếp cận người tiêu dùng. Hình thức tiếp thị này liên quan đến việc sử dụng các trang web, thiết bị di động, truyền thông mạng xã hội,… và những kênh tương tự khác.
Ở thời điểm hiện tại, Digital Marketing rất quan trọng trong việc nhận thức về sản phẩm và thương hiệu. Gần như mọi doanh nghiệp đều có trang web, hoặc ít nhất là các trang mạng xã hội.
Tại sao cần học Digital Marketing?
Đa số khách hàng đang có mặt trên các nền tảng kỹ thuật số mà bạn lại cần tiếp cận họ càng nhiều càng tốt để tăng doanh thu và lợi nhuận. Nếu không muốn bỏ qua công cụ kiếm tiền hữu ích này hãy bắt đầu đầu tư thời gian và nỗ lực để học Digital Marketing.
Một số lợi ích chính mà Digital Marketing mang đến là:
– Tiết kiệm chi phí hơn so với Marketing truyền thống.
– Nhắm mục tiêu đến các khách hàng tiềm năng.
– Khả năng tiếp cận đối tượng lớn.
– Có thể đo lường được hiệu quả.
– Tạo ra sân chơi lành mạnh nơi mà các doanh nghiệp nhỏ có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn trong ngành.
Lộ trình học Digital Marketing hiệu quả và dễ dàng áp dụng
Digital Marketing dù là một nhánh của Marketing nhưng không phải là một lĩnh vực nhỏ. Ngược lại Digital Marketing lại có nhiều nền tảng và công cụ cùng tạo thành một bức tranh tổng thể rộng lớn không thể hiểu hết trong ngày một ngày hai. Đặc biệt là với những người mới bắt đầu sẽ rất khó để bắt đầu giữa biển kiến thức này. Nếu bạn đang gặp khó khăn, hãy tham khảo lộ trình tự học Digital Marketing sau đây:
Trang bị kiến thức tổng quát về Marketing nói chung và Digital nói riêng
Cách học Digital Marketing hiệu quả không chỉ là biết về các công cụ hay cách thực hiện gói gọn trong các bước 1, bước 2… Những điều này chỉ là lớp áo bên ngoài, bạn cần hiểu sâu sắc bên trong để sử dụng các công cụ hiệu quả nhất. Hãy tưởng tượng bạn là một vị tướng quân, tường tận binh pháp chính là cốt lõi, là nền tảng để bài binh bố trận.
Kiến thức tổng quan về Marketing
Tư duy về Marketing là kiến thức đầu tiên bạn cần tìm hiểu và nắm vững. Khi đó bạn sẽ hiểu về khách hàng, tâm lý, thị hiếu, làm thế nào để quyết vấn đề của họ thông qua những cách tiếp cận khôn ngoan. Lúc này một câu hỏi đặt ra là vậy tìm hiểu về Marketing bao nhiêu là đủ? Câu trả lời là tùy vào nhu cầu và mục đích học của bạn để xác định lượng kiến thức cần thiết.
Nếu bạn là người kinh doanh tự do, chỉ cần nắm bắt cách xác định khách hàng mục tiêu, tâm lý và thị hiếu của người dùng… Ngược lại nếu bạn cần kiến thức chuyên sâu hơn để xây dựng nghề nghiệp, có thể học về Marketing Mix; nghiên cứu, phân tích thị trường và đối thủ; các mô hình Marketing, cách ứng dụng khi thực thi chiến lược….
Các công cụ của Digital Marketing
Về Digital Marketing, thời điểm mới bắt đầu bạn không cần đi sâu vào chuyên môn để tránh bị rối. Bạn nên biết và hiểu cơ bản về các kênh, công cụ, cách thức vận hành, mục tiêu sử dụng. Điều này sẽ giúp bạn nhìn rõ bức tranh toàn cảnh về các hoạt động tiếp thị trên nền tảng kỹ thuật số. Digital Marketing bao gồm các mảng sau đây:
– Social Media Marketing
– SEO (Search Engine Optimization)
– Content Marketing
– Pay Per Click (PPC)
– Email Marketing
– Affiliate Marketing
– Video Marketing
– …
Chọn mảng chuyên sâu để học
Sau khi đã hiểu về tổng thể, bạn bắt đầu đi sâu vào mảng cần phát triển và cải thiện để phục vụ cho nhu cầu của bản thân.
Social Media Marketing (SMM)
Đây là phương thức quảng bá thương hiệu và sản phẩm trên các kênh truyền thông xã hội. SMM được sử dụng cho các mục đích là tăng nhận thức thương hiệu, thúc đẩy lưu lượng truy cập và tạo khách hàng tiềm năng. Một số kênh phổ biến của SMM là Facebook, Instagram, TikTok, LinkedIn… Với SMM, bạn sẽ tìm hiểu về cách tương tác hiệu quả với người dùng thông qua việc sáng tạo nội dung thu hút, đăng vào khung giờ vàng, xây dựng cộng đồng… và cách đo lường, đánh giá hiệu quả để thu thập dữ liệu.
Xem thêm: Social Media Marketing là gì? Làm thế nào để trở thành một marketer thành công?
SEO
SEO hay còn gọi là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để website xếp hạng cao hơn trong kết quả của các công cụ tìm kiếm. Mục đích là tăng lưu lượng truy cập tự nhiên (Organic Traffic). Công cụ này là một tổ hợp của nhiều kỹ năng và tư duy khác nhau bao gồm:
– SEO on-page
– SEO off-page
– Kỹ thuật SEO
– Từ khóa
– Phân tích thị trường, đối thủ, ngành hàng… (SEO Audit)
– Nội dung
– Earned media
Xem thêm: SEO Marketing là gì? Ứng dụng thế nào để thương hiệu luôn đạt TOP tìm kiếm
Content Marketing
Mục tiêu của Content Marketing là tiếp cận khách hàng tiềm năng bằng việc sáng tạo nội dung hấp dẫn. Có nhiều kiểu nội dung khác nhau như bài viết website, bài đăng fanpage, ebook, blog, podcast… Để có những nội dung phù hợp và thu hút, người làm content cần có kỹ năng nghiên cứu khách hàng, đối thủ, thị trường để hiểu thị hiếu; am hiểu từng kênh để tối ưu nội dung; xây dựng, lan tỏa nội dung và phân tích hiệu quả.
Xem thêm: Content Marketing là gì? Lộ trình thăng tiến và mức lương cho người làm content
Pay Per Click (PPC)
PPC là hình thức quảng cáo trả phí cho mỗi lượt nhấp. Một trong những công cụ phổ biến nhất là quảng cáo Google và Facebook. Với PPC, bạn cần sự đầu tư cả về thời gian và nỗ lực để nắm vững kiến thức cũng thực hành hiệu quả. Lượng kiến thức của PPC không hề ít khi bao gồm cách thức hoạt động, vận hành của từng nền tảng; cách tối ưu hiệu quả, chi phí; tiến trình thực thi bao gồm những nguyên liệu nào, yêu cầu ra sao; quy trình thiết lập quảng cáo; cách xử lý các vấn đề thường gặp…
Email Marketing
Email thường được sử dụng để quảng cáo sản phẩm, chương trình khuyến mãi, sự kiện và dẫn người dùng đến trang web của doanh nghiệp. Ở mảng này, bạn sẽ được học về xây dựng, phân loại danh sách khách hàng, tự động hóa email để tiết kiệm thời gian…
Xem thêm: Email Marketing là gì? Lưu lại cách thiết kế Email Marketing hiệu quả nhất hiện nay
Affiliate Marketing
Đây là một trong những hình thức tiếp thị lâu đời nhất và chính Internet đã mang lại sức sống mới cho Affiliate Marketing. Affiliate Marketing hoạt động bằng việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ của người khác trên trang web của mình. Khi có người mua, Affiliate Marketer sẽ nhận được tiền hoa hồng từ các nhãn hàng. Để tiếp cận lĩnh vực này, bạn cần biết cách xây dựng kênh để tiếp cận khách hàng như blog, Tiktok, Youtube; sáng tạo nội dung để phát triển và lan tỏa kênh; làm thế nào để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ đã đăng ký.
Video Marketing
Youtube là một trong những nền tảng phổ biến nhất trên thế giới, rất nhiều người dùng tham khảo Youtube để tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Các nền tảng như Facebook, Instagram và Tiktok đang phát triển rất mạnh mảng quảng cáo bằng video ngắn. Thậm chí hình thức này còn kết hợp với SEO, Social Media Marketing để lan truyền và tạo hiệu ứng tốt hơn.
Xem thêm: Video Marketing là gì? Làm Video Marketing cần lưu ý điều gì tăng hiệu quả?
Từ lý thuyết đến thực hành
Sau khi đã chọn được lĩnh vực chuyên sâu và có những kiến thức cần thiết, hãy bắt đầu thực hành. Bạn có thể tìm kiếm các cơ hội bên ngoài hoặc tự mày mò nếu có khả năng. Mọi thứ sẽ mãi là lý thuyết nếu bạn không ứng dụng vào thực tế để từ đó tích lũy kinh nghiệm thực chiến. Với Digital Marketing việc trau dồi mỗi ngày từ các chiến dịch lớn nhỏ đều thật sự rất cần thiết để không bị thụt lùi bởi bản chất của ngành này là luôn luôn thay đổi.
Trong quá trình thực hành, bạn sẽ gặp những vấn đề hay tình huống mà lý thuyết chưa bao giờ đề cập tới. Đây chính là cơ hội giúp bạn biết nhiều, hiểu rộng và phát triển hơn. Digital Marketing cần phải thực chiến mới có thể trưởng thành trong nghề.
Học, học nữa, học mãi
Vì Digital Marketing có nhiều mảng và đều liên quan với nhau nên việc học sẽ không có giới hạn. Bạn nên trang bị kiến thức ở những mảng liên quan để hỗ trợ, phát triển thêm cho mảng bạn đang tập trung. Ngoài ra việc này cũng sẽ giúp bạn lắp thêm những mảnh ghép mới vào bức tranh Digital Marketing rộng lớn.
Ví dụ bạn đang làm việc trong mảng Facebook Ads, có thể trang bị thêm kiến thức về Content Marketing để sáng tạo những nội dung quảng cáo đúng insight hơn, thu hút hơn. Hoặc học về Data Analytics cũng rất hữu ích vì giúp bạn hiểu hơn về những con số biết nói.
Học Digital Marketing ở đâu?
Lộ trình tự học đã có, vấn đề tiếp theo cần giải quyết là học ở đâu, có chứng chỉ không? Dưới đây là một nguồn học bạn có thể tham khảo:
Học Digital Marketing ở các trường Đại học
Có rất nhiều trường Đại học giảng dạy ngành Marketing trên cả nước. Một số trường nổi bật như:
– Đại học RMIT
– Đại học FPT
– Đại học Kinh tế Quốc dân
– Học viện Báo chí và Tuyên truyền
– Đại học Tài chính – Marketing
– Đại học Kinh tế TP.HCM
– Đại học Hoa Sen
– Đại học Kinh tế – Luật – ĐHQG TP.HCM
Digital Marketing học trường nào? RMIT là một trong những lựa chọn để theo đuổi ngành này
Các khóa học Digital Marketing online miễn phí và cấp chứng chỉ
Hiện nay hình thức này rất phổ biến và được ưa chuộng vì mang đến sự chủ động cho người học. Top các khóa học nổi tiếng bao gồm:
Google Digital Garage
Đây là khóa học Digital Marketing của Google, một trong những nguồn kiến thức chuẩn nhất để bạn tiếp cận với tiếp thị kỹ thuật số. Google Digital Garage có nhiều khóa học từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp với cả người mới bắt đầu và đã có kinh nghiệm. Tại đây bạn không chỉ được trang bị các kiến thức về Digital Marketing mà còn cả cách vận hành doanh nghiệp online, cách kết nối khách hàng, phát triển thương hiệu hay các kỹ năng như giao tiếp, mở rộng mối quan hệ, tăng hiệu suất làm việc…
Một số khóa học tại Google Digital Garage là:
– Fundamentals of digital marketing
– Understand customers needs and online behaviours
– How to increase productivity at work
Fundamentals of Digital Marketing là khóa học hàng đầu tại Google Digital Garage
Hubspot
Hubspot là công ty nổi tiếng trên thế giới về lập trình và công nghệ với các phần mềm Marketing, Sales, CRM, bán hàng tự động, chăm sóc khách hàng… Nền tảng học trực tuyến của Hubspot rất đa dạng các chủ đề như Social Media Marketing, SEO, Content Marketing, Email Marketing, Inbound Sales… Ngoài ra còn có các khóa học chuyên sâu về phần mềm.
Bạn có thể tham gia các khóa học của Hubspot như:
Facebook Blueprint
Giống như Google, Facebook Blueprint cũng tạo ra các sản phẩm giáo dục phù hợp cho mọi đối tượng với các trình độ khác nhau. 85 khóa học với tất tần tật mọi thứ về Facebook, Instagram và Whatsapp sẽ giúp bạn thành thạo hơn về quy trình quảng cáo và khai thác tối đa hiệu quả của nền tảng này, từ đó mang đến sự thành công cho các chiến dịch. Có một lưu ý nhỏ ở khóa học này của Facebook là miễn phí tham gia nhưng nếu muốn cấp chứng chỉ, bạn cần đóng 150$ để đăng ký thi.
Các khóa học của Facebook như:
– Marketing Science Professional
– Creative Strategy Essentials
Skillshop
Skillshop cũng là nền tảng học Digital Marketing trực tuyến của Google. Các khóa học của Skillshop sẽ tập trung chuyên sâu vào các sản phẩm của nền tảng này như Google Ads, Google Ad Manager, Google Marketing Platform, Google My Business, Youtube…
Các khóa học về quảng cáo Google tại Skillshop bạn có thể lựa chọn như:
Coursera
Coursera là trung tâm giáo dục trực tuyến của thế giới vì cung cấp các khóa học ở mọi lĩnh vực, từ miễn phí đến có phí và phân thành nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, những khóa học về Digital Marketing tại Coursera cũng được nhiều người lựa chọn và đánh giá cao. Ngoài việc học, bạn còn có thể tham gia các diễn đàn thảo luận dành cho học viên, làm bài tập về nhà và thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực sau khi kết thúc khóa học.
Một số khóa học Digital Marketing tại Coursera như:
– Foundations of Digital Marketing and E-commerce
– Digital Media and Marketing Principles
Coursera là một trong những nền tảng cung cấp khóa học cấp chứng chỉ Digital Marketing
Không thể bỏ qua LinkedIn khi nhắc đến các khóa học Digital Marketing online. Tại đây bạn sẽ được trang bị kiến thức về Marketing, công nghệ, phần mềm, sáng tạo, kỹ năng, thiết kế… từ các chuyên gia hàng đầu. Tuy nhiên, LinkedIn chỉ cho phép bạn tham gia 30 ngày học đầu tiên miễn phí, sau đó bạn cần mua dưới dạng thành viên đăng ký hàng tháng. Đôi khi LinkedIn cũng cung cấp một vài khóa học miễn phí cho người dùng.
Các khóa học tại LinkedIn như:
– Social Media Marketing: Managing Online Communities
– Marketing Tools: Digital Marketing Tools and Services
– Content Marketing: Blogging for Business
Học Digital Marketing ở các trung tâm
Nếu gặp khó khăn trong việc bắt đầu tự học Digital Marketing, bạn có thể cân nhắc đến phương án tham gia các khóa học ở trung tâm. Tại đây bạn sẽ được tiếp cận kiến thức một cách bài bản với sự giảng dạy của các chuyên gia có kinh nghiệm. Ngoài ra, bạn còn tương tác với họ để được giải đáp các thắc mắc hay thậm chí được hỗ trợ sau khóa học. Một số trung tâm đào tạo Digital Marketing uy tín như: Vinalink Media, EQVN, DGM, MOA Việt Nam, Vietmoz…
Ở bất kỳ lĩnh vực nào, lý thuyết cũng cần đi đôi với thực hành mới mang lại hiệu quả cao nhất. Với Digital Marketing lại càng cần hơn nữa bởi sự thay đổi liên tục từ thuật toán, chính sách của các nền tảng đến insight, thói quen của người dùng. Do đó, con đường học vấn là “trường kỳ kháng chiến” mới có thể chinh phục được. Với những thông tin trên, Việc Làm 24h hy vọng đã giúp bạn đọc tìm được lối đi phù hợp với nhu cầu học Digital Marketing và chúc các bạn luôn thành công. Để tìm việc Digital Marketing mới nhất, hãy truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!
Xem thêm: Nắm vững 14 kỹ năng Digital Marketing giúp bạn đi từ số 0 đến thành công