Phương pháp 6 chiếc lọ tài chính: Bí quyết quản lý tài chính và cân đối chi tiêu hiệu quả

Bạn đã từng gặp khó khăn trong quản lý tiền bạc hay việc cân đối chi tiêu? Bạn mong muốn học cách quản lý tài chính để tiến tới hành trình tự do tài chính trong tương lai? Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu ngay 6 chiếc lọ tài chính – Bí quyết quản lý tài chính nổi tiếng khắp thế giới từ T. Harv Eker. 

6 chiếc lọ tài chính
6 chiếc lọ tài chính – bí quyết quản lý tiền bạc hiệu quả.

6 chiếc lọ tài chính là gì

Harv Eker là tác giả của loạt sách về tài chính nổi tiếng như: “Bí mật tư duy triệu phú”, “Làm giàu nhanh”… 6 chiếc lọ tài chính hay phương pháp quản lý tiền JARS là một trong những nguyên tắc quản lý tiền bạc được ông giới thiệu trong cuốn Bí mật tư duy triệu phú.

Từ đó tới nay, rất nhiều người đã áp dụng theo phương pháp này và thu được hiệu quả. Đây là phương pháp chia nhỏ tiền bạc để quản lý theo các chức năng riêng biệt, giúp bạn lập kế hoạch cũng như sử dụng dòng tiền hợp lý. Các chức năng này được xây dựng dựa trên mức sống, nhu cầu tiêu dùng hàng tháng của bạn.

Thông thường, chúng ta có thói quen chi tiêu đơn thuần mà không để ý tới tỷ lệ chi tiêu cũng như các nguyên tắc tài chính thông minh dẫn đến việc chi tiêu quá đà hoặc tiết kiệm không hợp lý. Theo T. Harv Eker, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ tài chính này. Điều quan trọng nhất là bạn cần biến chúng thành thói quen để mang lại hiệu quả. 

6 chiếc lọ tài chính
Đây là phương pháp chia nhỏ tiền bạc để quản lý theo các chức năng riêng biệt.

Lọ số 1 – chi tiêu cho các khoản thiết yếu (55%)

Lọ số 1 là khoản chi chiếm phần trăm thu nhập cao nhất của bạn. Lọ này sẽ chứa các khoản chi tiêu bạn cần cho sinh hoạt hàng ngày, cuộc sống. Số tiền để vào quỹ này sẽ phục vụ cho các mục đích như ăn uống, chi trả các hóa đơn sinh hoạt, xăng xe, tiền điện thoại, tiền học cho con và những mua sắm cần thiết.

Nếu bạn đang chi tiêu trên 80% thu nhập cho những khoản cần thiết, chứng tỏ bạn cần tìm cách tăng thêm nguồn thu hoặc thay đổi lối sống để cắt giảm các chi tiêu này. 

Tỷ lệ cho chiếc lọ này là 55% tổng thu nhập của bạn. Ví dụ, thu nhập cố định hàng tháng của bạn là 10 triệu đồng, số tiền bạn cần trích ra cho vào lọ số 1 là 5 triệu 500 ngàn đồng. Nếu mức chi tiêu của bạn lên tới 7 triệu hoặc 8 triệu đồng, bạn cần chi tiêu ít lại hoặc tăng thu nhập để có thể quản lý tài chính tốt hơn. 

6 chiếc lọ tài chính
Lọ số 1 dành cho những chi tiêu thiết yếu hàng ngày.

Lọ số 2 – quỹ tiết kiệm trong dài hạn (10%)

Lọ số 2 trong 6 chiếc lọ tài chính được sử dụng cho các khoản tiết kiệm dài hạn, phục vụ các mục tiêu lớn như: mua nhà, mua xe, sinh con hay thực hiện ước mơ của bạn… 

Xem thêm: TOP 5 cách tiết kiệm tiền mua nhà dành cho người lương tháng từ 10 triệu

Nếu bạn có nhiều mục tiêu lớn, có thể tiếp tục chia thành các khoản nhỏ hơn theo thứ tự ưu tiên. Chiếc lọ này sẽ luôn nhắc nhở bạn về mục đích bản thân và cố gắng theo đuổi chúng. 

Ngoài ra, chiếc lọ số 2 còn giúp bạn trong các trường hợp xảy ra những tình trạng bất khả kháng hay các chi phí phát sinh bất ngờ. 

6 chiếc lọ tài chính
Lọ số 2 dành cho khoản tiết kiệm dài hạn.

Lọ số 3 – giáo dục (10%)

Khoản tiền chia theo mục đích tiếp theo trong 6 chiếc lọ tài chính là 10% dành cho giáo dục. Đây chính là khoản tiền bạn dành cho việc học, mua sách vở, tham gia các khóa học một kỹ năng mềm, môn thể thao để nâng cao sức khỏe hay học một nội dung nào đó để trau dồi kiến thức bản thân, gặp gỡ những người thành công., phát triển bản thân.

Đây có thể xem là khoản đầu tư cho bản thân, giúp bạn không ngừng phát triển chính mình để có thể tạo ra thêm nhiều thu nhập hơn. 

Chiếc lọ còn có thể sử dụng vào mục giáo dục cho các thành viên trong gia đình như mua khoá học, mua sách vở hay đăng ký một lớp ngoại khóa cho con bạn. Cũng như chiếc lọ số 2, bạn có thể chia nhỏ chiếc lọ số 3 thành nhiều mục theo thứ tự ưu tiên. 

6 chiếc lọ tài chính
Lọ số 3 là khoản đầu tư cho bản thân.

Warren Buffett từng nói: đầu tư càng nhiều cho bản thân càng tốt, bởi bạn là tài sản lớn nhất của chính mình.

Đây chính là khoản đầu tư không bị ảnh hưởng bởi lạm phát, thuế mà ngược lại chắc chắn mang về lợi nhuận. Khi các kiến thức mới được trau dồi, sức khoẻ được nâng cao, mở rộng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp, năng lực của bạn được nâng lên, thì hành trình tự do tài chính của bạn chắc chắn sẽ luôn nằm trong tầm tay.

Thậm chí, nếu bạn cần đầu tư nhiều hơn cho bản thân trong một giai đoạn nào đó, bạn hoàn toàn có thể nâng tỷ lệ tiền để vào chiếc lọ này lên 12% hay 15%. 

6 chiếc lọ tài chính
Bạn có thể điều chỉnh tỷ lệ của lọ số 3 tuỳ theo nhu cầu.

Lọ số 4 – Hưởng thụ (10%)

Cuộc sống luôn cần sự cân bằng giữa việc học tập, làm việc và vui chơi, chiếc lọ số 4 trong 6 chiếc lọ tài chính sẽ là phần thưởng cho bạn hàng tháng để duy trì sự cân bằng này cho bạn. 

Chiếc lọ này phục vụ cho mục đích chăm sóc, yêu thương bản thân thông qua chi tiêu cho những chuyến đi chơi ngắn, những món đồ mới, những bữa ăn ngon… Bạn chắc chắn xứng đáng cho những khoản tự thưởng này sau những tháng ngày làm việc chăm chỉ, học tập và nỗ lực. Chiếc lọ này sẽ giúp bạn thư giãn, thêm yêu cuộc sống và có nhiều động lực hơn để cố gắng trong những ngày tiếp theo. 

6 chiếc lọ tài chính
Lọ số 4 giúp cân bằng cuộc sống và gia tăng động lực cho bạn.

Xem thêm: Trào lưu FIRE là gì? Làm thế nào để được tự do tài chính và nghỉ hưu sớm?

Lọ số 5 – tự do tài chính (10%)

Tự do tài chính là cuộc sống mà bạn không cần làm việc hay phụ thuộc tiền bạc vào người khác. Bạn có thể tạo ra tự do tài chính từ những thu nhập thụ động như đầu tư tài chính hay tiết kiệm. 

Đây sẽ là khoản tiền bạn có thể sử dụng để gửi tiết kiệm, đầu tư (chứng khoán, kinh doanh bất động sản, trái phiếu…) hoặc góp vốn làm ăn kinh doanh. Lưu ý, bạn không bao giờ được phép tiêu khoản tiền này.

Xem thêm: Tự do tài chính là gì? Đâu là bí quyết cho một cuộc sống an nhiên, vô lo vô nghĩ 

Lọ số 6 – Cho đi (5%)

Chiếc lọ cuối cùng trong 6 chiếc lọ tài chính là khoản làm từ thiện, giúp đỡ cộng đồng hay người thân, bạn bè. Cho đi chính là nhận lại, bởi vậy, khoản tiền này không những giúp bạn gắn kết hơn với cộng đồng, còn bày tỏ sự chia sẻ, quan tâm, trách nhiệm của bạn tới những người xung quanh.

Đừng quá chi li hay nuối tiếc khi để tiền vào quỹ này. Bởi bên cạnh sự giàu có về vật chất, những giá trị nhân văn như từ thiện, cho đi sẽ mang về cho bạn sự giàu có trong tâm hồn.

Tuy nhiên, nếu bạn có nhiều khoản phải chi hơn, tỷ lệ của lọ số 6 có thể giảm bớt.

Kinh nghiệm áp dụng 6 chiếc lọ tài chính

Để có thể áp dụng nguyên tắc trên thành công, sau đây là những điều bạn nên lưu ý:

  • Hãy tạo thành thói quen chia tiền vào từng chiếc lọ này ngay khi vừa nhận khoản thu nhập.
  • Với số tiền trong lọ số 4 (hưởng thụ) bạn được phép và được khuyến khích tiêu hết sạch mà không cần cảm thấy tiếc hay chần chừ. Bởi chỉ con người hạnh phúc mới có thể tiếp tục tạo ra những giá trị hạnh phúc cũng như tạo ra thêm nhiều của cải vật chất. Tuy nhiên, trong trường hợp thực sự không tiêu hết, bạn có thể chuyển số tiền này sang một lọ khác mà bạn đang mong muốn ưu tiên.
  • Kỷ luật với bản thân và tuyệt đối không chuyển tiền từ lọ này sang lọ khác nếu không thực sự cần thiết. Nếu không giữ kỷ luật, mọi cố gắng của bạn đều trở thành vô nghĩa.
  • Không bao giờ được tiêu tiền trong quỹ tự do tài chính vào mục đích nào khác ngoài đầu tư hay hoạt động nhằm tạo ra thu nhập thụ động. 
  • Tỷ lệ các quỹ có thể điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu tài chính cá nhân của bạn chứ không cần bám sát hoàn toàn theo các con số trên. Tuy nhiên, mức độ sai lệch không được quá nhiều. Hãy đảm bảo lọ số 3 (giáo dục) và số 5 (tự do tài chính) không nhỏ hơn 10%. 
6 chiếc lọ tài chính
Điều quan trọng để áp dụng 6 chiếc lọ tài chính hiệu quả là biến chúng thành thói quen.

Xem thêm: TOP 5 app chứng khoán uy tín hiện nay mà dân văn phòng muốn làm giàu nên biết

Lời kết

Như vậy, hẳn bạn giờ đây đã nắm thật chắc nguyên tắc về 6 chiếc lọ tài chính. Hi vọng những thông tin này sẽ giúp bạn quản lý tiền bạc hiệu quả hơn cũng như sử dụng chúng một cách thông minh và từng bước tiến dần tới con đường tự do tài chính như bạn mong muốn.

Đừng quên chia sẻ những nguyên tắc này với người thân, bạn bè và thường xuyên theo dõi Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích. 

Xem thêm: Gửi tiết kiệm online có an toàn không? Lợi ích và rủi ro khi gửi tiết kiệm cần biết

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục