Test case là gì? Những kỹ thuật Test case hàng đầu mà Tester cần biết

Bạn có biết rằng, lỗi phần mềm có thể gây ra thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm? Test case đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra và xác nhận chức năng, hiệu suất cũng như khả năng tương thích của phần mềm. Test case là gì? Có những loại Test case nào? Vai trò của Test case ra sao, cách viết như thế nào? Bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi trên.

Test case là gì?

test case là gì
Test case là gì? Khi nào cần viết Test case?

Test case có nghĩa là kịch bản kiểm thử, đây là tập hợp các dữ liệu đầu vào (Input), hành động thực hiện (Active) và kết quả mong đợi (Expected response) được sử dụng để kiểm tra một tính năng, chức năng cụ thể của phần mềm, ứng dụng. Việc sử dụng Test case giúp đảm bảo phần mềm hoạt động chính xác, đáp ứng yêu cầu và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Nhờ Test case, đội phát triển và kiểm thử (tester) có hướng dẫn rõ ràng và thống nhất toàn bộ quy trình kiểm thử để đảm bảo chất lượng.

Test case ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí test (kiểm thử),Test case càng nhiều thì quá trình kiểm thử càng tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Dù Test case nhiều nhưng không chính xác thì chất lượng sản phẩm phần mềm cũng không được đảm bảo. Do đó, Test case phải được thiết kế tối ưu và hiệu quả trước khi bắt đầu kiểm thử. 

Khi nào cần viết Test Case?

Trước khi phát triển: Viết Test Case ngay khi xác định các yêu cầu của sản phẩm giúp bạn hiểu rõ hơn các chức năng cần phát triển và đảm bảo Test case bao hàm đầy đủ các yêu cầu. Test case như một công cụ để xác minh và ghi chép lại các yêu cầu, giúp quá trình truyền đạt thông tin giữa các bên liên quan (stakeholder) hiệu quả hơn.

Trong quá trình phát triển: Test case đảm bảo từng chức năng hoặc module đúng yêu cầu, bám sát định hướng phát triển phần mềm. Kết hợp Test case song song với quá trình phát triển giúp phát hiện lỗi sớm và tiết kiệm thời gian sửa lỗi.

Giai đoạn kiểm thử: Test case được sử dụng trong quá trình kiểm thử chức năng, hiệu suất, khả năng tương thích, bảo mật,… của sản phẩm phần mềm. 

Sau khi phát triển: Phần mềm sau khi hoàn thiện tính năng cần sử dụng Test case để kiểm tra các tính năng cụ thể.

Ngoài ra, việc viết Test case cũng cần thiết trong trường hợp cần thay đổi hoặc sửa đổi phần mềm, khi phát triển phần mềm mới dựa trên phần mềm cũ hoặc khi cần nâng cấp phần mềm.

Vai trò của Test Case là gì?

test case là gì
Vai trò của Test case là gì? Test case có thực sự cần thiết?

Mục tiêu chính của Test case là đảm bảo các tính năng của phần mềm hoạt động chính xác và đáp ứng kỳ vọng của người dùng. Ngoài ra, Test case còn thể hiện vai trò quan trọng trong các khía cạnh sau: 

  • Test case giúp xác định phạm vi quá trình kiểm thử rõ ràng, đảm bảo các tính năng, chức năng của phần mềm đều được thử nghiệm. Nhờ đó, tránh được các lỗi, bug.
  • Test case đóng góp vào quá trình vận hành, bảo trì và cập nhật tính năng phần mềm. 
  • Kịch bản kiểm thử đảm bảo chất lượng đầu ra của phần mềm trước khi đến tay khách hàng hoặc tung ra thị trường.
  • Test case giúp tối ưu quy trình phát triển phần mềm, nhờ đó giảm thời gian và chi phí.
  • Test case có thể tái sử dụng trong tương lai, chỉ cần Tester cảm thấy phù hợp.
  • Test case còn giúp đào tạo Tester nhìn nhận và phân tích phần mềm ở nhiều góc độ khác nhau. 

Cấu trúc Test case là gì?

Cấu trúc của Test Case có thể thay đổi tùy theo vào dự án, nhưng nhìn chung bao gồm các thành phần chính sau:

  • Mã Test case (ID Test case): Giá trị được dùng để xác định thứ tự Test Case. Mã Test case thường bao gồm chữ và số, được đánh dấu tăng dần.
  • Mục đích Test case (Test case Description): Mô tả mục đích kiểm thử các tính năng của phần mềm.
  • Dữ liệu kiểm thử (Test Data): Các dữ liệu cần chuẩn bị để thực hiện Test case, lưu dưới dạng data hoặc đường dẫn đến file. 
  • Các bước thực hiện Test case (Test Steps): Mô tả ngắn gọn, chi tiết các bước thực hiện test. Liệt kê tất cả sự kiện và tính năng trên ứng dụng tránh gặp lỗi. 
  • Kết quả mong muốn (Expected Results): Hiển thị kết quả mong đợi khi tiến hành kịch bản kiểm thử. Kết quả kiểm thử được xem là tốt nếu đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng.
  • Kết quả thực tế (Test Results): Hiển thị kết quả thực tế sau khi thực hiện trong môi trường của hệ thống, gồm pass, fail hoặc pending.

Ngoài ra trong Test case có thể thêm một số yếu tố khác như: Tester (Người thực hiện), Pre-condition (Điều kiện tiền đề), Date execute test (Ngày thực hiện), Comments (Thông tin bổ sung thêm),…

Các mẫu Test case được chia thành các nhóm nào?

Các mẫu Test case được chia thành 4 nhóm chính, bao gồm:

  • GUI Test case: Những Test case được tạo ra để kiểm tra giao diện người dùng đồ họa.
  • Positive Test case: Những Test case có kết quả tích cực, hợp lệ, có dữ liệu chính xác.
  • Negative Test case: Những Test case tiêu cực, không hợp lệ, có dữ liệu chưa chính xác.
  • Combination Test Case: Kết hợp giữa Positive Test case và Negative Test case. Những Test case có các bước đúng – sai đan xen nhưng kết quả cuối cùng luôn đúng. 

Các loại Test case phổ biến hiện nay

test case là gì
Có những loại Test case nào được sử dụng phổ biến hiện nay?

Có nhiều loại Test case khác nhau tùy vào nhu cầu kiểm thử của Tester và từng giai đoạn phát triển phần mềm. Có 8 Test case được sử dụng phổ biến:

Functionality Test Case (Test case chức năng) là gì?

Test case chức năng được sử dụng để xác định chức năng phần mềm có có đáp ứng giá trị kỳ vọng không, thường được viết và chạy ngay khi những chức năng đầu tiên của phần mềm hoàn thành. 

User Interface Test Case (Test case giao diện người dùng) là gì?

Test case giao diện người dùng được dùng để xác minh các thành phần của GUI (giao diện người dùng đồ họa) có hoạt động đúng mong đợi không. Test case này thường được phối hợp giữa Designer và Tester, giúp kiểm định thẩm mỹ, lỗi ngữ pháp, dịch thuật hoặc những thành phần mà người dùng có thể nhìn thấy trên giao diện. Trong giai đoạn hoàn thiện phần mềm, khi GUI đã được kết nối với cơ sở dữ liệu, Test case này sẽ kiểm tra phần mềm có tương thích và hoạt động tốt trên các trình duyệt không.

Performance Test Case (Test case hiệu suất) là gì?

Test case hiệu suất được dùng để kiểm tra hiệu năng của phần mềm, cụ thể là tốc độ, thời gian phản hồi và hiệu suất hoạt động. Test case này cho phép kiểm tra thời gian để hệ thống phản hồi một hoạt động dựa theo những tiêu chí rõ ràng. Test case hiệu suất chạy tự động trong suốt quá trình thiết kế phần mềm để xác định cách hoạt động thực tế, nhờ đó, lập trình viên có thể xem xét và cải thiện hiệu suất ứng dụng hiệu quả hơn.

Integration Test Case (Test case tích hợp)

Test case tích hợp được dùng để kiểm tra sự tương thích và khả năng hoạt động chung giữa các module hoặc thành phần riêng lẻ của phần mềm sau khi được tích hợp lại với nhau. Loại Test case này tập trung vào việc đảm bảo các module giao tiếp và trao đổi dữ liệu hiệu quả, đồng thời xác định các lỗi tiềm ẩn có thể xảy ra.

Test case tích hợp thường được phối hợp giữa Tester và Development. Các Tester sẽ xác định khu vực cần test và các Developer sẽ cung cấp dữ liệu đầu vào cho mỗi trường hợp kiểm thử. Sau đó, xác định các module hoạt động độc lập có thể kết hợp làm việc cùng nhau không.

Usability Test Case (Test case tính khả dụng)

Test case tính khả dụng cung cấp nhiệm vụ (Task) hoặc kịch bản (Scenarios) để Tester đánh giá mức độ dễ sử dụng, hiệu quả và sự hài lòng của người dùng khi sử dụng phần mềm. Test case này được chuẩn bị bởi Designer và Tester, triển khai trước khi kiểm thử chấp nhận người dùng (User Acceptance Test Cases).

Database Test Case (Test case cơ sở dữ liệu)

Test case cơ sở dữ liệu là một tập hợp các kịch bản kiểm thử được thiết kế để đảm bảo cơ sở dữ liệu hoạt động chính xác. Test Case này tập trung vào việc kiểm tra các khía cạnh khác nhau của cơ sở dữ liệu như cấu trúc, dữ liệu, hiệu suất, bảo mật, khả năng phục hồi,… Để xây dựng Test case cơ sở dữ liệu, Tester cần hiểu rõ phần mềm, cơ sở dữ liệu ứng dụng và các thủ tục lưu trữ, quản trị dữ liệu. 

Xem thêm: Database là gì? Các loại database nào phổ biến hiện nay?

Security Test Case (Test case bảo mật)

Test case bảo mật được dùng để đánh giá mức độ bảo mật của hệ thống hoặc ứng dụng. Test case này tập trung vào việc xác định các lỗ hổng bảo mật tiềm ẩn có thể bị tấn công, truy cập trái phép, sửa đổi hoặc phá hủy dữ liệu, làm gián đoạn hoạt động của hệ thống. 

User Acceptance Test Case (Test case chấp nhận người dùng)

Test case chấp nhận người dùng được dùng để để xác định phần mềm có đáp ứng được các yêu cầu và mong đợi của người dùng cuối (end-user) hay không. Đây là giai đoạn kiểm thử cuối cùng của quy trình phát triển phần mềm trước khi đưa phần mềm vào sử dụng chính thức. Do đó, Test case phải được xây dựng bám sát vào thực tế nhất có thể, thường là quản lý dự án hoặc Tester phụ trách.

Những kỹ thuật Test case mà Tester cần biết

Để tạo nên một Test case đảm bảo chất lượng phần mềm, các Tester phải nắm rõ những kỹ thuật Test case sau:

1. Static Testing Technique (Kỹ thuật Test case tĩnh)

Đây là phương pháp kiểm thử thủ công, không cần chạy phần mềm trực tiếp. Kỹ thuật này tập trung vào việc kiểm tra code, phân tích mã nguồn, yêu cầu kỹ thuật, kịch bản thử nghiệm, tài liệu thiết kế,… để tìm lỗi.

Các loại kiểm thử tĩnh bao gồm:

  • Informal Review: Quá trình kiểm thử không chính thức, các tài liệu kỹ thuật sẽ được xem xét.
  • Walk-through: Phương pháp chia sẻ thông tin, hướng dẫn, giải thích, chuyển giao thông tin, được tổ chức thành một buổi họp để ghi chép, lưu trữ thông tin. Test case này giúp những người tham gia quá trình kiểm thử phần mềm và phát hiện lỗi. 
  • Technical review: Phương pháp kiểm thử tập trung đánh giá và thảo luận phần kỹ thuật của ứng dụng. Thông qua đó để đưa ra phương hướng giải quyết, sửa lỗi hoặc thay thế kỹ thuật để tối ưu ứng dụng, phần mềm.
  • Inspection: Phương pháp kiểm thử nhằm xác định những khiếm khuyết còn tồn tại. 

2. Dynamic Testing Technique (Kỹ thuật Test case động)

Kỹ thuật test case động là phương pháp kiểm thử phần mềm được thực hiện bằng cách chạy và tương tác với phần mềm đang hoạt động. Trong quá trình kiểm thử này, các nhà kiểm thử cung cấp dữ liệu đầu vào, thực hiện các hành động trên phần mềm và quan sát hành vi, đầu ra của phần mềm để kiểm tra.

Các kỹ thuật test case động gồm 3 nhóm chính:

Specification-based (Kiểm thử dựa trên đặc điểm)

Kỹ thuật này tập trung vào các yếu tố như cách thiết kế, cách vận hành bên ngoài,… Tester có thể tiến hành kiểm thử mà không tác động vào cấu trúc bên trong phần mềm. Các kỹ thuật thuộc nhóm này bao gồm:

Phân vùng tương đương (Equivalence Partitioning): Được sử dụng để chia dữ liệu đầu vào thành các nhóm tương đương, trong đó mỗi nhóm có cùng hành vi đối với phần mềm. Việc phân chia dữ liệu đầu vào giúp giảm thiểu số lượng trường hợp kiểm thử mà vẫn đảm bảo độ bao phủ cao.

Phân tích giá trị biên (Boundary Value Analysis): Tập trung vào việc thiết kế các trường hợp kiểm thử dựa trên các giá trị nằm ở ranh giới của miền dữ liệu đầu vào hoặc đầu ra của phần mềm. 

Bảng quyết định (Decision Table Testing): Kỹ thuật này được thực hiện nếu đầu vào chứa nhiều điều kiện, đầu ra chứa nhiều hành động. Nhờ đó, tiết kiệm thời gian chạy thử nhưng vẫn có thể bao quát toàn bộ đầu ra và đầu vào.

Chuyển đổi trạng thái (State Transition Testing): Tập trung  thay đổi điều kiện đầu vào để đánh giá cách thức phản hồi của hệ thống và thay đổi trạng thái phần mềm.

Trường hợp sử dụng (Use cases Testing): Kỹ thuật kiểm thử phần mềm chức năng (functional testing), tập trung vào việc xác nhận xem phần mềm có thực hiện được các tác vụ và chức năng được yêu cầu hay không, mô phỏng các kịch bản sử dụng thực tế.

Structure-based (Kiểm thử cấu trúc)

Đây là kỹ thuật kiểm thử phần mềm tập trung vào cấu trúc bên trong của phần mềm, bao gồm mã nguồn, luồng điều khiển, luồng dữ liệu,…. Những kỹ thuật cụ thể thuộc nhóm này gồm có:

Kiểm thử câu lệnh (Statement testing): Được dùng để đảm bảo tất cả các câu lệnh trong mã nguồn được thực thi ít nhất một lần.

Kiểm thử quyết định (Decision testing): Được dùng để kiểm tra có câu lệnh nào trong chương trình không thể truy cập.

Kiểm thử điều kiện (Condition testing): Được dùng để kiểm tra tất cả các điều kiện trong phần mềm được kiểm tra đầy đủ.

Kiểm thử đa điều kiện (Multiple condition testing): Được mở rộng dựa trên Condition Testing, thay vì chỉ tập trung vào việc kiểm tra từng điều kiện riêng lẻ, Multiple Condition Testing kiểm tra tất cả các kết hợp có thể của nhiều điều kiện cùng lúc.

Experience-based (Kiểm thử dựa trên kiến thức, kinh nghiệm và năng lực của Tester)

Kỹ thuật này bao gồm:

Kiểm thử thăm dò (Exploratory testing): Kỹ thuật kiểm thử phần mềm tập trung vào việc khám phá, học hỏi hệ thống, thiết kế và thực hiện các trường hợp kiểm thử tự do. Tester sẽ vừa thăm dò phần mềm, vừa thiết kế và hoàn thiện hiện quá trình kiểm thử. Quá trình này không diễn ra theo các bước cụ thể mà thay đổi theo kinh nghiệm của từng Tester.

Phỏng đoán lỗi (Error guessing): Kỹ thuật này dựa trên kinh nghiệm của Tester để dự đoán các vị trí có khả năng xảy ra lỗi trong phần mềm.

Cách viết Test case chất lượng

test case là gì
Làm thế nào để viết Test case chất lượng?

1. Xác định mục đích: Tester cần tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của khách hàng để đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể cho test case.

2. Xác định hiệu suất: Tester phải am hiểu lập trình để xác định chức năng, dữ liệu, thành phần trong module đang test tương tác như thế nào. Dựa vào đó, Tester tiến hành tính toán hiệu suất kiểm thử.

3. Xác định yêu cầu phi chức năng: Ngoài các yêu cầu về phần cứng, Tester cần liệt kê các yêu cầu phi chức năng và tiến hành kiểm thử.

4. Xác định biểu mẫu: Mỗi phần mềm sẽ có biểu mẫu Testing khác nhau, do đó, Tester cần đảm bảo biểu mẫu chứa các yếu tố quan trọng như giao diện người dùng (UI), các chức năng, khả năng tương thích và hiệu suất phần mềm.

5. Xác định tương tác giữa các module: Tester cần hiểu rõ cách tương tác của các module để tối ưu quá trình test và đảm bảo Test case bao quát toàn bộ các module liên kết.

Kết luận

Việc sử dụng Test case hiệu quả giúp các công ty công nghệ giảm thiểu rủi ro lỗi phần mềm, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu người dùng. Hy vọng bài viết trên của Vieclam24h.vn đã giúp bạn đọc hiểu rõ Test case là gì và những kỹ thuật Test case phổ biến hiện nay. Chúc bạn thành công. 

Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.

Xem thêm: Tester là gì? Nên trang bị những kỹ năng gì để trở thành Tester ưu tú?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục