Ghen tị, đố kỵ là cảm xúc tự nhiên của con người và không hiếm khi bắt gặp điều này ở chốn công sở. Khi bạn đạt thành tích tốt, được khen ngợi hay đơn giản là bạn được nhiều người yêu mến, bạn rất dễ bị những người xung quanh ghen tị. Vậy bạn sẽ làm gì khi đồng nghiệp đố kỵ, ứng xử như thế nào để vừa có mối quan hệ tốt đẹp lại vừa thoải mái là chính mình ở nơi làm việc? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá tuyệt chiêu “chuyển thù thành bạn” ở bài viết dưới đây.
Dấu hiệu đồng nghiệp đố kỵ với bạn
Trước khi trả lời câu hỏi “làm gì khi đồng nghiệp đố kỵ?” hãy cùng điểm qua những dấu hiệu thể hiện bạn đang nhận được “sự quan tâm đặc biệt” ở nơi làm việc.
Nếu bạn tự cảm nhận được có điều gì không ổn khi ở gần đồng nghiệp nhưng lại không thể hiểu điều đó là gì, hãy tham khảo những dấu hiệu dưới đây để nhận biết có phải là sự đố kỵ hay không:
Họ không bao giờ ăn mừng thành công của bạn
Đây là “red flag” khá rõ ràng của sự đố kỵ. Cảm giác không an toàn là nguyên dân dẫn đến ghen tị. Vì họ thiếu tự tin vào khả năng của chính mình để đạt được thành quả như bạn nên dễ dẫn đến việc đố kỵ và muốn hạ bệ bạn. Họ thường:
– Coi thường thành tích.
– Thiếu lời chúc mừng hoặc chúc mừng giả tạo.
– Châm biếm hoặc đưa ra những bình luận chỉ trích.
Làm gì khi đồng nghiệp đố kỵ, luôn phản ứng tiêu cực với ý tưởng của bạn
Phản hồi về các ý tưởng là điều cần thiết để tăng cường tương tác và đạt hiệu quả công việc cao hơn. Nhưng nếu đồng nghiệp liên tục chỉ ra lỗ hổng trong các đề xuất của bạn cùng thái độ không thiện chí thì có thể họ đang cố làm lu mờ ý tưởng của bạn để khiến bạn bị coi thường trước mặt mọi người.
Họ phá hoại và cản trở bạn
Khi đồng nghiệp ghen tị với bạn, họ thường cố tình không cung cấp thông tin quan trọng mà bạn cần để hoàn thành công việc. Họ cũng từ chối giúp đỡ hoặc hỗ trợ bạn. Nếu họ là người kiểm soát khối lượng công việc của bạn, có 2 trường hợp xảy ra. Một là giao cho bạn nhiệm vụ quá dễ để cản trở việc bạn phát huy năng lực của mình. Hai là giao nhiệm vụ quá khó nhằm khiến bạn trông tệ hơn khi mắc lỗi hay yêu cầu trợ giúp.
Làm gì khi đồng nghiệp đố kỵ, cô lập bạn
Bắt đầu từ việc thường né tránh, phớt lờ những gì bạn nói cho đến loại trừ bạn ra khỏi các sự kiện của tập thể. Những hành vi này nhằm hạ thấp bạn hoặc tạo ấn tượng không tốt của người khác về bạn.
Xem thêm: 3 yếu tố hình thành tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bạn
Họ phàn nàn, tỏ ra không hài lòng và cho rằng bạn được ưu ái
Bản chất của sự đố kỵ là cảm giác rằng ai đó đang được ưu ái còn họ thì không. Đối với họ, bất kỳ điều gì bạn có được đều là cái gai trong mắt, chẳng hạn như được phê duyệt nghỉ phép nhiều ngày, tăng lương, thăng chức, tuyên dương,…
Làm gì khi đồng nghiệp đố kỵ khi họ nói xấu, tung tin đồn về bạn
Khi họ không thể kiểm soát được sự đố kỵ, họ sẽ bắt đầu những hành vi không tốt như bình luận ác ý sau lưng bạn, tung tin đồn, phàn nàn với quản lý về bạn nhằm khiến bạn mất danh tiếng và đau khổ.
Ngôn ngữ cơ thể của họ thay đổi khi tiếp xúc với bạn
Hầu hết mọi người đều học cách che giấu sự ghen tị ở nơi làm việc, nhưng “giấy không bọc được lửa”, một khi khối năng lượng tiêu cực đó quá lớn, họ sẽ vô thức để lộ sự đố kỵ thông qua ngôn ngữ cơ thể. Bạn có thể nhận thấy những thay đổi về nét mặt, giao tiếp bằng mắt và cử chỉ của đồng nghiệp khi bạn ở cùng một không gian với họ. Chẳng hạn như cơ chế phòng thủ với biểu hiện khoanh tay, quay lưng với bạn hay ngả người về sau cho thấy họ đang cố gắng kiểm soát những cảm xúc tiêu cực. Còn việc giao tiếp bằng mắt không thoải mái, nắm chặt tay, siết quai hàm hoặc tiến lại quá gần cũng có thể là biểu hiện của sự tức giận và ghen tỵ.
Xem thêm: Sống là chính mình để bảo vệ bản thân khỏi năng lượng tiêu cực ở nơi làm việc
Làm gì khi đồng nghiệp đố kỵ? 6 cách xử lý tình huống chuyên nghiệp
Nếu nghĩ theo hướng tích cực, việc bị đố kỵ hẳn là một lời khen vì họ cảm thấy bạn xuất sắc. Tuy nhiên là người trực tiếp phải đón nhận sự tiêu cực từ những hành vi không tốt, đặc biệt là ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, bạn cần phải đối phó và xử lý tình huống để tránh có hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. Vậy làm gì khi đồng nghiệp đố kỵ? Dưới đây là một số cách để đối phó với sự ganh tị ở nơi làm việc:
Hiểu bản chất của sự đố kỵ
Thật ra ganh tỵ chỉ là vỏ bọc của cảm giác bất an, sợ hãi và xấu hổ. Đồng nghiệp đố kỵ với bạn vì sợ rằng họ sẽ bị mất địa vị, bị “cướp” những cơ hội quan trọng hoặc thậm chí mất việc. Họ cũng có thể tức giận vì bạn đã vô tình khơi dậy những cảm xúc tiêu cực này. Khi thật sự hiểu được bản chất của đố kỵ dưới góc độ tâm lý sẽ giúp bạn đồng cảm hơn và tiếp cận vấn đề nhẹ nhàng hơn.
Tán dương đồng nghiệp công khai
Trước khi tán dương họ, bạn hãy tìm hiểu những điểm mạnh, lý tưởng, đam mê của họ. Điều này sẽ làm tăng hiệu quả của lời khen ngợi, đồng thời cũng để họ cảm nhận được sự chân thành của bạn. Ví dụ như “tôi rất ngưỡng mộ sự can đảm của bạn khi chấp nhận một dự án khó như vậy” hay “kinh nghiệm của bạn là điều mà tôi ao ước, bạn có thể sẵn lòng chia sẻ với tôi không?” Hãy tập trung vào các khía cạnh mà họ được đánh giá cao đồng thời tìm cách nhờ tư vấn để họ cảm thấy có giá trị và hữu ích.
Chia sẻ về những điều chưa tốt của bản thân
Việc cởi mở hơn với những sai lầm hay những khoảnh khắc đáng xấu hổ của bản thân là cách bạn thể hiện sự khiêm tốn, khi đó đồng nghiệp có thể cảm thấy bạn cũng không hề hoàn hảo và không cần phải hạ bệ hay xúc phạm bạn nữa.
Ngoài ra, chia sẻ bài học, kinh nghiệm từ thất bại cũng là cách để mọi người thấy thành công của bạn ở hiện tại không chỉ là may mắn và góp phần thúc đẩy, truyền cảm hứng để đồng nghiệp tập trung vào bản thân nhiều hơn thay vì đố kỵ với bạn.
Tuy nhiên cần lưu ý không chia sẻ những sai sót hay thất bại nghiêm trọng dễ gây ảnh hưởng đến bạn. Vì rất có thể người đồng nghiệp đố kỵ sẽ lợi dụng chia sẻ này để chống lại bạn.
Xem thêm: Cẩm nang sinh tồn chốn công sở từ A-Z giúp bạn thoát khỏi vòng vây drama!
Trao đổi trực tiếp với họ
Hãy cân nhắc nói chuyện riêng với đồng nghiệp ngay khi bạn và họ sẵn sàng đối mặt trực tiếp. Bằng cách lắng nghe tích cực với thái độ chân thành, nghiêm túc bạn sẽ tiếp cận vấn đề nhẹ nhàng hơn. Khi đó thay vì cố gắng giải quyết mọi “ân oán” cùng một lúc, bạn nên tập trung vào một tình huống cụ thể. Ví dụ như “tôi nhận thấy rằng khi tôi chia sẻ ý tưởng, đôi khi bạn phản hồi khá gay gắt.”
Nếu họ tỏ thái độ phối hợp và tiếp thu những gì bạn nói, bạn có thể thăm dò một cách tinh tế để tìm ra nguyên nhân chính khiến họ không ưa gì bạn. Sau đó, nhẹ nhàng đề cập đến việc liệu họ có thể thay đổi hành vi như thỏa thuận không loại trừ bạn ra khỏi hoạt động tập thể hay không chỉ trích bạn nặng nề trong cuộc họp lần tới. Nếu mọi thứ suôn sẻ, thậm chí bạn còn có thể kết thúc với mối quan hệ bạn bè mới.
Trao đổi với sếp của bạn
Ý tưởng này nên được áp dụng khi bạn tin tưởng sếp của mình. Hãy trình bày vấn đề thật chuyên nghiệp, khách quan và rõ ràng rằng bạn hướng tới việc vun đắp một mối quan hệ tích cực chứ không phải để sếp đứng ra phân giải trong cuộc tranh chấp tại nơi làm việc. Sau đó sếp của bạn có thể nói chuyện với đồng nghiệp để làm dịu nỗi sợ hoặc tìm ra nguyên nhân thật sự của sự đố kỵ và giải quyết vấn đề. Ngoài ra, người quản lý cũng có thể thực hiện các thay đổi về cấu trúc để tạo ra môi trường làm việc tích cực hơn.
Xem thêm: 4 cách giúp bạn đánh giá văn hóa công ty mới ngay từ ngày đầu đi làm
Đừng cố làm lu mờ bản thân để đổi lấy sự thoải mái của người khác
Các mối quan hệ tích cực là điều cần thiết cho cả sức khỏe tinh thần của bạn và hoạt động chung của tổ chức, vì làm tăng sự hài lòng trong công việc và hỗ trợ bạn thành công hơn. Tuy nhiên sự cố gắng của một người là chưa đủ để cải thiện một mối quan hệ. Khi bạn đã nỗ lực hết sức từ việc luôn tập trung vào công việc, khiêm tốn cho đến luôn tử tế, giúp đỡ mọi người chân thành nhưng vẫn không thể hóa giải được sự đố kỵ của họ, bạn có quyền tiếp tục trở nên xuất sắc và thăng tiến hơn. Không nên vì một cá nhân không đáng mà cản trở sự phát triển bản thân.
Cuối cùng, trong trường hợp xấu nhất là môi trường làm việc thực sự độc hại, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và vượt qua sức chịu đựng của bạn, đừng ngần ngại dứt áo ra đi để tìm bến bờ tốt đẹp hơn.
Với những chia sẻ trên, hy vọng rằng “làm gì khi đồng nghiệp đố kỵ” không còn là vấn đề khó với bạn đọc. Học cách đón nhận và giải quyết những khó khăn, thử thách là cách giúp chúng ta trưởng thành, vững vàng để thành công hơn. Việc Làm 24h luôn đồng hành cùng bạn trên con đường phát triển bản thân và sự nghiệp với những chia sẻ về cuộc sống công sở đầy thú vị, hữu ích. Hãy cùng theo dõi và đón đọc mỗi ngày nhé!
Xem thêm: Cách giành lại spotlight khi bị đồng nghiệp cướp công