Tư duy ngược: Tạo chất riêng khác biệt hay hành động chống đối đám đông?

Bán tủ lạnh ở Bắc Cực hay bán lược cho sư là những câu chuyện điển hình về nghệ thuật tư duy ngược dòng mà hầu như ai cũng từng nghe qua. Giữa một đám đông có cùng cách suy nghĩ, hành động nhưng lại có một vài cá nhân làm khác đi, vượt qua định kiến để bứt phá. Nhưng nếu đặt trong một ngữ cảnh khác, khi tham gia giao thông ở đường một chiều lại xuất hiện ai đó đang đi về hướng ngược lại thì khả năng cao họ sẽ bị “tuýt còi”. Vậy liệu tư duy ngược có phải lúc nào cũng tạo nên sự khác biệt theo hướng tích cực như truyền thông ca tụng? Cùng Việc Làm 24h tìm hiểu sâu hơn về tư duy ngược qua bài viết dưới đây.

Tư duy ngược là gì?

Tư duy ngược là cách suy nghĩ về các vấn đề theo hướng ngược lại, khác với lối tiếp cận thông thường để đưa ra giải pháp hoặc quyết định. Thay vì bắt đầu từ kết quả mong muốn hay tình huống hiện tại và tiến về phía trước, bạn sẽ bắt đầu từ tình huống xấu nhất hoặc đặt vấn đề ngược lại với điều mình mong muốn. 

Lối tư duy này sẽ giúp bạn khám phá những giả định, thành kiến, trở ngại, rủi ro và lỗ hổng tiềm ẩn trong cách tiếp cận hiện tại của mình. Sau đó, biến chúng thành các giải pháp tích cực.

tư duy ngược
Tư duy ngược đặc biệt hữu ích khi giải quyết một vấn đề đã được tiếp cận từ các góc độ truyền thống và chưa tìm ra được giải pháp nào.

Ví dụ bạn muốn có cuộc sống đơn giản hơn, thoải mái hơn. Thay vì suy nghĩ về cách làm thế nào để có được điều này thì bạn có thể áp dụng tư duy ngược đó là “làm cách nào để cuộc sống trở nên phức tạp, căng thẳng hơn?”. Khi đó bạn sẽ dễ dàng nhận ra những vấn đề nào làm bạn cảm thấy mệt mỏi. Hoặc sau khi liệt kê ra những điều khiến cuộc sống căng thẳng, bạn bỗng nhận ra chúng đang không hề tồn tại. Từ đó bạn sẽ hài lòng và yêu cuộc sống của mình hơn. 

Tương tự, tư duy ngược của vấn đề “làm thế nào tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn” là “làm thế nào để lãng phí tiền và khiến tôi trở nên nghèo nàn?”.

Tư duy ngược có thể giúp bạn thoát ra khỏi lối suy nghĩ cứng nhắc, vượt qua định kiến và tìm ra những giải pháp sáng tạo. Chính vì lợi ích và số đông không làm được mà tư duy ngược được ca tụng, thậm chí không ít nhân viên bị sếp phàn nàn vì không có lối tư duy này. Ngay lúc này hãy thử lật ngược lại vấn đề và cùng xem xét ưu nhược điểm của tư duy ngược để có góc nhìn khách quan hơn.

Ưu điểm của tư duy ngược

Tư duy ngược có những lợi thế so với các phương pháp tiếp cận truyền thống như:

– Khuyến khích khả năng sáng tạo: Bạn sẽ khám phá những giải pháp bất ngờ mà bạn có thể chưa từng nghĩ tới với lối tiếp cận mới.

– Giúp xác định nguyên nhân gốc rễ: Trong nhiều trường hợp nhờ lối tư duy ngược bạn có thể xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Điều này sẽ giúp phát triển các giải pháp hiệu quả.

– Tạo ra nhiều giải pháp: Bằng cách bắt đầu với những kết quả tiêu cực, bạn sẽ lật ngược lại vấn đề và tìm ra nhiều giải pháp tích cực mà mình chưa nhận ra trong cách tiếp cận truyền thống.

– Thúc đẩy tinh thần đồng đội: Khi làm việc nhóm, các thành viên trong có thể xây dựng ý tưởng bằng những cách tiếp cận khác nhau mang đến góc nhìn đa chiều.

Xem thêm: Bật mí 6 cách sáng tạo trong công việc giúp mỗi ngày đi làm là một ngày vui

tư duy ngược
Tư duy ngược khuyến khích khả năng sáng tạo của bộ não.

Nhược điểm của tư duy ngược

Mặc dù tư duy ngược có nhiều ưu điểm nhưng thực ra cũng tồn tại những nhược điểm tiềm ẩn như:

– Tốn thời gian: Tư duy này đòi hỏi thời gian, công sức để xác định các kết quả tiêu cực và biến chúng thành giải pháp tích cực. Quá trình này cần thời gian là vì phải lặp lại nhiều lần trước khi đạt được giải pháp khả thi.

– Tạo ra những ý tưởng phi thực tế: Bởi tư duy ngược khuyến khích bạn suy nghĩ theo cách khác thường nên có thể tạo ra ý tưởng không thực tế hoặc không khả thi.

– Không hiệu quả với mọi vấn đề: Tư duy ngược có thể hiệu quả với những vấn đề mà giải pháp truyền thống không xử lý được. Tuy nhiên lại bộc lộ điểm yếu với những vấn đề đơn giản.

– Đòi hỏi khả năng sáng tạo: Tư duy ngược đòi hỏi một mức độ sáng tạo và đổi mới nhất định để đạt hiệu quả. Do đó, một số cá nhân có thể gặp khó khăn với cách tiếp cận này.

Xem thêm: Bạn thuộc nhóm nào trong 8 phong cách sáng tạo Creative Type Test?

tư duy ngược
Tư duy ngược cũng có lúc phản tác dụng và đưa bạn đến những giải pháp không khả thi.

Cách để áp dụng nghệ thuật tư duy ngược vào công việc và cuộc sống

Tư duy ngược nhằm mục đích tạo ra những ý tưởng độc đáo cùng giải pháp hiệu quả. Nếu bạn là người mới và chưa biết bắt đầu từ đâu thì có thể tham khảo những bước dưới đây:

– Xác định vấn đề: Cần hiểu rõ vấn đề bạn muốn giải quyết ngay lúc này là gì. Chẳng hạn như thử thách trong việc thực thi chiến lược, xử lý vấn đề nan giải mà khách hàng gặp phải hoặc vấn đề cá nhân.

– Xác định các kết quả tiêu cực: Nghĩ ra các cách theo hướng tiêu cực, tồi tệ hơn. Ở bước này, bạn nên ghi kết quả ra giấy, càng nhiều càng tốt.

– Phân tích: tiếp đến là xem xét các kết quả tiêu cực trên và xác định nguyên nhân cơ bản. Hãy đặt những câu hỏi như “điều gì khiến kết quả này xảy ra”, “những yếu tố nào đang góp phần gây ra vấn đề này?”

– Biến kết quả tiêu cực thành giải pháp tích cực: Khi đã xác định được nguyên nhân cốt lõi của vấn đề, bạn hãy chuyển từng tác động tiêu cực thành giải pháp tích cực. Bằng cách đặt câu hỏi như “trái ngược với kết quả tiêu cực này là gì?”, “làm thế nào để có thể ngăn chặn những điều tiêu cực đó xảy ra?”

– Đánh giá và ưu tiên các giải pháp: rà soát lại danh sách các giải pháp đưa ra, sau đó đánh giá tính khả thi, chi phí cũng như tác động tiềm ẩn của chúng. Tiêu chí để ưu tiên các giải pháp là tầm quan trọng và nguồn lực sẵn có.

– Hành động: Khi đã xác định được các giải pháp hứa hẹn nhất, hãy bắt tay thực hiện. Lên kế hoạch, đặt ra thời hạn và theo dõi tiến độ để đảm bảo giải pháp được triển khai hiệu quả.

tư duy ngược
Tốt nhất là nên viết ra những suy nghĩ để dễ dàng xem xét hơn.

Ví dụ về tư duy ngược

Những câu chuyện về tư duy ngược và ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nghệ thuật tiếp cận vấn đề này:

1. Câu chuyện về tư duy ngược của Tư Mã Quang

Tư Mã Quang là quan lại thời nhà Tống ở Trung Quốc. Thuở nhỏ, khi ông đang chơi đùa cùng với những đứa trẻ khác thì bỗng có một cậu bé rơi xuống bể nước. Tất cả bọn trẻ đều hoảng sợ bỏ chạy ngoại trừ Tư Mã Quang. Ông đã dùng một cục đá ra sức đập bể nước và cứu được cậu bé kia. Thông thường, để cứu người rơi xuống nước chúng ta sẽ nhảy xuống và đưa họ lên khỏi mặt nước. Nhưng trong trường hợp này, Tư Mã Quang đã chọn “cách ly” cậu bé với nước và nhờ đó đã cứu được người bạn của mình.

2. Quy trình làm việc của nhà máy

Trước đây, công nhân trong nhà máy thường di chuyển xung quanh máy móc để hoàn thành công việc. Điều này tốn nhiều công sức, thời gian dẫn đến hiệu quả thấp. Dựa trên vấn đề hiện tại, quy trình làm việc đã được thay đổi. Đó là công nhân sẽ làm việc cố định và máy móc sẽ tự hoạt động quanh họ. Việc sử dụng tư duy ngược và sự thay đổi này đã phát triển khái niệm về dây chuyền lắp ráp, từ đó hiệu quả được cải thiện đáng kể.

tư duy ngược
Khái niệm về dây chuyền lắp ráp là kết quả của tư duy ngược về quy trình làm việc trong nhà máy thời xưa.

3. Cải thiện dịch vụ khách hàng

Giả sử công ty bạn nhận nhiều lời phàn nàn về dịch vụ khách hàng. Trong cuộc họp bàn về vấn đề này, bạn có thể đưa ra những ý tưởng khiến trải nghiệm của khách hàng trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn như không phản hồi, cung cấp thông tin không chính xác hoặc thô lỗ. Sau đó, những kết quả tiêu cực này sẽ được đảo ngược nhằm tạo ra các giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề. Ví dụ như cải thiện thời gian phản hồi, đào tạo nhân viên cách đưa thông tin chính xác, thúc đẩy văn hóa đồng cảm và tôn trọng.

4. Cải thiện tinh thần đồng đội

Nếu một nhóm đang gặp khó khăn trong việc hợp tác hiệu quả, hãy thử sử dụng tư duy ngược để xác định cách làm trầm trọng thêm vấn đề, bao gồm việc giữ kín thông tin, từ chối hợp tác, chỉ trích các thành viên công khai. Khi những kết quả tiêu cực này đã được xác định, chúng có thể được đảo ngược để tạo ra các giải pháp tích cực. Chẳng hạn như khuyến khích kỹ năng giao tiếp cởi mở, đặt ra những kỳ vọng rõ ràng và thực hiện các hoạt động xây dựng nhóm.

tư duy ngược
Tư duy ngược cũng được áp dụng để phát huy tinh thần gắn kết khi làm việc nhóm.

Tư duy ngược là một công cụ có giá trị để mỗi cá nhân tiếp cận vấn đề từ góc nhìn mới mẻ, phá vỡ các định kiến hiện có và kích thích tư duy mới. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt. Không phải lúc nào tư duy ngược cũng phát huy tác dụng và cần nhiều trải nghiệm để hiểu cặn kẽ. Qua bài viết trên, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng đã mang đến bạn đọc một góc nhìn mới về tư duy ngược, chúc các bạn sẽ áp dụng và phát huy thành công lối tư duy này trong công việc và cuộc sống.

Xem thêm: Làm chủ tiền bạc với 3 phương pháp quản lý tài chính cá nhân cực hiệu quả

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục