Vòng quay vốn lưu động là một khái niệm quan trọng trong quản lý tài chính doanh nghiệp, nhằm đo lường hiệu quả sử dụng vốn lưu động để tạo ra doanh thu. Việc hiểu và quản lý tốt vòng quay không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa dòng tiền, mà còn nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo hoạt động liên tục. Vòng quay vốn lưu động là gì? Công thức tính ra sao? Làm thế nào quản lý hiệu quả? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h.
Vòng quay vốn lưu động là gì?
Vòng quay vốn lưu động hay chu kỳ vòng quay vốn, là chỉ số đo lường hiệu quả sử dụng vốn lưu động. Vốn lưu động là phần vốn ngắn hạn được sử dụng để mua sắm nguyên vật liệu, trả lương, thanh toán các chi phí hoạt động hàng ngày. Vòng quay thể hiện số lần vốn lưu động của doanh nghiệp được luân chuyển trong một kỳ kinh doanh.
Chỉ số giúp doanh nghiệp đánh giá khả năng sử dụng vốn lưu động để tạo ra doanh thu. Vòng quay vốn lưu động cao cho thấy doanh nghiệp đang quản lý vốn lưu động hiệu quả, trong khi vòng quay vốn lưu động thấp có thể do vốn lưu động đang sử dụng không hiệu quả hoặc lãng phí.
Cách tính vòng quay vốn lưu động
Công thức tính vòng quay vốn lưu động như sau:
Vòng quay vốn lưu động = Doanh thu thuần / Vốn lưu động bình quân |
Trong đó:
- Doanh thu thuần: Tổng doanh thu doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh sau khi trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu.
- Vốn lưu động bình quân: Giá trị trung bình của tài sản và nợ ngắn hạn.
Ví dụ: Công ty ABC hoạt động trong lĩnh vực sản xuất có các thông tin tài chính.
(đơn vị: tỷ đồng)
- Doanh thu thuần: 30.500
- Tài sản ngắn hạn đầu kỳ: 7.200
- Nợ ngắn hạn đầu kỳ: 6.500
- Tài sản ngắn hạn cuối kỳ: 9.800
- Nợ ngắn hạn cuối kỳ: 8.900
Ta có:
Vốn lưu động đầu kỳ = Tài sản ngắn hạn đầu kỳ – Nợ ngắn hạn đầu kỳ = 7.200 – 6.500 = 700
Vốn lưu động cuối kỳ = Tài sản ngắn hạn cuối kỳ – Nợ ngắn hạn cuối kỳ = 9.800 – 8.900 = 900
Vốn lưu động bình quân = (700 + 900) / 2 = 800
Vòng quay vốn lưu động = Doanh thu thuần / Vốn lưu động bình quân = 30.500 / 800 = 38,125 vòng
Vòng quay vốn lưu động của công ty ABC là 38,125 vòng. Điều này cho thấy công ty ABC đã sử dụng vốn lưu động hiệu quả để tạo ra doanh thu.
Ý nghĩa vòng quay vốn lưu động
Chỉ số cung cấp thông tin quan trọng về hiệu quả quản lý tài chính của doanh nghiệp, thể hiện ở 3 khía cạnh chính:
Hiệu quả sử dụng vốn: Chỉ số này cho thấy mức độ sử dụng vốn lưu động để tạo ra doanh thu của doanh nghiệp. Vòng quay vốn lưu động cao cho thấy doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư và nợ ngắn hạn hiệu quả cho các hoạt động kinh doanh. Ngược lại, chỉ số thấp chỉ ra sự lãng phí hoặc quản lý kém hiệu quả, có thể khiến doanh nghiệp mang nợ và dư hàng tồn.
Khả năng thanh khoản: Vòng quay vốn lưu động cao thường đi kèm với khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn tốt, dễ dàng chuyển đổi tài sản ngắn hạn thành tiền mặt để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Nhờ đó giúp doanh nghiệp duy trì tài chính ổn định và giảm thiểu rủi ro.
Quản lý tồn kho: Chỉ số còn phản ánh hiệu quả quản lý tồn kho, chỉ số vòng quay cao cho thấy hàng hóa được luân chuyển nhanh, giảm nguy cơ tồn kho của doanh nghiệp. Ngược lại, vòng quay thấp cho thấy doanh nghiệp đang giữ quá nhiều hàng tồn kho, dẫn đến lãng phí vốn và chi phí lưu kho cao.
Vòng quay là chỉ số quan trọng trong phân tích hiệu suất tài chính tổng thể để doanh nghiệp. Dựa vào chỉ số, chủ doanh nghiệp hoặc nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định chiến lược, cải thiện quy trình quản lý và tối ưu hoạt động kinh doanh.
Vòng quay cung cấp công cụ hữu ích để so sánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp nhận biết vị thế trên thị trường và đưa ra các chiến lược phát triển bền vững, đạt được mục tiêu kinh doanh.
Cách quản lý vòng quay vốn lưu động hiệu quả
Quản lý vòng quay hiệu quả giúp doanh nghiệp đảm bảo hoạt động kinh doanh được diễn ra liên tục. Dưới đây là một số chiến lược quản lý hiệu quả:
Xây dựng quỹ dự phòng vốn
Khi doanh nghiệp phát triển, nhu cầu về vốn lưu động cũng tăng theo. Dành ra một khoản vốn dự phòng là nhiệm vụ quan trọng để điều hành doanh nghiệp. Hãy thiết lập các quỹ dự phòng trong ngân sách để có thể sử dụng khi cần thiết. Các quỹ dự phòng này có thể đến từ lợi nhuận tái đầu tư, tăng vốn cổ phần hay nợ mạo hiểm dài hạn. Việc này giúp doanh nghiệp quản lý tài chính linh hoạt và duy trì hoạt động ngay cả khi gặp khó khăn.
Quản lý hàng tồn kho hợp lý
Doanh nghiệp có thể tối ưu mức tồn kho bằng cách theo dõi, kiểm soát và duy trì mức tồn kho hợp lý, tránh để tồn kho quá nhiều gây ứ đọng vốn. Đảm bảo hàng hóa được luân chuyển liên tục, giảm nguy cơ hàng tồn kho lỗi thời hoặc hư hỏng.
Quản lý các khoản phải thu
Doanh nghiệp nên thiết lập các chính sách thu hồi nợ hiệu quả, chẳng hạn như áp dụng chiết khấu cho các khách hàng thanh toán sớm hoặc thiết lập các điều khoản thanh toán rõ ràng và nghiêm ngặt hơn. Việc theo dõi sát sao các khoản phải thu giúp doanh nghiệp xử lý các khoản nợ quá hạn nhanh chóng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể bao thanh toán các khoản phải thu, đây là phương pháp doanh nghiệp bán các khoản phải thu cho ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính để nhận tiền mặt ngay lập tức. Mặc dù phương pháp này có thể tốn kém do chi phí bao thanh toán (khoảng 2%), nhưng giúp doanh nghiệp tăng dòng tiền để duy trì hoạt động kinh doanh.
Quản lý các khoản phải trả – phải thu
Doanh nghiệp có thể tận dụng điều khoản thanh toán từ nhà cung cấp và tiến hành đàm phán để kéo dài thời gian thanh toán, tối ưu dòng tiền. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đảm bảo thanh toán đúng hạn để duy trì mối quan hệ tốt với nhà cung cấp và tránh các khoản phạt phát sinh. Doanh nghiệp có thể lập kế hoạch thanh toán chi tiết, quản lý các khoản phải trả và ưu tiên thanh toán các khoản nợ quan trọng, có mức lãi suất cao trước.
Đối với các khoản phải thu, doanh nghiệp nên thiết lập chính sách thu hồi nợ rõ ràng, chẳng hạn như khuyến khích khách hàng thanh toán sớm bằng cách cung cấp chiết khấu hợp lý. Đồng thời, đàm phán với nhà cung cấp để có điều khoản thanh toán linh hoạt hơn, kéo dài thời gian thanh toán nhằm tối ưu hóa dòng tiền.
Thiết lập hạn mức tín dụng
Doanh nghiệp nên có một hạn mức tín dụng khả dụng để sử dụng khi cần thiết, đây là công cụ tài chính cho phép doanh nghiệp rút vốn để thanh toán các chi phí hoạt động và chỉ trả lãi suất cho số tiền đã sử dụng.
Cải thiện quy trình sản xuất và kinh doanh
Muốn sử dụng hiệu quả chỉ số, doanh nghiệp nên cải thiện quy trình sản xuất để giảm chi phí và thời gian sản xuất. Doanh nghiệp có thể sử dụng các công nghệ hiện đại và phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả để tăng cường năng suất. Nhờ đó, cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất để thúc đẩy mối quan hệ với khách hàng, giảm thời gian thu hồi công nợ và thúc đẩy doanh thu.
Đánh giá và điều chỉnh chiến lược kinh doanh
Thường xuyên theo dõi và đánh giá chỉ số giúp doanh nghiệp phát hiện các vấn đề phát sinh và điều chỉnh kịp thời. Dựa trên các kết quả đánh giá, doanh nghiệp cần biết nên điều chỉnh chiến lược kinh doanh như thế nào phù hợp để tối ưu quản lý vòng quay và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Kết luận
Quản lý vòng quay vốn lưu động hiệu quả là chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động kinh doanh và duy trì tài chính ổn định. Hy vọng bài viết trên của Vieclam24h.vn đã giúp bạn đọc hiểu rõ ý nghĩa và cách tính vòng quay vốn lưu động. Chúc bạn thành công!
Đồng thời, để tăng cường khả năng thành công, ứng viên cần chú trọng đến việc xây dựng một CV chất lượng, hấp dẫn nhà tuyển dụng. Đừng quên rằng Vieclam24h.vn cũng cung cấp công cụ tạo CV online với nhiều mẫu template đa dạng, giúp ứng viên dễ dàng tạo ra CV chuyên nghiệp và nhanh chóng, giúp họ kết nối hiệu quả với doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Xem thêm: Vốn lưu động là gì? Công thức tính và quản lý vốn lưu động hiệu quả