Cuộc sống bận rộn ngày nay khiến con người chúng ta phải đối mặt với muôn kiểu áp lực bủa vây, ai cũng không ít lần cảm thấy mất cân bằng. Vì vậy, Zen nổi lên như một con đường tìm kiếm sự cân bằng trong tâm hồn và cuộc sống. Vậy Zen là gì? Lối sống Zen là gì mà số người tìm đến Zen ngày càng gia tăng? Hãy cùng tìm hiểu cách áp dụng vòng tròn Zen trong cuộc sống hàng ngày qua bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h nhé!
Zen là gì?
Trong Thiền Tông (Zen Buddhism) Nhật Bản, Zen có nghĩa là thiền. Zen tập trung vào khả năng điều tiết bản thân, thấu hiểu trạng thái cân bằng của chính mình và vạn vật xung quanh. Không còn là một khái niệm trừu tượng, Zen hướng tới một lối sống ung dung, chậm rãi, hoà hợp với vũ trụ và thiên nhiên.
Mang trong mình âm hưởng Phật giáo, tinh thần Zen của người Nhật hướng tới sự tối giản trong mọi khía cạnh cuộc sống. Hơn nữa, Zen cũng đề cao việc thanh lọc thân tâm, buông xả muộn phiền và sống hòa hợp với môi trường xung quanh.
Với tinh thần Zen, mọi người đều có khả năng đạt được sự giác ngộ và nhận thấy rõ bản chất của tự nhiên. Tinh thần Zen phản ảnh rõ nét trong văn hoá trà đạo, nghệ thuật bonsai, ẩm thực, làm vườn hoặc thậm chí đơn giản là việc tạo ra không gian sống thoáng đãng và gọn gàng của người Nhật.
Xem thêm: Học thiền ở đâu? Gợi ý các khóa học thiền TPHCM, Hà Nội uy tín
Nguồn gốc phong cách Zen là gì?
Nguồn gốc của Zen xuất phát từ sự truyền bá của Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma), người đã sáng lập Phật giáo vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên tại Ấn Độ và đặt nền móng cho sự phát triển của Zen. Zen được gọi là “Dhyana” trong Phật giáo Sanskrit, là một hình thức thiền định tập trung vào chánh niệm.
Vào thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6, Zen được truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Quốc thông qua Thiền sư Bodhidharma. Từ Trung Quốc, Zen ngày càng lan rộng và phát triển tại Nhật Bản vào khoảng thế kỷ 11 đến 13. Những vị sư nổi tiếng như Eihei Dogen và Hakuin Ekaku đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển triết lý Zen tại Nhật Bản.
Hiện nay, Zen đã phát triển thành một trường phái riêng biệt trong Phật giáo, ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa, nghệ thuật và cuộc sống hàng ngày của những người tu hành cũng như những người thực hành phong cách Zen trên khắp thế giới.
Xem thêm: Cách thực hành lòng biết ơn mỗi ngày nâng cấp chất lượng cuộc sống
Vòng tròn Zen là gì? Học gì từ nghệ thuật vẽ vòng tròn Zen của người Nhật?
Vòng tròn Zen, còn được gọi là “Ensō” trong tiếng Nhật, là một biểu tượng quan trọng trong triết học Zen. Vòng tròn Zen được tạo thành bằng cách vẽ một đường tròn đơn giản bằng 1 hoặc 2 nét vẽ phóng khoáng không ngắt quãng.
Việc vẽ vòng tròn Zen là một hình thức thiền định và tập trung cao độ trong nghệ thuật Zen. Vòng tròn Zen có thể để mở hoặc vẽ kín trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, bất động. Nếu vòng tròn để mở được coi là phi hoàn hảo, thể hiện sự nỗ lực và phát triển để vươn tới sự hoàn hảo của vạn vật mà không cảm thấy gò bó hoặc tù túng. Trường hợp này khá giống wabi-sabi, vẻ đẹp của sự phi hoàn hảo. Bên cạnh đó, vòng tròn vẽ kín thể hiện sự hoàn hảo, thấu hiểu và giác ngộ trọn vẹn đạo lý của cuộc đời. Tuy các nét vẽ vòng tròn Zen tương đối đơn giản nhưng người hoạ sĩ cần tỉnh thức trong quá trình điều khiển cây bút lông (筆) thấm mực lên giấy washi (một loại giấy mỏng của Nhật) để tạo ra một vòng tròn truyền tải tinh tế triết lý Zen và nhân cách bản thân.
Chung quy lại, vòng tròn Zen dù theo cách nào cũng đều có điểm đầu – điểm cuối và chứa đựng trong đó là sự thinh lặng, nghĩa là để bản thân không tâm không suy bất kỳ điều gì. Vòng tròn Zen cho mỗi người những ý nghĩa khác nhau dựa vào cảm nhận và sự hiểu biết riêng, tuy nhiên ý nghĩa của vòng tròn Zen ở đây là nếu tâm đủ tĩnh lặng, bạn có thể tránh được bất kỳ phiền não trong cuộc sống.
Tìm về sự cân bằng trong cuộc sống với phong cách Zen của người Nhật
1. Phong cách sống Zen
Phong cách sống Zen của người Nhật được phản ánh rõ nét qua sự cân bằng giữa thời gian chăm chỉ làm việc và thư giãn. Ngay cả khi không có cơ hội tận hưởng những chuyến du lịch lý tưởng, họ vẫn có thể tìm thấy những trải nghiệm Zen trong những hoạt động hàng ngày như tắm suối nước nóng, ngắm nhìn thiên nhiên hoặc thưởng trà.
Đặc biệt là nghệ thuật trà đạo của người Nhật, thể hiện rõ nét sự uyển chuyển, nhẹ nhàng và tự nhiên đến từ mỗi động tác. Bên cạnh đó, cách mà người Nhật làm bánh, cắm hoa, trang trí nhà cửa,… luôn hướng đến sự nhẹ nhàng, tự nhiên và cân bằng trong mọi chi tiết. Họ đề cao sự đơn giản và tự nhiên, tránh xa sự phô trương. Qua đó, người Nhật loại bỏ những suy nghĩ phiền muộn và tìm đến sự bình an trong tâm hồn.
Triết lý Zen giúp người Nhật trân trọng những điều bình dị như bữa ăn, cuộc sống gia đình, cảnh quan tự nhiên và những người xung quanh. Sự biết ơn và lòng tôn trọng này giúp họ tận hưởng cuộc sống và cảm nhận sự “giàu có” đến từ những điều đơn giản nhất. Nhờ đó, họ luôn giữ cho tinh thần mình được ung dung, nhẹ nhàng và chậm rãi.
Xem thêm: Cống hiến hết mình: Văn hóa làm việc của người Nhật rất đáng học hỏi
2. Phong cách ẩm thực Zen
Phong cách ẩm thực Zen là một trào lưu ẩm thực đặc trưng của người Nhật, tập trung vào sự đơn giản, tự nhiên và cân bằng. Do được tạo ra bởi triết lý Zen, nên phong cách này không chỉ gồm việc ăn uống mà còn là một cách sống hòa hợp với thiên nhiên và với chính mình.
Nguyên tắc về sự tươi mới “mùa nào thức nấy” là điều không thể thiếu trong ẩm thực Nhật Bản. Người Nhật luôn biết cách lựa chọn và thưởng thức rau quả theo mùa, khi chúng đạt đến độ tươi ngon nhất. Trong quá trình nấu ăn, các món ăn được chuẩn bị đơn giản, ít gia vị nhưng vẫn thể hiện nét tinh tế, với hương vị tự nhiên được giữ nguyên.
Ngoài ra, phong cách ẩm thực Zen còn tập trung vào việc tận hưởng thức ăn chậm rãi, lắng đọng trong từng hương vị và cảm nhận sâu sắc từng nguyên liệu. Theo người Nhật, thức ăn không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn là một hình thức mang đến sự thư giãn và an lạc cho tâm hồn. Phong cách ẩm thực Zen còn nhấn mạnh sự cân bằng trong khẩu phần ăn, giúp duy trì sức khỏe toàn diện của cơ thể.
Có thể thấy, phong cách ẩm thực Zen của người Nhật không chỉ là một cách ăn uống, mà còn là một triết lý sống, thể hiện sự tôn trọng với thiên nhiên, tôn vinh nguyên liệu tươi ngon và thực hiện việc nấu ăn với tâm hồn tỉnh thức.
3. Phong cách ăn mặc Zen
Trong phong cách ăn mặc Zen, sự đơn giản chính là chìa khóa quan trọng nhất. Trang phục thường được chọn có kiểu dáng đơn giản, không quá phức tạp và không đòi hỏi quá nhiều chi tiết. Màu sắc thường nhẹ nhàng, trung tính và tự nhiên, tạo ra một cảm giác thanh tịnh và thoải mái.
Đồng thời, phong cách Zen còn nhấn mạnh sự cân bằng, từ việc chọn lựa trang phục cho đến cách phối đồ, mục tiêu là tạo ra sự cân đối, hài hòa và thoải mái với những hoạt động hàng ngày.
4. Phong cách nhà ở Zen
Cộng hưởng với phong cách Zen, các căn nhà của người Nhật thường khá đơn giản nhưng lại rất tiện dụng. Dù cho diện tích nhà có nhỏ đến đâu thì bạn vẫn luôn cảm nhận được không gian mở và dòng chảy năng lượng chuyển động trong không gian nhà Nhật.
Ngoài ra, đặc trưng không thể lẫn đi đâu được của phong cách nhà ở Zen chính là gần gũi với thiên nhiên. Không gian bên trong nhà thường được sắp xếp tối giản hết mức có thể, cho phép ánh sáng tự nhiên và không khí lưu thông, tạo cảm giác thoải mái và yên bình. Hơn nữa, không gian xanh với sân vườn, cây cảnh, cây bonsai hay cây lọc không khí trong nhà là điều không thể thiếu trong một ngôi nhà Nhật để mang lại sự bình yên, thư giãn sau những giờ làm việc vất vả.
5. Phong cách làm đẹp Zen là gì?
Thay vì dùng những sản phẩm làm đẹp nhiều hóa chất, Người Nhật luôn tìm kiếm các thành phần tự nhiên và hữu cơ như một cách tôn trọng và bảo vệ cơ thể cũng như môi trường. Họ không cần nhiều sản phẩm hoặc các bước làm đẹp phức tạp, mà thay vào đó người Nhật tập trung vào những sản phẩm và kỹ thuật cơ bản như làm sạch da, dưỡng ẩm và bảo vệ da khỏi tác động của môi trường. Cách nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh này tạo nên sự tự tin về vẻ đẹp tự nhiên, không cần phụ thuộc vào những xu hướng làm đẹp khác.
6. Phong cách suy nghĩ Zen là gì?
Trong cuộc sống, suy nghĩ Zen nghĩa là chọn cách bình tĩnh và ung dung đối mặt trước những thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Người Nhật ít sử dụng mạng xã hội hơn các nước Châu Á khác, họ thận trọng trong cách chia sẻ thông tin cá nhân hoặc bình luận về đời tư của người khác. Họ cho rằng việc tiếp nhận càng nhiều thông tin xấu sẽ ảnh hưởng không tốt tới tâm lý, họ chọn tìm kiếm các thông tin tốt đẹp để lạc quan trong cuộc sống.
Trà sư Sen no Rikyû đã từng chia sẻ về trà đạo như sau “Hãy đun nước, pha trà và uống trà”. Có thể thấy, suy nghĩ Zen thể hiện ở cách làm mọi việc thật đơn giản, tĩnh lại như đúng với bản chất của nó. Với cách sống trong hiện tại, chúng ta hướng đến lối sống “hòa bình” với thời gian, tận hưởng mỗi khoảnh khắc và tập trung vào những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta. Để làm được điều đó, người Nhật thường lập kế hoạch để chủ động hơn trong công việc và cuộc sống, điều này giúp họ không phải tốn thời gian và công sức giải quyết các tình huống xảy ra bất ngờ.
Hướng nội nhưng vẫn linh động, cởi mở là điểm nổi bật trong phong cách suy nghĩ Zen. Chúng ta không cố gắng kiểm soát mọi niềm vui và nỗi buồn, mà thay vào đó học cách phản ứng linh hoạt và bình thản đối diện trước những thay đổi và khó khăn trong cuộc sống.
Kết luận
Hy vọng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h đã giúp bạn hiểu Zen là gì cũng như những tác động tuyệt vời mà cội nguồn thanh tịnh Zen mang đến trong những điều giản đơn nhất. Trên hành trình tìm kiếm sự cân bằng giữa tâm hồn và cuộc sống, Zen đã trở thành nguồn nội lực giúp chúng ta thấu hiểu chính mình và nhận thấy rõ ràng bản chất của vạn vật. Với khả năng tạo ra sự kết nối hài hòa giữa tâm trí, cơ thể và thế giới xung quanh, Zen giúp chúng ta lắng mình tạm “bất động” để tận hưởng và cảm nhận lối sống “biến động” an lành, chậm rãi, ung dung.
Xem thêm: Meditation là gì? Giũ sạch muộn phiền, căng thẳng khi thiền định đúng cách