Hội chứng trầm cảm cười: Môi mỉm cười nhưng lòng có thực sự đang vui?

“Đâu phải cứ cười là vui”, đôi lúc ẩn sau những nụ cười vui vẻ là một tâm trạng tồi tệ, chán nản. Việc “mỉm cười cho qua cơn đau” của nhiều người có thể là biểu hiện của hội chứng “trầm cảm cười”. Thông thường, trầm cảm cười xảy ra khi những người đang trải qua trầm cảm che giấu các triệu chứng của họ. Họ dùng nụ cười để thuyết phục người khác rằng họ đang hạnh phúc.

Hầu hết chúng ta sẽ tưởng tượng biểu hiện của trầm cảm sẽ là buồn rầu, chán nản và có thể là khóc rất nhiều. Nhưng với trầm cảm cười (Smiling Depression) thì thường sẽ không có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào. Những người mắc chứng trầm cảm hay cười thường vui vẻ với thế giới bên ngoài và giữ bí mật về chứng trầm cảm của họ. Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu về hội chứng này nhé!

Triệu chứng của Trầm cảm cười

trầm cảm cười
Những triệu chứng phổ biến của hội chứng trầm cảm cười là gì?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng gần 265 triệu người trên khắp thế giới mắc chứng trầm cảm. Những người mắc chứng trầm cảm cười có thể đã phải trải qua những nỗi buồn sâu sắc, lòng tự trọng bị xâm phạm và những thay đổi lớn trong cuộc sống. 

Điều nguy hiểm là hội chứng này không phải lúc nào cũng có biểu hiện bên ngoài rõ ràng. Người bị trầm cảm cười trông có vẻ như có khả năng kiểm soát và điều chỉnh cuộc sống của mình. Nhưng thực tế, họ đang bất ổn trong tâm trí và nội tâm.

Những triệu chứng phổ biến của hội chứng trầm cảm cười là: 

  • Thay đổi cảm giác thèm ăn: trở nên ăn quá nhiều hoặc chán ăn.
  • Thay đổi giấc ngủ: một số người muốn ngủ mọi lúc mọi nơi, số khác không thể ngủ, mất ngủ hoặc có những thay đổi lớn trong thói quen ngủ như thức vào ban đêm và ngủ vào ban ngày.
  • Cảm giác tuyệt vọng: Cảm giác tội lỗi, cảm thấy bản thân vô giá trị và cảm giác vô vọng.
  • Mất hứng thú với các hoạt động: Cảm thấy không hứng thú với các hoạt động yêu thích thường ngày.

Tại sao mọi người che giấu chứng trầm cảm cười

trầm cảm cười
Tại sao mọi người che giấu chứng trầm cảm cười

Không có gì lạ khi mọi người giữ kín căn bệnh trầm cảm của mình. Từ việc muốn bảo vệ sự riêng tư của mình đến việc sợ bị người khác đánh giá, có rất nhiều lý do khiến mọi người che giấu các triệu chứng trầm cảm của mình. 

Sợ tạo gánh nặng cho người khác

Nhiều người không muốn tạo gánh nặng cho bất kỳ ai khác về việc của họ. Điều này đặc biệt đúng đối với những người quen chăm sóc người khác hơn là để người khác chăm sóc họ. Đơn giản là họ không biết cách yêu cầu sự giúp đỡ, vì vậy họ luôn cố gắng đấu tranh cho riêng mình. 

Cảm thấy xấu hổ và tội lỗi

trầm cảm cười
Khi họ không thể “thoát khỏi nó”, họ có thể cảm thấy xấu hổ

Một số người tin rằng trầm cảm là một khuyết điểm của tính cách hoặc một dấu hiệu của sự yếu kém. Khi họ không thể “thoát khỏi nó”, họ có thể cảm thấy xấu hổ. Bên cạnh đó, một số người phủ nhận rằng họ cảm thấy chán nản, lo âu. Họ có thể nghĩ rằng miễn là họ cười, họ không bị trầm cảm. Nhiều người không thể thừa nhận rằng có thể có điều gì đó không ổn xảy ra với họ. Họ dễ dàng giả vờ như họ ổn hơn là cởi mở về cảm giác thực sự của họ.

Lo ngại về suy nghĩ của người khác

trầm cảm cười
Lo ngại về suy nghĩ của người khác

Những người mắc chứng trầm cảm hay cười thường lo sợ rằng người khác sẽ lợi dụng họ nếu họ tiết lộ rằng họ bị trầm cảm. Họ không chỉ lo lắng rằng những người khác sẽ thấy họ yếu đuối và dễ bị tổn thương, mà họ còn lo lắng rằng những người khác sẽ sử dụng chứng trầm cảm của họ như đòn bẩy chống lại họ. Họ thà khoác lên mình vẻ ngoài cứng rắn hơn là thừa nhận rằng mình cần giúp đỡ.

Quan điểm không thực tế về hạnh phúc

Phương tiện truyền thông xã hội miêu tả hạnh phúc một cách phi thực tế. Nhiều người lướt qua mạng xã hội và thấy hình ảnh của những người hạnh phúc. Do đó, họ dần tin rằng họ là người duy nhất đang phải “vật lộn” với các vấn đề sức khỏe tinh thần. Họ có thể cảm thấy bị cô lập và từ đó họ che giấu chứng trầm cảm của mình.

Chủ nghĩa hoàn hảo

Đối với nhiều người theo chủ nghĩa hoàn hảo, họ luôn muốn thể hiện cho người khác thấy mình là một người hoàn hảo và có tất cả. Họ cười để ngụy trang cho bất kỳ nỗi đau hoặc vấn đề nào họ đang gặp phải. Kết quả là, họ không thể thừa nhận chứng trầm cảm của mình vì nó sẽ khiến cuộc sống của họ kém hoàn hảo.

Điều trị chứng trầm cảm cười

trầm cảm cười
Điều trị có thể bao gồm thuốc, liệu pháp trò chuyện và thay đổi lối sống như chế độ ăn uống và tập thể dục

Trầm cảm cười ngoài việc ảnh hưởng đến đời sống và thói quen sinh hoạt cá nhân, còn có thể khiến một người suy nghĩ đến tự tử. Bởi vì đây là hội chứng khó nhận biết cũng như thường không được điều trị đúng cách, nên bệnh nhân có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian và có khả năng tự tử. 

Cũng giống như các loại trầm cảm khác, trầm cảm cười có thể điều trị được. Điều trị có thể bao gồm thuốc, liệu pháp trò chuyện và thay đổi lối sống như chế độ ăn uống và tập thể dục. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cởi mở trò chuyện, chia sẻ với người thân của bạn về những lo lắng, vấn đề bạn đang gặp phải và nhờ họ giúp đỡ.

Thuốc

Có một số loại thuốc kê đơn có sẵn để điều trị trầm cảm. Có thể mất một vài tuần trước khi thuốc bắt đầu có tác dụng. Một người bị trầm cảm cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ trong khoảng thời gian này.

Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu, còn được gọi là liệu pháp trò chuyện, là một kỹ thuật điều trị mà các chuyên gia sức khỏe tâm thần sử dụng để giúp một người hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của họ để học các kỹ năng đối phó lành mạnh.

Có nhiều loại liệu pháp tâm lý khác nhau, bao gồm liệu pháp nhận thức, tâm động học, giữa các cá nhân và gia đình.

Xem thêm: Dân văn phòng cần cẩn thận với 4 dấu hiệu của các bệnh tâm lý thường gặp

Kiểm soát căng thẳng

trầm cảm cười
Học và thực hành các kỹ thuật quản lý căng thẳng có thể giúp một người kiểm soát các triệu chứng trầm cảm

Tiếp xúc với căng thẳng mãn tính hoặc không có khả năng quản lý căng thẳng có thể khiến bệnh trầm cảm ngày càng nghiêm trọng. Học và thực hành các kỹ thuật quản lý căng thẳng có thể giúp một người kiểm soát các triệu chứng trầm cảm.

Dinh dưỡng

Ăn nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng, bao gồm trái cây và rau quả nhiều màu sắc và chất béo lành mạnh, có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng trầm cảm.

Xem thêm: Thực đơn giảm cân nhanh gọn, dễ chuẩn bị dành cho dân văn phòng

Tập thể dục

Tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm, cũng như điều trị các triệu chứng. Ngay cả khi một người bị trầm cảm không có năng lượng để làm nhiều việc hơn là đi bộ ngắn, thì một số hoạt động thể chất vẫn tốt hơn là không.

Giữ tinh thần luôn thoải mái

trầm cảm cười
Hãy làm những gì bạn thích

Hãy làm những gì bạn thích để luôn cảm thấy được thoải mái. Ví dụ như nghe nhạc, xem phim, đọc sách, shopping, đi du lịch, gặp gỡ bạn bè hay bất cứ điều gì bạn muốn.

Những người mắc chứng trầm cảm cười thường che giấu nỗi buồn của họ bằng một nụ cười và hình thức bên ngoài. Nụ cười giúp họ che giấu sự bất ổn và đau khổ bên trong. Nếu bạn hoặc người thân đang trải qua các triệu chứng của bệnh trầm cảm nhưng lại giấu giếm điều đó với mọi người, bạn cần biết rằng điều quan trọng để điều trị hội chứng này là cởi mở đón nhận sự giúp đỡ và thực hiện các kỹ thuật điều trị đúng cách.

Ngoài ra, đừng quên theo dõi trang Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để biết thêm nhiều kiến thức cùng kỹ năng nghề nghiệp mới nhất nhé!

Xem thêm: Bóng ma trầm cảm gây hoảng sợ cho dân văn phòng: Làm sao để vượt qua?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục