Cũng như các ngành nghề khác, để làm việc và thăng tiến trong sự nghiệp ở ngành xây dựng, bạn cần sở hữu chứng chỉ hành nghề. Để được cấp chứng chỉ này người theo nghề cần đáp ứng các điều kiện, trải qua kỳ thi sát hạch và hồ sơ đạt yêu cầu. Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu tất cả những thông tin cần biết về chứng chỉ hành nghề xây dựng ở bài viết dưới đây.
Chứng chỉ hành nghề xây dựng là gì?
Đây là văn bản xác nhận năng lực hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp trong lĩnh vực hành nghề.
Xem thêm: Học kỹ sư xây dựng làm gì? Xem ngay điểm chuẩn ngành xây dựng mới nhất
Theo khoản 3, điều 148 của Luật Xây dựng 2014, các cá nhân, chức danh được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng bao gồm:
- Giám đốc quản lý dự án, cá nhân trực tiếp tham gia quản lý dự án.
- Chủ trì thiết kế quy hoạch xây dựng.
- Chủ nhiệm khảo sát xây dựng.
- Chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng.
- Chỉ huy trưởng công trường.
- Giám sát thi công xây dựng.
- Kiểm định xây dựng.
- Định giá xây dựng.
Tuy nhiên không phải tất cả các hoạt động xây dựng đều yêu cầu chứng chỉ hành nghề xây dựng. Căn cứ khoản 3, điều 62 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP, khi thực hiện các hoạt động xây dựng dưới đây không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề:
- Thiết kế, giám sát hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình.
- Thiết kế, giám sát công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa, nội thất và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình.
- Các hoạt động xây dựng đối với công trình cấp IV, công trình cây xanh, đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.
Ngoài ra, khoản 4, điều 62 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP còn nêu rõ các cá nhân không có chứng chỉ hành nghề được tham gia các hoạt động xây dựng phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và không được hành nghề độc lập, không đảm nhận các chức danh phải có chứng chỉ theo quy định.
Thời hạn sử dụng của chứng chỉ là bao lâu?
Chứng chỉ hành nghề có giá trị 5 năm trong trường hợp được cấp lần đầu hoặc điều chỉnh hạng chứng chỉ, gia hạn chứng chỉ. Nếu người lao động bị mất, hư hỏng, sai thông tin chứng chỉ khi vẫn còn thời hạn hiệu lực hoặc điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ thì ghi thời hạn theo chứng chỉ được cấp trước đó.
Các loại chứng chỉ hành nghề xây dựng
Chứng chỉ hành nghề xây dựng được chia thành 3 hạng:
- Hạng I: do Cục hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cấp.
- Hạng II và III: do Sở Xây dựng cấp.
Điều kiện cấp các loại chứng chỉ xây dựng
Chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng I
- Cần có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam nếu là người nước ngoài hoặc người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài.
- Tốt nghiệp đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành ghi trong chứng chỉ.
- Có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành.
Chứng chỉ hành nghề xây dựng loại II
- Có đủ năng lực dân sự và sức khỏe theo quy định của pháp luật.
- Có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam nếu là người nước ngoài hoặc người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài.
- Tốt nghiệp đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành ghi trong chứng chỉ.
- Có 4 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành.
Chứng chỉ hành nghề xây dựng loại III
- Đối với cá nhân tốt nghiệp cao đẳng: có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xây dựng.
- Đối với cá nhân tốt nghiệp đại học trở lên: có 2 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành.
Chứng chỉ hành nghề hạng III dành cho các cá nhân tốt nghiệp cao đẳng có 3 năm kinh nghiệm trong ngành
Phân loại chứng chỉ theo lĩnh vực hoạt động
Bên cạnh việc được phân chia thành 3 hạng, còn được phân loại theo lĩnh vực hoạt động. Cụ thể như sau:
- Khảo sát xây dựng: khảo sát địa hình và khảo sát địa chất công trình.
- Lập thiết kế quy hoạch xây dựng.
- Thiết kế xây dựng: thiết kế kết cấu, thiết kế cơ – điện, thiết kế cấp – thoát nước, thiết kế xây dựng công trình khai thác mỏ, thiết kế công trình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa – hàng hải, cầu – hầm), thiết kế xây dựng hạ tầng kỹ thuật (cấp – thoát nước, xử lý chất thải rắn), thiết kế xây dựng phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (thủy lợi, đê điều).
- Giám sát thi công xây dựng: giám sát công tác xây dựng công trình dân dụng – công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật, giám sát công tác xây dựng công trình giao thông, giám sát công tác xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Định giá xây dựng: quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng – công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, quản lý dự án xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thủ tục thi chứng chỉ hành nghề xây dựng
Nếu bạn muốn sở hữu chứng chỉ hành nghề, thi sát hạch là điều bắt buộc. Sau đây là quy trình và thủ tục thi:
- Bước 1: đăng ký thi sát hạch tại các đơn vị được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề.
- Bước 2: chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp cho đơn vị bạn đã đăng ký thi sát hạch.
- Bước 3: nhận thông báo thời gian và địa điểm thi.
- Bước 4: tham gia thi sát hạch.
- Bước 5: chờ kết quả thi, nếu đạt bạn sẽ nhận được phiếu kết quả.
- Bước 6: nhận thông báo hồ sơ đã đạt yêu cầu hay chưa. Nếu chưa, bạn cần bổ sung theo yêu cầu và nộp lại. Trường hợp hồ sơ đã đạt yêu cầu, bạn sẽ nhận được giấy hẹn lấy chứng chỉ hành nghề. Thời gian nhận được thông báo này tầm 20 ngày.
- Bước 7: nhận và tra cứu thông tin tại website của Bộ Xây dựng.
Lệ phí cấp chứng chỉ là bao nhiêu?
Mức thu lệ phí cấp chứng chỉ cho cá nhân được quy định tại điều 4, Thông tư 172/2016/TT-BTC như sau:
- Lệ phí cấp chứng chỉ lần đầu: 300.000đ/chứng chỉ.
- Lệ phí cấp lại, cấp bổ sung, chỉnh sửa, chuyển đổi hạng: 50% mức thu lệ phí cấp lần đầu.
Cách tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng
Tại sao cần phải tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng? Vì đây là cách nhanh nhất để bạn xác định chứng chỉ là giả hay thật. Việc tra cứu rất đơn giản, bạn hãy thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: truy cập vào đường link của Bộ Xây dựng: Tại đây.
Truy cập vào website của Bộ Xây dựng để tra cứu thông tin.
- Bước 2: tại ô Từ khóa nhập mã số chứng chỉ, tiếp theo nhập mã xác nhận theo ô bên cạnh và chọn tìm kiếm.
Bằng cách nhập mã số chứng chỉ vào ô Từ khóa bạn sẽ tra cứu được thông tin
- Bước 3: màn hình hiện ra kết quả theo mã số chứng chỉ, tại đây hãy chọn mục chi tiết để xem thông tin đầy đủ.
- Bước 4: kiểm tra thông tin có trùng với chứng chỉ hay không. Nếu thông tin tra cứu hoàn toàn trùng khớp thì chứng chỉ hành nghề đó là thật.
Để được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức, đặc biệt là ở bước chuẩn bị hồ sơ chuẩn để được xét duyệt ngay. Vì vậy, hiện nay có nhiều công ty dịch vụ tư vấn giúp bạn hoàn thành các thủ tục nhanh chóng và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu kỹ các dịch vụ này để tránh trường hợp lừa đảo. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể tự nghiên cứu và hoàn thành các thủ tục thi sát hạch mà không cần đến công ty dịch vụ.
Nghề Nghiệp Việc Làm 24h chúc bạn đọc sẽ thành công và sở hữu chứng chỉ hành nghề xây dựng để phục vụ cho công việc. Còn nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội ở lĩnh vực xây dựng, hãy truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!
Xem ngay: Có nên nhảy việc cuối năm? Thưởng Tết hay nghỉ việc đâu là sự lựa chọn tốt nhất?