Nhắc tới công ty gia đình, bạn liên tưởng tới điều gì? Chế độ “con ông cháu cha”? Các cuộc tranh giành quyền lực kế thừa? Vì sao nhiều nhân sự trẻ tương đối ngại gắn bó với các công ty gia đình? Mời bạn cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu rõ hơn công ty gia đình là gì và đặc điểm của loại hình công ty này qua bài viết.
Công ty gia đình là gì?
Công ty gia đình (tiếng Anh là Family Business) là những công ty thành lập, hoạt động theo quy định pháp luật, những thành viên gia đình thường chiếm 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ phần lớn các chức vụ quản lý, điều hành trong doanh nghiệp.
Trên thực tế, Pháp luật không có định nghĩa cụ thể mô hình doanh nghiệp gia đình. Bởi, bản chất các công ty gia đình không phải là một loại hình doanh nghiệp riêng biệt. Công ty gia đình có một số đặc điểm phổ biến sau:
- Nhân sự công ty: phần lớn là người trong gia đình (có mối quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, huyết thống hoặc quan hệ thân thiết trong gia đình…) Chủ sở hữu doanh nghiệp và các chức danh chủ chốt trong công ty cũng đều do thành viên gia đình nắm giữ.
- Tỷ lệ vốn góp: các thành viên gia đình thường nắm giữ tới 100% cổ phần hoặc vốn điều lệ công ty.
- Thời gian tồn tại: công ty gia đình thường có thời gian hoạt động lâu hơn bởi có sự kế thừa giữa các thế hệ giúp duy trì và phát triển doanh nghiệp.
Xem thêm: Công ty đa quốc gia là gì? TOP 7 các công ty đa quốc gia nổi tiếng tại Việt Nam
Hiện nay, tại Việt Nam và trên thế giới có khá nhiều doanh nghiệp thành công thuộc sở hữu gia đình hoặc hoạt động theo quy mô gia đình. Cụ thể như:
- Novartis – tập đoàn sản xuất thuốc lớn hàng đầu thế giới: thuộc sở hữu từ gia đình Sandoz, giá trị vốn hoá thị trường lên đến 279 tỷ USD.
- Roche – tập đoàn chăm sóc sức khỏe thuộc điều hành của gia đình quyền lực Hoffmann – Oeri với ít nhất 8 tỷ phú, giá trị vốn hoá đạt 254 tỷ USD.
- Walmart – Tập đoàn chuyên về hàng tiêu dùng, bán lẻ do gia đình Walton sở hữu, giá trị vốn hóa đạt 241 tỷ USD. 5 người thừa kế trong gia đình Walton chiếm giữ 50% giá trị cổ phiếu tập đoàn đều là những tỷ phú thế giới.
- Meta – công ty công nghệ hàng đầu thế giới với tên cũ là Facebook. Nhà sáng lập Mark Zuckerberg đã đưa thành viên gia đình vào và đang sở hữu ⅓ tổng giá trị tài sản doanh nghiệp.
Những công ty gia đình lớn nổi tiếng trên thế giới khác phải kể đến như: Anheuser-Busch InBev, Samsung Electronics, Oracle, Volkswagen, Nike, Kinder Morgan…
Tại Việt Nam, những công ty gia đình lớn phải kể đến gồm:
- KIDO – Công ty thực phẩm được sáng lập và điều hành do hai em ông Trần Lệ Nguyên và Trần Kim Thành.
- DOJI – Tập đoàn vàng bạc đá quý được thành lập và điều hành bởi gia tộc họ Đỗ, đứng đầu là chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú,
Một số công ty gia đình nổi tiếng khác ở Việt Nam là Vingroup, Tân Hiệp Phát; Biti’s, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương…
Ưu – nhược điểm của công ty gia đình là gì
Như vậy, hẳn bạn đã hiểu được công ty gia đình là gì và các đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp gia đình nổi tiếng và thành công nhờ tận dụng tốt các thế mạnh của loại hình này. Sau đây là một số ưu điểm và nhược điểm của hình thức công ty “gia đình trị”.
Xem thêm: Công ty hợp danh là gì? Các đặc điểm của công ty hợp danh bạn cần biết
Ưu điểm
- Tập trung quyền lực vào người chủ gia đình: do đó, họ có thể đưa ra những quyết định thực thi dài hạn, tập trung vào tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững, lâu dài…
- Ban lãnh đạo hiểu nhau: cùng là thành viên trong gia đình nên họ hiểu rõ điểm mạnh, yếu của từng người, từ đó nhanh chóng đưa ra quyết định phù hợp.
- Việc quản lý, giám sát nội bộ ngoài tuân theo cơ chế quyền sở hữu còn dựa trên nhiều quy tắc khác như trật tự gia đình, huyết thống, dòng họ…
- Thuận lợi trong việc ra quyết định, tối ưu chi phí nhờ quản lý tập trung, độ tin tưởng cao giữa các thành viên và phối hợp các phòng ban hiệu quả.
- Các thành viên có trách nhiệm công việc cao: bởi phần lớn vốn sở hữu trong công ty đều do thành viên gia đình nắm giữ nên họ có ý thức cao về trách nhiệm, cam kết trong công việc.
- Quản lý tài chính tốt: các thành viên công ty gia đình thấm nhuần ý thức tiền của công ty là tiền của chính gia đình họ nên việc kiểm soát chi phí khác tốt, đặc biệt là khi cần thắt chặt chi phí.
Hạn chế
Bên cạnh những ưu điểm trên, công ty gia đình có nhiều hạn chế như:
- Khó khăn trong huy động vốn và các nguồn lực bên ngoài: nhân sự, cơ sở vật chất… bởi bản chất công ty gia đình là mô hình kinh doanh khép kín trong phạm vi gia đình.
- Muốn duy trì doanh nghiệp cần có sự kế thừa từ thế hệ sau, người quản lý yêu cầu cần có năng lực, triển vọng phát triển công ty.
- Khi gia đình xảy ra mâu thuẫn hoặc chia rẽ dễ ảnh hưởng tới việc quản lý và hoạt động kinh doanh chung của công ty.
- Công ty gia đình thường có nhiều ưu đãi cho “người trong nhà” hơn nhân sự bên ngoài nên dẫn tới khó thu hút, giữ chân người tài.
Xem thêm: Review lương là gì? Bí quyết giúp doanh nghiệp giữ chân nhân sự
Vì sao nhiều nhân viên ám ảnh với công ty gia đình?
Với người lao động, làm việc tại công ty gia đình được xem là một trong những môi trường làm việc toxic với nhiều bất cập như:
- Đãi ngộ không rõ ràng: nhiều công ty thường lách luật hoặc cung cấp phúc lợi cho người lao động không được rõ ràng, lương thưởng bị điều chỉnh dựa theo cảm tính của quản lý… Điều này khiến nhân sự bất an khi làm việc, nhiều nhân viên giỏi chọn cách rời đi để tìm con đường phát triển mới.
- Thăng tiến mơ hồ: nỗi “ám ảnh” lớn nhất trong công ty gia đình là sự ưu tiên “con ông cháu cha”, hầu như sẽ ít cơ hội để nhân sự phát huy tài năng, nếu có cũng chưa chắc được trả công tương xứng. Đó cũng là lý do công ty gia đình thường khó giữ chân người tài. Nhất là với những người trẻ cầu tiến và có hoài bão, môi trường làm việc này thường không hấp dẫn.
- Làm việc theo cảm tính: trong công ty gia đình, người có quyền lực cao nhất quyết định mọi định hướng chính sách thường là giám đốc. Môi trường làm việc thân thiện hay hà khắc đều chủ yếu dựa vào quyết định của giám đốc, chế độ khen thưởng cũng thường được ưu tiên cho người thân của sếp dẫn tới sự cạnh tranh thiếu công bằng, ảnh hưởng tới tâm lý nhân sự.
Cách sinh tồn khi làm việc trong công ty gia đình
Vậy nếu bạn lỡ đang làm việc trong môi trường gia đình trị, cách thức để vẫn tồn tại và phát triển bản thân trong công ty gia đình là gì?
Sau đây là một số lời khuyên để “sinh tồn” hiệu quả khi làm việc trong công ty gia đình.
Luôn tôn trọng quản lý, làm tròn nhiệm vụ
Dù làm việc trong môi trường nào, tôn trọng quản lý và làm tròn nhiệm vụ được giao đều là điều tiên quyết. Ngay cả khi bạn cảm thấy các chính sách đãi ngộ có phần ưu ái hơn cho “người nhà” của sếp, hãy luôn đề cao và tập trung vào hoàn thành tốt nhất công việc.
Bởi chỉ có hoàn thành tốt công việc, bạn mới nâng cao được năng lực, từ đó tăng sự tín nhiệm của người quản lý và được giao phó những công việc quan trọng hơn, làm dày lên kinh nghiệm và giúp bạn chuẩn bị tốt hơn trước khi bước vào môi trường chuyên nghiệp trong tương lai.
Đừng so sánh đãi ngộ với “người nhà” sếp
Hãy tập quen với điều này khi làm việc trong công ty gia đình. Bởi bản chất doanh nghiệp gia đình sẽ thường ưu tiên người nhà khi cân nhắc lương thưởng, cống hiến. Việc so sánh chỉ càng khiến bạn thêm bất mãn và thất vọng với công việc. Thay vào đó, hãy tập trung vào những điều kiện cơ bản khác theo điều lệ công ty cho người lao động, và đừng quên điều bạn muốn thu về nhất là kinh nghiệm làm việc.
Hoà nhã với đồng nghiệp, bao gồm cả con cháu sếp
Tạo mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp, bao gồm “người nhà” của sếp không chỉ giúp bạn thoải mái hơn trong công việc, còn giúp cho công việc diễn ra suôn sẻ, thuận lợi hơn.
Lời kết
Trên đây là những thông tin cơ bản về công ty gia đình là gì và đặc điểm của hình thức công ty này. Thực tế, không phải doanh nghiệp gia đình nào cũng nhiều tiêu cực. Nhất là trong giai đoạn thị trường lao động có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, việc chấp nhận làm việc tại công ty gia đình vẫn sẽ giúp bạn tích luỹ kinh nghiệm, có thêm thu nhập để chuẩn bị cho những dự định trong tương lai.
Mong rằng bài viết của Việc Làm 24h giúp bạn nhìn rõ ưu điểm cũng như hạn chế của hình thức công ty này để có những quyết định sáng suốt và lựa chọn được công việc phù hợp với năng lực bản thân.
Bên cạnh đó, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV thực tập hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Chậm hoặc không quyết toán thuế TNCN có bị phạt không? Mức phạt ra sao?