Nhảy việc không có kế hoạch và những hậu quả tôi phải nhận lấy

Cứ ngỡ là sẽ được thuyên chuyển đến bộ phận tôi mong muốn nhưng cuối cùng chẳng những không được chuyển bộ phận mà tôi còn nhận ra những sự thật phũ phàng. Quyết định nhảy việc theo cảm tính, tôi trở nên thất nghiệp dài hạn.

Chấp nhận làm trái ngành vì hy vọng có thể chuyển bộ phận

Sau khi tốt nghiệp được vài tháng tôi cố gắng tìm cho mình công việc theo sở thích của mình. Tôi nung nấu quyết tâm phải được làm việc tại một agency, tôi muốn mình là một phần trong nó. Làm việc tại đó, tôi sẽ được học nhiều thứ, giúp tôi chuyên sâu vào lĩnh vực mình đang theo đuổi.

Thế rồi tôi được offer làm việc tại một agency có tiếng, là đối tác của những thương hiệu nổi tiếng. Tiếc rằng tôi phải làm cho bộ phận account, vốn không phải bộ phận tôi muốn làm. Và lương thì cũng không được cao lắm, lo ăn uống và sinh hoạt cũng gần hết, không có khoảng nào để tôi có thể mua sắm cho bản thân. Nhưng vì quá thích làm việc trong agency nên tôi tự thuyết phục bản thân rằng cứ nhận làm đi rồi sau này tìm cách chuyển bộ phận sau.

nhay-viec-khong-co-ke-hoach-va-nhung-hau-qua-toi-phai-nhan-lay-hinh-anh-1
Tôi cố gắng làm việc với hy vọng được thuyên chuyển bộ phận

Làm hơn 4 tháng, không những không được thuyên chuyển bộ phận mà còn bị cho ăn “hành” từ sếp cho đến khách hàng. Đỉnh điểm là khi công ty tuyển thêm một nhân viên vào vị trí giống tôi, là sinh viên vừa mới tốt nghiệp nhưng lương cao hơn tôi. Rất bức xúc tôi hỏi thẳng sếp, sếp bảo là do tôi chấp nhận mức lương đó ngay từ đầu, lỗi là do tôi. Tôi thật sự thất vọng và cảm thấy tương lai chắc sẽ không có tiến triển gì nên tôi quyết định nhảy việc. Vì nghĩ rằng chắc chắn mình sẽ tìm được việc như mong muốn nên tôi nghỉ ngay lập tức mà không có kế hoạch trước.

Nhảy việc theo cảm tính và những gì tôi phải chịu

Gần 1 tháng từ lúc tôi nghỉ việc, tôi cứ lẩn quẩn xin việc mãi. Công việc mà tôi muốn thì người ta chê tôi không có kinh nghiệm, còn công việc không yêu cầu kinh nghiệm thì tôi lại không muốn làm. May mắn tìm được công việc như ý thì họ đề nghị mức lương còn thấp hơn công việc cũ, thôi thì tôi cũng đành từ chối.

Con đường tìm việc gian nan hơn tôi tưởng, một lần nữa tôi lại chấp nhận làm việc trái ngành. Không có đam mê, không có hứng thú làm việc nhưng tôi vẫn phải làm vì tôi không còn sức để tìm việc nữa. Có thể tôi sẽ không gắn bó với công việc này lâu nhưng đây cũng là công việc giúp tôi “cứu vớt” tình hình hiện tại.

nhay-viec-khong-co-ke-hoach-va-nhung-hau-qua-toi-phai-nhan-lay-hinh-anh-2
Tưởng rằng tìm việc sẽ dễ dàng nhưng không ngờ lại gian nan hơn tôi tưởng

Tôi bắt đầu thấy hối hận về quyết định của mình. Tại sao tôi lại không tìm hiểu trước khi nhảy việc, tại sao tôi lại hành động theo cảm tính như vậy. Có thể nếu ở lại công ty cũ thêm một thời gian, tôi có thể học hỏi thêm nhiều điều hoặc có thời gian chuẩn bị kĩ hơn. Coi như đây là bài học cho tôi và tôi không cho phép mình phạm sai lầm tương tự như này nữa.

Qua mọi chuyện, tôi rút ra một điều khi kinh nghiệm và kiến thức đã vững thì tỉ lệ thành công khi nhảy việc sẽ cao hơn. Và một điều quan trọng hơn nữa, bạn cần phải có kế hoạch nhảy việc cụ thể. Bạn phải có khoản tiền dự trù cho khoảng thời gian bạn tìm việc, tốt nhất hãy tìm việc trước khi nghỉ việc. Hy vọng qua chia sẻ của tôi, các bạn có thể rút kinh nghiệm cho chính mình. Đừng bao giờ nhảy việc khi chưa chuẩn bị kĩ lưỡng.

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục