5 lỗi đàm phán lương khiến bạn mất điểm trước nhà tuyển dụng

Người Việt Nam nói chung vẫn còn có tư duy khép kín về vấn đề lương bổng, do đó đàm phán lương là một trong những việc mà các ứng viên đang làm kém nhất. Vì sao hai ứng viên giỏi như nhau nhưng một người thì lương tăng vùn vụt mỗi khi chuyển việc, còn một người lại chỉ thấy mức lương ì ạch tiến lên từng bước chậm rãi? Tất cả phụ thuộc ở khả năng đàm phán lương. Việc Làm 24h tổng hợp các lỗi đàm phán lương cơ bản khiến các ứng viên mất quyền lợi ngay trước khi được nhận vào làm việc.

1. Chia sẻ quá nhiều thông tin

Đừng mang tư tưởng cũ xưa là mình đang đi “xin việc”. Hãy xem bất cứ cuộc phỏng vấn tìm việc nào cũng là cuộc đối thoại bình đẳng giữa bạn và nhà tuyển dụng để chuẩn bị cho sự hợp tác lâu dài. Đừng bao giờ cảm thấy áp lực phải chia sẻ tất cả thông tin mà nhà tuyển dụng hỏi, đặc biệt khi các thông tin này có thể ảnh hưởng đến khả năng đàm phán lương sau này của bạn. Các câu hỏi dạng như: “Mức lương hiện tại của bạn là bao nhiêu?”, “Mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu?”, “Mức lương thấp nhất bạn chấp nhận là bao nhiêu?” đều là những câu hỏi bạn có thể từ chối trả lời cho đến khi nhà tuyển dụng đưa ra mức lương đề nghị của họ. Thậm chí những thông tin cá nhân như tuổi tác cũng có thể không cần phải tiết lộ cho nhà tuyển dụng nếu bạn cảm thấy họ có thể dựa vào đó để đề nghị mức lương thấp hơn cho bạn. Hãy nhớ rằng lúc nào bạn cũng có thể chia sẻ thông tin và suy nghĩ của bản thân cho nhà tuyển dụng, nhưng một khi đã chia sẻ thì bạn không thể nào rút lại được lời nói của mình.

Hãy xem bất cứ cuộc phỏng vấn tìm việc nào cũng là cuộc đối thoại bình đẳng giữa bạn và nhà tuyển dụng

2. Than vãn

Không than vãn khi đàm phán lương! Bạn cần phải trả tiền nhà trọ, tiền di chuyển do nhà bạn ở xa công ty, hay bạn phải thường xuyên tiêu tốn tiền viện phí cho một căn bệnh mãn tính – tất cả những điều này không liên quan gì đến quá trình đàm phán lương. Đừng than vãn về những điều khó khăn trong cuộc sống và mong rằng nhà tuyển dụng sẽ cho bạn một mức lương cao hơn.

3. Đặt ra những yêu cầu cụ thể về con số

“Tôi muốn mức lương ít nhất phải là 10 triệu”, hay “Tôi từng được công ty cũ trả lương 20 triệu, vì thế nên…” là những yêu cầu rất cụ thể khi đàm phán lương. Tuy nhiên, đây là cách “trả giá” không được khuyên dùng, đặc biệt khi bạn đang đàm phán lương cho các vị trí cấp cao. Bất cứ con số nào được nói ra trước sẽ là một bất lợi cho bên nói ra, do đó hãy luôn yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra trước mức lương họ dành cho vị trí đang tuyển dụng, rồi sau đó bạn hãy “mặc cả” trên cái giá nhà tuyển dụng đưa ra.

4.  Không hiểu rõ giá trị bản thân

Với kĩ năng digital marketing 2 năm kinh nghiệm của bạn thì mức lương tạm ổn là bao nhiêu? Đây cũng là điều bạn cần phải biết bởi nó xác định “giá trị” của bạn trên thị trường. Nếu kĩ năng của bạn quá phổ biến, ai cũng có thể thay thế và làm tốt như bạn thì hiển nhiên, bạn sẽ khó đàm phán mức lương cao. Nhưng nếu bạn thực sự giỏi, tài năng của bạn đang được săn đón, thì việc “hét giá” cao sẽ chẳng phải là vấn đề gì.

5.  Không quan tâm đến mức tăng lương

Đừng tưởng rằng mức lương thỏa thuận ban đầu thấp hơn mức bạn mong muốn đã là thất bại. Hãy chú ý đến việc công ty đó có chính sách tăng lương nhân viên nhanh hay chậm. Tìm hiểu từ chính những người đang làm trong công ty đó để có được thông tin chính xác nhất trước khi ra quyết định chấp nhận một mức lương khởi đầu chưa hoàn toàn làm bạn hài lòng.

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục