Kết quả phỏng vấn không phải lúc nào cũng như mong đợi. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể nhận ra dấu hiệu mình không đạt được kết quả tốt thông qua thái độ từ nhà tuyển dụng, sự thiếu mạch lạc trong cuộc trò chuyện hay việc phản hồi không diễn ra kịp thời. Trong bài viết sau đây, hãy cùng Việc Làm 24h nhận diện những dấu hiệu rớt phỏng vấn thường gặp nhất để chuẩn bị tâm lý vững vàng và nâng cao cơ hội thành công cho các lần phỏng vấn sau.
1. Những dấu hiệu rớt phỏng vấn từ trước khi bắt đầu
Đôi khi, những dấu hiệu rớt phỏng vấn có thể xuất hiện ngay từ trước khi bạn bước vào vòng phỏng vấn. Thái độ lạnh nhạt của nhà tuyển dụng, sự mơ hồ trong việc xác nhận lịch phỏng vấn,.. đều là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn không được chọn.
1.1. Thay đổi lịch liên tục
Nếu lịch phỏng vấn của bạn bị thay đổi nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn thì nguyên nhân chính rất có thể xuất phát từ việc nhà tuyển dụng thiếu tổ chức hoặc đang phân vân không biết có nên tiếp tục tuyển dụng bạn hay không. Điều này chủ yếu là vì nhà tuyển dụng không xem bạn là ứng viên hàng đầu hoặc vị trí tuyển dụng đã tìm được người phù hợp nhưng chưa thông báo đến bạn.
1.2. Thông tin liên lạc mơ hồ, chậm trễ
Nếu nhà tuyển dụng không liên lạc theo đúng lịch hẹn hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin về buổi phỏng vấn thì đó là dấu hiệu của sự thiếu chuyên nghiệp. Những sai sót này không chỉ khiến bạn cảm thấy mất động lực, mà còn ngầm cho thấy bạn có thể không phải là ứng viên được ưu tiên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ hội trúng tuyển của bạn càng trở nên mờ nhạt hơn.
1.3. Nhà tuyển dụng không chuẩn bị kỹ
Khi nhà tuyển dụng không có sự chuẩn bị cần thiết cho buổi phỏng vấn, chẳng hạn như không cung cấp mô tả công việc chi tiết hay không thể trả lời những câu hỏi cơ bản về công ty,… thì đây có thể là dấu hiệu họ không xem trọng hồ sơ của bạn hoặc đã tìm thấy ứng viên phù hợp nhưng chưa thông báo với bạn. Đây chính là một trong những dấu hiệu rớt phỏng vấn dễ nhận ra mà bạn nên chú ý ngay từ đầu.
Xem thêm: Top 10 mẫu thư cảm ơn sau phỏng vấn ấn tượng, thu hút nhất hiện nay.
2. Dấu hiệu rớt khi trong buổi phỏng vấn
Dưới đây là những dấu hiệu rớt phỏng vấn bạn có thể nhận ra ngay trong buổi phỏng vấn. Những dấu hiệu này sẽ giúp bạn sớm đánh giá được kết quả phỏng vấn của mình.
2.1. Phía tuyển dụng không thoải mái
Một buổi phỏng vấn lý tưởng thường sẽ diễn ra trong không khí thoải mái, thân thiện để tạo điều kiện cho ứng viên tự tin thể hiện kinh nghiệm và kỹ năng của bản thân. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bản thân không được nhà tuyển dụng lắng nghe hoặc thường xuyên bị ngắt lời, rất có thể là dấu hiệu cho thấy nhà tuyển dụng không thật sự quan tâm đến câu trả lời của bạn hay thậm chí vị trí này đã có được ứng viên phù hợp hơn.
2.2. Đưa ra câu hỏi khó hoặc không liên quan
Nếu nhà tuyển dụng liên tục đưa ra những câu hỏi khó hoặc không liên quan đến chuyên môn thì khả năng cao là họ không thực sự quan tâm đến việc đánh giá năng lực của bạn. Thay vào đó, họ chỉ đang cố gắng loại bỏ ứng viên, đặc biệt khi vị trí gần như đã có người phù hợp.
2.3. Thiếu sự tương tác, phản hồi
Trong buổi phỏng vấn, sự tương tác qua lại giữa nhà tuyển dụng và ứng viên là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn được phép cướp lời của nhà tuyển dụng hoặc liên tục nói “thao thao bất tuyệt” về những điều không cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng không nên ngồi im và lắng nghe người phỏng vấn nói trong suốt buổi phỏng vấn. Đặc biệt, nếu bạn cảm thấy nhà tuyển dụng không muốn hỏi gì thêm, không có phản hồi tích cực nào hoặc thậm chí tránh giao tiếp ánh mắt thì gần như đồng nghĩa với việc bạn khó có cơ hội được chọn.
2.4. Kết thúc phỏng vấn quá nhanh
Nếu nhà tuyển dụng nhanh chóng kết thúc buổi phỏng vấn mà không có bất kỳ câu hỏi nào được đặt ra thêm, đó chính là dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ không đánh giá cao kinh nghiệm và sự phù hợp từ bạn. Đồng thời, họ cũng đã sớm đưa ra quyết định về kết quả.
2.5. Không nhắc tới lương, phúc lợi
Hầu hết nhà tuyển dụng sẽ đề cập đến mức lương, phúc lợi của ứng viên vì đây chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyền lợi, hiệu quả làm việc và mức độ cống hiến sau này của họ. Do đó, nếu nhà tuyển dụng không nhắc đến những vấn đề này thì đây là dấu hiệu của một buổi phỏng vấn không thành công.
Tuy nhiên, vẫn có một số công ty sẽ dành phần thảo luận về lương và phúc lợi trong vòng phỏng vấn tiếp theo. Vì vậy, bạn nên tham khảo trước quy trình tuyển dụng của công ty để có được cái nhìn tổng quát hơn.
2.6. Phía tuyển dụng không hài lòng với mức lương đề nghị
Nếu đôi bên không thể đạt được thỏa thuận về mức lương thì cho dù bạn có tài năng và xuất sắc đến đâu, nhà tuyển dụng vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nguyện vọng của bạn.
3. Những dấu hiệu rớt sau khi phỏng vấn
Cuối cùng, đây là một số dấu hiệu có thể xuất hiện sau khi buổi phỏng vấn kết thúc, cho thấy khả năng bạn không thành công:
3.1. Quá thời gian hẹn không được phản hồi
Nếu sau thời gian đã cam kết thông báo kết quả mà bạn chỉ nhận được sự im lặng kéo dài từ phía nhà tuyển dụng, đây chính là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn không phải là ứng viên được chọn.
3.2. Phản hồi không tích cực
Những phản hồi mơ hồ, không rõ ràng, chỉ mang tính chất chung chung hoặc thậm chí là những phản hồi không tích cực về phần trình bày của bạn thường không phải dấu hiệu khả quan. Các câu trả lời như “Chúng tôi đang xem xét thêm các ứng viên khác’” hay “Chúng tôi sẽ liên lạc lại nếu cần thêm thông tin” thường là cách lịch sự để gián tiếp thông báo rằng bạn không phải là ứng viên ưu tiên.
3.3. Không nhận được thư mời nhận việc
Sau buổi phỏng vấn, nếu bạn không nhận được bất kỳ thông tin nào về các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng như bài kiểm tra kỹ năng, buổi phỏng vấn bổ sung hay thư mời nhận việc,… thì khả năng bạn không được chọn là khá cao. Trong đa số trường hợp, sự im lặng của nhà tuyển dụng chính là cách họ ngầm thông báo rằng bạn không phù hợp và vị trí này đã được trao cho ứng viên khác.
4. Top các lỗi khiến bạn rớt phỏng vấn cần tránh
Để tăng cơ hội thành công trong phỏng vấn, bạn cần tránh những lỗi phổ biến mà không ít ứng viên thường gặp dưới đây.
4.1. Chê bai sếp cũ
Tuyệt đối không bao giờ chê bai sếp và đồng nghiệp cũ trong buổi phỏng vấn. Dù trước đó bạn có xích mích với sếp và đồng nghiệp cũ như thế nào, việc phàn nàn này không những không mang lại bất cứ kết quả nào mà còn khiến nhà tuyển dụng lo ngại về thái độ của bạn đối với công ty của họ trong tương lai.
Thay vì đó, khi đề cập đến lý do nghỉ việc, bạn có thể trả lời một cách trung lập như ‘Tôi đang tìm kiếm một môi trường làm việc mới’ hay ‘Mục tiêu nghề nghiệp của tôi đã thay đổi.
4.2. Không thừa nhận khuyết điểm
Bạn chắc chắn sẽ không thể thuyết phục được nhà tuyển dụng nếu trả lời rằng bản thân không có điểm yếu nếu được hỏi. Không ai là hoàn hảo, do đó, bạn nên chuẩn bị để chia sẻ một cách chân thành.
Tuy nhiên, bạn cần chắc chắn điểm yếu của mình không ảnh hưởng đến công việc sắp tới. Thừa nhận những thiếu sót cũng là cơ hội để bạn học hỏi và cải thiện trong tương lai.
4.3. Nói quá nhiều về sở thích cá nhân
Nói về sở thích cá nhân cũng là một cách tốt để tạo không khí thoải mái cho buổi phỏng vấn và giúp nhà tuyển dụng hiểu hơn về bạn. Thế nhưng, nếu bạn dành quá nhiều thời gian vào những sở thích không liên quan đến công việc thì nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn không tập trung hoặc không nghiêm túc với cơ hội nghề nghiệp này.
Không phải lúc nào những dấu hiệu rớt phỏng vấn được Vieclam24h.vn đề cập ở trên đều chính xác nhưng bạn cũng nên lưu ý. Thay vì lo lắng, bạn hãy xem đó là cơ hội để học hỏi và cải thiện cho những buổi phỏng vấn tiếp theo. Mỗi trải nghiệm đều quý giá, vậy nên dù kết quả không được như mong đợi thì bạn cũng nên trân trọng để thêm tự tin trong hành trình có được công việc mơ ước.