Groupthink là gì? Tư duy tập thể là hình thức làm việc đồng lòng hay đồng phạm?

Từ xưa đến nay, con người luôn đề cao sự đồng lòng, nhất trí của tập thể sẽ mang lại chiến tích hay thành công. Tuy nhiên, liệu đó có phải là đoàn kết thật sự hay chỉ là bề nổi, còn phần chìm lại đang che giấu những nỗi sợ của các cá nhân trong nhóm. Groupthink hay tư duy tập thể là một thuật ngữ đề cập đến việc mọi thành viên đều ủng hộ những ý kiến được đưa ra cho dù sự thật là họ không đồng tình. Tại sao điều này lại xảy ra, nguyên nhân và cách tránh Groupthink là gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết sau đây.

Groupthink là gì?

Groupthink có nghĩa tiếng Việt là tư duy tập thể, đề cập đến xu hướng mọi người nhất trí đồng tình những quan điểm hoặc quyết định được đưa ra. Các thành viên lựa chọn sự đồng thuận của nhóm thay vì phản biện hay đưa ra quan điểm của cá nhân. 

Tư duy tập thể là gì? Nguồn video: MinuteVideos

Khi tư duy tập thể xảy ra, mọi người chọn bỏ qua suy nghĩ của mình để tuân theo ý kiến của số đông. Hành động này có thể khiến nhiều người cảm thấy dễ chịu, an toàn vì thể hiện được tinh thần đồng đội. Nhưng thật không may, Groupthink cũng ngăn cản tư duy phản biện trước những ý tưởng thiếu sáng tạo hay thậm chí có hại cho tổ chức.

Hiện tượng tâm lý này đặc biệt phổ biến ở những nhóm nhỏ có tính gắn kết cao. Sự gắn kết này sẽ tạo ra một môi trường im lặng, các thành viên không lên tiếng khi có những quan điểm trái ngược nhau. Có thể nói Groupthink là sự thất bại tập thể trong việc tư duy độc lập.

groupthink là gì
Groupthink là gì? Thuật ngữ có nghĩa là tư duy tập thể và được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1972 bởi nhà tâm lý học xã hội Irving L. Janis.

Nguyên nhân gây ra Groupthink là gì?

1. Sợ bị tẩy chay

Con người có tâm lý bầy đàn, không ai muốn trở thành người ngoài cuộc trong một nhóm. Do đó, tâm lý lo sợ hậu quả tiêu cực như bị cho ra rìa khi chia sẻ những quan điểm trái ngược khiến nhiều người “ngậm bồ hòn làm ngọt” đi theo đám đông. 

2. Khả năng lãnh đạo kém

Tư duy lãnh đạo “đóng” là công thức hoàn hảo cho Groupthink. Tư duy tập thể thường phổ biến ở các nhóm có người lãnh đạo nắm giữ nhiều quyền lực hay có địa vị cao. Do đó, khi họ đưa ra quan điểm thì mọi người sẽ ra sức ủng hộ và không phản kháng.

3. Thiếu sự đa dạng

Tư duy tập thể ít có khả năng xảy ra hơn khi mọi người có hoàn cảnh khác nhau. Họ thường sẽ có quan điểm và giá trị không giống nhau, do đó thường đưa ra những lập luận đa chiều trong các cuộc thảo luận. Ngược lại, nếu trong nhóm đều là những nhân viên có nền tảng và giá trị tương tự thì họ sẽ tự cho mình là vượt trội, người ngoại ban là thấp kém. Những ý kiến trái chiều thậm chí bị cho là không đáng để xem xét.

4. Thiếu thông tin

Nếu các thành viên thiếu thông tin về chủ đề đang thảo luận, nhiều khả năng họ sẽ suy nghĩ theo số đông và đồng ý với bất kỳ điều gì được trình bày. Ngoài ra, nhận thức về những cá nhân có trình độ cao hay giỏi hơn người khác cũng dễ dẫn đến hiện tượng này.

5. Căng thẳng

Áp lực, căng thẳng có thể khiến các thành viên chấp nhận, đồng thuận miễn là cuộc thảo luận kết thúc.

groupthink là gì
Nguyên nhân gây ra Groupthink là gì? Nỗi sợ bị tẩy chay khiến nhiều người im hơi lặng tiếng và đi theo số đông.

Tác động của lối tư duy tập thể

Khi cả nhóm rơi vào bẫy tư duy tập thể, tư duy độc lập sẽ bị mai một để tạo ra sự hòa hợp giả tạo ở nơi làm việc. Một môi trường như vậy sẽ không tạo điều kiện cho những ý tưởng khác nhau được đưa ra hay đề xuất giải pháp tốt hơn cho vấn đề. Dưới đây là những tác động của tư duy nhóm trong môi trường công việc:

– Thiếu tính sáng tạo, đột phá.

– Mù quáng trước những ý tưởng thiếu sáng suốt.

– Quá tự tin vào quyết định của nhóm.

– Bỏ qua những thông tin quan trọng, ý tưởng khác biệt.

– Không sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến trái chiều.

– Phớt lờ, thậm chí cười nhạo những hướng đi mới.

Một ví dụ về hậu quả của tư duy nhóm trong kinh doanh là Kodak. Đây là thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ máy ảnh cho đến khi sụp đổ vào năm 2012 vì sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số. Thời điểm đó, Kodak vẫn giữ quan điểm rằng máy ảnh analog vượt trội hơn so với kỹ thuật số. Một cựu giám đốc điều hành cho biết ban lãnh đạo công ty đã phớt lờ nghiên cứu cho thấy họ có 10 năm để chuẩn bị cho máy ảnh kỹ thuật số. Sau đó, tiếp tục đầu tư mù quáng vào công nghệ máy ảnh cũ và dẫn đến việc họ nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2012. 

groupthink là gì
Từng đi đầu trong lĩnh vực máy ảnh, nhưng Kodak đã phá sản vào năm 2012 vì tư duy tập thể.

Các dấu hiệu của Groupthink là gì?

Đa số các trường hợp tư duy tập thể đều có một điểm chung là mù quáng về sự bất khả xâm phạm. Nhà tâm lý học xã hội Irving Janis đã đưa ra 8 dấu hiệu của Groupthink bao gồm:

– Tính bất khả xâm phạm: các thành viên ảo tưởng về những ý tưởng, quyết định của nhóm dẫn đến kết quả là phải chịu những rủi ro không cần thiết.

– Hợp lý hóa: trong quá trình ra quyết định nhóm, các thành viên sẽ đưa những lập luận để phản bác lại ý kiến trái chiều hoặc để ủng hộ ý kiến đã chọn.

– Phớt lờ yếu tố đạo đức: niềm tin và đạo đức cá nhân bị coi thường, mọi quyết định đều được cho là đúng đắn. Ngoài ra, ý nghĩa của các đánh giá của nhóm cũng bị bỏ qua.

– Định kiến người ngoài: các thành viên trong nhóm coi những người không thuộc nhóm, tổ chức của họ là thiếu hiểu biết.

– Gây áp lực cho những người bất đồng ý kiến: nếu có ai đó phản bác lại quan điểm của nhóm, các thành viên còn lại sẽ gây áp lực để khiến họ im lặng. Kết quả là nhiều người không dám lên tiếng vì sợ bị tẩy chay hoặc đánh giá là không trung thành.

Xem thêm: Hiệu ứng tâm lý đám đông là gì? Nguồn sức mạnh tích cực hay con dao hai lưỡi?

groupthink là gì
Gây áp lực là cách cách tư duy tập thể khiến người có ý kiến trái chiều phải im lặng.

– Tự kiểm duyệt: ngoài việc kiểm duyệt đồng nghiệp, mỗi người cũng sẽ tự kiểm duyệt bản thân. Họ sẽ ngừng phát biểu ý kiến khi nhận thấy quan điểm của mình mâu thuẫn với quan điểm chung của nhóm.

– Thống nhất: các thành viên tuân theo quan điểm của số đông. Sự im lặng được xem là đồng ý trong các cuộc thảo luận.

– Người bảo vệ: một số thành viên đóng vai người bảo vệ, đảm bảo rằng những ý kiến trái chiều sẽ không đến tay nhà lãnh đạo và các thành viên khác bất kể đó có phải là thông tin hữu ích hay không. 

Cách để tránh và ngăn chặn Groupthink là gì?

Tư duy nhóm là một thói quen được hình thành vững chắc theo thời gian. Tuy nhiên, với tư cách là nhà lãnh đạo, quản lý bạn có thể thay thế tư duy tập thể bằng thói quen tư duy độc lập. Điều này sẽ mang đến lợi ích cho nhóm với sự phản biện đa chiều, mang tính đóng góp hơn là sự nhất trí miễn cưỡng. Dưới đây là một số cách giúp ngăn chặn tư duy tập thể:

1. Tạo môi trường làm việc mang tính chia sẻ

Nếu văn hóa công ty hướng đến sự tin tưởng, ủng hộ mọi ý tưởng, khuyến khích chia sẻ thì nhân viên có nhiều khả năng sẽ đưa ra những giải pháp tích cực hơn. Để tạo ra môi trường làm việc này, với tư cách là nhà lãnh đạo bạn có thể:

– Phân tích các thông tin đưa ra khách quan.

– Chủ động đưa ra những quan điểm thay thế trong các cuộc thảo luận.

– Ủng hộ những nhân viên bày tỏ ý kiến trái chiều.

– Khuyến khích những phản biện mang tính xây dựng.

Xem thêm: 4 cách phát huy kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả nơi công sở

groupthink là gì
Môi trường làm việc tự do chia sẻ, trình bày quan điểm là giải pháp để ngăn chặn tư duy tập thể.

2. Đánh giá cách giao tiếp

Hành động này giúp nhà lãnh đạo nhận thấy cách tương tác của mình với các thành viên trong nhóm có phù hợp hay không. Hãy thử viết ra cách bạn thu thập thông tin ra quyết định trong các cuộc thảo luận gần đây. Sau đó, suy ngẫm về những hành động mà bạn chọn để giải quyết vấn đề. Nếu nhận thấy mình chỉ giao tiếp với các thành viên trong nhóm có nhiều ý kiến đóng góp nhất, hãy thử tương tác nhiều hơn với những người ít bày tỏ quan điểm ở cuộc họp tiếp theo. Điều này sẽ tạo sự gắn kết hơn và mọi thành viên đều cảm thấy đóng góp của họ có giá trị.

Xem thêm: Nguyên tắc vàng giúp bạn đạt 10 điểm thanh lịch khi giao tiếp với đồng nghiệp

3. Chấp nhận cả sự đồng thuận và xung đột của cuộc tranh luận

Là nhà lãnh đạo hay quản lý, bạn cần có khả năng đóng góp cho cả 2 luồng ý kiến trong một cuộc tranh luận. Sự phản biện sẽ mang lại những góc nhìn đa chiều với ưu nhược điểm mà cả bạn và các thành viên đã bỏ qua. Việc khuyến khích các thành viên tranh luận sẽ giúp xây dựng nhóm theo hướng tích cực. Ngoài ra, bạn còn có thể đánh giá được năng lực của các thành viên qua những đóng góp của họ, từ đó giúp họ phát triển hơn và trao quyền trong những trường hợp cụ thể.

Xem thêm: Cầm quyền và trao quyền: Đâu mới là nước đi đúng đắn trong ván cờ quản lý nhân sự?

groupthink là gì
Khuyến khích các thành viên tham gia thảo luận sẽ giúp phát triển tư duy độc lập và hạn chế tư duy tập thể.

Nhìn chung, tư duy tập thể là một trở ngại để làm việc nhóm hiệu quả vì cản trở các cá nhân tư duy độc lập và đưa ra những phản biện cần thiết. Để ngăn chặn tâm lý này, một môi trường làm việc tích cực, tin cậy và tôn trọng là điều cần thiết. Qua bài viết này, hy vọng đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về Groupthink là gì. Để tìm môi trường làm việc phù hợp, hãy truy cập Việc Làm 24h với hàng ngàn cơ hội ở nhiều ngành nghề khác nhau đang chờ đón bạn.

Xem thêm: Silent Treatment là gì? Virus ngấm ngầm phá hủy các mối quan hệ của bạn

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục